Những mùa hoa ban trắng

Chủ Nhật, 28/04/2024, 15:27

Tháng ba. Hai cây hoa ban trắng của chú thím tôi đã nở đầy trước ngõ. Phải nói hoa ban trắng rất đẹp. Những nụ hoa đóng thành từng chùm như hoa bưởi nhưng thon dài và thưa hơn. Mỗi bông hoa xòe ra năm cái cánh, ban đầu có màu tím bâng khuâng, ngơ ngác. Khi nở bung, các cánh hoa chuyển dần sang màu trắng.

Có những cánh hoa trắng muốt điểm xuyết thêm mấy sợi gân hồng phơn phớt trên nền vàng nhạt trông thật thích mắt. Hương hoa ban thật dễ chịu, thơm đến nao lòng. Có khi thím tôi hái những cánh hoa ban xào tỏi hay nấu canh tôm. Hoa ban còn mang kỷ niệm mối tình của chú thím tôi bảy mươi năm về trước.  

*

Thím Bưởi tôi quê ngoài Thanh Hóa. Hai người gặp nhau trong chiến dịch Điện Biên. Hồi đó trên đường đi chiến dịch, họ gặp nhau ở Vạn Mai. Vạn Mai là khu vực đặt hai kho lương để vận chuyển tiếp lên chiến trường. Du kích địa phương đã chặt gỗ dựng lán để trung chuyển lương thực hàng hóa ra mặt trận. Một số lán cho dân công, bộ đội trú chân nghỉ lại trên đường hành quân. Giặc Pháp phát hiện được tuyến vận chuyển này nên chúng ném bom dữ dội. Các chiến sĩ công binh phải liên tục phá bom nổ chậm. Ngã ba Suối Rút là nơi đầy bom đạn. Đây là nút giao thông nối hai tuyến đường 15A từ khu III, khu IV lên và tuyến đường 12 từ khu II xuống.

Chú Khảnh tôi làm anh nuôi ở Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Đơn vị đang hành quân khẩn trương chuẩn bị tập kết mở màn chiến dịch. Thím Bưởi trong đoàn dân công vận tải của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa gánh gạo lên mặt trận. Bộ đội và dân công đi suốt ngày đêm. Đường ra trận vui như trảy hội. Thế rồi đơn vị chú gặp đoàn dân công của thím Bưởi đang ngồi nghỉ ở lán bên đường. Đơn vị dừng lại. Một chiến sĩ cất tiếng hò: "Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp mây". Những câu hò đối đáp vang lên giữa đôi bên. Chợt thấy chú Khảnh tôi đang gánh hai cái nồi, một cô dân công cất cao giọng hò: "Trên đời em chẳng yêu ai/ Yêu anh bộ đội gánh hai cái nồi". Thím Bưởi lúc đó tuổi chừng mười tám đôi mươi, tóc cắt ngắn ngang vai, áo còn ướt đẫm mồ hôi. Hò xong thím nhìn chú tôi chờ đợi một cách tinh nghịch. 

af0e7077619bcfc5968a6.jpg -0
Minh họa: Đặng Tiến

Chú Khảnh tôi cũng chẳng phải tay vừa. Chú chỉ lúng túng vài giây rồi trấn tĩnh lại ngay. Được đồng đội "mớm" cho, chú tôi đứng phắt dậy, tay trái cầm lấy cái vung giơ lên cao, tay phải cầm chiếc đũa bếp làm dùi gõ vào cái vung, giữ nhịp, phách: "Có nồi nhưng chẳng có vung/ Dân công mà có mình cùng úp nhau". Tất cả cùng cười vang. Thím Bưởi cũng chẳng chịu thua: "Lấy chồng thì lấy dân công/ Chớ lấy bộ đội nằm không một mình". Biết các cô là dân công Thanh Hóa, chú tôi tấn công luôn: "Sông Mã mà gặp sông Gianh/ Nước về một cửa như anh với nàng". Không hề run sợ, cô gái hò đối lại: "Bao giờ giặc sạch sành sanh/ Hoa ban nở rộ theo anh em về". Lúc đó có một chiếc xe Zép dưới xuôi lên dừng lại. Đó là một chiếc xe chiến lợi phẩm thu được của giặc Pháp trong chiến dịch biên giới. Bước trên xe xuống là một người sĩ quan cao to, mặc áo trấn thủ, dáng đi nhanh nhẹn. Ông đến làm việc với Ban chỉ huy đội. Ông quay lại hỏi các cô dân công:

- Các cô là người vùng nào?

