Cái ghế thần kỳ

Chủ Nhật, 18/02/2018, 08:00
Mẹ mất sớm, nhà còn một bố một con giai. Chăm bẵm cho con lớn lên, con lấy vợ lại sinh ra cháu. Ba thế hệ một mái nhà. Ơn giời cũng đủ ăn đủ tiêu dẫu chưa dư dả. Thôi thì đời người biết bằng nào cho đủ, miễn sao không phải chật vật vì miếng ăn đồng tiêu. Nghĩ cũng mát ruột…

Nhưng mà bố con ông lại khắc khẩu. Không ngồi với nhau thì thôi, hễ nói chuyện thì y như rằng cãi nhau. Nhiều khi cứ ầm nhà ầm cửa, làng xóm được phen điếc tai. Gàn cũng chẳng được, lâu dần thành ra quen… cũng chẳng ai nói gì nữa.

Trưa nay cũng thế. Quãng gần chính ngọ thì nghe tiếng rầm rầm bên nhà ấy. Tiếng ông lão tuổi tám mươi oang oang chửi thằng con:

- Mẹ thằng khốn nạn… Thằng bất hiếu bất mục. Mày muốn ông chết à. Này ông bảo cho thằng con khốn kiếp kia nhá: Có mà chết cái con c… ông nhá. Ông còn lạ gì mày… muốn ông chết để mày tự do muốn làm gì thì làm phải không…

Lần này thì có vẻ căng nên hàng xóm phá lệ chạy sang xem. Xem thôi chứ chưa ai nghĩ là phải can gián gì. Đã biết cái chuyện gì đâu mà can! Cứ phải nghe cho rõ đã. Thế là tự nhiên ông lão có một đám khán giả đứng xem. Hiện trường là mâm bát tung tóe cơm canh chan vãi ngoài sân. Hai thằng cháu thì mếu máo níu tay ông nội, còn cô con dâu thì chắp tay lạy như tế sao:

- Con lạy bố! Bố đừng nói to, bố chửi be bé thôi. Mọi người đang cười nhà ta kia kìa…

Ông lão vùng vằng giằng tay phải cầm gậy đang bị thằng cháu nội níu chặt. Dùng dằng mấy nhát rồi thằng cháu nội yếu sức không thể cầm cự được, cánh tay ông lão được giải phóng lập tức vung gậy lên về phía ngõ, trong khi mồm thì giả nhời con dâu:

- Việc gì tao phải nói bé! Khuất tất gì mà tao phải nói bé! Tao phải nói cho bàn dân thiên hạ biết về cái thằng con giời đánh. Đúng là nhà hết phúc - Rồi ông tiếp tục chửi vống ra ngõ, nơi chắc thằng con đang ở đó - Thằng khốn nạn kia, thằng bất hiếu bất mục kia về đây. Ông đập tan cái mặt mày… à… mày muốn ông chết, ông có chết cũng không nhờ đến mày nhá… về đây rồi mày chết với ông!

Ngoài ngõ chỉ có mấy người đang thập thò xem ông chửi, chẳng thấy thằng quý tử đâu. Hắn đã biến đi đằng nào mất rồi.

Không thấy mặt đối tượng cần trừng phạt, ông lão tự nhiên cụt hứng. Mẹ nó! Chửi trời chửi đất thì phí nhời. Thôi không chửi nữa. Ông thu cái gậy xuống rồi dắt hai thằng cháu vào nhà. Người xem chả hiểu đầu cua tai nheo thế nào đành ôm mối thắc mắc trong lòng rồi cũng lặng im giải tán.

Đầu chái nhà, thằng con giai đang lấp ló. Cứ ngỡ hắn hoảng vì bố chửi, nhưng không phải, hắn lại hí hí cười. Vợ hắn lườm rồi chỉ tay vào trong nhà, ý chừng ra hiệu rằng bố còn đang giận đấy. Quý tử thụt vào góc tường khuất dạng trong khi mồm vẫn cười hí hí.

*

Trước đấy thì bố con vẫn quý hóa nhau lắm. Khi mẹ mất thì con an ủi bố, bố an ủi con, bố con, ông cháu, vợ chồng, ba thế hệ đầm ấm ngày ngày quây quần bên mâm cơm sau những vất vả làm lụng. Ai cũng khen gia đình văn hóa.

