Đầu thú
Ánh mắt người đàn ông cỡ tuổi cha nó không giống bất kì kẻ nào nó từng đối đầu. Không có hận thù, sát khí, tranh giành mà lại như có sự mong mỏi hoà hoãn rất ấm áp. Thứ ánh mắt mà ngày bé xíu, mỗi đêm má nó đi nhảy chưa về, ba nó thường ôm nó dỗ ngủ. Người công an ấy đang khoá tay đại ca nó, nếu không vì nhát dao đó thì đã còng xong tay anh Hai rồi. Nó chỉ cần giải thoát cho anh Hai là được, đâu cần đâm người ta trọng thương làm gì. Lúc nó vung dao, nó đã không kịp căn lưỡi dao sẽ vào đâu. Chỉ cần ông ta cố giữ tay ở tư thế đó không buông tránh thì có thể lưỡi dao đã ngập vào động mạch cổ.
Choắt nằm im nín thở dán người xuống ván sàn. Qua khe hở hẹp giữa hai thanh ván lót gác xép, nó nheo con mắt trái nhìn xuống người công an đang đổ bịch cháo thịt ra cái tô nhựa màu xanh nõn chuối cũ kĩ. Cái muỗng nhôm cong vẹo do nội dùng cạo cơm cháy hàng ngày được ông ấy dùng tay vặn kéo lại cho thẳng, đặt vào cạnh tô.
Choắt nuốt nước miếng, đã hai ngày nay nó không có gì vào bụng. Gác xép nóng nực, nồng nặc mùi nước đái chuột và cứt gián mà nó tưởng như ngửi thấy mùi cháo gạo ngầy ngậy, quyện với mùi thịt, mùi hành ngò có rắc thêm ít tiêu. Bụng nó chợt sôi lục bục rồi phát ra tiếng kêu to. Nguy quá, hai người họ có thể nghe được mất. Choắt nín thở, lật nhẹ người nằm ngửa ra, ôm chặt hai tay vào cái bụng lép kẹp.
Đêm qua nó liều chết leo mái dọc nửa xóm, sau khi lội qua con kinh thúi rình để lẻn về trốn trên gác xép nhà mình. Cái gác xép ba nó gác bằng cừ tràm xin được của mấy người giàu xây nhà lầu ngoài đầu hẻm. Mớ ván gỗ lộ cộ lót sàn gác cũng là từ những giàn cốp pha người ta bỏ đi. Chắc lúc mần cái xép này, ba nó vui vì có thể nằm khuất những ánh mắt đi ngang nhà nó lúc lên cơn vật vã đói thuốc và cả lúc phê lử chìm vào giấc ngủ.
Từ ngày ba bị bắt chịu án cố ý gây thương tích rồi bị đâm chết trong tù, gác xép chỉ để chứa những đồ của ba từng dùng và những thứ đồ linh tinh nội không nỡ bỏ. Mớ đồ cũ như ve chai, để lưu cữu mà nội coi như đồ quý dần thành nơi cho lũ gián làm tổ. Mùa ngập, khi cống dềnh lên và cả xóm lội bì bõm trong thứ nước hôi rình, nội và nó cũng nhờ cái gác xép tạm bợ này mà có chỗ ngủ. Từ dạo mắt nội mù hẳn, nội không leo lên thang được nữa thì tổ dân phố vô xây cho nội cái bậu gạch cao hơn chiếc giường, phòng những ngày ngập. Nó lót cái ván cũ từ thời còn ông nội rồi trải chiếu cho bà nội nằm, gạo muối chi cũng để kề ngay trên cái bậu đó để nội tự nấu ăn.