- Dạ chúng em là người Thọ Xuân, Thanh Hóa thủ trưởng ạ! Còn thủ trưởng ở đâu? - Mọi người nhao nhao tranh nhau nói.

- Mình người Quảng Bình. Nhà mình sát với sông Gianh. Đó là vùng địch hậu Bình Trị Thiên, nơi quân Pháp đang còn chiếm đóng.

Chú Khảnh tôi cũng nhanh nhảu tham gia:

- Thủ trưởng ơi! Thế là thủ trưởng đồng hương với em rồi. Làng em cũng ở bên bờ sông Gianh.

- Thế thì thủ trưởng gả anh bộ đội đẹp trai gánh hai cái nồi này cho chúng em đi ạ! - Thím Bưởi cao giọng. Một cô dân công đẩy thím Bưởi về phía chú Khảnh.

Tất cả cùng cười vang. Thím Bưởi quay lại đấm vào lưng cô bạn thùm thụp.

Sau này chú Khảnh mới biết đó là ông Đồng Sỹ Nguyên, ở làng Trung Thôn lên Điện Biên phụ trách công tác tổ chức cán bộ chiến dịch. Chú Khảnh nhớ lại, lúc ấy đường lên Điện Biên mùa xuân bắt đầu gõ cửa. Hai bên đường một vài cành đào rừng đã điểm mấy nụ hoa. Mấy cánh hoa ban đã nở bói đầu mùa. Những cây gạo chớm nở đỏ giữa bầu trời. Nhìn những bông hoa gạo đỏ như ai thắp lửa trong lòng, chú Khảnh tôi thấy phấn chấn lạ thường. Tiếng sét ái tình, lòng chú cứ lâng lâng. Hình ảnh cô gái dân công xứ Thanh mặc chiếc áo nâu sồng bó sát thân người, đôi vai tròn lẳn gánh hai cái bồ cứ bám riết lấy chú tôi. Đường lên Điện Biên chú còn gặp nhiều đoàn dân công Thanh Hóa khác nữa. Những đoàn xe đạp thồ nối tiếp nhau kìn kìn chở hàng ra mặt trận. Phải nói rằng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là tỉnh cung cấp lương thực cho các chiến dịch lớn nhất.

*

Sau ngày hòa bình lập lại, chú tôi ở rể ngoài Thanh Hóa. Chú bị thương trong trận đánh trên đồi A1. Trung đoàn 102 của chú phải giải quyết mục tiêu rắn nhất. Một trong năm điểm cao trong hệ thống phòng thủ phía đông là đồi A1. Đã qua một đêm tiến công dồn dập nhưng sáng 31/3 trung đoàn chỉ mới chiếm được một phần ba quả đồi ở phía đông. Bọn địch chỉ chờ mặt trời ló lên phía đông trên dãy Hồng Lếch là tung ra một lực lượng lớn có xe tăng, pháo binh chi viện hòng chiếm lại. Bọn địch dựa vào hầm ngầm, công sự kiên cố, chúng liên tục phản kích hòng đẩy ta xuống chân đồi. Ta và địch giành đi giật lại từng thước đất. Chú Khảnh tôi mang cơm nắm lên cho bộ đội thì dính ngay một viên đạn đại liên xuyên qua lá phổi. Chú được chuyển về điều trị ở Thanh Hóa, tuyến sau. Thím Bưởi gặp lại chú tôi ở trại thương binh. Thím tặng chú một chùm hoa ban trắng. Hồi đó có phong trào phụ nữ xung phong lấy thương binh làm chồng. Nhiều thương binh được vợ đem về nhà, chăm sóc như y tá.

