Củi xuân

Thứ Sáu, 22/01/2021, 12:24
Ăn xong thứ khoai ấy, đêm về, người ta có một cảm giác thật đặc biệt, ấy là những khoan khoái kì lạ. Có người nửa đêm thức dậy, mở cửa bước ra ngoài, đi dưới trăng quầng và sương đục. Họ nhìn thấy những người con gái đang cõng nước, nước ăm ắp trong ống bương, dốc cao, dáng khom, vai uống, ngực rung, nước tràn cả vào cổ, thấm qua làn áo cóm. Rồi đám con gái cười, người ấy đánh tiếng, đám con gái rủ người ấy xuống lấy nước cùng…


Bản Củ nằm sâu trong núi. Cái sâu thường quý, lại còn lạ vì đã ai tường tận. Ngắm cái thế núi tròn mọng trấn hai bên, vị tướng nào đương dẫn binh qua đây hẳn sẽ đắc ý ghi tâm, khắc cốt về một chốn hiểm yếu, phòng khi sa cơ, lỡ vận. 

Nhưng, tướng nào qua đây làm gì? Chỉ có bọn đàn ông thừa rượu mà thiếu vợ lại gặp cảnh mùa màng thất bát, mua bán ế ẩm. Chúng đứng nhìn chằm chằm về phía bản Củ mà cười hô hố rằng: Nó như cái khe ngực đàn bà, càng sâu thì càng mặn mà, càng háo hức thì càng nhanh kiệt sức.

Nhưng mà, trong cái lời cợt nhả, bông phèng, chim chuột của con người ta cũng có cái lí của nó. Thì nhọc quá, buồn quá, ngán ngẩm quá, mới đem gắn cái chuyện gái gú, gường chiếu vào cho vui mồm, chứ biết lấy là để than thở đây. 

Nhìn sơ sơ là thế thôi, vào được đến bản Củ thì cũng… mệt. Nghe nói, rừng rậm và lành, không có lá độc, thú dữ nhiều. Nghe nói, nước suối bản Củ trong lắm. Trong thế nào? Hơn bản Lệnh, bản Lầm không? Một lão đi bắt ong qua đây đã nói thế này: Nước suối bản Củ nhìn hết sức bình thường, nhưng tuyệt nhiên không có một con cá nào dám bơi ra vào ban ngày. 

Con chim bói cá lông xanh, mỏ vàng cứ đậu mãi ở đầu ngọn mạy bông. Ban đầu nó đợi, rồi nó gật gù ngủ, đến chán đến chê, nó ngủ thật, nó rơi xuống suối cũng chả thấy con cá nào mà bắt. Con bói cá đã là gì? Thằng con trai mười bảy, mười tám, người căng như củ sắn, sức vóc đủ sinh sôi lắm rồi, cũng đứng ngắm mà làm gì có đứa con gái nào ra suối tắm. 

Thằng con trai không gật gù được như con bói cá, không rình mãi được như con hổ, con mèo rừng, thằng con trai cầm con dao, cứ mặt trời qua một đốt mạy bông, nó lại chém một nhát dao vào cây. Nó đợi, nó chém đến khi đổ rầm cả cây vàng tâm cũng không có đứa con gái nào ra tắm để nó ngắm. Nước trong thế chứ còn trong thế nào?

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Nhưng bản Củ có một loại khoai ngon mà được ăn một lần, ai cũng không thể quên được. Thoạt nhìn, củ khoai không có gì đặc biệt, nó to tròn nhưng lại bẹt như cái bánh xe. Trẻ con có thể cầm mà lăn từ trên dốc xuống được. Nhưng về đem bổ ra, đun với nước suối, thêm ít rau thơm vào, cứ thế ăn thì ngọt và thơm, bùi. 

