Sự sống
Mưa lạnh và sự tê buốt như siết chặt từng thớ đất Mận Sơn, siết chặt từng thớ gân, tủy bơ vơ của Toàn. Toàn ngã lưng trên tấm nệm nhỏ, đắp vội cái mền cũ, co gối để chống chọi lại cái lạnh. Trốn trên vùng nông trang heo hút, lạnh ngắt, có một chỗ ngả lưng, được vùi người trong mềm đã là một điềm sống. Mùa đông sắp đến nên Toàn càng sợ, khi những bước chân lạnh cóng, chậm chạp, nặng trịch giữa các luống bắp cải.
Toàn lật tờ bản đồ thế giới ở trang đầu quyển sổ tay, nhìn vào vùng quê Trà Vinh nhỏ bé, chỉ cách Đài Loan (Trung Quốc) một đốt ngón tay, nhưng đường về xa như từ miền biên viễn của Nga đến Mũi Hảo Vọng (Nam Phi).
Toàn nhìn bản đồ, tâm trí dù bị nén chặt trong cánh rừng bất an, nhưng vẫn như có khe nước nhỏ trong vắt, ngấm lan qua từng gốc cây thô cằn. Dòng nước cứ chảy, cứ chảy, chậm chạp nhưng không ngưng lại, thấm ướt mảnh đất mặn khô, nứt nẻ trong lòng Toàn. Có lẽ, tình yêu địa lý là đầu nguồn của dòng nước...
Khi sự tươi mát của dòng nước qua đi, Toàn gấp nhanh quyển sổ tay, nhìn ra lỗ thông gió của căn nhà trọ, chỉ có màn đêm, tiếng gió và lâu lâu vọng lại âm thanh tiếng Việt, tưởng như là âm thanh đã bén rễ sâu xuống vùng Mận Sơn lạnh lẽo. Tiếng Việt vang ra từ những căn chòi ọp ẹp, vách dựng bằng tôn thiếc, nền tráng xi măng sần sùi, lạnh, giống như căn phòng của Toàn.
Mưa lạnh và sự tê buốt như siết chặt từng thớ đất Mận Sơn, siết chặt từng thớ gân, tủy bơ vơ của Toàn. Toàn ngã lưng trên tấm nệm nhỏ, đắp vội cái mền cũ, co gối để chống chọi lại cái lạnh. Trốn trên vùng nông trang heo hút, lạnh ngắt, có một chỗ ngả lưng, được vùi người trong mềm đã là một điềm sống. Mùa đông sắp đến nên Toàn càng sợ, khi những bước chân lạnh cóng, chậm chạp, nặng trịch giữa các luống bắp cải. May còn cái áo gió dày của anh Phương, đồng hương Trà Vinh cho lúc về nước, Toàn có cái để thay qua thay lại...
*
Thẻo đất gầy gò của nhà Toàn không thể trồng cam được nữa. Toàn nhìn thấy những nhánh cam bị rục úng đau đớn. Lá cam cứ tàn xám dần, chết rụng, làm xác xơ thêm màu đất. Sự sống trong đất đã bị sự chết xâm lấn.
- Tía muốn cho con đi học lắm, nhưng giờ mình phải kiếm cái ăn để sống qua ngày, con à! - Tía nói với Toàn khi hai cha con đứng nhìn đám cam đang chống chọi với cơn nhiễm mặn, như vừa đến tối qua.
Lòng Toàn cũng như đang nhiễm mặn, lực sống bị kìm siết khi vừa nhú lên. Toàn nói với tía một cách yếu ớt:
- Hay con ráng vừa học vừa đi làm, sau này con ra trường, có nghề mới lo được cho tía, cho má.
- Thà rằng con học mấy ngành kinh tế, kiếm việc nó dễ, còn học địa lý thì tía sợ con không có việc làm. Học tốn thời gian, tốn tiền bạc. Cuộc đời sau này cũng vật vờ lắm, con!
Toàn im lặng, im lặng như đất im lặng không kháng cự được sự xâm lược bạo ngược của những luồng nước mặn. Ước mơ được học về những vùng đất như những nhánh cam trước mắt Toàn, bị úng mục dần, không còn sợi gân sống.
*
"Hay cho thằng Toàn qua Đài Loan đi cậu, làm hồ sơ để nó hợp pháp đi qua, hết hợp đồng thì chạy lên con, trốn ở lại làm cho mấy chủ vườn, ngày cũng kiếm được một triệu trong ngoài, có bữa được hơn".