Hai vợ chồng về quê thím ở Thọ Xuân. Mãi đến những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, ông nội tôi viết thư giục lắm hai người mới cắp nhau về. Khi về làng, họ đã có một đứa con trai là thằng cu Luật, 5 tuổi. Mấy ngày đầu sống chung với gia đình, cả nhà còn ăn chung một nồi ba cơm. Gọi là nồi cơm nhưng độn một phần gạo với ba phần khoai sắn. Về sau chú thím được ông bà cho ra ở riêng. Ông bà tôi cho chú thím một chum khoai vằm với một thúng lúa. Bà con trong hợp tác xã khiêng cái nhà ngang của ông bà tôi ra một góc vườn cho chú thím ở.

Năm đó làng tôi bị một trận bão lớn. Không nhớ kỹ là ngày tháng nào nhưng tôi nhớ cây lúa mành quê tôi đang còn ngậm sữa thì bão về. Trận bão tràn qua làng tôi làm lúa ngả rạp xuống một chiều như một con trăn đất khổng lồ mới trườn qua giữa cánh đồng làng. Một hôm mẹ con thím sang thấy cả nhà đang ăn lớ. Thím cất tiếng chào. Ông tôi há mồm để trả lời thì lớ bay ra làm ông ho sặc sụa. Thằng cu Luật hỏi: "Ông nội ăn gì mà thở ra khói thế ông". Chú Khảnh tôi đỏ mặt không biết trả lời thế nào. Thím Bưởi cũng không biết lớ là thứ lúa lép do bão xô đổ rang lên rồi giã nhỏ thành cám. Thứ cám này ăn vào no lâu nhưng rất khó tiêu. Khi ăn người ta phải lấy lá mít cuốn lại mà xúc từng thìa nhỏ cho vào mồm. Đang ăn phải ngậm miệng lại không được nói chuyện.

Năm sau làng tôi lại hứng tiếp một trận lụt. Lụt nước ngập đến tận tra hạ(1), người ngồi trên tra cũng có thể thò xuống nước mà chao chân được. Quê tôi đã nghèo lại thêm thiên tai đe dọa quanh năm. Hết mùa nắng quái, gió Lào lại là mùa lụt bão. Con người ở đây cũng chai lì như sắt như đồng. Thế là thím nằng nặc đòi chú ra lại Thanh Hóa. Một đêm tối, thím cõng thằng cu Luật xuống bến đò Cửa Hác bắt xe về quê. Mặc cho chú tôi viết thư dỗ dành thế nào thím vẫn kiên quyết không về. Ông tôi giục: "Mày cứ trực tiếp ra đem mẹ con thằng Luật về đây cho ba. Mẹ nó không chịu về thì chỉ một mình thằng cu Luật cũng được". Chú tôi thi gan với thím. Chú vẫn ở một mình chẳng chịu lấy vợ.

Ngày mùng 5/8/1964, Mỹ mang bom đánh phá miền Bắc. Làng tôi gần bến phà Gianh, trở thành cái túi bom khổng lồ của không quân Mỹ. Đánh ở đâu về thừa bom là chúng trút xuống. Chú tôi nói với ông bà nội: "Cho thằng Luật ở ngoài Thanh Hóa với mẹ nó cũng hay ba ạ. Xem như cho nó đi sơ tán. Trong làng mình cũng đã có gần một trăm cháu đi K8, sơ tán ra ngoài Thanh Hóa, Ninh Bình đó thôi". Chú làm xã đội phó giữa tuyến lửa Quảng Bình vùng khói lửa bom đạn đầy trời. Suốt ngày chú hướng dẫn bà con đào hào giao thông, hầm trú ẩn, chú cùng dân quân bắn máy bay Mỹ, chỉ đạo sản xuất, bảo vệ mùa màng. Hầu như tuần nào làng tôi cũng có người chết. Cứ nghe ba tiếng súng báo hiệu sập hầm là chú chạy đi ngay. Chú đánh kẻng giục liên hồi huy động dân quân đi cứu sập hầm.