Mùi cháo thịt bốc lên, tiếng người công an rù rì với nội, tiếng muỗng múc cháo va quệt vào thành tô khiến nước mắt nó tự dưng rơi ra má. Nó, đứa cháu duy nhất của nội, người thân còn lại duy nhất trên đời của nội chưa bao giờ chăm cho nội được bữa cháo thịt lúc nội đau yếu. Và giờ chắc chắn nó chẳng thể ở bên nội được nữa, dù biết nội sẽ ngã quỵ khi biết nó đi vào chính vết xe đổ của ba nó… Ruột gan nó đau như ai vò xé khi nghĩ đến nội nó cứ ngồi co ro trên cái bậu gạch kia chờ nó về, giống xưa kia nội chờ ba nó…
Nó thông thạo những cái mái tôn, mái ván của khu xóm này từ năm lên sáu nhờ những trận triều cường đều đặn mùa nước lên hàng năm khiến con hẻm chật ngoằn ngoèo luôn chìm trong nước. Gọi là xóm tạm lâu dần thành tên bởi khu này dân nghèo cặp về đây cất chòi ở tạm từ khi tỉnh chưa có quy hoạch thị xã lên thành phố. Con đường mái nhà ngày xưa chính ba nó từng dùng để đi lại và trốn được nhiều lần bị bắt sau khi ăn hàng.
Bà nội không biết cái khe bí mật che bằng miếng ván, gác cái bàn cờ tướng bên ngoài để nguỵ trang chỗ chui ra khỏi mái tôn. Chỉ chui qua khe ván này là có thể bước sang ngay mái nhà ông Tám Hoảnh điếc đặc. Từ mái nhà ông Tám, nép theo khe máng xối xi măng của bốn căn nhà kế bên là ra cái kẹt ban công nhà ông Tổ trưởng, rồi từ đó đu rào leo xuống hẻm thoát nước sau trại heo nhà ông Tư Khang. Trại heo luôn thối oăng, ầm ĩ tiếng quạt thông gió và tiếng đàn heo gần ngàn con luôn là nơi an toàn nhất để băng ra con kinh luôn vắng hoe vì.. thúi.
Choắt tinh ranh đủ để đọc ra hết các điểm mà công an có thể cắm để đón lõng nó. Và nó phán đoán đúng, mé kinh nước thải thúi inh ấy họ đã bỏ qua. Nó tự phục mình, kể cả anh Hai lúc đường cùng cũng chưa chắc đủ can đảm để ngụp xuống lòng kinh lều phều đồ lòng và phân heo xả thẳng xuống hàng ngày từ lò mổ như nó. Nó đọc đâu đó, rằng nơi an toàn nhất chính là trốn vào giữa chỗ nguy hiểm nhất. Lúc cái quyết định loé lên giữa chạy theo thằng Kiệm để cùng dính chặt với anh Hai hay tách ra để chia nhỏ đám người đuổi theo, nó đã tạt sang trái trong chỉ một phần mười giây. Cái chớp nháy để nó quyết định cố trốn thoát một mình là do trong đầu nó hiện lên khuôn mặt nội nó lành hiền, nhẫn chịu với chiếc khăn rằn luôn vắt trên cổ để tiện lau mắt thường xuyên..
Choắt không nỡ đột ngột bỏ nội lại để chạy trốn. Nó biết tội của nó lớn lắm. Chính nó vung con dao găm hớt ngọt bóng áo xanh để giải cứu cho anh Hai thoát thân. Giây phút mắt nó chạm vào mắt người công an ấy, nó đã hơi sững lại và chần chừ rồi quăng con dao tháo chạy theo đại ca. Đôi mắt ấy nhìn nó nửa như ngạc nhiên, nửa như đau xót mà lại có ánh thương hại rất khó chịu. Nó, thằng Choắt nổi tiếng chì nhất cái chợ vựa chưa từng ngán ai ở khu cảng cá lại vung dao nửa chừng, lại còn bỏ con hàng lại. Sai lầm ấy không phải do nó ngu dại non nớt, mà do giây phút đó nó chững tay giật mình rất kì cục.
