Chuyện giáp Tết

Thứ Năm, 02/01/2025, 11:26

Đã hai sáu Tết. Năm nay tháng chạy chỉ hăm chín ngày. Ba hôm nữa là đón Giao thừa. Thế mà trên núi vẫn còn những tốp thợ rừng. Tôi ngồi nghe tiếng rìu đốn gỗ, đẽo cây vọng về đều đều cốc cốc, chan chát. Cũng như cha, những thợ rừng tranh thủ chuyến lên rừng cuối năm mang theo niềm hy vọng về một khoản tiền ít ỏi để sắm Tết.

-Tết này chúng bây có quần áo mới nha. Cha tôi nói, đôi mắt sáng lên sau những lọn tóc loăn xoăn rũ xuống như rễ cây rừng phủ kín gần hết gương mặt.

Cha bảo anh em tôi dừng lại bên vệ đường. Ông chỉ cho tôi và em trai xem hai cái cây thẳng thớm ẩn mình sau những đám dây leo chằng chịt. "Gỗ de đây. Gần đường thế mà không ai tìm thấy" - cha nói ngắn gọn rồi thả túi đi rừng và chiếc rìu xuống, bên hông vẫn đeo kè kè bao dao.

- Mày đưa cái túi cha xem nào. Ăn cơm đã rồi cha sẽ ngã cây - cha nhìn tôi. Em trai cũng nhìn tôi. Có lẽ, nó cũng như tôi, đang đói. Túi đựng các thứ đồ dùng kéo gỗ, móc xích sắt, áo ấm, khăn quàng cổ, sáng nay mẹ nhét vào một đùm cơm và ba bánh lương khô. Ba cha con lên rừng từ bốn giờ sáng. Dù đã mặc áo khoác ấm, quàng khăn len nhưng khi bước ra khỏi nhà tôi vẫn run cầm cập. Em trai tôi không khá hơn, chốc chốc nó lại chạy một quãng cho nóng người. Đi hết ngọn núi đầu tiên, khi sang sườn bên kia, tôi và em trai đều vã mồ hôi. Áo khoác, khăn quàng cứ thế cởi phăng, tôi đem nhét vào túi.

Chuyện giáp Tết -0
Minh họa: Bùi Quang Đức

Con trâu đực nhà tôi vào hàng lớn nhất bản, lầm lũi bước, lâu lâu lại thở phì phì. Mùa lạnh, bọn muỗi, ruồi vàng đều vắng bóng, cái đuôi trâu được rảnh việc, chẳng phải vung ngược vung xuôi xua lũ côn trùng hút máu. Từ khi rời quân ngũ về bản, cha chỉ làm rẫy, đốn gỗ rừng nuôi bốn anh em tôi, mỗi đứa cách nhau hai tuổi. Tôi mười hai, em trai mới lên tám. Bé thế mà nó đã biết theo cha lên rừng phụ giúp trông trâu. Tôi thì mang đồ, nấu ăn, đôi khi còn đánh trâu kéo gỗ. Thực ra thì bọn nhóc chúng tôi chẳng giúp được gì nhiều. Đi để làm quen với nghề rừng, sau này lỡ chẳng nghề ngỗng gì thì còn biết dựa vào rừng mà sống. Với dân bản tôi, mỗi chuyến lên rừng là một niềm hy vọng về cái ăn, cái mặc.

Cha là thợ rừng giỏi nhất nhì bản. Nhìn thoáng qua cánh rừng, cha biết ở đâu có gỗ tốt, biết cách ngã cây sao cho dễ đẽo, xẻ và tiện bề kéo về. Từ sáng đến giờ cha đã bỏ qua không dưới chục cái cây lớn. Cây thì cha bảo gỗ không tốt, cây thì dễ bị rỗng ruột, có chặt ngã cũng mất công, lại hại đến rừng. Lần này, cha bảo tôi giở cơm nắm ra ăn là đã chọn được cây ưng ý. Nghĩa là cả bốn anh em sẽ có quần áo mới chơi Tết. Cha nói đơn giản vậy.