Nhưng cái sự khắc khẩu giữa hai bố con nảy ra từ đầu năm.

Ấy là ông già tự nhiên tư lự như người mất hồn, thức khuya dậy sớm rồi tư lự như đang lục tìm cái điều gì từ đời xửa đời xưa. Thỉnh thoảng lại mỉm cười vu vơ. Đôi lúc mắt sáng lên như gặp được tình nhân nhưng có lúc thì ủ ê sầu não như ngày bà vợ vừa mất. Ăn uống nhếu nháo rồi nghĩ ngợi xa xăm. Những cái đó làm ông già gầy sút đến thảm hại.

Vợ chồng thằng con giai thấy bố vậy thì đâm ngại. Cô con dâu thầm thì với chồng: “Hay là bố định đi bước nữa”. Thằng chồng bĩu môi: “Có mà lấy ma. Tám mươi tuổi rồi còn gì”. Vợ cãi: “Tám mươi cũng đầy cụ muốn lấy vợ, bố nhà mình cũng thế - Thằng chồng nói xẵng - có muốn cũng không cho lấy. Để yên thì còn sống dăm mười năm nữa… tha cái của nợ vào nó hút hồn hút vía rồi mấy tháng toi ngay. Đến bằng tớ đây mới gần bốn mươi mà cũng thở không ra nữa là bố”. “Bố khác... chả như anh. Mà chẳng phải bố cũng đang bị rút hồn đấy thôi” - Cô vợ nguýt chồng và cãi lại.

Ở đời người ta dễ biết nguyên nhân niềm vui của người khác, nhưng cái sự đăm chiêu thì chỉ biết khi người ta nói ra. Đằng này ông lão không nói ra nên không thể biết. Tự dưng đổi tính trái nết như vậy thì hai vợ chồng con giai băn khoăn. Băn khoăn mà không dám hỏi. Thôi đành biết vậy và có ý đề phòng. Họ lên phương án nếu ông già ngỏ ý muốn lấy vợ thì sẽ không đồng ý, sẽ “chiến đấu” đến cùng để ngăn cản.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Một buổi tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, hôm ấy thấy ông lão vui lắm nên hai đứa cháu ríu rít bên cạnh. Bữa nào cũng vậy, ông lão và con trai cũng khai vị bằng vài chén quốc lủi. Hớp một hớp rượu đầu tiên khà một tiếng ông lão đặt chén xuống trầm ngâm:

- Con cháu nghe đây…

Gay rồi. Đúng như dự đoán. Ông lão sẽ thông báo việc lấy vợ? Cả vợ chồng con cái há hốc mồm chờ.

- Ông vừa làm được bài thơ hay lắm.

Hai đứa cháu reo lên: “A ông làm thơ. Ông giỏi quá”. Hai vợ chồng con giai đưa mắt nhìn nhau: “Giời ạ! Lại còn làm thơ tình tán gái nữa mới kinh?”. Con giai nhấp nhổm định phản ứng, nhưng bị vợ ấn vai ngồi xuống. Hắn đành chấp hành, ngồi xuống mà người ngọ nguậy như bị kiến đốt đít…

Ông lão thấy hai đứa cháu ríu rít khen giỏi thì rạng rỡ mặt mày. Để khoe tác phẩm của mình, ông e hèm rồi cất giọng:

Cổng chào văn hóa làng ta

Ngày ngày sớm tối xe ra xe vào

Gặp nhau ríu rít tiếng chào

Người người tấp nập đi vào đi ra…

- Hay không? - Ông vênh mặt hãnh diện hỏi cả nhà.

Con dâu bảo hay lắm bố ạ. Hai đứa cháu vội bỏ bát đũa xuống bàn rồi vỗ tay đôm đốp: “Hay quá, hay quá. Ông là nhà thơ. Mai ông chép cho con nhá”. “Ừ… mai ông chép để cho chúng mày mang đến lớp đọc cho các bạn nghe. Ông còn khối bài nữa hay bằng mấy í chứ”.

Anh con giai thở phào như trút được gánh nặng: Vậy ra dạo này bố mình làm thơ. May quá cụ không làm thơ tình hỏi vợ mà ca ngợi cái cổng làng. Thôi vậy cũng mừng. Nhưng sẵn bản tính bật bưỡng lại ngang ngang nên hắn cong lưỡi sì một tiếng rồi dài giọng đọc tiếp: “…Người người tấp nập đi vào đi ra/ Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cộc leo ra leo vào…”.