Ánh mắt người đàn ông cỡ tuổi cha nó không giống bất kì kẻ nào nó từng đối đầu. Không có hận thù, sát khí, tranh giành mà lại như có sự mong mỏi hoà hoãn rất ấm áp. Thứ ánh mắt mà ngày bé xíu, mỗi đêm má nó đi nhảy chưa về, ba nó thường ôm nó dỗ ngủ. Người công an ấy đang khoá tay đại ca nó, nếu không vì nhát dao đó thì đã còng xong tay anh Hai rồi. Nó chỉ cần giải thoát cho anh Hai là được, đâu cần đâm người ta trọng thương làm gì. Lúc nó vung dao, nó đã không kịp căn lưỡi dao sẽ vào đâu. Chỉ cần ông ta cố giữ tay ở tư thế đó không buông tránh thì có thể lưỡi dao đã ngập vào động mạch cổ.
Nó từng được “đào tạo nhanh” sau trận đòn nhập hội và thử thách vài lần khi xử đám choai choai dám chơi căng với anh Hai. Nó được chỉ sơ lược về những chỗ chí mạng mà vung dao cần tránh để không vướng án mạng. Nó được cưng nhất băng bởi tính lầm lì ít nói, tiểu sử về cái chết của cha và thái độ dửng dưng không quỵ luỵ đám anh em nhập băng trước lúc nào cũng thể hiện lấy le với em út. Vào băng được một thời gian nó mới biết nó được anh Hai nhắm trước, sai thằng Kiệm sứt cà khịa thử nó vài lần rồi cũng chính anh Hai dàn xếp chi tiền cho Kiệm sứt đi viện chữa thương, ngăn nhà Kiệm tố sự việc ra công an.
Vụ đó, Kiện sứt đá tung sọt cá người ta trả công vác mướn cả đêm trên vai nó, cây móc nước đá trong tay nó đã bập xuyên vế thằng Kiệm khi cái sọt còn chưa văng đến chân thang cầu tầu. Khi đến viện, bác sĩ đã rất khó khăn mới lấy được cái móc xuyên ngoắc như dấu hỏi khỏi cái chân sưng chù vù bởi cây móc to bằng ngón tay găm tận gần xương. Thằng Kiệm sau lần đó phải nghỉ hẳn nghề bốc cá, chỉ loanh quanh thu phơi đề quanh chợ và thu tiền làm luật đám ghe lạ cặp cảng cá. Cái dáng thậm thọt của nó khiến người ta sợ nó hơn, còn người biết nguyên nhân nó cà nhắc cả đời thì sợ Choắt hơn. Tiếng tăm Choắt “móc đá” cứ âm thầm trong giới ghe cá để nó bốc hàng ở đâu, người ta công sá sòng phẳng với nó ở đó.
Hai trận hỗn chiến lớn giữa băng của Choắt do Hai Đằng cầm đầu với băng Sáu Kền khiến đàn em hai bên tạch non nửa quân số bắt nguồn từ lí do lãng nhách. Hai đại ca cầm đầu hai băng chẳng dính dáng gì đến nhau ở lí do tiền bạc hay ân oán nào to tát. Thậm chí bọn đàn em hai bên còn chơi với nhau khá thắm. Anh Hai quản cảng và chợ cá, Sáu Kền o bế toàn bộ khu vực Bãi tắm ngựa cũ gồm sà lan xăng dầu và chợ vựa trái cây. Thi thoảng nhã hứng, hai đại ca còn ới nhau dẫn đàn em đi chơi chung, bao nguyên một cái nhà hàng để nhậu banh nóc. Tình thân mến thân bởi nước sông không đụng nước giếng. Để đấu lại với chính quyền và đám giang hồ mới dạt về gây thanh thế nhằm chiếm địa, đôi lúc hai bên lại liên kết hợp tác dằn mặt đối thủ chung hoặc bảo vệ nhau trước chính quyền.
