Vụ án người cắt ngón tay cái

Thứ Ba, 11/01/2022, 14:50

Sáng hôm sau khi vừa thức dậy, ông nghe thấy chuyện đã xảy ra ở huyện thành. Tối hôm qua, khi Tri huyện uống rượu ở Uyển Hoa Lâu bị người ta cắt mất ngón tay cái. Ông chủ Triệu mặt biến sắc lập tức vào trong nhà tìm cái gói của Tôn Phương nhưng giật mình toát mồ hôi vì cái gói đó đã không cánh mà bay, ông nghĩ có lẽ Tôn Phương lấy nó rồi nhưng vừa định đi tìm anh ta thì nghe thấy ngoài cửa có tiếng ồn ào.

Vào thời Gia Tĩnh, huyện thành Bình Dương có một quán trọ gọi là Đức Bảo Ký, ông chủ tiệm Triệu Nhân Tín là một người có học, viết chữ rất đẹp.

Công việc kinh doanh của quán trọ luôn phát đạt nhưng gần đây ở huyện Bình Dương đã xảy ra nhiều vụ án kỳ lạ. Thủ phạm không lấy tiền, không đòi mạng sống của người ta nhưng lại lấy đi “ngón tay cái”.

Sáng hôm nay, Bảo Đức Ký tiếp đón một vị khách. Người đàn ông này khoảng 40 tuổi, mặc một chiếc áo choàng cũ kỹ nhưng rất sạch sẽ và dáng vẻ giống như một thư sinh đang thất vọng. Người khách tên là Tôn Phương thuê một gian phòng, sau khi chủ quán đăng ký vào sổ, Tôn Phương đến cạnh ông chủ Triệu nói nhỏ: “Ông chủ, tôi có cái túi cần được ông cất kỹ cho”.

Ông chủ Triệu nói: “Được thôi, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho ông”.

z3084521159951_5f15d9db68faf75571f5b2e0194b46de.jpg -0
Minh họa: Thành Chương

Tôn Phương lấy từ trong người ra cái túi lụa nhỏ, ông chủ Triệu sợ trong cái túi có thể là của quý gì đó nên nói: “Quý khách, để tránh tranh chấp sau này ông nên mở ra cho tôi xem”. 

Tôn Phương chậm rãi hé cái túi ra, ông chủ Triệu nhìn vào kẽ hở bỗng giật mình vì bên trong có mấy cái xương ngón tay ngắn và to, không nghi ngờ gì nữa đây là xương ngón tay cái người. Tôn Phương cười hỏi: “Ông chủ nhìn thấy đồ vật rồi chứ?”. Ông chủ Triệu hoảng sợ gật đầu, vội vàng gọi người kế toán là Vương Nhị đưa Tôn Phương đi nhận phòng. Ngay sau khi Tôn Phương đi khỏi ông chủ Triệu mang cái gói đồ của khách cất đi. Khi trời tối, Tôn Phương ra khỏi nhà trọ và sáng hôm sau mới trở về. Ông chủ Triệu thấy anh ta dáng vẻ mệt mỏi, hai mắt đỏ ngầu hình như cả đêm không ngủ nên hỏi: “Quý khách, đêm qua anh đi đâu vậy? Tôi thấy lo cho anh”.

Tôn Phương gật đầu nói: “Cám ơn ông quan tâm, thành phố vẫn luôn bình yên ông đừng lo lắng cho tôi”.

Ông chủ Triệu lắc đầu nói: “Qúy khách, anh có thể chưa biết, Bình Dương xưa nay sống thật thà, chất phác nhưng mấy năm nay tri huyện mới đến mở sòng bạc, nhà chứa nên nhiều người khuynh gia bại sản, vợ chồng ly tán, đi theo nó là nạn trộm cắp, cướp của hoành hành”.

Tôn Phương cau mày hỏi: “Làm sao chính quyền có thể cho phép những thứ đó   tồn tại?”. Ông chủ Triệu trả lời: “Mọi thứ không thể tách rời hai chữ quyền và tiền”.