Nhà thơ của chúng ta bị xúc phạm nặng nề. Ông dằn cái chén xuống bàn chỉ thẳng vào mặt con giai: “Thằng khốn nạn!”.

“Thằng khốn nạn” cúi mặt cười hí hí. Ông lão điên tiết, chả nhẽ lại đập vào cái bản mặt đang nhăn nhở kia. Cố kìm lòng, ông đứng dậy bỏ vào nhà trong đóng sầm cửa lại. Hai đứa cháu ngẩn mặt không hiểu vì sao ông tức giận mà bố lại cười…

Từ đấy hai bố con không nói chuyện với nhau. Dẫu ăn vẫn cùng mâm, ở vẫn một nhà nhưng ông không thèm nói với con lấy nửa lời, có việc gì cần thì nhắn qua hai thằng cháu.

Cũng may là ông không giận gì con dâu. Bởi vì ghét con giai nên mỗi khi vợ chồng nó khục khoặc thì ông lại ra sức bênh con dâu. Thằng con giai lúc ấy lẩm bẩm: “Con mình đẻ ra chả bênh lại cứ đi bênh đứa người ngoài”. Ông nghe vậy thì điên tiết, chửi rầm rĩ thằng khốn nạn, ai là người ngoài? Nó vậy nhưng nó còn đẻ cho nhà này hai đứa cháu giai đẹp như hoa như ngọc, chứ cái mặt mày thì đã làm được gì cho cái nhà này. Thằng con cãi: “Không tôi có mà nó đẻ… đẻ vào mắt”. Ông vung gậy, con giai lại hi hí cười chạy mất. Y như thể phường chèo.

Cho đến trưa nay…

Buổi sáng ông đi thăm ông anh ở trong làng, ông này tuổi đã gần trăm nhưng ốm nằm liệt vị mấy năm nay. Chả biết vì thương cảm ông anh hay muốn chia sẻ nỗi khổ của người già mà trong bữa ăn, ông bảo với con dâu:

- Tao đi thăm bác mày. Gớm già rồi cũng khổ. Ốm nằm thối thịt thối da…

Con trai thả ngay một câu:

- Già quá rồi thì chết đi cho nhẹ nhàng sống làm gì cho khổ.

Ông bố ngừng nhai trừng mắt nhìn thằng con. Đồ khốn nạn. Nó nói vậy tức là nó muốn mình chết đây. Già rồi thì chết đi cho đỡ khổ. Đấy… được thằng con giai bất hiếu bất mục như thế đấy. Người ta có mười thì tốt, mình có một thì vô duyên. Sao mà mình khổ như vậy, sao bà ấy không còn sống mà chứng kiến. Giời đất ơi.

Tự nhiên mắt ông trợn ngược, miếng cơm bị nghẹn, không thở được, mặt ông tím tái.

Vợ chồng con cái thằng con giai cuống cuồng người lấy nước lạnh cho ông uống, người vuốt lưng nhưng cơn nghẹn vẫn không qua. Con giai hốt hoảng bảo bố:

- Con đưa bố đi bệnh viện nhé…

Ông bố đang ghét thằng con nên cố gắng xua tay ra hiệu không cần, tao không cần đến mày.

Con giai cáu:

- Đưa đi viện chứ không thở được, chỉ năm phút nữa là chết…

Con dâu đang vuốt lưng cho bố vội giục:

- Đưa bố đi nhanh lên còn hỏi gì nữa.

Thằng chồng lật đật bấm máy điện thoại, miệng bảo:

- Để gọi tắc xi mới nhanh được, chứ năm phút nữa là chết…

Đúng là thằng mất dạy. Mình đang nghẹn không thở được mà mồm nó cứ leo lẻo năm phút nữa là chết thì ai mà chịu nổi. Ông mà đứng lên được bây giờ thì phải cho thằng này vài cái gậy. Vừa sợ vừa tức, cái nỗi tức chất chứa đầy bụng nó đẩy ngược lên tới ngực khiến ông phải đứng thẳng lên vặn người. Rồi cái tức như đẩy lên tới cổ, ông rướn người một cái, cổ duỗi dài như gà mắc nghẹn… Ực… thấy tức buốt trong họng rồi cục nghẹn từ từ xuôi. May rồi. Chiêu thêm một hớp nước to, cổ họng đã thông, khuôn mặt ông hồng hào trở lại.

