Sót lại một miền sương

Thứ Hai, 15/07/2024, 11:10

Hơn mười năm trôi qua, nỗi nhục như vết roi quất lên lưng ngựa, lằn ngang, lằn dọc, ứa máu, như một sợi đồng bị nung đỏ luồn sâu vào trong ngực, trong tim. Cứ nhớ là sưng tấy, đau nhức. Nhiều lúc Di muốn lao đầu xuống thác Đá hay lẻn vào rừng tìm mấy lá độc. Nhưng tiếng khóc đòi sữa của cu Lim, cái quờ tay tìm mẹ của bé Nhàn khiến Di bừng tỉnh. Di chết đi, hai đứa con sẽ khổ. Cha mẹ Di cũng đã già, lên dốc đã nghe mỏi gối, xuống suối đã thấy chồn chân rồi.

1.Nơi ấy từ lâu đã không còn thuộc về Di. Nơi ấy từ lâu Di đã chối bỏ và đã trốn chạy. Nhưng cũng chính nơi ấy, đôi lúc khiến Di nhớ về, tựa một miền sương còn sót lại, mơ hồ trong kí ức.

Hơn mười năm trôi qua, nỗi nhục như vết roi quất lên lưng ngựa, lằn ngang, lằn dọc, ứa máu, như một sợi đồng bị nung đỏ luồn sâu vào trong ngực, trong tim. Cứ nhớ là sưng tấy, đau nhức. Nhiều lúc Di muốn lao đầu xuống thác Đá hay lẻn vào rừng tìm mấy lá độc. Nhưng tiếng khóc đòi sữa của cu Lim, cái quờ tay tìm mẹ của bé Nhàn khiến Di bừng tỉnh. Di chết đi, hai đứa con sẽ khổ. Cha mẹ Di cũng đã già, lên dốc đã nghe mỏi gối, xuống suối đã thấy chồn chân rồi.

 Di ngồi ở bậc đá nhìn hút ngọn đồi trước mặt. Mùa này cỏ tranh vươn ngọn, lấn át các loại cỏ khác, cứ xanh rì rì, dập dờn gợn sóng trước từng đợt gió chiều. Và sương như thể đúng hẹn, cứ trôi về, bảng lảng, sà xuống thung sâu, tràn vào sân, len qua từng ngõ ngách. Di hay nghĩ về mùa sương ở chốn cũ nằm sát chân núi. Mỗi mùa trong năm, sương hiện diện theo từng hình thù, màu sắc khác nhau. Sương như có linh hồn, vương vấn cỏ cây, chùng buông, giăng mắc tâm tư con người. Di thở ra màn sương đục. Di lạc vào sương như người mộng du. Cứ thế, Di chìm trong mê mải. Sương khiến Di trôi.

b6caa95ee4bc46e21fad11.jpg -0
Minh họa: Đào Quốc Huy

2.Chồng Di là một tên đê tiện, bất nhân. Ngay đứa con ruột của mình cũng trở thành miếng mồi ngon để người cha hám tiền trục lợi. Nghĩ lại, Di hận hắn vô cùng. Người đàn ông hào hoa, lịch thiệp lần đầu gặp gỡ biến mất chỉ sau mấy ngày hắn đưa Di lên rừng, sống ở khu sinh thái, biệt lập với bản làng.

Di trở thành kẻ ở không công, phục vụ cơm nước cho bọn đàn ông giàu có, tiêu tiền không cần đếm. Họ làm gì trong căn phòng kín, có mấy tên xăm trổ túc trực ngày đêm, Di không biết, mà chị cũng chẳng quan tâm. Di chỉ lo cái bụng ngày càng to lên sau lớp áo. Di cùng mấy người đàn bà nữa, lặng lẽ làm việc và nương nhau mà sống.

Vào kì sương giáng, trời chuyển mùa lạnh căm căm. Một chiếc xe con đỗ xịch bên dốc sỏi. Mấy cô gái trẻ, mặt trát đầy phấn, môi son lòe loẹt, hối hả đi vào. Họ nhìn Di không nói. Di lờ mờ hiểu chuyện nên ôm bụng bầu đi ra phía sau. Tối, hắn mò vào phòng, hờ hững. Khôn hồn thì câm mồm lại. Di sợ hãi lùi vào sát vách, mắt mở to, mong trời mau sáng.