Tôn Phương nghe rồi thở dài không nói và trở về phòng. Đến chập tối, anh ta lại ra ngoài, ông chủ Triệu vội ra khỏi nhà trọ bám theo anh ta. Khi đến một góc phố thì không thấy hình bóng của Tôn Phương đâu. Sau hai vòng đi đi lại lại ông chủ Triệu bỗng nghe thấy tiếng ồn ào ở đằng sau, ông quay đầu lại nhìn thì thấy Tri huyện dẫn ba bốn nha dịch đi đến. Tôn Phương cũng ngây người khi nhìn thấy ông chủ Triệu nhưng không dừng bước mà tiếp tục đi. Ông chủ Triệu thấy bọn họ đi vào một kỹ viện gọi là “Uyển Hoa Lầu”. Tôn Phương đứng bên ngoài một lúc sau đó cũng đi vào kỹ viện nhưng bị người ta ngăn lại. Tôn Phương không rời đi mà ẩn mình một chỗ tối ở trước cửa kỹ viện. Không lâu sau, một chiếc kiệu tám người khiêng tiến vào kỹ viện, ông chủ Triệu sinh nghi: “Một số quan viên tụ tập ở đây vậy có chuyện gì”, khi ông ngẩng đầu lên thì không thấy Tôn Phương đâu nữa.

Sáng hôm sau khi vừa thức dậy, ông nghe thấy chuyện đã xảy ra ở huyện thành. Tối hôm qua, khi Tri huyện uống rượu ở Uyển Hoa Lâu bị người ta cắt mất ngón tay cái. Ông chủ Triệu mặt biến sắc lập tức vào trong nhà tìm cái gói của Tôn Phương nhưng giật mình toát mồ hôi vì cái gói đó đã không cánh mà bay, ông nghĩ có lẽ Tôn Phương lấy nó rồi nhưng vừa định đi tìm anh ta thì nghe thấy ngoài cửa có tiếng ồn ào.

Khi ra ngoài, ông vô cùng sửng sốt thấy Tôn Phương bị nha dịch bắt đang chuẩn bị dẫn di. Ông bước đến hỏi: “Sao lại bắt anh ta?”. Nha dịch nói: “Ông chủ, ông biết anh ta là ai không? Nói cho ông biết hắn là kẻ "Cắt ngón tay" đấy”.     

 Ông chủ Triệu bất giác ngây người: “Cái gì? Có lẽ các ông nhầm rồi?”.

“Không thể nhầm được, Vương Nhị ở nhà trọ của ông đưa cho chúng tôi bằng chứng”. Nha dịch giơ cái gói của Tôn Phương ra nói: “Chứng cớ rõ ràng, cái gói này có phải của anh ta không?”. 

Sau khi nha dịch dẫn Tôn Phương đi, Vương Nhị cười nhăn nhở đi đến nói với ông chủ Triệu: “Tôi chưa nói với họ là cái gói xương này lấy được ở trong phòng của ông, nếu không thì ông cũng không thể đứng yên ở đây được đâu? Ông biết rõ ràng rằng anh ta là kẻ "Cắt ngón tay" nhưng vẫn cho anh ta ở trọ và lại cất giấu chứng cớ phạm tội? Sao ông không đi báo quan?”.

Ông chủ Triệu dường như hiểu được Vương Nhị đang cần gì nhưng vẫn hỏi: “Anh muốn thế nào?”.

Vương Nhị đắc ý nói: “Tôi muốn cái nhà trọ này”.

Ông chủ Triệu nhíu mày một lúc lâu mới thở một hơi dài rồi gật đầu hứa sẽ giao nhà trọ cho Vương Nhị. Sau khi viết xong giấy giao kèo, ông lập tức đến nha môn, bỏ tiền cho bọn nha dịch để được gặp Tôn Phương. Trong nhà giam, người Tôn Phương đầy vết bầm tím, ông chủ Triệu bí mật hỏi Tôn Phương: “Vậy cuối cùng anh là ai?”.

Tôn Phương nói: “Tôi là người mà ông đang mong đây”. Ông chủ Triệu giật mình, vội quỳ xuống bái Tôn Phương. 

Đêm hôm đó, Vương Nhị quá sung sướng vì tự nhiên có được cái nhà trọ Đức Bảo Ký nên ngay trong đêm đã không kìm được niềm vui mang bạc vào huyện thành đánh bạc nhưng đến nửa đêm thì thua nhẵn túi. Hắn vừa đi vừa chửi, đi về nhà trọ đột nhiên một cơn gió lạnh thổi đến làm anh ta tối sầm mắt mũi và ngã nhào xuống vệ đường. Không biết qua bao nhiêu lâu, một cơn đau đột ngột làm anh ta tỉnh lại, khi giơ tay lên thì phát hiện ngón tay cái không còn nữa... Ngón tay cái của Vương Nhị bị cắt mất chứng tỏ Tôn Phương không phải là kẻ “Cắt ngón tay” vì đêm hôm đó anh ta đang bị giam ở nha môn. Nghe nói vì chuyện này mà Triều đình rất phẫn nộ đã cử người về áp giải Tôn Phương lên tỉnh để Tri phủ trực tiếp xử vụ án này. 