Vậy mà anh em đổ máu lai rai, rồi leo thang tới chết chóc lần lượt cả hai bên suốt nửa năm nay chỉ tại bởi một ả đàn bà. Mà lại là cái thứ đàn bà hổng ra gì, từng làm gái nhảy ở thành phố hết thời dạt về. Choắt uất ức nghĩ đến ả đàn bà lúc nào cũng nồng nặc mùi nước hoa và phấn son đậm như đào lẳng cải lương. Đôi mắt ả rừng rực như mắt chó đói lúc dốc ly bia vô miệng anh Hai, cặp môi thoa son đỏ bầm như màu trái mận chín nứt, trề ra đầy lẳng lơ. Ả ta khiến Choắt nhớ tới má, nhớ tới ánh mắt liếc ngang khi má dằn chén cơm chan nước tương và gảy miếng đậu hũ nội gắp cho. Những người đàn bà ấy khuôn mặt có thể khác nhau, vóc dáng tiếng cười cũng khác nhau nhưng cái ánh nhìn hun hút lạnh lùng hướng về nơi nào đó xa xôi luôn giống nhau đến lạ …
*
Choắt úp tai xuống khe ván. Nội nó đang khóc. Tiếng khóc của nội bao giờ cũng rấm rứt, kìm chế y như hồi nó mới lên sáu, biết nằm im giả ngủ để nội thôi lo lắng mà dừng tay vuốt lưng dỗ nó ngủ. Khi má nó bỏ đi ngay sau ngày ba nó bị bắt, không cả ngoái nhìn nó nước mắt nước mũi chảy tèm lem chạy theo xin má ở lại. Nội đã chăm sóc và bù đắp cho nó trong sự im lặng. Mọi nỗi khổ, mọi lời mà người ta thường trút ra cho nguôi giận nguôi đau nội giấu đi đâu hết cả. Nội cứ chậm rãi nhỏ nhẹ mà bán buôn sớm khuya nuôi thằng cháu côi cút ngác ngơ mất cả cha lẫn mẹ trong một ngày. Ai cũng chặc lưỡi thương cảm lúc Choắt lũn cũn giúp nội bưng khay hủ tiếu gõ tới cửa, vài người dúi thêm cho ít đồng lẻ vào túi quần túi áo đồng phục tiểu học nó mặc theo nội đi bán.
Tuổi thơ nó quen hơi xương hầm với củ cải trắng của món hủ tiếu mì gõ bám trên quần áo, mùi tỏi phi củ cải muối, mùi hẹ, mùi tôm khô chấy dầu nó phụ bày tô cho nội chan. Chiều vừa đi học về là nó tót vô ngồi trong cái thùng xe, ôm trong lòng chồng tô hàng trăm cái màu xanh lá chuối non và thiu thiu ngủ trong nhịp lắc nội đẩy xe, trong tiếng đám muỗng va lách cách và tiếng rao “Ai.. hủ tíu mì..”. Lớn hơn chút, chính nó biết lấy hai cái muỗng úp lưng đập vào lòng tay cho phát ra tiếng lách chách đặc trưng thay cho hơi rao ngày một ngắn dần của nội. Đến cái tô nội ăn cháo kia cũng là dư âm của những ngày đó, cái tô cũ ố màu, trầy xước và chiếc muỗng méo mó y chang cuộc đời bà cháu nó cũ nhàu khốn khổ tựa ỷ vào nhau mà sống…
- Má ráng ăn chút nữa cho mau hết bệnh. Má yên tâm, thằng Choắt không hề hấn gì đâu. Hơn nữa nó còn nhỏ, chưa mấy hiểu chuyện nên mới theo Hai Đằng làm chuyện quấy. Nếu nó sớm quay đầu thì tương lai nó không tới nỗi nào đâu, má đừng lo quá mà sinh bệnh.
