Đêm đen
Điện thoại reo liên tục khi Thương đang trong một cuộc họp cam go, sếp chửi mọi người không ngẩng mặt lên được. Thương tắt điện thoại không nghe, tin nhắn đến tới tấp. Mẹ chồng nhắn con gái Thương đang sốt, về mau. Thương không thể bỏ đi khi sếp đang ngùn ngụt cơn giận. Thương nhắn chồng cầu cứu. Chồng trả lời vỏn vẹn “đang họp”. Từ hồi có con, những chuyện như thế xảy ra thường sự.
1.
Đêm đen ngầu, chốc chốc lại nuốt vào lòng mình những ánh đèn xe lập lòe cam đỏ. Đêm nuốt rất nhanh, vừa mới nghe tiếng xe, nhìn lại đã không còn thấy hình dạng gì ngoài một chấm đèn nhỏ xíu rồi tan mất như chưa từng có, đúng y cái cách con người đến với cuộc đời này để rồi một ngày mất hút không để lại dấu vết gì ngoài những ảo ảnh chực chờ vụt tắt trong ký ức thời gian. Thương ngồi đếm xem đêm đã nuốt bao nhiêu ánh đèn, đêm nào cũng vậy, ngồi thừ trong nhàu nhĩ như mớ giẻ thừa thãi, mắt mở trao tráo nhưng dường như chẳng nhìn gì cả, ngoài khoảng không vô định ngoài kia. Đen ngòm.
Hơn hai giờ sáng, Thương lại vào giường đi ngủ, đây là lần thứ ba trong đêm Thương buộc mình phải ngủ. Thương nằm lên giường, mắt vẫn mở to nhìn vào bóng đêm. Thương hát ru mình, tiếng hát chảy vào đêm lờ nhờ. Thương trở mình liên tục. Tiếng chiếc giường sắt cứ kêu lên ken két rồi chìm vào đêm sâu, thứ âm thanh khô khốc như kim loại va vào nhau, lạnh toát những mũi tiêm lặp lại trên cánh tay chi chít những vết bầm xanh tím. Những viên thuốc lớn nhỏ khô khốc được nhét vào tay Thương. Mỗi ngày đều lặp lại như thế.
Rồi Thương khóc. Thể nào rồi Thương cũng khóc. Khi tất cả mọi vật đã chìm vào tĩnh mịch say giấc, Thương cảm thấy mình như một con người dị dạng, trơ trọi, khác thường vì Thương không thể ngủ. Đêm càng biến dạng đủ mọi hình thù, Thương giấu nhẹm mớ thuốc đã góp nhặt nhiều ngày dưới chăn. Thương cảm thấy mình là một kẻ có tội đang chịu hành hình bằng cách bị tước đi giấc ngủ, đêm sâu ngạo nghễ nhìn Thương, chỉ một mình Thương thấy đêm khi loài người im lìm trong giấc say. Mịt mùng.
Thương đưa tay vuốt mớ tóc rối nùi như cỏ khô đang lòa xòa trước mặt. Thương nằm yên, nước mắt chảy ra hai bên khóe mắt. Đêm nay là một đêm của hàng ngàn đêm cơn mất ngủ đến tìm. Trong căn phòng nhỏ xíu, Thương co ro trên chiếc giường bệnh, Thương như một sinh vật kỳ dị sau những ngày tháng bị vùi dưới tầng tầng lớp lớp nỗi buồn. Trong tuyệt vọng tận cùng, Thương muốn xé màn đêm thành từng sợi rồi bện chúng lại, dùng để thắt cổ mình. Đêm dày hơn tưởng tượng, đêm vẫn không dứt nhả những sợi tơ đen óng, dính dáp, Thương bện chặt chúng vào nhau như cái cách nỗi buồn đã bện chặt vào đầu Thương, để hòa làm một với Thương. Thương hiểu ra rồi, cái chết là một đường thoát thân khỏi những cơn buồn thê thiết, buồn kiệt quệ và cái bóng đen khổng lồ trong đầu óc mình.