Anh Từ, anh họ Toàn từ Đài Loan gọi điện về. Anh trốn lại ở một vùng núi cao để làm vườn thuê, đã tám năm không về. Tiền anh gửi về, cô dượng sửa được cái nhà, chuộc lại miếng đất lúc cầm cố để làm thủ tục cho anh đi. Lâu lâu anh Từ còn gửi về cho Toàn mấy cái thun có in hình tháp Đài Bắc 101, thơm phức. Toàn cũng ngưỡng mộ sự hiếu thảo của anh Từ. Từ ngày anh đi, gia đình cô dượng như có sự sống mới.
Có phải tiền bạc và sự hiếu thảo cũng là một dạng thức khác của sự sống.
Tía quyết định đi cầm miếng đất để làm thủ tục cho Toàn đi Đài Loan. Toàn lên máy bay, vác theo khoản nợ của tía má. Thửa đất nhiễm mặn như nằm kêu cứu, chờ Toàn về chuộc lại...
Toàn được môi giới làm thợ hồ. Nhìn những anh người Việt khác đang đứng cheo leo trên giàn giáo, Toàn khiếp sợ cho sự mỏng manh của mạng người.
Sau ba tháng chống chọi với cuộc sống công trường, Toàn đã dần hít trôi hơi thở của Đài Loan, mũi đã quen dần rau xào, mùi thịt paigu (sườn chiên), mùi cơm kongrou (thịt kho tàu). Toàn cũng dần đỡ nhớ cá sông kho tiêu, canh chua và bánh mì thịt. Cơ thể của Toàn to tê, da thịt cứng cáp như đất quê nên mau thích nghi với công việc thợ hồ. Mỗi tháng nhận lương, trả cho công ty môi giới, mua cơm, Toàn chỉ còn vài ngàn tệ gửi về nhà. Toàn ngồi đếm tiền, cứ ít ỏi như vậy thì chắc không đủ tiền chuộc lại đất.
Các anh rủ Toàn tập hút thuốc, để có chút cocain, giúp tạm quên sự cơ cực và đơn độc.
- Nếu hút thuốc thì tốn thêm bao nhiêu tệ vậy anh?
- Thuốc lá ở đây mắc, gần 100 tệ một gói. Anh hút nhiều nên một ngày cũng hết một gói. Một tháng sương sương cũng hết 3 ngàn tệ. Tốn quá, nhưng không hút không chịu nổi em à, không đủ sức làm, nhất là những ngày đông lạnh buốt tới xương trong. Thuốc lá như nguồn cứu sống anh hiện tại vậy...
Toàn biết, bên trong mình có nguồn sống khác, vẫn rì rì chảy, đưa Toàn thoát ly những vất vả, đơn độc và cám dỗ.
*
- Em có muốn đi sân bay tiễn anh Phương về nước không? - Anh Bàn hỏi Toàn lúc hai anh em tan ca về phòng.
- Ủa, anh. Sao anh Phương đang làm mà về, cũng ổn mà anh?
- Phương bị bắt. - Anh Bàn trả lời gọn lỏn, một chút âu lo pha vào giọng nói - Rồi chắc mai mốt cũng tới lượt anh. Thôi, giờ phận dân lao động trốn chui trốn nhủi, kiếm được thêm đồng nào hay đồng đó.
- Dạ, để em coi thử...
- Ừa, em có đi thì nhắn Phương nói anh chúc nó về mạnh giỏi, gửi giùm cho nó 1.000 tệ, nói anh không ra được vì sợ cảnh sát hỏi giấy tờ.
- Dạ, anh có mua gì không, sẵn tiện em mua về cho?
- À, mua giùm anh chai nước mắm. Nếu có ngang chợ thì ghé sạp mấy chị Việt Nam mua giùm anh 30 tệ rau răm.
- Dạ.
Trong dòng hành khách xếp hàng chuẩn bị làm thủ tục lên máy bay chuyến Đào Viên - Tân Sơn Nhất, một nhóm cảnh sát Đài Loan áp giải anh Phương. Tay của anh bị gong lại bằng còng số tám, màu thiếc bạc, lạnh lẽo, lan ra không khí tù tội. Toàn đi song song với anh, chân bước xuyên qua những ánh nhìn ngang dọc trong sân bay ngày trưa đông đúc.