- Tui biết chắc là nó gây chuyện rồi. Nó lầm lì ít nói nhưng là đứa biết thương tui lắm. Thường thì bận mấy nó cũng tạt về nhà ăn cơm với tui một lần, châm sẵn cho tui cái bịch chườm rồi mới đi. Hai hôm nay nó hổng về, anh em bạn nó cũng hổng có đứa nào qua là tui biết có chuyện lớn rồi. Chú em là cán bộ, tui chỉ nghe hơi là tui nhận ra. Mà chú em mới gặp bà cháu tui đây đã bỏ công lo cho tui hổm rày là tui biết chú em chờ thằng Choắt về. Hỏng có giấu tui được đâu, tui mù chớ chưa có lẫn. Tui chỉ cầu cho thằng cháu nội tui nó chưa có gây ra vạ lớn, gây tội với ai. Tía nó cũng do tui dạy bảo không đặng mà thành ra… Máu mủ nhà tui còn có mình ên nó. Nó có bề chi tui chết không nhắm mắt chú ơi…hu hu…
Choắt nằm im nín thở. Nghe tiếng nội nó khóc lần nào cũng vậy, nó không biết phản ứng ra sao cả. Những lần có hai bà cháu nó muốn nói với nội rằng nội yên tâm, nó sẽ ráng chín chắn và mần ăn chăm chỉ để dư ra chút vốn, rồi nó sẽ theo học thợ bạc ở tiệm vàng nhà Mười Lên. Ông Mười quý nó lắm, thấy nó có hoa tay và mắt thẩm mĩ hồi nó theo học thử làm mấy cái hoa tai bạc, ổng hứa sau này nó bỏ nghề cửu vạn thì cho nó học nửa tiền rồi nhận nó vô làm thợ. Nó ngại nói ra nội bắt nó nghỉ làm ở cảng cá. Nếu nghỉ, nó chẳng biết làm gì ra tiền để hai bà cháu sống, lại còn phải có ít nhất đôi ba chục triệu vốn dằn lưng mới mong học nghề cả năm trời.
- Má ráng ăn cho hết tô cháo nghen! Má bằng y tuổi má con dưới quê. Mà má con bả nhõng nhẽo lắm, hổng có cương cường được như má nè. Bả cứ hăm anh em tụi con nay đi mổ chân, mốt lên tăng xông rồi tim mạch tiểu đường miết hà! Má được như này thì ráng giữ sức khoẻ mà ở lâu với thằng Choắt. Con được anh em phường này báo rõ về hoàn cảnh của má và thằng nhỏ, con sẽ xin cấp trên đưa má vào diện ưu tiên bên uỷ ban và hướng nghiệp cho thằng nhỏ rồi. Má đừng có e ngại con hen. Con thứ tư, tên Hùng nghen má. Má cứ coi con như con cháu trong nhà, tin tưởng con nghen má!
Nội nó vừa đưa cái vạt khăn rằn lên lau mắt. Nội gật gật mái đầu bạc trắng mà hổng nói lời nào. Tô cháo gần cạn sạch được người công an mang vô sàn nước rửa rột rạt. Ổng lần tay theo tường, kéo sợi dây điện rớt xuống lòng thòng vắt lên chéo ban thờ Phật. Có tiếng mở cốp xe máy, rồi vài giây sau nghe chát chát tiếng đóng đinh và rồi bàn tay ổng kéo sợi dây gác lên. Đèn bật sáng, công tắc ban thờ Phật cũng vừa được bật rồi tiếng chiếc ấm đun nước reo sôi…
- Mắt tui mù rồi, hổng cần chi đèn đuốc đâu Tư Hùng. Coi về nhà nghỉ sớm kẻo vợ con nó trông tội nghiệp. Thằng Choắt mà về, tui sẽ giữ nó ở nhà, tui sẽ nói với nó ý tốt của chính quyền với bà cháu tui. Ngộ nhỡ nó có gây tội thì tui cũng sẽ khuyên nó đầu thú. Tui chỉ sợ, ngặt đám anh em ngoài cảng của nó là dân anh chị, lỡ tụi nó xử thằng nhỏ thì không biết phải làm sao…
- Má phải để nhà cửa sáng đèn thì mới ấm áp, có chuyện gì bà con xung quanh tiếp đỡ má chứ má. Con dặn chị Chín phụ nữ rồi, bữa nay chỉ sang đây trông má cho má bớt lo. Con để lại số điện thoại của con trên tường đây, có chuyện gì hoặc má không khoẻ thì má kêu người gọi con nghen.