Ăn xong thứ khoai ấy, đêm về, người ta có một cảm giác thật đặc biệt, ấy là những khoan khoái kì lạ. Có người nửa đêm thức dậy, mở cửa bước ra ngoài, đi dưới trăng quầng và sương đục. Họ nhìn thấy những người con gái đang cõng nước, nước ăm ắp trong ống bương, dốc cao, dáng khom, vai uống, ngực rung, nước tràn cả vào cổ, thấm qua làn áo cóm. Rồi đám con gái cười, người ấy đánh tiếng, đám con gái rủ người ấy xuống lấy nước cùng… 

Tỉnh dậy, thấy mình nằm bên bờ suối. Đúng là mơ, nhưng khắp người còn vương một làn hương con gái, thơm như vừa quấn quýt lấy nhau, ngập tràn trong nhau, nồng nàn trong nhau…

Suối, khoai, vẫn chưa phải là câu chuyện đáng để kể nhất. Lão đi bắt ong chầm chậm đón lấy điếu thuốc lá một người trong nhóm vừa cuộn cho mình. Lão cẩn thận vê vê thêm trên tay bằng ít nước bọt. Đám người hóng chuyện từ nãy giờ vẫn chầu xung quanh, miệng há hốc. Nghe bằng tai mà ai cũng há hốc mồm, bụng đói như ba ngày không được ăn. Có một người nào đó sực nhớ ra, rút một thanh củi nhỏ đang cháy đỏ đưa cho người bắt ong làm đóm. Điếu thuốc được rít lên đỏ lựng…

Thực ra, bản Củ có cái tục, cái tục lệ vào loại độc và lạ nhất ở dọc dòng Nậm Muổi này. Tục ấy bắt đầu có từ câu chuyện của một người đàn bà. Đàn bà, hình như bao giờ cũng là nguyên nhân của mọi cái sự lạ trên đời.

Vào một năm, mùa đông bỗng rét cắt da, cắt thịt. Khi mùa xuân đến, rét còn đậm lắm, người ta thấy những nụ đào nghẹn trong lớp vỏ rồi khô dần mà chết héo. Cái điềm gở ấy báo hiệu một năm sẽ mưa gió bất thường. Nhưng ông Pan ngồi ở gầm sàn não nề bởi một việc còn đang lo hơn. 

Cả mùa xuân trước, mùa xuân này, đám bạn cùng lứa với con gái ông đã có thằng con trai đến chọc sàn, đến nằm gian ngoài, được vào nằm gian trong, ngô thóc đã đầy bồ, đám trâu, bò, con nào con nấy chửa căng bụng cũng đã sinh con đông đúc… Ấy vậy mà, con Xam nhà này, không hiểu sao đẹp thế mà không ai tới. 

Có người bảo, hay tại đường đến nhà ông Pan cỏ độc. Bình thường, nhà có con gái xinh thế, trai bản gần, bản xa đêm đêm mò mẫm đái đến chết sạch cỏ ven đường ấy chứ. Nhưng cỏ không chết, vì không ai tới, hay cỏ độc như người?

Mùa vụ qua đi, cuối thu ấy, chẳng nói nhiều. Như cái ớp treo ở vách nứa, không đựng cái gì, đến khô đến mục ra sao? Xam lặng lẽ xách dao đi chặt cây. Xam chặt khỏe đến mức như sóng rung cả cánh rừng. Làm cả đàn sóc run lẩy bẩy ngã xuống lá khô, làm những đàn khỉ đang nô đùa trong nương ngô chạy một mạch lên núi, những cái đuôi thõng thượt.

Chặt cây rồi đan phên, Xam đan nhanh như con rắn luồn dưới cỏ, như con beo lèo cành, như con sâu đục ruỗng thân cây. Xam dựng một cái chòi kiên cố, cầu thang là một cây bương độc. Chòi nằm nép bên một quả đồi thấp, bên cạnh là một con đường dẫn lên đồi.

Ở xứ sở thanh bình này, ai cũng có đôi, từ con chim, con rắn đến cái cây. Vậy nên, sự đơn độc của Xam làm tất cả đều kiêng nể. Nhưng, vào những đêm trăng, trăng sáng làm vạn vật trên mặt đất đều bị soi chiếu. Trăng còn soi vào cả những vùng khuất lấp trong tâm can con người. 

Bấy lâu nay, vào những đêm trăng ấy, trong bản bắt đầu có những tiếng thở dài. Rồi, có thêm nhiều tiếng thở dài hơn, hình như đám đàn ông trong bản bắt đầu khó ở. Hoặc là mơ hồ một ý nghĩ vụng, hoặc nằm sấp xuống mặt đệm mơ một giấc nồng nàn cuồng nhiệt. Tiếng thở dài ấy bện vào nhau dày đặc, như một đàn ong bay mờ mờ dưới đêm trăng. Nó phả vào mặt Xam, làm Xam không sao ngủ được. 