 Chuyện về những cô gái có mặt ở khu sinh thái nằm mãi trong lòng, Di không dám hé răng, dù đôi lần xuống suối, gặp người làng vào rừng kiếm củi về ngang. Họ bảo Di khác xưa. Họ thắc mắc rằng lấy chồng giàu mà sao trông mặt buồn thế.

Di cảm giác tâm hồn mình bị kiềm tỏa, bức bối, nhiều lần muốn hét toáng lên cho hả dạ. Mỗi khi ngang căn phòng kín, Di lắng tai, cũng không nghe thấy gì ngoài tiếng gió hun hút và tiếng lá vàng rơi, đậu khắp hiên ngoài.

3.Mùa sương đi qua, con suối trước mặt nước dâng ngầu đục, lở xói, đá tảng nổi đầy. Di sinh con trong bẽ bàng, đau khổ. Hắn không cho Di báo tin cho cha mẹ. Chỉ có mấy người làm đỡ đần, chăm sóc. Ơn trời, con bé hay ăn chóng lớn. Di ôm con vào lòng trong những giấc ngủ mê mệt. Di gùi con trên lưng mỗi lần lên rừng tìm lá thuốc. Hắn nhìn con không mấy thiện cảm. Đôi lần con quấy khóc, hắn la lối om sòm, chửi Di làm mẹ vô dụng. Di ôm con ra suối ngồi. Lặng im và tức tưởi.

Trăng ở vùng núi cao thường miên man và xa thẳm. Giữa không gian rộng lớn và yên tĩnh, chỉ có tiếng suối reo cùng nhịp nhặt khoan của loài chim ăn đêm, treo mình trên vòm cây đen thẫm. Lúc này con đã ngủ, Di muốn ngồi một mình cho cảm xúc mơn trớn, trỗi dậy. Những nhớ nhung của thời son trẻ. Những phiền muộn khi sa chân vào kiếp vợ hờ. Biết làm gì được. Anh trai nghiện nặng, vật vã ngày đêm. Cha mẹ gồng lưng với món nợ nhiều năm chưa xoay trả được. Tuổi đôi mươi nhiều mộng mơ và ước vọng, Di đã nghĩ đến đoạn đời tươi đẹp sắp tới khi mối tình đầu mới chớm, nhiều hứa hẹn cho mai sau. Nhưng rồi, hắn xuất hiện. Đối với cha mẹ Di, hắn chính là chiếc phao mà họ vô tình chộp được giữa dòng thác lũ. Cha mẹ không mảy may nghi ngờ gì cả. Những món quà đắt tiền cho Di. Chiếc xe máy đời mới cho anh trai Di. Bố mẹ thì trả xong nợ.

Di theo hắn rời nhà vào một chiều sương. Không xa lắm, chỉ cách vài quả đồi, nhưng suốt nhiều năm trời Di chưa có dịp về thăm nhà. Di sống trong tiện nghi đủ đầy, vật chất không thiếu nhưng đời sống tình cảm lại quá ê chề. Hắn xem Di như bao cô gái mắt xanh, môi đỏ khác. Hắn giam cầm Di trong căn phòng sực nức mùi hương của một loài hoa lạ, khiến Di bao lần chìm vào mê đắm, mụ mị. Muốn chết cũng không được. Mà muốn thoát ra cũng không xong.

Khi có thêm cu Lim, Di quyết định đưa hai con trốn đi. Nhưng hắn đã cho người bắt lại. Di ngã quỵ và suy sụp khi biết tin anh trai tái nghiện, nợ hắn gần tỉ bạc. Cha mẹ Di được đưa đến, nước mắt ngắn dài, lạy lục hắn. Di ngậm ngùi, nghe trái tim mình rỉ máu.

4.Nhiều năm rồi Di không quay về chốn cũ, đúng hơn chị muốn gột hết kí ức về những năm tháng chôn vùi tuổi xuân ở đấy. Khu sinh thái trá hình bị điều tra. Những người đàn ông từ phố, cứ cuối tuần đánh xe lên núi, chui vô căn phòng kín không còn xuất hiện nữa. Hắn thì đi tù vì tội buôn người, buôn ma túy và cấu kết với lâm tặc phá rừng phòng hộ. Di biết tin mà cứ dửng dưng. Chị nhìn hai đứa con mà lòng quặn đau. Chúng là những đứa trẻ vô tội bị ném vào guồng quay của sự tham lam, coi thường pháp luật. Cũng may, những người lính biên phòng đã giải cứu khi bọn mất nhân tính ấy vừa đến biên giới. Nếu không phát hiện kịp thời, Di mãi sống trong đau khổ và dằn vặt.