Đã hai sáu Tết. Năm nay tháng chạy chỉ hăm chín ngày. Ba hôm nữa là đón Giao thừa. Thế mà trên núi vẫn còn những tốp thợ rừng. Tôi ngồi nghe tiếng rìu đốn gỗ, đẽo cây vọng về đều đều cốc cốc, chan chát. Cũng như cha, những thợ rừng tranh thủ chuyến lên rừng cuối năm mang theo niềm hy vọng về một khoản tiền ít ỏi để sắm Tết. Cha ít khi chờ đến cận Tết mới lên rừng mà thường chuẩn bị trước hàng tháng. Nhưng, trận sốt rét vừa qua khiến đứa em gái thứ hai của tôi phải nằm viện cả tháng trời. Cha mẹ lo chạy ngược chạy xuôi thuốc thang chăm sóc tưởng cũng ốm ra luôn thì nó khỏi.

Em gái ở viện về nhà hai hôm, cha dẫn theo anh em chúng tôi lên rừng đốn gỗ kiếm tiền sắm Tết. Những cánh rừng quê tôi chưa bao giờ được yên tĩnh đúng nghĩa. Rừng luôn bị xáo trộn bởi cuộc mưu sinh của người. Rừng đang cạn kiệt đi và muông thú cũng chỉ còn lũ sóc, chuột, hoẵng, họa hoằn lắm mới gặp lợn lòi. Đi rừng cuối năm thường đem lại cảm giác buồn buồn. Cái lạnh từ gió núi ngấm vào thịt da khiến nỗi buồn trong tôi có phần khác lạ.

Tôi lục tung rồi dốc ngược cái túi vải bố. Đùm cơm mẹ tôi cho vào túi ban sáng không còn. Tôi nhớ sáng nay, khi dừng chân trên đỉnh núi, ba cha con chỉ ăn lương khô lót dạ rồi vội lên đường. Tôi ngồi phệt trên vệ cỏ ven đường nhằng nhịt dấu chân trâu, chằng chịt rãnh lớn, rãnh bé do trâu kéo gỗ cày trên mặt đường lâu ngày mà thành.

Chẳng biết đùm cơm rơi ở đâu, rơi từ bao giờ. Nắng đã chênh chếch ngang sườn núi. Mùa hè thì lúc này hẳn rằng mặt trời đã đứng bóng. Em trai nhìn tôi vừa thất vọng vừa hờn dỗi. Lẽ nào cả ba cha con phải nhịn đói đến tối, về nhà mới có cơm ăn thì quả là cực hình. Lết qua ba ngọn núi và mấy con thung, con suối về bản trong khi bụng đói meo có mà lả người.

Cha tôi quyết định vẫn phải chặt hạ xong hai cái cây mới về. Cố nhịn đói. Lệnh cha đưa ra y như hồi còn làm trung đội trưởng biên phòng. Tôi rủ em trai lần xuống mé suối nơi nhiều rừng hơn xem có tìm được thứ gì lót dạ. Rừng đã nuôi sống cha ông tôi. Nhưng, đến thế hệ tôi thì ít kinh nghiệm ở rừng hơn. Tôi tìm được một cây vả quả bé xíu. Vả chín nhiều vào mùa thu, đông đến chỉ còn sót lại những trái bị sâu, bé xíu. Tôi vặt lấy vài chùm tìm đến cái lán thợ rừng ven suối cùng em trai ăn. Chẳng lấy đâu ra muối để chấm mà hai anh em vẫn chén ngon lành. Một lúc sau đã chẳng còn sót lại quả nào. Chỉ tội nghiệp cho cha, mấy giờ đồng hồ vẫn đói meo. Từ căn lán tôi nghe thấy tiếng ót ót... rầm... Một cây gỗ đã đổ.

Có mấy quả vả trong dạ dày, em trai tỉnh táo hơn, tinh thần phấn chấn hẳn. Nhưng, cơn đói thì chưa hết. Nó ngồi trên lán đảo mắt tìm kiếm mồi, phát hiện trên cây gần đó có một tảng sáp ong lớn bằng cái mũ cối. Ong đã bỏ đi từ bao giờ và cành cây chỉ còn lại đám sáp trắng đục, trông xa như một cái nấm lớn mọc trên chạc cây. Tôi biết trước đây em trai vẫn hay nhai sáp ong chơi bèn trèo lên cây bứt cả tảng ném xuống.

Em trai đón lấy như thủ môn bắt cú sút dội xuống từ trên cao. Nó ngã lăn ra đám thảm mục, tay vẫn ôm chặt tảng sáp ong. Tôi tụt xuống đến nơi đã thấy em ngồi xếp bằng tròn trên lán trệu trạo nhai. Tôi bắt chước, bứt một chút cho vào miệng. Sáp ong khô khốc, chẳng có vị gì. Nhai hồi lâu thì nước miếng túa ra. Đúng là miếng sáp ong giúp tôi tạm quên đi cơn đói.