Xam đốt lửa, lửa cháy đượm hắt vào mặt cô hơi nóng như men rượu. Số phận như con thú ác, lùa người ta đến bờ vực, hoặc là ném thân mình vào miệng hùm, hoặc là gieo mình xuống vực sâu. Xam phải chọn, cái đơn độc có thể giết chết cô, hoặc cô sẽ là người kết liễu nó. 

Nhìn cây bương già đơn độc được chọn làm cầu thang, Xam khẽ cười chua chát. Rồi sẽ có một gã nào đó dám bước lên cái thân bương ấy, ai dám lên, sẽ được ngủ với Xam. Khi một con người đã bất chấp tất cả, dẫu không thật sự yêu mình mà chẳng qua để thỏa cái khát khao tràn trề ấy, cũng đáng được yêu chiều lắm chứ!

*

Một người soi nhái đợi đến đêm mới đi. Nghe nói, lúc ấy đã khuya những con nhái mới nhảy ra khỏi khe, hốc mà đi tìm nhau. Những cái đùi trắng cứ muốn miết lấy nhau. Hờ hờ, bầu trời thì rộng lớn, núi non, rừng già hùng vĩ, toàn những chuyện to tát mà viển vông, chỉ có ở cái hốc này, khe này chúng cọ vào nhau, hổn hển mùa màng. Đám răng vàng ệch của người soi nhái nhe ra. Chuyện bắt đầu đượm. Có ai đó vừa bỏ thêm củi vào bếp.

Bản Củ có một người đàn ông tốt bụng lắm. Đã thế, lại còn thạo về chữ nghĩa, luận giải lý số. Nghe đâu từng lênh đênh trên con tàu vượt đại dương.  Một hôm, đi ngang qua cái chòi của Xam, nhìn cây bương làm cầu thang, nhìn cái cửa một cánh, ông lặng lẽ bỏ đi. Hình như, Xam đang đói. 

Một người phụ nữ thì sẽ đói dẫu cô ta có đẹp như mỡ lợn ngưng trong ống bương, có thơm như cơm nếp đồ, có ngọt như khúc mía. Chỉ biết rằng từ hôm ấy, khi thì bó củi, khi con cá, lúc lại cây mía… Những ngày đầu, Xam còn ái ngại, cô lén ăn một mình trong chòi. Nhưng rồi, cô đem cá nướng ra ăn ở cửa chòi, cũng chưa thỏa, cô vừa ăn vừa hát. Da thịt của Xam bắt đầu mum múp lên. Chỉ nhìn thôi, con trai trong bản thấy ngồn ngộn nhưng lại buồn não nề.

Đến một ngày, người đàn ông ấy không còn mang theo gì ngoài một cây sáo trúc. Người ấy thổi, như xuyên thấu ngàn thân trúc rỗng ruột mà vang lên réo rắt giữa núi rừng. Rồi tiếng sáo lại như đàn cá. Cá tung tăng len lỏi qua kẽ chân, kẽ tay, qua kẽ nách huyền diệu của người đàn bà. Rồi tiếng sáo như trầm, càng thơm càng mê mẩn lẫn vào gió, hít vào đầy ngực… 

Xam đến chết mất. Xam cởi bớt khuy áo ngực. Nói thế thôi giữa núi rừng khuya khoắt, cả con khỉ trên cành cũng đâu có thấy. Có trắng, có ngọt cũng chỉ mình tự ngắm mình. Nhưng mà, tiếng sáo ấy đáng sợ thật. Nó như có bàn tay, lần cởi áo quần của Xam, ôm ấp ve vuốt Xam. Nó nâng bổng Xam lên lâng lâng như ngang lưng trời rồi bỗng dưng biến mất. Xam căm hận nó, hận đến mức như nồi nước sôi đến miệng sắp trào ra lại bị rút bớt củi. Nước ấy hầm hập đến mức có thể làm chín cả con trâu mộng nếu dám bén mảng tới.

Mùa xuân, đáng ra cái chòi của Xam bắt đầu bị che lấp bởi muôn thứ cây xanh rì mọc lên. Bỗng nhiên cái nóng hầm hập từ đâu về, bóp chết những mầm xanh đang nhú bằng cái nóng oi ả. Hai quả núi ém trước bản Củ như người đàn bà nhễ nhại nhưng không nỡ trút bỏ xiêm y. Đám muôn thú lẩn trốn, náu mình trong vách đá, hàng hốc mà cầu mong cơn giận của trời đất mau qua. 