Di nửa muốn về nơi ấy một lần, nửa muốn quên đi những gì đã trải. Những kí ức buồn đau một thời sẽ mãi nằm ở đó, vùi sâu bên sườn núi Chúa, trôi theo dòng thác Lụa. Tuy nhiên, có nhiều đêm, Di giật mình thức giấc, người đầy mồ hôi, trong mớ ký ức hỗn độn, xô bồ về ngày trước là đôi mắt đỏ quạch vì men rượu của hắn, là cái sức đô vật của hắn đè sấn Di bất kể ở đâu khi cơn thèm khát bùng lên. Ban đầu Di xấu hổ, nhục nhã, nhưng dần dà thì chai sạn, trơ lì để mặc hắn làm gì thì làm.

5.Trăng cuối tháng nhô lên quá ngọn cây cao nhất trên đồi, trằn trọc mãi mà Di không sao ngủ được. Giường bên hai đứa con đã say giấc. Hôm nay tựu trường, cả hai đứa xúng xính trong bộ đồ mới đến lớp. Nhìn con dạn dĩ, hòa đồng, Di thấy lòng nhẹ nhõm. Chị phải sống cho con, lo cho con từng giấc ngủ, miếng ăn, mong con khôn lớn, không thua thiệt với bạn bè. Nhưng sao lòng Di lại nhiều lo nghĩ quá. Có những đêm mưa gió, bó gối ngồi nhìn trời qua ô cửa sổ, hơi lạnh tàn khuya đành hanh, gợi thức trong lòng, bắt Di phải nhớ. Những biến cố, những hệ lụy, những gãy gấp trong mối quan hệ... Di quờ tay vào miền tăm tối, để mặc nước mắt tuôn rơi.

Những nỗi niềm quá khứ cần chôn chặt vào lòng, thả trôi theo lớp sương quên lãng. Đã bao lần Di nhủ lòng mình. Nhưng kỳ thực, bóng hình cũ làm sao dễ dàng xóa nhòa được khi hàng ngày nụ cười, dáng dấp hai đứa con là phiên bản hoàn hảo của người đàn ông nhiều lần muốn bức tử chị. Di muốn sắp xếp lại cuộc đời bằng cách tham gia công tác xã hội, góp tiếng nói của mình vào việc giải phóng người phụ nữ vùng cao thoát khỏi những hủ tục lạc hậu, những bất công luôn đè nặng lên suy nghĩ họ. Di nghĩ, chỉ có công việc mới giúp chị thăng bằng trở lại. Di đã cười nói nhiều hơn. Di hoạt động phong trào sôi nổi. Những cuộc gặp gỡ cũng đã giúp Di lạc quan, yêu đời hơn.

6.Mùa đông vùng núi cao bao giờ cũng khiến cho không gian ảm đạm, núi rừng đã vắng vẻ lại càng thêm thâm u. Di đi tìm củi làm chất đốt. Những cành cây bị bão đánh gãy từ mùa trước nằm ngổn ngang, khô khốc. Mùa này rau dại xanh um, Di cúi khom vơ đầy một sọt rồi về. Tiếng thác Lụa hoang vu cứ đổ vào chiều muộn âm thanh xa vắng. Tiếng chim lạc bầy gieo từng điệu thương khúc nhớ cho cảm xúc trong Di bất chợt dâng trào. Di men theo con suối. Dấu vết của cơn lũ cuốn hôm trước còn đây, qua lớp bùn nhão phủ trên từng tảng đá, những ngọn cây ngả chồm ra lòng suối.

Di gặp một đoàn người đi lấy măng rừng về. Những chiếc bóng nối nhau trong lặng lẽ. Di gật đầu chào nhìn theo. Và thầm nghĩ, dân làng này đa phần trói đời mình vào nghèo khổ, miệt mài ép số phận mình vào những mùa sương. Họ sống bên núi, chân chất mộc mạc, nghĩ giản đơn như loài cỏ mọc ở mé rừng, xanh ngút ngàn quanh năm.