2.
Điện thoại reo liên tục khi Thương đang trong một cuộc họp cam go, sếp chửi mọi người không ngẩng mặt lên được. Thương tắt điện thoại không nghe, tin nhắn đến tới tấp. Mẹ chồng nhắn con gái Thương đang sốt, về mau. Thương không thể bỏ đi khi sếp đang ngùn ngụt cơn giận. Thương nhắn chồng cầu cứu. Chồng trả lời vỏn vẹn “đang họp”. Từ hồi có con, những chuyện như thế xảy ra thường sự.
Thương bị cuốn vào một thế giới khác từ lúc sinh con, việc có một sinh linh bé nhỏ cần đến Thương chăm sóc nó vừa kỳ diệu vừa đáng sợ. Thương sợ đủ mọi thứ có thể đến với con mình. Thương trở nên nhạy cảm và lo lắng cực độ đến mức nhiều khi không thể kiểm soát được. Chồng Thương cảm nhận được vấn đề nên tiến gần quan tâm. Thương đáp lại bằng sự cộc cằn giận dữ. Những cơn cãi vã lại nhiều thêm. Thương không ngừng bỏ thêm mặn đắng chát chúa vào lời nói, bỏ thêm đêm đen sương giá vào ý nghĩ. Thương thở ra những điều dằn hắt, Thương nói những lời sắc như mũi dao, Thương hành động những điều đạp đổ. Mỗi ngày thêm một chút. Chồng bắt đầu nhìn Thương với ánh mắt lạ lẫm.
Thương bắt đầu sợ sệt, sợ mọi thứ đến với con gái mình. Thương ra sức bảo vệ, Thương không rời mắt khỏi đứa trẻ, ngày cũng như đêm. Những lúc Thương ngủ gật, Thương giật thót mình, sợ con mình bị làm sao. Thương trở nên nhạy cảm với mọi âm thanh phát ra từ đứa bé, nhất là tiếng khóc. Có những lúc trẻ con khóc đêm, khóc không dỗ được, Thương phải bế con cho chồng ngủ để có sức đi làm, Thương mệt nhừ tử, mắt trắng dờ. Ngày này nối ngày khác. Nhiều khi Thương muốn ném đứa con đi, sau đó bỗng giật mình thon thót, Thương trách mắng mình nghĩ điên nghĩ dại.
Cuộc sống trở nên tù quẫn và chật hẹp. Thương bắt đầu chạy, không phải bằng chân mà là bằng suy nghĩ trong đầu. Chúng chạy rong liên tục, có con quái vật nào đó kéo chúng dìm vào những vũng lầy, nhìn chúng chới với trong đó. Những suy nghĩ đáng thương không còn đường về, chúng nằm lại nơi đáy bùn nhớp nháp, chỉ có chút cảm giác buồn thảm, bất an bay trở về với Thương. Gom góp thành một khối bi thương. Con quái vật thì hả hê cười rồi không ngớt uống lấy uống để sức sống của Thương. Uống cho cạn kiệt. Hai cái vòi đen to đầy xúc tu của nó đâm sâu vào tai Thương, một chiếc vòi khác thì quấn lấy mắt, những cái vòi còn lại thì siết lấy đầu óc. Nó như con bạch tuộc trăm vòi khổng lồ với những chiếc xúc tu đầy gai nhớt lầy ngọ nguậy, dính dáp hút chặt từng chân tơ kẽ tóc của vật chủ. Thương giãy giụa kiệt sức trong thế giới đầu óc của mình nhưng không ai biết. Thương bắt đầu tự cắt tóc của mình.