Người ta thèm đôi khi giá rét nhưng chẳng hiểu sao, cái nóng lại làm Xam muốn nứt ra đến thế. Muốn có một cái gì tưới mát da thịt này, không thì những ý nghĩ thiêu cháy cô mất. Xam lao ra khỏi cửa chòi rồi chợt sững lại đôi chút trước cây bương độc đã lên nước bóng mồ hôi. 

Cây bương - cây cầu nối giữa cô và thế giới người đông đúc kia đang chằm chằm nhìn cô bằng những cái mắt tre. Thoáng chạm vào vật gì hư vô lắm. Hình như nó vọng ra từ trong lòng, nhói từ trong bụng. Tiếng sáo, phải rồi, tiếng sáo. 

Mùa này, trước khi xuân về, thảo nguyên điêu tàn đến hoang mang. Cỏ chết, đất khô, vắng cả tiếng côn trùng, người ta nghĩ đến cái ăn như loài bọ xục vào não làm đau đớn hơn cả cơn co thắt vô vọng của dạ dày. Kệ, Xam lao xuống mặt đất, cảm giác như chân chưa hề chạm đến đất. Xam đi tìm một người đàn ông.

Người bắt ong bắt đầu cảm thấy hơi nóng từ đốm lửa. Ông cởi chiếc áo khoác bằng vải, để lộ bộ quần áo bên trong được nai nịt gọn gàng. Ngang thân ông đeo một chiếc túi da nhỏ.

- Ông đi rừng lâu chưa - một người có vẻ sốt ruột.

- Thong thả, vội gì, tôi lại kể một chuyện khác đây. Chuyện này nữa là đến lúc vào rừng được rồi.

Bản Củ có một nhà khá giàu có. Phải cái, mụ vợ vẫn rền rĩ vào lúc chập tối. Người lớn bảo với trẻ con, “nhiều bạc trắng quá, nên mỗi ngày ít nhất một lần, người ta hóa rồ, cơn bệnh này chỉ có uống nước sâu róm”. 

Mụ vợ quả có bệnh thật. Cứ sẩm tối là mụ ngứa. Mụ gãi sồn sột, gãi hết những cái bẹn trên người thì mụ vác dao ra chém những cái chạc cây. Hở ra là chém, bất kể cái gì tạo ra hình tam giác là bị mụ chém. Váy của mụ đủ vùi chết một đứa hầu sơ ý đụng đến. Tiền của mụ đủ thuê người san phẳng cả cánh rừng nhưng mụ không có con. 

Trời hình như có mắt ở mái nhà, chỉ cho nước cái ruộng cấy được lúa, không con, mụ càng khô như miếng thịt gác bếp. Ngày, mụ là người đàn bà quyền thế nhất cái mảnh đất này. Đêm, mụ thấy mình thua cả một con mèo cái. Gã chồng đêm là con mèo đực đi kiếm, “có khi, nó ngủ cả với chuột cái”.

Ba năm rồi, gã chồng mụ qua lại cái chòi của Xam. Gã không cao lớn nhưng được cái chắc như một cây gỗ. Hai người như vỡ ra từ một viên đá, tìm thấy nhau vừa vặn trong một khát khao. Họ cuốn lấy nhau, căm giận, hờn tủi, trách móc. Họ yêu nhau như một cuộc giao chiến của những hận thù. Nam và nữ, lửa và thép, con thú và người thợ săn. Căn chòi lá là một thế giới người thu nhỏ bồng bềnh trên cõi trần dưới ấy với cỏ cây, nước đái bò, phân trâu, giun dế…

Một ngày, Xam quật ngửa lão ra. Lão đang ngáy. Lạ. Con thú đói thường rống lên, con người no đủ mới ngáy. Nhưng lão no, còn Xam đói. Bạc trắng kêu lẻng xẻng trong túi, Xam nghe hơi lạnh run người. Lão cần ngầy ngà da thịt, còn cô cần một thằng bé. Một thằng đàn ông cả đời thủy chung, cả đời quyết tử sống và chết đều thơm hơi sữa của cô. Lão béo. Khi hai người quấn quýt, mỡ như chảy vào giữa khe đùi Xam. Ngoài ra là nước trong vắt.