Một tốp thợ rừng tìm đến, tôi mới biết cái lán này do họ dựng từ nửa năm trước. Chẳng phải ai xa lạ mà là các chú, các anh trong bản. Những người thợ rừng vừa từ trên núi trở lại lán để chiều tối còn về nhà. Gần chục ngày qua, họ ở lại lán để lên rừng xẻ gỗ. Tôi nghe họ bàn nhau ngày mai sẽ đi đánh trâu trở lại rừng kéo gỗ về bán và chia tiền, sắm Tết.

Chú Bằng nhìn hai anh em và hỏi:

- Có phải hai đứa bây để quên gói cơm trên đỉnh núi bên kia đúng không?

Tôi chỉ biết gật đầu. Té ra sáng nay trong khi lục mấy phong lương khô ra ăn, tôi có lấy đùm cơm ra để qua một bên. Vì cha giục ăn nhanh đi vội, tôi đã quên cho đùm cơm vào túi.

- Chiều qua tao về bản lấy thực phẩm. Sáng nay lên đến đỉnh núi thì thấy gói cơm để ngay ngắn trên khúc gỗ. Biết là ai đó để quên. Tao mở ra xem thì kiến đã bâu kín cả gói cơm nên vứt đi rồi.

Câu cuối của chú Bằng càng khiến tôi thất vọng. Nhưng, những lời này thì lại làm em trai không thể vui hơn. Nó vỗ tay vui sướng.

- Bọn tao cũng đã ăn gì đâu. Làm thông tầm đến tận chiều để tối còn về bản. Chốc nữa ăn với bọn tao luôn. Chắc hai thằng bây đang đói lắm. Nhai sáp ong thì có béo bở gì, cháu ơi!

Mấy người thợ rừng cười khà khà. Họ bắt tay vào nấu bữa trưa. Tôi cầm chiếc can nhựa chạy xuống suối lấy đầy rồi khệ nệ xách về. Mấy ông thợ khen biết điều, nhanh ý.

Màn khói và mùi thịt nướng dẫn đường cho cha đến lán thợ. Hai cây gỗ de đã nằm gọn dưới lòng suối. Cha vuốt mồ hôi, thả chiếc rìu xuống sàn lán, cười đùa cùng tốp thợ rừng. Bữa cơm chiều cuối năm giữa rừng đã bày ra trên chiếc mâm bằng lá chuối. Có thêm ba cha con chúng tôi khiến khẩu phần ăn bị chia nhỏ. Mấy người thợ rừng tìm thêm đọt chuối non, đọt bo bo nấu canh, rau rừng để ăn sống. Nồi nấu cơm quá nhỏ, mấy chú thợ rừng đổ cơm ra lá chuối hơ lửa và bắc thêm một nồi nữa. Vậy là cơm canh đều thoải mái. Chú Bằng nhìn đồng hồ đeo tay thì đã hơn ba giờ chiều. Gần chục người chen chúc trong cái lán thợ chật hẹp ăn bữa trưa muộn. Đó là bữa cơm mà tôi vẫn nhớ mãi. Cái đói khiến ai nấy đều ăn ngon lành.

Tối mịt thì cha tôi đẽo gỗ xong. Gỗ tròn trở thành hai phiến vuông vắn. Tôi phụ cha đóng móc cố định vào sợi xích nối hai phiến gỗ lại. Cha ra roi, con trâu mộng cật lực kéo. Đến mười giờ đêm thì về đến bản. Lúc này đâu đó đã nghe tiếng pháo nổ đì đẹt. Thực ra thì ngoài hai mươi dân bản đã đốt pháo. Thường thì sau lễ gọi vía cuối năm, người ta đốt một phong pháo. Đôi khi hứng chí lên cũng đốt. Đốt pháo cho có không khí Tết ấy mà, người ta bảo nhau như thế. Pháo Nam Đàn trái to bằng ngón tay nổ ùng oàng. Pháo Điện Quang bé như chiếc đũa nổ đì đẹt, tiếng nghe khá đanh. Dân bản tôi chỉ đốt hai thứ pháo đó.