Khi cơn nguy kịch qua rồi, ông đứng thẳng dậy, chỉ vào mặt thằng con:

- Thằng khốn nạn… mồm mày cứ leo lẻo năm phút nữa là chết… Mày muốn ông chết à?

Thằng con nghênh mặt cười:

- Con nói vậy là để…

- Mày nói vậy để tao tức chết chứ gì? Thằng mất dạy! Ông phải cho mày một trận.

Miệng nói, chân ông bước vội đến góc nhà vớ lấy cây gậy. Anh con giai hoảng quá phóng ra cửa chạy biến.

Không trừng trị được thằng con ông ra cửa chửi vóng theo.

*

Tháng mười một âm lịch giời rét căm căm, đã thế lại cứ mưa rả rích. Trong nhà nhìn ra thấy mưa giăng giăng, vườn tược sân ngõ ướt sũng còn ở trong nhà cái gì cũng ẩm ướt lạnh lẽo. Thật chả ra làm sao, năm nay giời đất đến là tệ, đúng ra dịp này phải ngập nắng hanh mới phải.

Khí giời ẩm ướt làm ông lão đau nhức mình mẩy tay chân. Tuổi già đến là khổ, thuận giời thì chả sao, nhưng nếu thời tiết biến đổi nó hành hạ âm ỉ đến ăn chẳng thấy ngon nằm cũng chẳng yên. Con thì đi làm, cháu thì đi học cả ngày. Suốt ngày thui thủi trong nhà có một mình, hết nằm lại ngồi, ngồi chán lại nằm, người ngợm như nhão ra. Bên ngoài giời mưa sụt sùi, không đi được đâu làm ông khó chịu. Cái sự khó chịu trong người nó ức chế sự sáng tạo đến nỗi mặc dù cố gắng nhưng ông chả thể nào cho ra nổi một câu thơ. Ý tứ vần vè biến đi đâu sạch, chỉ đọng trong đầu cái sự bực dọc. Bực với giời và bực với thằng con bất hiếu. Thế mới chán.

Sự nghiệp thơ ca của ông lão dạo trước dù bị thằng con giời đánh châm chọc nhưng vẫn đang thăng hoa, nếu không bị thời tiết trái chiều nó hành thì có nhẽ bây giờ ông đã có dăm chục bài thơ rồi. Giá mà có thêm dăm bảy bài nữa rồi thì cũng phải in lấy một tập để lại cho con cháu và đem biếu bạn bè. Ông đã tiết kiệm được gần hai chục triệu, định bụng cuối năm nay in lấy một tập thơ, ấy cũng là cái thú vui tao nhã để góp phần làm cho đời thêm đẹp. Ông ngồi tưởng tượng đến lúc được cầm trên tay tập thơ dày dặn thơm mùi mực in, bìa láng bóng trên đó có ghi rõ ràng họ tên của mình. Lúc ấy, các ông bạn già trầm trồ, bà con làng xóm nhìn ông ngưỡng mộ. Lúc ấy ông sẽ bảo với thằng con: “Này thằng vô văn học kia! Hãy mở mắt ra mà xem chứ cái gì cũng châm chọc”. “Xem gì?” - Thằng con thể nào cũng hỏi lại như vậy. Và ông sẽ ưỡn ngực mà nói rằng: “Xem bố mày đây này, thử hỏi cả xóm cả xã cả huyện này ai giỏi bằng…”. Chắc chắn thằng con giai ông sẽ phải mắt tròn mắt dẹt mà thán phục. Ông cảm thấy mình như đang bay lên…

Nhưng đang bay lên đến lưng chừng giời thì rớt uỵch xuống đất, sự tưởng tượng cái viễn cảnh ngọt ngào của ông bị cắt đứt bởi vợ chồng thằng quý tử hè nhau hì hục khênh vào nhà một cái hộp to như cái hòm gian. Nhìn vỏ hộp thấy vẽ cái ghế. Mua ghế làm gì mà lại chỉ mua có một cái. Định cất nhời hỏi nhưng trông thấy cái mặt nhăn nhở của thằng con giai mà ghét đầy ruột. Kệ chúng mày! Ông không quan tâm. Ông lão lẳng lặng vào trong phòng riêng leo lên giường mặt ngoảnh vào tường.