Mà không chỉ mỗi ý nghĩ, tim Thương cũng chơi trò rượt đuổi, nó đánh thùm thụp khi chẳng có chuyện gì xảy ra, nó làm Thương bồn chồn không yên. Nhưng Thương không dừng chúng lại được, Thương trằn trọc cả đêm để chúng chạy đến kiệt sức, rã rời. Nhất là mỗi sáng ngủ dậy, cơn đua của đầu óc và nhịp tim bùng nổ, Thương đổ mồ hôi đầm đìa, Thương co rúm trong sự cuồng nộ của đầu óc. Thương có một nỗi sợ rõ ràng đầu tiên, sợ bước chân xuống giường, sợ phải bắt đầu một ngày bình thường. Thế là cái bóng đen đã nắm được tay Thương. Tay Thương gầy, hốc hác, những đường gân xanh bắt đầu nổi lên. Những chuyện bình thường như ăn uống, tắm rửa… tự dưng trở thành quá sức.
Hôm đó, Thương mệt nhừ cả ngày dài, đầu Thương vẫn không ngừng những vòng quay ý nghĩ mà đứa nhỏ lại phát sốt. Nó quấy khóc. Chồng Thương ngủ ngon lành trên sofa, Thương dậy bế đứa trẻ lên, nó vẫn không ngừng khóc. Thương loay hoay dỗ dành, nó vẫn không chịu nín. Chồng Thương trở người trên sofa, lấy gối bịt tay. Con quái vật trong đầu liên tục nói rằng Thương vô dụng, Thương đáng ghét đến thảm hại, Thương không xứng đáng được yêu thương, Thương là một kẻ thất bại... Thương bùng nổ mang đứa trẻ đặt mạnh lên người chồng như ném một cái gối, rồi bỏ ra ban công. Thương khóc một trận tơi bời, rồi Thương nhìn thấy con quái vật cũng đang ngồi trong góc tối, những chiếc vòi đầy xúc tu đỏ au vươn về phía Thương, những vệt nhớt từ miệng xúc tu nhiễu xuống vương vãi hòa cùng với máu từ những vết cắt mới tinh Thương vừa tự gạch trên đùi mình. Thương sợ hãi nhìn nó. Nó mỉm cười vì giờ đây nó đã trở thành một gã khổng lồ, lấn át mọi thứ từ Thương. Nó đã nắm được cả hai bàn tay Thương.
3.
Thương nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ, gia đình chồng Thương cũng đã nhìn thấy nó, ban đầu họ chỉ là mờ ảo cho đến lúc Thương lấy gối đè lên mặt đứa con gái đang khóc giữa đêm. May thay chồng Thương kịp thấy. Họ bắt đầu cách ly Thương, họ không cho Thương đụng vào con, Thương càng cuồng nộ, ý nghĩ mọc ra như lớp lớp binh đoàn, chúng chạy ràn rạt trong đầu, chúng đi ra ngoài bằng lời nói cay độc, chúng xông ra ngoài đập phá đồ đạc. Thương ở riêng trong một căn phòng, cái bóng đen và Thương lại có thêm thời gian bên nhau. Trong bốn bức tường dựng đứng ngột ngạt và cánh cửa khóa chặt. Thương không còn đường thoát thân.
Chồng Thương rối trí, chỉ mướn một người giúp việc theo giờ đến coi sóc Thương. Mỗi ngày, họ đẩy qua cái khe cửa một chút đồ ăn nước uống, có khi cả tuần trôi qua, đồ ăn còn nguyên, ruồi nhặng bâu đầy, mùi hôi nồng nặc. Thương khóc hụ hụ, một lúc sau lại cười ha hả. Nói năng lơ mơ. Tệ càng thêm tệ. Thương xơ xác như một người điên.
Rồi Thương thay đổi rất nhanh, mắt Thương đục ngầu, người Thương gầy sọp, mắt trũng sâu, quầng đen như một con gấu trúc. Thương chỉ nằm im, những chiếc xúc tu càng lớn, càng bám chặt, hút hết năng lượng sống và ý chí sinh tồn. Những ngày trì trệ kéo dài, Thương không còn biết năm tháng ngày giờ. Đời sống trượt đi trong những đoạn thức ngủ, tỉnh mê, ý nghĩ cày xới từng ngóc ngách trong đầu, đau đớn đến mức chỉ muốn đập đầu chết đi.