Tiếng xe máy chạy đi, xa dần theo hướng con hẻm ngoằn ngoèo. Choắt thở thoải mái hơn rồi dán áp hẳn mặt xuống sàn chỗ có lỗ hở lớn nhất quan sát nội nó. Dưới ánh đèn vàng, nội ngồi tựa lưng vô tường, tay ôm lấy cái ca sứ trà còn bốc khói. Bịch chườm gối của nội quấn trong tấm chăn len mỏng để kế chân trái. Cái dáng nội ngồi sao giống lúc xưa nội đi bán về, ba nó pha cho nội ly sữa nóng trong những lần tỉnh táo hiếm hoi. Trong đầu nó chợt nảy ra cái ý nghĩ kì ngộ, giá như người đàn ông khi nãy là con của nội thì bà nội đỡ khổ biết mấy. Nó lắc lắc đầu như muốn gạt cái ý nghĩ ngớ ngẩn ấy khỏi đầu, giống hồi bé nó thường làm vậy mỗi khi tưởng tượng mẹ nó quay về ôm nó vào lòng…
Choắt định lẻn xuống, kiếm chút đồ ăn bỏ bụng rồi để lại cho nội cục tiền nó dành dụm lâu nay, nói qua cho nội biết nó ổn để nội sống tạm chờ ngày êm êm nó sẽ về tiếp. Chưa kịp thả chân xuống khoảng trống phía trên cái tủ mì gõ, tiếng oang oang của dì Chín - Tổ trưởng phụ nữ đã tới cửa:
- Má Sáu! Tư Hùng nó dặn con chín giờ qua mà bận hoà giải vụ nhà Năm điếc oánh lộn, con qua trễ. Đêm nay con ở đây với Sáu nghen.
- Tui hổng sao đâu. Để tui thức chờ thằng Choắt nó về. Tui nóng ruột lắm hổng có ngủ được đâu nên má sắp nhỏ về với mấy đứa đi, khỏi lo tui!
- Đâu được má Sáu. Nhiệm vụ con nhận rồi. Đêm hôm đâu để má Sáu đang bịnh đau sốt như vầy ở một mình được. Vái trời cho thằng Choắt bình an. Ai nói nó sao nói chớ con tin thằng nhỏ lầm lì mà có tình, nó hổng có làm chuyện ác đâu. Tội nghiệp nó với Sáu…
- Có chuyện gì phải không? Nói đi, làm ơn đừng có giấu tui, tui lên máu tui chết mất! Chín à, đừng có giấu nữa, phải nói ra để đặng tui liệu nữa. Tui xin má thằng cu Bon làm phước cho tui biết đi mà
Tiếng nội đã nghẹn nghẹn. Dì Chín mập như chịu hết nổi, nhỏ giọng:
- Từ sáng nay ngoài chợ đã rần rần rồi má Sáu. Đám lâu la băng thằng Sáu Kền bị bắt hết rồi. Trong đó có hai đứa phải đưa lên Chợ Rẫy vì bị thương nặng đó. Sáu Kền nghe đâu bị bắt lúc giắt súng đi kiếm Hai Đằng và con vợ hờ. Băng Hai Đằng bốn đứa nhóc ra tự thú sau khi nghe tin thằng Kiệm sứt bị đâm chết, xác nằm trong hốc hẻm đường vô miếu Cũ. Mấy người đi coi khám nghiệm, về bảo nó bị đâm bằng dao găm ngay tim, kẻ đâm thuận tay trái..