Năm 1972, chú còn cùng dân quân chèo thuyền ra ngoài đảo Hòn La để chở gạo. Các đội cảm tử của các xã chèo thuyền đi tải gạo. Những chiếc thuyền gỗ được đóng bằng đinh đồng, đinh nhôm để vượt qua bãi bom từ trường, thủy lôi giặc thả trên mặt biển. Năm đó tôi đang học lớp 9 ở trường cấp ba Nam Quảng Trạch. Ngày nào đi chặt nạng hầm đứng trên đỉnh núi Hòn Mộc nhìn xuống biển cũng thấy hai chiếc tàu Hồng Kì của Trung Quốc đậu ngoài đảo Hòn La. Chiều chiều trực thăng Mỹ bay sát mặt biển bắn các bao gạo nằm trên bè chuối.

Gạo đóng thành từng bè ba, bốn bao kéo bằng sợi dây tời dài vào bờ. Địch đánh đứt dây thì ban đêm bơi ra nối lại. Những bì gạo làm bằng nilon dày màu xanh nước biển thả tự do nên rất nhiều bao thoát trôi dạt được vào bờ. Ngày nào biển động là gạo trôi vào được nhiều nhất. Có khi gạo trôi vào đến Cửa Tùng, Quảng Trị. Sau mười hai ngày đêm thất bại trong trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, giặc Mỹ mới chịu ngừng ném bom miền Bắc. Trước lúc ngồi vào bàn ký kết Hiệp định Paris, ngày mùng 2/1/1973 chúng còn cố ném thêm một trận bom B-52 cuối cùng xuống làng Thọ Linh, quê tôi làm 105 người chết và 109 người bị thương.

Cuối năm đó, một số trai gái lớp tôi cũng xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Ngày nào cũng có các đoàn quân vào Nam qua bến đò làng tôi. Có một hôm các cô dân quân chèo đò gặp đơn vị thằng Luật qua sông vào làng Cự Nẫm. Cự Nẫm có một trạm giao liên, bộ đội thường nghỉ lại một đêm để nhận quân trang nên người ta thường gọi là "làng một đêm" hay "làng mặt trận". Luật nhắn với chú Khảnh là nó đã đi bộ đội rồi. Hẹn ngày đánh giặc xong sẽ về đón mẹ vào với ba. Sau Hiệp định Paris, bộ đội ta đi giữa ban ngày không còn sợ máy bay giặc Mỹ nữa. Giặc Mỹ đã làm lễ cuốn cờ về nước. Đến chiều tối chú mới nghe mấy cô dân quân về báo lại thằng Luật đang cùng đơn vị vào chiến trường miền Nam.

Chưa kịp ăn uống gì, chú tôi tức tốc chạy bộ theo đường tàu vào Cự Nẫm trong đêm. Sau mười năm, hai cha con mới gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Thằng Luật đẹp trai giống hệt chú Khảnh tôi. Người nó cao to, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú. Luật nói: "Ba hãy ra với mẹ đi. Mẹ vẫn chờ ba, mẹ chẳng lấy chồng". Luật hứa là sẽ viết thư về cho chú luôn. Chú về kể lại với ông bà tôi. Ông tôi giục: "Con ra ngay đi chứ còn chần chừ gì nữa. Hết giặc giã rồi, chúng mày hãy kéo về đây mà ở với nhau. Đời người ngắn ngủi lắm con ạ". Thời gian này đường sá đi lại đã dễ dàng hơn. Chú tôi xin phép Ủy ban xã ra Thanh Hóa tìm thím Bưởi. Thím theo chú vào thăm ông bà tôi mấy ngày rồi cũng trở ra quê. Thím nói phải về chuẩn bị nhà cửa cái đã. Đầu năm 1974, ông bà tôi đột ngột qua đời. Hai ông bà đi cách nhau chỉ có hai tháng. Thím Bưởi về chịu tang rồi ở lại luôn.

Thím bưởi về làng mang theo điệu hò sông Mã vào luôn. Đại hội xã viên "Hai giỏi" lần nào thím cũng xung phong lên hát chèo. Ở quê tôi ít người biết hát chèo. Thím hát hay lắm. Mỗi khi thím hát xong là bà con xã viên vỗ tay ầm ầm. Cứ mỗi lần thím lên hát chú Khảnh cứ đứng ngây ra như phỗng. Có lẽ chú nhớ lại kỷ niệm hôm nào trên đường đi chiến dịch Điện Biên. Có một lần sinh hoạt văn nghệ, hai vợ chồng chú thím lên biểu diễn hò đối đáp: "Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp mây…".