- Anh Phương, anh Bàn gửi anh 1.000 tệ, em gửi anh 500 tệ, lúc xuống sân bay lấy tiền đón xe về Trà Vinh ăn tô bún nước lèo. Em mới đi đổi tiền Việt cho anh luôn rồi. Anh Bàn gửi lời chúc anh về mạnh giỏi. Có dịp về quê, mấy anh em mình ra công viên Trà Vinh ngồi lại uống cà phê.
Toàn nhét vào đôi tay đang bị còng của anh Phương, bàn tay anh đen khô, nhiều sẹo. Móng tay dài, dính đất, chưa kịp cắt.
- Anh cảm ơn! Em cũng ở lại mạnh giỏi nha, nhắn anh Bàn cho anh gửi lời cảm ơn. Mấy anh em Trà Vinh dựa nhau mà sống. Lát chiều anh về nước là được làm người hợp pháp rồi.
Tới miệng ống dẫn lên cửa máy bay, anh Phương được cảnh sát tháo còng.
- Anh trai Việt Nam, anh kia gửi anh cái áo ấm - cảnh sát đưa Toàn cái áo ấm.
- Gửi em cái áo, bên này mùa đông lạnh lắm, em nhớ mặc thêm đi làm để khỏi bị bệnh. Anh về nước rồi, không cần áo ấm nữa! - Anh Phương nói vọng ra từ họng cửa lên máy bay.
*
Ba năm sắp trôi qua. Gương mặt tuổi mới lớn của Toàn cứng cáp và có vài vết thẹo do gạch rơi trúng. Đất ở Trà Vinh vẫn mặn, những cây cam vẫn không trổ nổi một nhánh mới. Cá trên sông cũng chết do nước độc. Thẻo đất châu thổ xứ Toàn tựa thớ đất chết. Mấy ngàn tệ Toàn gửi về mỗi tháng, tía má phải dùng mua gạo, cá, thuốc cao huyết áp và thuốc khớp. Phần tiền để dành chuộc đất cứ ít dần, ít dần...
"Hay em lên trên Mận Sơn đi, anh em phụ hợ sống. Trên này cũng làm vườn, làm rau hệt như xứ mình, dễ òm, nhằm nhò gì. Có khi tính ra, làm còn nhẹ hơn dưới miệt mình. Chứ giờ em về tiền đâu mà chuộc đất, tiền đâu nuôi cậu mợ. Gia hạn hợp đồng vừa tốn kém, vừa nhiêu khê lắm, rồi làm mòn xương mòn da, cũng không tích cóp được bao nhiêu. Trên đây có nhiều người trốn lên, nên ai cũng giống ai, gặp nhau không phân biệt, không hổ thẹn. Ít khi bị bắt, trừ khi ai chơi xấu đi báo thôi!" - Anh Từ gọi cho Toàn, giọng nói run lạnh vì đang là mùa đông.
Ngày mai thẻ cư trú của Toàn sẽ hết hạn.
Ngày đầu đông, Đài Loan nắng đẹp, trời xanh. Những dãy núi tĩnh lặng, im lìm trong những màn sương sớm. Những con chim thong dong nhảy nhót trên lề đường vì ở đây không ai làm hại chúng. Toàn bắt tàu từ Tân Bắc về phía Nam, Toàn dừng ở ga tàu của thành phố nhỏ. Mỗi bước chân đều nghe thấy âm thanh tiếng Việt, tiếng của chị giúp việc trong tiệm ăn sáng, tiếng nói chuyện ồn ào trên vỉa hè buổi sáng. Toàn thấy những anh người Việt ngồi chồm hổm dọc đường, vừa hút thuốc, vừa nói chuyện, vừa nhổ nước bọt dọc con đường gần ga tàu. Mùi thuốc lá dường như mùi của con đường.
"Thôi nha, tao đi ăn cháo lòng cái đã". Toàn nghe tiếng gọi điện của một anh người Việt sau lưng, rồi lặng lẽ đi theo tới quán cháo lòng vì thèm món quê. Nhai vừa xong miếng ruột non cuối cùng, Toàn lên xe hướng đi núi Mận Sơn.
*
Lần đầu Toàn hiểu thế nào là cái lạnh thấu xương trong. Những ruộng bắp cải đông đá, chờ nắng lên mới cắt được. Anh Từ siêng năng, chạy đủ việc, từ hái lá trà, xịt thuốc, bao trái đào, tối mịt mới về tới nhà.