Và một ngày kia, Thương bắt đầu ngừng nói, ngừng phát ra mọi âm thanh. Thương ngồi xõa xượi, không ăn uống. Thương thấy ngoài trời đang mưa, Thương thấy mình bước tới từ những cơn mưa trước cả lúc Thương được sinh ra.
Thương thấy bóng những cơn đau ướt sũng bước tới từ những mịt mờ cơn mưa tiềm thức, cơn mưa Thương lạc mất tình đầu khi vừa mười tám, cơn mưa ướt sũng ngày đầu tiên đến công sở trong đôi dép cũ đứt quai, cơn mưa ngập cái phòng trọ bé xíu trong khu ổ chuột, cơn mưa Thương vứt đứa nhỏ vào một góc phòng rồi bịt tai lại vì tiếng khóc của nó… tất cả những cơn mưa đều hiện về, Thương cắt chúng vỡ vụn thành từng mảnh, Thương tự cắt vào mình từng vết cắt, ứa máu, dửng dưng, ráo hoảnh cảm xúc.
Thương thấy chân mình như không chạm đất, hối hả đợi mong, hối hả chạy trốn đến mệt nhoài mất mát, héo rũ kiệt quệ. Rồi Thương thấy chân mình chạm tới những mầm cỏ xanh mới vươn lên từ lòng đất sâu, nơi tất cả sợ hãi buồn thương rũ hết nhớ quên chìm xuống không ngần ngại đến tận cùng của sự tan rã không lời. Nhưng không hề có bất kỳ thanh âm nào. Thương bắt đầu nhìn thấy cái chết của mình.
4.
Ba mẹ đến đón Thương về chăm sóc. Không ai thương con bằng ba mẹ. Gia đình chồng Thương như rũ được một gánh nặng. Ngồi trên chiếc taxi, mẹ vuốt lại mớ tóc lòa xòa của Thương rồi chảy nước mắt. Lúc gả đi lấy chồng, Thương tóc hãy còn mượt mà như nhung lụa, xuân thì vừa nở nụ khoe hương. Giờ trở về, tóc ngắn cũn cỡn, gương mặt u uất buồn sầu.
Đã hơn mười hai giờ đêm, Thương biết ba vẫn chong đèn ngoài bàn, trên gác Thương trở mình liên tục, giấc ngủ vẫn bỏ đi biệt như bao đêm. Má đã ngủ từ đầu hôm để lấy sức khuya đi chợ đầu mối lấy hàng về bán. Ba thì hôm qua vừa mới quyết định xách hộp đồ nghề ra rồi treo lại cái bảng vá xe. Nhìn người già phải chăm sóc kẻ đầu xanh, Thương trách móc mình thậm tệ.
Ba có lẽ đang rít thuốc dưới nhà, Thương thấy những nếp nhăn như những thớ gỗ cây ngoằn ngoèo hằn trên mặt ba ngày càng đanh lại với nhau, nhất là từ hồi Thương trở nên buồn bã sầu thảm như thế này. Ba hãy nói với hàng xóm rằng Thương bị tà ma quấy phá, đang yên đang lành thì nó bị ma ám, quỷ nhập gì đâu. Nó khóc đó, cười đó. Đêm không ngủ, ngày cứ đi tới đi lui lơ mơ. Chỉ cần chểnh mảng không trông chừng nó thì nó sẽ lấy dao Thái Lan rạch vào tay, vào đùi, nó cười hề hề khi máu rớm ra, dính từng bệt đỏ sậm và khô cứng lại trên quần áo. Ba kể như thể nếu mà ba thấy được con ma đó, ba sẽ đánh nó một trận tơi bời.