Mấy hôm sau, Tri phủ đích thân đến Bình Dương, ông lệnh cho Tri huyện và các quan chức trong thành đến nha môn để xem xét xử. Khi vị Tri phủ thăng đường, các quan viên ngồi phía dưới mặt run lên vì sợ hãi: Vị Tri phủ lại chính là Tôn Phương! Tri phủ Tôn Phương không xét xử vụ án kẻ “Cắt ngón tay” mà xét xử các vụ bê bối tham nhũng của quan lại Bình Dương. Ông đưa ra rất nhiều bằng chứng khiến các quan lại tham ô hủ bại không thể chối cãi và nhiều quan lại trong huyện bị bắt ngay tại chỗ, có điều đáng ngạc nhiên là trong đó có hơn một chục quan lại không có ngón tay cái. Sau khi xét xử xong vụ án, Tri phủ Tôn Phương đến nhà trọ của ông chủ Triệu uống rượu. Ông chủ Triệu không nhịn được hỏi: “Tôn đại nhân, ngài biết tôi là người "Cắt ngón tay" từ khi nào?”. 

Tri phủ Tôn Phương cười nói: “Khi tôi mới nhậm chức, một đêm đã có người xông vào phủ để lại một con dao và gửi một cuốn sách kể cho tôi nghe về tình hình ở Bình Dương. Mặc dù bức thư vô danh, nhưng nét chữ như rồng bay phượng múa. Sau đó tôi đã bí mật tìm hiểu những người viết chữ đẹp ở Bình Dương lấy chữ ra để so sánh nên biết ngay là ông”. 

Ông chủ Triệu vẫn có một điều chưa hiểu nên lại hỏi: “Đại nhân là Tri phủ tại sao lại đến Bình Dương một mình và khi gặp nạn lại không lộ thân phận?”.

Tôn Phương nói: “Chuyện này rất phức tạp, sau khi nhận được thư của ông, tôi đã cáo ốm để đi Nam Thành nhưng vẫn có tin đồn. Đêm hôm đó ông nhìn thấy một số quan lại tập trung ở Uyển Hoa Lâu là để bàn cách đối phó, nếu danh tính của tôi bị lộ thì liệu tính mạng có còn không? Vậy tốt hơn hết là mượn thân phận của ông bởi vì tôi biết ông sau khi xem cái gói ông cũng mang máng biết thân phận tôi và nhất định  sẽ cứu tôi”.

Ông chủ Triệu có chút ngạc nhiên: “Sao ông lại khẳng định rằng tôi sẽ đến cứu ông?”.

“Vì ông đã dám cắt ngón tay của những quan lại hủ bại, tham nhũng thì không phải là người tham sống sợ chết”. Tôn Phương nhấp một ngụm rượu rồi cười nói: “Đương nhiên, chỉ như thế này thôi chưa đủ để tôi phải mạo hiểm, điều quan trọng là tôi tin ông vì ông căm ghét bọn quan lại hủ bại. Ông là một dân thường đã không sợ nguy hiểm dám trừng trị những tên quan lại hủ bại thì tôi là một viên quan của Triều đình làm sao có thể tham sống sợ chết được?”.

Ông chủ Triệu cung kính nói: “Tôi tự răn mình luyện giỏi cả văn và võ để phục vụ đất nước. Tôi cắt ngón tay cái là để cảnh cáo bọn chúng, đồng thời nó cũng là một dấu tích ghi lại tội chứng của bọn chúng đợi ngày nào đó khi thanh quan xuất hiện sẽ đưa bọn chúng ra công đường. Đúng là ông trời đã có mắt và Tôn đại nhân đã đến”.  

“Sở dĩ vụ án này được giải quyết nhanh chóng như vậy là do bằng chứng mà ông giữ được, nếu bản thân tôi thì e rằng không đơn giản như vậy”. Tôn Phương nói và lấy cái gói trong người đưa ra trước mặt ông chủ Triệu: “Nếu làm quan muốn tham lam thì mất cả hai tay họ vẫn làm. Để trừng phạt những quan lại hủ bại, tham nhũng, phải lấy luật pháp làm gốc và cần phải tuân theo pháp luật”. 

Trong đêm đó, ông chủ Triệu đến bên bờ sông ném con dao găm và cái gói xuống sông ...

Nguyễn Thiêm (dịch)

Lục Vinh Quý (Trung Quốc)
.
.
.