Di vẫn cứ đứng nhìn theo. Những bao gai nhấp nhô trên lưng xa dần rồi khuất sau ngã rẽ. Chị xót xa đời mình và thương đời họ. Họ chỉ biết lẩn quẩn ở nơi có rừng xanh, thác ngàn và lúa rẫy bấp bênh vì phụ thuộc vào nước trời. Ở đó, quanh năm sương cứ vờn, cứ quyện lấy họ. Sợ nhất là sương muối, rét hại, đồi núi xác xơ, cây cối trụi cành, hoa màu hư hại. Trâu bò, heo gà lần lượt vơi đi. Bữa cơm độn toàn khoai, toàn bắp. Cái máng dẫn nước từ khe suối vào làng, nước nhỏ tong tong, không ai buồn thay. Con dốc đá nổi đầy. Tiếng thú hoang đói ăn gào lên thê thiết trong đêm. Nhưng họ nhất quyết không dời đi đâu mà vẫn cứ bám lấy rẻo đất mà ông cha họ đã vạt núi, lấn rừng từ thuở trước.

7.Bà Dàu cho thêm củi vào bếp. Khói ngún, lửa bén rồi bốc lên, liếm quanh nồi cám lợn đang sôi ùng ục. Bà nghiêng vai, vài sợi tóc bạc lòa xòa trước trán, ánh lửa soi rõ gương mặt đen sạm, nhăn nheo vì dãi dầu mưa nắng dù chưa qua bảy mươi. Có lẽ khổ quá, cái lưng đã còng xuống cộng với vóc dáng nhỏ thó nên trông bà già trước tuổi.

Di đến thăm và mang suất quà của đoàn từ thiện trao cho bà. Tấm chăn mới và mấy cân gạo. Bà Dàu ở một mình trong căn nhà sàn nằm vắt vẻo lưng chừng dốc. Trước đây, bà nhận nuôi một đứa con trai cho tuổi già đỡ hiu quạnh. Nhưng đứa con đã bỏ bà đi sau một trận sốt, người trong bản đồn là anh ấy chết vì đói thuốc, lên cơn, không kiểm soát được. Ở vùng này, mười nhà thì đến tám nhà có đàn ông, con trai nghiện ngập, rượu chè. Di không hiểu sao, tệ nạn này luôn là vết đen  bôi lên cuộc đời dân làng. Chị lên huyện tập huấn, về xã triển khai, tuyên truyền. Đi từng nhà, gõ từng cửa. Khuyên bảo, thuyết phục. Bước đầu thấy có biến chuyển. Nhiều thanh niên, trai tráng đã đoạn tuyệt với cái thứ giết người ấy để làm lại cuộc đời.

Bà Dàu chống hai tay lên gối, nặng nhọc đứng dậy. Đôi mắt kèm nhèm trông vào khoảng đồi trọc trước mặt. Bà muốn nói với Di điều gì đấy nhưng lại ngập ngừng, cứ ngắc ngứ trong miệng. Di kéo tay bà ngồi xuống mép giường, vì lúc này, trời đột nhiên mưa, từng cơn gió lạnh hun hút len qua khe ván.

Lửa trong bếp tàn dần. Di khều than và cho thêm củi. Cả căn nhà ấm lên, nồng nàn. Di cảm thấy có chút niềm vui len nhẹ vào lòng. Di có thể nán lại với bà Dàu, ăn với bà bữa cơm đạm bạc.

Những món ăn dân dã từ rừng từ suối được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Di ăn ngon miệng, có lẽ từ lâu bữa cơm gia đình, quây quần các thành viên đã không còn nữa. Nhất là từ khi hai đứa con học ở trường bán trú. Ngày còn ở với chồng, Di chỉ ngồi trong xó bếp và cơm cùng nước mắt tủi hờn.

Lửa vẫn cháy bập bùng, củi nứa phát ra tiếng nổ nghe khô giòn, êm tai. Khói tỏa, quyện với sương chiều nhè nhẹ len vào nhà khiến không gian trở nên ảo mờ, kỳ diệu.

8.Một dự án du lịch cộng đồng sắp được triển khai. Thác Đá, đồi sim, thung lũng An Bình, cả con suối... sẽ là những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Di là dân bản địa, am hiểu tính chất và ưu thế từng quan cảnh, địa hình. Di đi cùng nhóm cán bộ trên sở và chủ đầu tư.

Dân làng được triệu tập về nhà văn hóa. Họ đón nhận tin vui. Di là người thay mặt dân làng nêu lên nguyện vọng, những khó khăn, những mặt trái có thể xảy ra nếu dự án không nhằm mục đích vì cộng đồng. Cán bộ sở tiếp thu, yêu cầu chủ đầu tư đưa ra những thỏa thuận. Mọi người đều đồng thuận, mong dự án sớm được triển khai.