Còn má thì thất thần kể từ cái hồi Thương bắt đầu uống thuốc trầm cảm trầm tư gì đó, uống thuốc thì nó ngủ li bì, thức dậy chẳng buồn tắm rửa thay quần áo, chẳng màng chuyện ăn uống, có khi lại ngồi khóc tu tu vì sợ hãi, chẳng biết nó sợ cái gì. Thế là nó đành dang dở chuyện công danh khi con đường đang rộng mở, khi cuộc đời vừa độ hừng hực sức lực và nhiệt huyết. Má cứ tiếc hùi hụi chuyện cuộc đời của Thương. Thương thẫn thờ trong mặc cảm tội lỗi cùng cha mẹ.
Không phải Thương chưa từng cố gắng. Thương và chồng Thương đã tìm đến bác sĩ. Bác sĩ nhận ra Thương bị trầm cảm sau sinh. Thương bắt đầu uống thuốc, trị liệu tâm lý, tập thể dục… chồng Thương cũng cố gắng giúp đỡ chăm sóc Thương nhưng không hiểu tại sao nỗi buồn trong Thương lại lớn dần lên, lớn đến mức che lấp tất cả những điều tốt đẹp. Gã khổng lồ màu đen cứ nghiễm nhiên ở đó, nó ù lì, lấn át mọi thể hiện cảm xúc của Thương. Mọi thứ đột nhiên không còn ý nghĩa gì, Thương chán chường và trượt dài trong sự ì ạch và địa ngục của những cơn hoảng sợ. Thương lại vùng lên chiến đấu, Thương mạnh mẽ từ lần này đến lần khác nhưng những cảm xúc đó vẫn nằm yên, trồi sụt rồi kéo Thương rơi xuống tầng tầng lớp lớp hố sâu.
Nhìn thấy ba má nỗ lực chăm sóc, Thương thầm nhủ mình sẽ cố gắng thêm một lần nữa. Đợt điều trị mới, Thương cố gắng vực dậy tinh thần, Thương lại lần nữa đầy niềm tin rằng nếu Thương nỗ lực Thương sẽ khỏi bệnh. Thương cố gắng dậy tập thể dục, gặp bác sĩ tâm lý, thiền… ba tháng trôi qua, những chuyển biến đến chút ít dù chưa ổn định.
Thương vẫn kiên trì dù cơn sợ hãi và thói quen buồn bã cứ xâm lấn. Mỗi lần như thế, Thương chạy không ngừng. Ba tháng tiếp theo, bác sĩ lại bảo Thương có tiến triển tốt, điều chỉnh thuốc thang, ăn uống nhiều lên. Ba má mừng chảy nước mắt. Thương cũng khóc ròng. Những lần muốn bỏ cuộc, Thương lại nhớ đến ánh mắt rạng rỡ của ba má, nhớ đến gương mặt con mình. Thương lại đứng lên.
Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, Thương gượng dậy hàng trăm ngàn lần trong năm tháng nối nhau. Ba má vẫn là điểm dựa vững chắc nhất của đời người.
5.
Trời vẫn chưa sáng, Thương lục đục dậy chuẩn bị chạy bộ.
Thương đứng trên gác nhìn ra, con đường dài vẫn chìm trong im ắng. Những chiếc xe lao vút qua rồi chìm vào bóng tối như bị đêm nuốt chửng.
Ký ức những ngày ở bệnh viện tâm thần lại cọ quậy trong Thương. Nhưng trước khi cảm thấy sợ hãi thì ánh sáng của ngày mới vừa ló dạng, đêm không còn có thể nuốt vào lòng mình thêm bất kỳ ánh đèn cam đỏ lập lòe nào.
Thương bắt đầu những bước chạy đầu tiên. Phía trước hừng đông bắt đầu ló dạng những vệt hồng rực đầu tiên… Mơ hồ xa kia, tiếng trẻ con dậy sớm học bài vang lên như một bản nhạc ban mai trong vắt. Thương mỉm cười…