Bụng thì nghĩ rằng kệ chúng nó nhưng đầu ông lại tò mò không biết chúng mang cái gì về mà to nặng thế. Quay mặt vào tường chẳng thèm nhìn nhưng ông vẫn dỏng tai ngóng ra ngoài. Thấy tiếng con vợ hỏi: “Để chỗ nào?”. Tiếng thằng chồng bảo để chỗ gần cửa buồng ông, vừa ấy vừa xem ti vi. Lịch kịch chừng nửa giờ rồi nghe tiếng thằng chồng rên ư ư: “Ôi giời sướng, tê cả người. Đây này, thử xem sướng lắm. Ấn vào chỗ này này”. Rồi tiếng con vợ cũng rên ư ư: “Sướng thật nhưng hơi mạnh… Muốn nhẹ thì ấn vào đây…”. “Ừ nhẹ rồi, vừa rồi… sướng lắm…”.

“Tiên nhân lũ khỉ!” - Ông lẩm bẩm và đóng sập cửa buồng.

Cả ngày hôm ấy ông quyết tâm không ngó ngàng gì đến cái vật thể lạ đang lù lù ngự ngay trước cửa phòng. Hôm sau khi con cháu đi vắng hết thì ông mới tò mò ngắm nghía. Tưởng gì, chỉ là một cái ghế đệm. Mấy hôm trước thấy vợ chồng nó gọi người bán cả đàn lợn đang lớn chắc để lấy tiền mua cái này đây. Ông đã nghe chúng bàn nhau cố chăm đàn lợn để tết bán lấy tiền mua cái xe máy tươm tươm một tý chứ cành cạch mãi cái “Uây Tàu” nát nghĩ cũng xấu hổ. Vậy mà bây giờ động cỡn lên mua cái của nợ này. Đúng là cái loại không biết nghĩ.

Nhưng trông có vẻ êm lắm. Thử ngồi xem! Ông thả người lọt thỏm trong cái ghế. Êm phết! Ngả đầu vào thành tựa ghế, lim dim mắt tận hưởng, ý thơ bắt đầu xuất hiện. Hay thật! Bàn tay ông rờ rờ vào nút đỏ ở thành ghế… Bỗng ông giật nảy mình vì cái ghế rung giật lên như động kinh rồi ở lưng có những cái cục gì cuồn cuộn ục vào lưng… mà không phải chỉ ở lưng mà rồi mạng sườn, nơi cổ, nơi gáy và cả hai chân đều có những cục tròn tròn cuồn cuộn nhẹ nhàng đấm xoa y như có người tẩm quất. Sướng thật, dãn hết gân cốt, thoải mái các cơ quan đoàn thể, tỉnh cả người!

Rồi từ hôm ấy ngày nào cũng vậy, khi con cháu đi vắng hết ông lại ra ghế ngồi để nó tẩm quất. Tự nhiên thấy người thoải mái, sự đau đớn thường xuyên hành hạ đã biến đi đằng nào, ông thấy người thơ thới nhẹ nhàng. Ý thơ lại ập đến tràn trề. Chưa đến mươi ngày mà ông làm được cả chục bài thơ. Hay! Đợt này ông sẽ thực hiện ước mơ của mình in trước tác để lại cho đời.

Nhưng cũng có nỗi khổ. Khổ vì ngồi ghế tẩm quất thành nghiện và chỉ dám ngồi trộm. Ông ngồi trộm ghế vào lúc cả nhà đi vắng, có mặt mọi người thì ông ra vẻ không thèm. Chưa kể những lúc ngồi trộm vẫn phải thỉnh thoảng liếc cái đồng hồ, ướm chừng sắp đến giờ con cháu về thì vội đứng dậy, đi vào buồng sập cửa lại.

Nhờ cái ghế mà mình mẩy thư dãn, đầu óc thơ thới, sự nghiệp sáng tác thơ ca của ông được thể thăng hoa. Dăm chục bài thơ đã đủ, ông hỉ hả lắm.