Choắt tưởng như mình bị bóp nghẹt thở khi nghe những lời dì Chín mập đang thao thao. Vậy là sao? Đầu óc nó quay cuồng choáng váng trước những thông tin khiếp đảm. Đêm đó, chỉ có nó, anh Hai và thằng Kiệm chạy cùng nhau về hướng lò vịt quay Đồng Thiện, đến ngã ba giữa con hẻm thông ra quốc lộ và miếu Cũ, nó quyết định tách ra để vòng men theo kinh nước Mới để trốn về bến cá. Nó nằm im trốn dưới cái ghe cũ chờ sửa, chờ êm rồi đêm sau luồn hẻm vựa vòng về xóm nhà mình.
Bị đâm bằng tay trái… Dao găm… Không lẽ nào thằng Kiệm bị chính anh Hai giết chết? Vì lí do gì mới được chứ? Chỉ có Kiệm sứt và nó là hai thằng thân cận anh Hai nhất, hay được sai làm việc vặt riêng và nắm nhiều mối hàng nhất cho đại ca. Không lẽ….
Đầu óc Choắt chợt loé sáng. Chỉ có nó và anh Hai là thuận tay trái trong băng. Chỉ có nó và Kiệm sứt biết chỗ ả đàn bà gái nhảy tên Loan trốn Sáu Kền hẹn hò bí mật với anh Hai tuần hai lần. Chỉ mình nó biết chỗ căn nhà bí mật mụ ta mua để chứa hàng đánh từ Campuchia về chờ đi thành phố. Những ý nghĩ loang loáng hiện ra, rồi nó đau đớn xác định chắc chắn thằng Kiệm đã bị anh Hai đâm chết. Nỗi đau đớn, sợ hãi và uất hận cùng lúc xuất hiện, quặn cào trong bụng nó. Thằng Kiệm sứt, cái đứa bị ăn một nhát quơ cây móc nước đá của nó thành thương tật cả đời đã trở thành bạn thân của nó khi đầu đuôi sự việc sáng tỏ. Cái đứa bề ngoài ngổ ngáo mà trong ruột lại ngây thơ đến nỗi cắm mặt thí mạng kiếm tiền về đưa cha dượng để lão không bỏ má nó. Nhiều đêm nó ngồi canh Choắt vác cá xong, đưa cho Choắt cái khăn lau mình rồi nổ máy cái xe honda dame bành bạch chạy vòng nửa cái thành phố còn chưa thức mà kiếm cho được hàng cơm tấm sườn bì chả ngon bá cháy theo cách nó nói để Choắt làm một đĩa. Nó bảo, nó không có anh chị em, nên coi anh Hai và Choắt là huynh đệ sau này có nhau mà không ngán người đời khi dễ nó con hoang…
Nước mắt Choắt rơi nhoè nhoẹt trên mặt. Dưới nhà, nội đang khóc mỗi lúc một lớn. tiếng nức nở của nội cứ thắt nghẹn lại giữa các câu nói rời rạc:
- Trời ơi là trời. Vầy thì thằng Choắt ra sao đây trời…Có khi nào nó cũng mang số phận như vậy không trời ơi... có khi nào nó gây tội không hả trời…
Tiếng nội nấc liên tục khiến Choắt phát hoảng. Đầu nó rối rắm, đau nhức quá. Nguy hiểm lắm. Nếu anh Hai ra tay thì chỉ là để bịt đầu mối hoặc đổ tội cho nó mà thôi. Nó nhớ đến những lần trong lúc say sưa, anh Hai từng cầm dao vung đến ngực từng đứa vừa chỉ cách đâm chí mạng vừa lè nhè dọa đứa nào phản sẽ bị xử như vậy. Nó chưa từng biết sợ anh Hai, coi đó chỉ là những hành động lấy uy của đàn anh với bọn đệ tử, dằn mặt mấy đứa ba phải. Choắt không ngờ thằng Kiệm tội nghiệp, trung thành là vậy mà… Và nó thấy ớn lạnh vì sợ. Giờ chỉ còn mình nó biết chỗ hai kẻ ấy trốn.