Anh em tôi không phải chờ lâu, sáng hôm sau mẹ gọi đi chợ sắm Tết. Đêm qua cha đã bán hai phiến gỗ. Cánh đầu nậu chực sẵn trong bản, thấy gỗ về là lập tức đến ngã giá. Cha bảo cuối năm lái gỗ biết mình cần tiền nên ép giá. Mình túng thiếu thì đành chịu thôi. Tiền bán gỗ đủ mua yến gạo, mắm muối, hoa hòe, dầu đèn, nhang, bánh kẹo, nước mắm, hành tỏi... cho ba ngày Tết. Lợn thì đã sẵn có rồi. Đương nhiên, bốn anh em tôi cũng sẽ có mỗi đứa một bộ quần áo mới để chơi Tết.

Nhà chỉ có một chiếc xe đạp, hai anh em tôi phải oẳn tù tì xem đứa nào thắng sẽ được mẹ đèo đi chợ Tết. Mẹ khéo mặc cả nên nhận phần lo mua sắm. Phần thắng thuộc về tôi, em trai xị mặt nhưng rồi cũng đành chấp nhận. Tôi ngồi trên poóc-ba-ga tha thẩn ngó nghiêng. Áp Tết, bản làng vui nhộn hẳn. Những nhà có đài cassette cũng đã nạp đầy ắc-quy. Chỗ thì giọng Chế Linh, Tuấn Vũ, đến cuối bản thì nghe: "Anh đi đào đá đỏ/ ở vùng mỏ Quỳ Châu/ Anh biết tìm đâu/ tìm đâu ra đá đỏ...".

Mấy đứa bạn cùng lứa chạy theo trêu ghẹo. Chúng đang ghen tị vì tôi được mẹ cho đi chợ Tết. Với bọn trẻ chúng tôi, chợ Tết là một niềm vui lớn, chẳng phải ai cũng có được. Mấy năm trước, vào hai lăm tháng Chạp, tôi còn cùng thằng bạn thân đi bộ gần tám cây số đến chợ Tết. Trong túi chỉ có ba nghìn bạc nên chẳng dám đi xe đò. Cả đi lẫn về mất tiêu một nghìn. Một nghìn đồng mua được hai bát phở để hai thằng chia nhau ăn. Thôi thì đi bộ để ăn phở vậy. Chợ trung tâm huyện ngày thường đìu hiu, Tết đến đông gấp trăm, gấp nghìn. Ở tận huyện Tương Dương cách mấy chục cây số, mất nửa ngày đường đạp xe, thế mà vẫn có người tìm về chợ. Người ở xa đến chợ cốt để cảm nhận cái đông vui, ồn ã, để gặp gỡ bè bạn.

Hai bảy Tết, chợ trung tâm huyện nghìn nghịt người. Mẹ ghé quán ông bạn cùng lớp cấp ba lựa quần áo cho bốn anh em mỗi đứa một bộ. Tôi đi cùng nên được chọn theo ý mình. Ba đứa kia thì mẹ tự chọn. Lúc tính tiền, gương mặt mẹ đột nhiên biến sắc. Thì ra cái túi đeo bên hông cùng dây xà tích đã biến đâu mất. Ông bạn tên Thông nhìn mẹ ái ngại. "Bạn cứ cầm đồ về, sang năm trả mình cũng được. Khổ thân!". Mẹ tôi nghe vậy nước mắt tuôn trào. Thật hiếm khi tôi nhìn thấy nước mắt mẹ. Sau này, tôi chỉ nhìn thấy mẹ khóc nhiều khi biết cha mắc trọng bệnh rồi về với cõi Then.

Mất tiêu túi tiền mà mấy cha con mất một ngày trời lên rừng mới kiếm được, mẹ tôi có phần đau lòng. Cha thì điềm tĩnh hơn. Cha bảo, mất thì kiếm lại chứ buồn làm gì. Cha nhìn ra sân. Con lợn sề nuôi đã năm năm đang tha thẩn bên lũ gà. Có khi chiều nay phải bán đi, chứ Tết đến nơi rồi không kịp đi rừng nữa đâu. Mẹ chẳng gật cũng chẳng lắc, xem ra đã đồng ý.

Tôi rủ em trai ra suối chơi. Với tôi, Tết có quần áo mới đã là hạnh phúc rồi. Không mắm muối, nhang đèn, dầu thắp cũng chẳng sao. Hai anh em thi nhau nhặt những hòn đá dẹt vung tay phóng cho chúng nhảy lia thia trên mặt nước rồi cười vui thích thú cho đến khi viên đá chìm hẳn xuống đáy suối. Chỉ trò ấy mà anh em tôi chơi đến chiều, khi bụng đã đói mới chịu trở về.