Xam sực nhớ ra, hình như đã lâu lắm rồi không nghe thấy tiếng sáo.

Giống người đến lạ. Sẽ có lúc trong đời, đói cả những thứ không thể ăn được vào bụng. Xuân này, tiếng sáo như một con sâu non len lỏi vào bụng Xam, luồn trong từng mạch máu. Tiếng sáo lớn dần lên, như mọc gai, mọc lông, ngược xuôi dày vò da thịt cô. Đã có lúc Xam định hất tung lão ta sang một bên để bật dậy thở hồng hộc. Nhưng mỗi lần nhìn thấy cái bớt đỏ trên vai gã, người Xam lại như nhũn ra. Có phải số phận chỉ cho cô biết, chỉ cho cô được như vậy?

Một năm qua đi tự bao giờ ở phía ngoài căn chòi luôn ẩm ướt mùi người. Người thợ săn rít bầm bập điêu thuốc trên miệng cho đến khi chỉ còn cái mẩu ngắn tũn thì ném vào đống lửa. Năm ấy, chẳng biết trời oán, đất than thế nào mà rất nhiều loài như bò, dê, lợn mang thai đều sinh ra những vật quái thai. Những con cái sinh ra niềm kinh sợ ấy cũng bị người ta giết rồi chôn xuống đất cho các loài sâu bọ, giun, rế đục khoét. 

Thế nào mà Xam cũng có thai. Cái thai của Xam làm lão kia không đến nữa. Xam cũng chẳng phải loại vừa, Xam nhắn người nhà lão dọa: nếu lão không đến sẽ ăn lá độc để hủy thai. Lão không đến. Xam bảo sẽ ăn lá độc để chết. Lão không đến. Xam bảo sẽ đầu độc nguồn nước nhà lão. Lão cũng không đến. Chừng ấy ngày tháng qua đi, Xam héo hon dần. Xam cảm nhận được cái mầm sống lớn dần trong mình. 

Mỗi ngày, mẹ Xam vẫn đến mang cho cô cái ăn, nhóm lại bếp lửa nhưng cái lạnh thì như đã phủ lên khắp tâm hồn cô. Lão không đến, đứa con sẽ không bao giờ được bước vào cửa nhà cha của nó, cả đời nó sẽ chỉ như con chó con đẻ rơi nơi góc rừng. Xam không sợ phải nuôi con một mình. Bạc trắng vẫn leng keng trong góc chòi. Xam sợ con mình lớn lên trong đơn độc rồi sẽ thành một đứa bé độc ác. 

Giờ như người cưỡi lên mình con hổ, máu tanh, sự hôi hám đã ám khắp thân mình, người ta đã nhìn cô bằng con mắt khác đi rồi. Đêm, Xam bắt đầu thức. Cô sợ nếu mình ngủ, cái thai trong bụng sẽ lớn lên trong đơn độc. Cô nhóm lửa. Lửa, Xam và tiếng hát cùng thức canh cho cái thai lớn lên. Một đứa trẻ chỉ thật sự hạnh phúc trong chín tháng, mười ngày trước khi lọt lòng rơi vào cõi trầm luân ấy, dẫu có phải đốn hạ cả cánh rừng này để thức cũng được.

Nhưng rồi một đêm. Xam nghe thấy tiếng lửa reo. Nếu có đứa trẻ nào ở đây, nó sẽ reo lên “nhà có khách, nhà có khách”. Xam nhận ra trong lửa có một tiếng vọng từ một niềm vui. Bếp lửa của cô như đang trả lời bằng những tiếng nổ lép bép. 

Xam đứng dậy, dập lửa rồi băng băng bước lên đồi. Sương đêm thấm vào da thịt như sự thách thức. Xam hất cằm ngạo nghễ, chiếc váy vén cao để lộ cặp đùi trắng giữa đêm. Sự hớ hênh mãn nguyện, trơ tráo mãn nguyện kéo bước chân Xam đi mãi, đi mãi, đến nơi có một ngọn lửa đang cháy.