Choắt như tê liệt. Nó thật sự không biết phải làm gì. Đau đớn và sợ hãi như bóp nghẹt mọi giác quan của nó…
Tiếng dì Chín gấp gáp gọi điện thoại cho ai đó lẫn trong tiếng sấm đì đùng và cơn mưa bắt đầu xối áo ào. Hơi đất lẫn mùi nước cống dềnh lên hăng thúi khiến Choắt nhớ đến mùi đất đắp lên mộ ba nó. Lúc đó, nó cũng đau đớn và sợ hãi tê liệt như bây giờ…
- Má Sáu, má bình tĩnh nào. Má đừng lo lắng quá mà lên huyết áp bất tử. Chị Chín, chị nói gì đó để má Sáu xúc động phải hông? Trời ơi, em đã dặn đi dặn lại là kín miệng kẻo má lo mà…
Choắt vô thức ép người xuống mặt sàn, áp con mắt đang đau nhức của nó vào khe hở. Người công an vừa đội mưa ào đến. Mưa ướt áo ngoài làm lộ ra khoảng vai trái băng bó vừa bị nội nó bíu lấy đang loang máu. Chỗ đó trông sao giống là vết thương nó gây ra… Đúng rồi. Đó là người đã suýt còng được tay anh Hai đêm ấy. Trong đầu Choắt như có muôn ngàn đốm pháo hoa nổ tưng bừng, nhức nhối…
Nó từng ghét những người mặc áo xanh, áo vàng ấy. Không, phải nói là từ ngày ba nó bị bắt vô tù, nó ghét cay ghét đắng họ là khác. Nó luôn mang trong mình cảm giác thù hằn dù nó biết là vô lý chỉ bởi kí ức trẻ thơ nó nhìn ba nó bị còng tay dắt đi bởi hai người mặc áo xanh. Bao năm nay, nó lầm lì phản kháng, phủ nhận họ, căm ghét họ, chống đối họ. Chỉ có giây phút này, nó thấy mình vỡ vụn ra khi nhìn màu đỏ máu trên vai người công an đang nén đau cõng nội nó chuẩn bị đi viện. Choắt như giật mình vùng ra khỏi ác mộng, mồ hôi nó túa ra. Nó sợ. Sợ nội nó bị ông ấy cõng đi mất. Sợ nó không bao giờ gặp lại nội nó nữa. Trong lúc nó cố sức chống lại cơn run rẩy vừa la vừa nhảy đại xuống khoảng lỗ trống của căn gác xép, nó nhận ra nó sợ mình không kịp báo cho người đàn ông kia chỗ anh Hai đang lẩn trốn. Hơn hết, nó biết nó đang sợ để anh Hai chạy thoát mất.
- Con đây! Choắt đây nội ơi! Chú ơi, con đầu thú! Phải bắt ngay Hai Đằng, đừng để nó chạy thoát, chú ơi.
Trong tiếng mưa sầm sập xối xuống mái tôn, nó nghe thoang thoáng giọng nội nó cười, âm ấm bàn tay nội nó rờ lên khuôn mặt nó đang lạnh ngắt mồ hôi. Và nó cảm nhận được bàn tay người công an đặt lên vai nó, vỗ nhẹ. Nó nghe tiếng mình đọc vanh vách các chỉ dẫn đường đi để đến nơi Hai Đằng đang trốn. Trong ánh chớp loé lên giữa hai lần sấm, nó thấy đôi mắt chú Tư Hùng nhìn nó hiền hoà, ấm áp. Nó nghe được cả tiếng nó xin lỗi nghẹn ngào thốt ra trong nước mắt khi nó nhìn vào vết thương còn rỉ máu trên vai ông…