Trên bến nước cạnh bản, thấp thoáng bóng những người phụ nữ ra suối rửa lá dong, cọ nồi niêu, chõ đồ xôi. Có người gọi theo hai anh em tôi giục về nhanh, nhà có khách. "Ai mà nhìn lạ hoắc, trông như người bên ngoại chúng mày".

Nhà ngoại, tức là quê mẹ cách bản tôi đến nửa ngày đi bộ, thế nên mỗi khi ông ngoại và các cậu đến chơi, tôi thích lắm. Thế nhưng, khách không phải là ông ngoại hay các cậu tôi. Một người đàn ông mặc quân phục cũ, đầu đội mũ Giải Phóng, tôi chưa gặp bao giờ đang ngồi cùng cha. Ông ấy chỉ ngước nhìn anh em tôi rồi tiếp tục chuyện trò cùng cha bên bếp lửa. Mẹ đang mổ gà ở gian nhà phía trong bếp.

Ngôi nhà sàn lợp lá của chúng tôi những ngày cuối năm như vui hơn khi có một vị khách lạ. Cha vốn kiệm lời nhưng sao hôm nay nói nhiều thế. Tôi thực sự lấy làm lạ. Tôi cầm quyển sách đến bên cửa sổ cạnh bếp lửa vờ giở ra đọc nhưng kỳ thực đang hóng hớt hai người lớn nói chuyện. Té ra người kia là chú Ìm nhà ở huyện Tương Dương, cách bản tôi bảy chục cây số. Chú và cha vốn cùng đơn vị khi còn là bộ đội biên phòng. Rời quân ngũ là ai về quê nấy cặm cụi làm lụng, giúp vợ nuôi con. Tình cờ mới có dịp hàn huyên.

- Uống đi! - tiếng vị khách vang lên sang sảng khiến tôi giật thót mình - Cái ví tiền của ông đã dẫn tôi đến đây mà.

Tôi ngoái nhìn vị khách. Câu nói của chú Ìm khiến tôi thực sự tò mò. Cha kéo tôi lại ngồi cạnh.

- Đây là thằng cả nhà mình. Nó học khá nhất cái bản này. Nghe đây con, chính chú Ìm đã nhặt được ví tiền mẹ mày đánh rời. Nhờ cái chứng minh thư cha để trong ví mà chú tìm được mà mang ví về trả.

Cha nói trong hơi men. Tôi thì vui vì nhà có khách hơn là cha mẹ lấy lại được ví tiền. Tối đó, cha mẹ mổ gà làm lễ gọi vía. Tục lệ người Thái quê tôi vẫn làm lễ này mỗi dịp cuối năm để gọi hồn vía ai còn ở xa thì về ăn Tết. Khách quý đến nhà cũng được buộc một sợi chỉ ở cổ tay để cầu bình an và cũng là sự hàm ơn mà cha dành cho người đồng đội.

Sáng hôm sau, chú Ìm dậy sớm lắm. Chú cũng vội về để còn lo đón Tết. Hai người đồng đội lâu năm gặp lại nhau cứ quyến luyến chẳng muốn rời. Tôi giúp chú Ìm dắt xe ra cổng. Mẹ chạy vội theo dúi vào chiếc túi dết chú đeo bên hông một nắm xôi gói trong lá dong. Đường xa, có khi chiều nay chú Ìm mới về đến nhà, cần có cái ăn dọc đường.

Tôi nhìn theo bóng người đồng đội của cha khuất dần cuối con dốc dẫn vào bản. Đó là lần đầu tiên tôi biết trông theo một người xa lạ nhưng sống nghĩa tình. Nhờ chú ấy mà năm đó nhà tôi có được một cái Tết thật trọn vẹn. Sáng mồng một Tết, tôi lại cùng em trai trèo qua hai quả núi đến nhà ông ngoại. Tôi sẽ chơi ở đó đến mồng ba.

Đôi khi, vào những ngày giáp Tết, tôi lại nhớ về cái Tết năm ấy. Đã hơn ba mươi năm và cha tôi ăn cũng đã trải qua bảy cái Tết ở cõi Then.

Truyện ngắn của Hữu Vi
.
.
.