Làm thơ thì phải có người tri kỷ tri âm, ông liền tham gia câu lạc bộ thơ xóm của Hội Người Cao tuổi, mỗi tuần gặp nhau một lần để ngân nga nhời hay ý đẹp, để được nghe những tiếng vỗ tay tán thưởng của các bạn đồng niên. Sau một buổi như vậy, ông đưa một ông bạn già, người tán thưởng thơ ông nhiều nhất quá bộ về nhà để mời chén rượu tỏ lòng tri ân với người tri kỷ. Vừa bước vào nhà, nhìn thấy cái ghế, ông bạn già đã trầm trồ: “Quý thế. Ông mua đấy à?”. Chủ nhà bảo: “Của thằng con tôi nó mua đấy. Tôi chả thiết”. Bạn già bảo rằng ghế mát-xa này tốt lắm, người già được mát-xa hàng ngày sẽ làm cho máu lưu thông toàn bộ cơ thể. Dẫu có ốm liệt giường cũng chẳng bao giờ bị thối da thối thịt. Thằng con ông vậy là có hiếu nhất đấy.

Ông bảo:

- Hiếu đễ gì cái thằng mất dạy ấy. Nó còn rủa tôi chết đi đấy.

Rồi ấm ức kể lại câu chuyện hôm bị nghẹn.

Ông bạn già cười:

- Ôi ông cứ hay chấp vặt. Nó chữa mẹo đấy… nó làm ông tức bất ngờ. Mà tức bất ngờ thì mới giải được nghẹn. Vậy ông không biết à. Thằng con ông khá đấy. Mà ông cũng chẳng chịu tìm hiểu gì cả. Động tý là ầm làng xóm.

Chủ nhà ngớ người. Quả thật khi nghe nó nói chỉ năm phút nữa là chết ông tức đầy ruột và cơn nghẹn xuôi luôn ngay sau đấy. Nhẽ thế thật, ông bạn già nói đúng. Tự nhiên thấy ngượng ngượng và nguôi nguôi cơn giận.

Buổi tối ông gọi thằng cháu lớn vào buồng:

- Sao bố mẹ cháu bảo là bán lợn lấy tiền mua xe máy mà không thấy mua.

Thằng cháu hồn nhiên:

- Bố cháu mấy lị mẹ cháu bảo với nhau rằng để lứa lợn sau mua xe máy cũng được. Bây giờ mua cái ghế để ông ngồi cho khỏe người, để ông sống lâu trăm tuổi.

Tự nhiên thấy sống mũi cay cay, ông vội ôm thằng cháu vào lòng để giấu khóe mắt đang ươn ướt. Thì ra thế. Chả trách từ khi mua cái ghế đến giờ có thấy vợ chồng nó ngồi lúc nào đâu. Mà chúng suốt ngày đầu tắt mặt tối còn thời gian đâu mà mát - xa tẩm quất. Nghĩ đi rồi nghĩ lại thấy thằng con ông biết chăm lo gia đình, chí thú làm ăn, không rượu chè cờ bạc đua đòi. Chỉ ghét cái tính bật bưỡng hay nói ngang…

Sáng hôm sau ông gọi con dâu:

- Vợ chồng mày bảo mua xe máy mà không mua à. Bố có vài chục… Đây cầm lấy mà mua xe chứ đi cái xe nát mãi rồi người ta cười, xấu hổ mặt tao.

Con dâu giãy nảy:

- Không, con không dám nhận đâu. Bố để đấy mà tiêu việc của bố, để in ấn cái gì gì đấy… Chúng con mua xe sau cũng được.

À thì ra chúng đã biết ý định của ông. Nhưng ông đã tính rồi. Nghĩ vậy nên ông nói dứt khoát như ra lệnh:

- Cầm lấy! Việc ấy là việc chưa cần thiết. Sang năm, sang năm nữa cũng được… bố còn sống còn lâu, dăm năm nữa in thơ cũng được.

Con dâu lưỡng lự quay lại như muốn hỏi ý chồng. Thằng con giai thấy ông gọi vợ nó thì tưởng có chuyện gay go nên cũng ra theo từ nãy, lúc này đã đứng đằng sau con dâu. Hắn ta hi hí cười rồi vươn tay ra đón gói tiền:

- Cho chúng con xin.

Bố thằng khỉ! Giờ mới được câu tử tế. Nhưng… trông cái mặt thấy ghét… 
Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị - Xuân 2018
.
.
.