Toàn giờ là người cư trú bất hợp pháp, đôi chân đi rụt rè hơn, đôi mắt nhìn hoảng sợ hơn. Người người chạy xe ngang dọc trên những con đường núi hẹp, cũng là những người trốn chạy.
Một xóm người Việt ẩn mặt...
Toàn theo anh Từ đi cắt bắp cải. Anh Từ vừa cắt vừa ngậm điếu thuốc, cắt không ngơi tay:
- Em tập làm nhanh lên, vì mình lãnh công, nên xong vườn này tranh thủ chạy vườn khác, mới kiếm thêm được. Mình là dân hắc công nên tranh thủ làm được ngày nào thì hay ngày đó...
- Sao người ta gọi mình là hắc công vậy anh?
- Là lao động phi pháp, không giấy phép đó em, chắc là giống người phải sống trong bóng đêm, nên toàn bóng đen trùm lên người.
Toàn biết giờ mình là một hắc công. Toàn nhìn ra trước mắt, bốn bề là núi, vườn trái cây đượm mùi hoang vu, chỉ có tiếng gió lạnh, không có âm thanh của cuộc sống con người.
Tan làm về, Toàn nằm dài trên giường. Mỗi ngày dầm dề ngoài ruộng bắp cải nhưng mồ hôi không đổ nổi vì lạnh. Chưa kịp ngủ sâu giấc, anh Từ lại khều Toàn tranh thủ ăn tô mì tôm, rồi đi cắt bắp cải. Toàn nhắc người dậy, như một xác người đi.
Xung quanh Toàn là màu đen. Gió lạnh cũng rình mò thổi vào trong bóng đêm. Toàn bước rụt rè ngang qua đồn cảnh sát và nơi đông người. Toàn sợ bị bắt, khi mảnh đất vẫn chưa đủ tiền chuộc. Cũng là một màn đêm khác, lạnh ngắt tâm trí...
Toàn tiếp tục đi, bước chân gầy gò hơn, vì đồ ăn trên núi khó ăn hơn dưới Tân Bắc. Toàn đủ lớn để nhận ra cuộc sống mình đang thiếu dần sự sống.
Tiền làm trên Mận Sơn, Toàn giữ được nhiều hơn vì không phải trả cho môi giới, mỗi tháng cất vào phong thư 1.000 tệ để ngày về có tiền học đại học.
Dưới đôi ủng nhựa của Toàn,
Củ cải kết thịt
Cà rốt kết thịt
Những ụ bắp cải mùa ươm thịt, dàn rộng xuống con dốc như tranh thủ bám từng thớ đất đá để sinh trưởng.
*
Tháng ba, khi những ngày đông tạm bớt lạnh. Toàn ra đồn cảnh sát tự thú mình là hắc công. Toàn cố nói câu tiếng Hoa đã tập cả tuần nay: "Em muốn về nước thi đại học, hãy cho em về sớm để nộp hồ sơ cho kịp!".
Anh cảnh sát trấn an Toàn, hướng dẫn làm thủ tục trục xuất.
Toàn bị tạm giam một tuần trước khi bị áp giải ra sân bay.
Toàn để lại cái áo ấm của anh Phương và một cái áo của mình, nhờ anh Từ chuyển cho anh em nào mới lên Mận Sơn có cái để mặc...
Tay của Toàn bị còng, không phải là còng số tám bằng thiếc lạnh, mà sợi dây vải thắt hình số tám. Toàn cúi mặt, bước đi im lặng, run rẩy giữa dòng người đông đúc ở sân bay Đào Viên trưa. Những bước đi cuối cùng của thân phận hắc công.
Anh Từ đứng núp ở xa. Toàn thấy đôi mắt nhăn của anh đo đỏ nước. Đôi môi tím đen vì khói thuốc mím lại, như muốn nói lời từ biệt...
Tới cửa máy bay, cảnh sát tháo sợi dây vải trên tay Toàn. Máy bay cất cánh, thả xuống thân phận hắc công. Toàn lại nhìn những đám mây bay, ánh mặt trời, biển cả và sông núi trong ánh vàng của nắng. Toàn đưa gang tay lên bản đồ trên màn hình máy bay, đo con đường từ Đài Loan về Trà Vinh. Sự sống lan vào đầu ngón tay...