Người ấy lại thêm củi vào cho lửa không tàn. Trong ánh sáng của một cánh rừng không còn tối nhưng mịt mùng chưa đủ sáng, Xam nhìn rõ các loài cây đang nảy mầm sinh sôi. Thì ra giá rét, sương muối, sự tuyệt vọng của con người cũng không làm chúng chùn bước. Mỗi ngày, Xam càng thấy da thịt mình căng hơn bên lửa. Người ấy vẫn nhóm lửa như thế rồi lại quay tấm lưng như con gấu lầm lũi đi vào rừng.

Thật lạ, càng ngày, cái bụng của Xam càng lớn và những cơn đau thật khủng khiếp. Tưởng như, có một đàn rắn đang quần nhau trong bụng cô. Mỗi cơn đau lại thúc lên như thể cơn hoan lạc của kẻ này là sự đau đớn của kẻ kia. Lửa càng cháy, một khoảng rừng xuân mỗi đêm như rộng hơn, cơn đau càng ghê gớm. Cho đến một ngày, khi cơn đau như cú đạp khiến Xam ngã chúi xuống đất, ghì đầu cô trên cỏ. Chỉ còn hai con mắt mở to hãi hùng ngước lên nhìn tất cả, Xam mới nhận ra, đó là gương mặt của một người đàn ông rõ hiền:

- Đã nhìn thấy rồi chứ? – người đó hỏi lạnh tanh.

Xam đau đớn lắc đầu.

- Lửa sẽ cháy, ấm lắm. Nhưng lửa không cháy lên vô tình. Tốn ngần ấy củi để được cái gì chứ. Nóng không? Rát không? Đau không?

Xam cảm nhận, lửa càng ấm, bụng càng đau đớn. Trong ánh lửa nhòe đi, Xam thấy khuôn mặt người ấy cũng mờ, nhòe, méo mó như một con quỷ mà mẹ cô thường kể. Ai đó gặp nó trong rừng, nó sẽ nhấc bổng người ta lên, nhìn vào tận mặt cho đến khi sự sợ hãi bóp chết chính bản thân con mồi. Xam không nghĩ đời cô lại gặp nó sớm đến thế. Dưới ánh sáng này, tất cả đều méo mó, nhảy nhót và tua tủa những cái râu gớm giếc như đang chà sát vào da thịt cô.

Cơn đau như một cây gỗ lớn thúc vào họng cho tới tận hậu môn. Đêm ấy, Xam thấy mình tan ra như khói và nước. Linh hồn bay bổng, lẩn quất trên tán cây và xương thịt mềm rữa ra rồi chảy xuống các khe gò. Cho đến khi tỉnh dậy, dưới nắng, cô thấy người mình nhẹ bẫng, bước từng bước chân rón rén mà như bay trên cỏ. 

Cỏ xuân ngằn ngặt xanh. Mặt trời bừng phía đỉnh đầu. Bất giác, Xam cảm thấy có điều gì đó không yên phía sau lưng cô, một thanh củi còn sót lại nhưng không hề bén lửa. Xam lại gần cúi xuống nhìn cho kĩ thì đó là một cây sáo trúc. Cây sáo đã nhẵn bóng, Xam như nghe được tiếng sáo vẫn còn ngân rung trên tay. Xam chợt rùng mình, những ngày cô chìm đắm trong hoan lạc, tiếng sáo không ngân lên, không oán trách. Những khi cô đơn độc, tiếng sáo lại thôi thúc. 

Xam nhìn khắp cả miền đồi, đã không còn một bóng cây, cả vùng chỉ còn cỏ mọc um. Có phải, cây củi cuối cùng đã cháy hết từ đêm qua. Nó có thể cháy nhưng vô vàn réo rắt, giục giã, mỉa mai, đay đả kia sẽ vẫn còn mãi. “Củi thì không bao giờ là sáo” - Xam tự lẩm bẩm một mình rồi ném cây sáo xuống đất, dẫm chân lên, nó nát vụn khô khốc. Đất dưới chân cô như cũng mủn ra. Cô bước đi, miệng cười chua chát…

Người ấy kể đến đây thì dừng lại ít phút rồi nói:

- Từ đấy, người bản Củ không bao giờ dám đốt những cây sáo…

Lão xốc lại cái giỏ bên hông rồi đi men theo con đường khuất dưới những bụi cây gai. Lưng lão cũng lù lù như một con gấu. Đám người nhìn lại thì người lão cũng đã đi khỏi từ lúc nào…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
.
.
.