*

Ngày ba mươi tháng tư năm 1975, cả làng tôi vui như ngày hội. Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản tin Dương Văn Minh, Tổng thống ngụy Sài Gòn đã tuyên bố quân đội Việt Nam Cộng hòa đầu hàng. Cả làng tôi vang tiếng hò reo. Nhiều người nổ pháo ăn mừng. Người người đổ ra đường. Nhà nhà treo cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Đi đâu cũng thấy người ta bàn tán xôn xao, sôi nổi về chiến trường miền Nam. Các bà mẹ có con đi bộ đội mừng rơi nước mắt. Thím Bưởi tôi chạy ngược chạy xuôi hỏi có ai nhận được thư con cái gửi về trong mấy ngày gần đây không. Không biết thằng Luật tham gia ở chiến trường nào.

Mấy ngày sau chú thím tôi cơm đùm cơm nắm thay nhau xuống bến phà Gianh đứng đợi. Đã lác đác có những chiến sĩ được ra Bắc. Họ nhảy trên xe xuống để đi qua phà. Ai cũng háo hức được trở về gặp mặt người thân. Mấy ngày sau bộ đội đổ ra Bắc càng nhiều. Họ đi trên những chiếc xe tải giải phóng. Người đứng đón trên bến phà chật cả đường đi. Nhiều người trên ba lô còn buộc thêm con búp bê mang về cho con gái. Thế mà thằng Luật em tôi vĩnh viễn không về. Em ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, trong những ngày cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Giấy báo tử của em chuyển về Thọ Xuân, Thanh Hóa.

*

Năm 2013, chú thím tôi ra Vũng Chùa - Đảo Yến đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi yên nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Vợ chồng chú đã gặp lại đồng đội cũ là một phóng viên Báo Quân đội về hưu. Hồi ở Điện Biên Phủ hai người đã từng gặp nhau trong trận đánh phía đông đồi A1. Chính chú ấy đã giới thiệu cho Đại úy Hồ Chí Toán, con nuôi của Bác Hồ, lấy chị Nguyễn Thị Phượng người họ hàng của mình. Cả ba người hẹn nhau lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Bạn bè đồng đội cũ gặp nhau chẳng còn được mấy người. Họ đã thắp nén hương thơm cho những người nằm lại trên nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Vợ chồng chú mang về hai cây hoa ban trồng trước ngõ.

Năm 2018, chú Khảnh qua đời. Nhìn những cánh hoa ban nở trắng, lòng tôi se lại. Chú tôi đã cống hiến cả cuộc đời cho cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại này. Những người trong làng tham gia chiến dịch Điện Biên có còn ai nữa đâu. Thím Bưởi là người duy nhất còn sống. Ông Trương Sô, người đứng ra thành lập "Hội nghĩa tình đồng đội" vùng Nam Quảng Trạch cũng đã qua đời lâu lắm rồi. Ông cũng là người bạn chiến đấu vô cùng thân thiết của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Hồi bác Đồng Sỹ Nguyên làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Huyện đội trưởng, huyện Quảng Trạch thì ông Sô là Đại đội trưởng, Đại đội 5 du kích, sau này là Đại đội 365, bộ đội chủ lực của huyện.

"Hội nghĩa tình đồng đội" vùng Nam Quảng Trạch thường lấy căn nhà của chú thím tôi làm nơi hội họp. Tôi may mắn cùng được sinh hoạt trong Hội cùng các cụ trong những ngày ông Trương Sô còn sống. Kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi liên lạc với anh Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả của bác Nguyên để chở các cụ lên làng Trung Thôn thắp hương tưởng niệm. Thỉnh thoảng trong những ngày lễ lớn hay ngoại khóa lịch sử, các nhà trường trong xã mời thím Bưởi đến kể chuyện Điện Biên. Và tôi, đứa cháu của chú thím xin phép chép lại câu chuyện này. Và những mùa hoa ban trắng lại nối tiếp thi nhau nở rộ trước ngõ để nhắc lại mối tình của chú thím tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

(1) Tra hạ là giàn gác của người miền Trung dùng để lương thực trên cao chống lụt (thấp hơn tra thượng).

Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức
.
.
.