Chiều lại đưa chân Di vào thăm dân làng. Công tác xã hội đã giúp chị năng động và thấy cuộc đời ý nghĩa hơn. Di không hề than vãn trước những khó khăn. Di không còn trằn trọc mỗi đêm mưa hiu hắt. Di bắt mình phải làm việc. Di luôn biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người. Chị mang tất cả nỗi lòng dân làng lên huyện, lên tỉnh. Chính sự tâm huyết này mà Di được đền đáp xứng đáng. Chị được người dân tin yêu. Chị vui vì làng xã ngày càng thay đổi. Những hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ, mê tín dị đoan cũng không còn. Việc du canh du cư ngỡ sẽ khó lòng khiến người dân thay đổi, nhưng Di đã vận động được. Những triền đồi xanh khoai, xanh bắp, những ruộng lúa bậc thang ươm vàng. Tre trúc trồng từng khóm, từng dãy. Vườn rộng trồng cau, trồng keo, trũng sâu đắp đá, be bờ làm ao thả cá.

Sương tan dần khi ánh mặt trời rọi xuống thung lũng. Gió ngược lối, lao xao cây lá. Những sợi sương ơ hờ quấn lấy cành cây trước khi tan biến. Di mải miết bước. Khoảng sân rộng trước nhà dân, lúa đã dồn bao dựng lên, những bắp ngô bụ bẫm nằm lăn lóc một góc. Bầy gà đang kiếm ăn ở mé rào, thấy bóng người nháo nhào bỏ chạy. Di khẽ mỉm cười, ngó nghiêng. Cảnh ấy khiến chị nao lòng.

Có tiếng ai trên đồi vừa gọi tên Di. Tiếng cười đùa theo gió loang ra khắp nẻo. Di men theo lối mòn lên đồi. Những người đàn bà đang xới đất trỉa bắp. Những chiếc váy hoa rực rỡ phơi trên tảng đá, bên cạnh là chiếc gùi mà trong ấy thường là chai nước lọc, gói xôi cùng túi hạt giống. Họ vừa làm việc vừa chuyện trò. Những khổ đau, buồn tủi trước đây không còn lưu vết trên gương mặt họ. Cũng như Di, nhiều phụ nữ ở vùng này, đều rơi vào bi kịch bởi tập tục và lễ giáo. Họ cam chịu, họ trấn an bản thân bằng những yếu tố thần linh từ bùa chú, bói quẻ. Chiếc lá hai mặt với những đường gân chằng chịt. Sông suối có nguồn nhưng lại chia lạch, chia dòng. Đời họ chỉ biết úp mặt vào bếp lửa, tóc khét, áo quần dậy mùi cám heo, phân trâu. Thế rồi, Di đã vực họ dậy, thoát ra. Dĩ nhiên ban đầu khó khăn không thể diễn tả. Di đã nhiều đêm mất ngủ, tìm cách thuyết phục. Phụ nữ nhu nhược, yếm thế đã đành, thêm vào đấy là sự hăm dọa của mấy gã đàn ông. Họ say xỉn, họ khích nhau rồi mang dao đến tìm Di. Thực tình, nhiều lúc Di muốn buông xuôi, ngồi trong phòng làm việc ấm ức khóc.

Nắng xiên khoai rồi nhạt dần. Có tiếng chim sau lùm cây đầu bờ từng hồi líu lo. Mọi người đã xong việc, rủ nhau xuống suối tắm gội. Di vẫy tay chào rồi rẽ xuống đường cái lớn. Con đường bê tông vừa hoàn thành đầu năm, uốn quanh các sườn đồi như một con trăn khổng lồ. Di rảo bước thật chậm. Những nếp nhà lô xô, khói lam vờn bay theo gió. Bên dòng suối róc rách, đàn bò còn nán lại ung dung gặm cỏ. Những đứa trẻ da ngăm đen đang mải mê tìm sim chín và hoa dủ dẻ.

Một buổi chiều yên bình khiến cho trái tim Di rộn rã. Chị để tâm hồn mình cảm nhận sâu sắc hơn về dòng đời đang trôi. Những muộn phiền xưa cũ rồi sẽ len theo gió và chìm khuất vào miền sương bảng lảng.

Truyện ngắn của Sơn Trần
.
.
.