Bạn tồng

Thứ Năm, 16/07/2020, 08:56
Pha xách con gà sống thiến, một tay cần chai rượu có buộc mảnh vải đỏ cùng bát gạo, thẻ hương sang nhà Luông, bắt tay Luông thật chặt, bảo: "Đúng hẹn nhé. Hôm nay chúng ta kết bạn tồng!". Mặc dù đã được báo trước nhưng Luông vẫn đứng thừ ra đấy, lòng không khỏi băn khoăn. Kết bạn tồng với Pha đồng nghĩa Luông sẽ bị ghét lây, sẽ mất nhiều bạn chơi...


Đã có lần mẹ nói với Luông, tốt nhất nên tránh xa Pha. Bố Luông lại nghĩ khác, bố bảo: "Các cụ xưa có câu: Trâu trắng buộc đâu cũng trắng, trâu đen buộc đâu cũng đen. Mình sống ở đâu, với ai cũng vẫn là mình thôi. Sống trên đời phải có bạn, phòng khi khó khăn hoạn nạn hay sa ngã còn có người bên cạnh, giúp đỡ, như thế kết bạn tồng là tốt phải không nào…". 

Bố Luông lục cục xuống cầu thang, đi gọi vài anh em họ hàng đến chứng kiến. Quay đi, quay lại, đã thấy ông trưởng họ về ngồi xếp bằng tròn ở gian trên, rồi đến các chú. Rượu trong cái chai có buộc mảnh vải đỏ đã rót ra. Con gà được Pha và Luông chọc tiết. Ba giọt máu đào hòa vào bát rượu. 

Bố Luông thắp hương lên bàn thờ, lầm rầm khấn: "Dỉ hỏi dinh gioóc khửn xa/ Giải sinh giải va khửn sỉnh, lô nớ/ Sỉnh thâng pú đẳm lườn, sỉnh thâng mường đẳm táng/ Đẳm pú dà chỏ chung, quan chỏ chung choòng đẳm/ Chùa căn mà hẩư lẹo, kẻo căn mà hẩư đo lô nớ!.../ Bát nạy tẩư tỳ xo mì pác khảu trình/ Lục lan xo mì mình khảu lần/ Lần mừa bưởng co roọc rều rà/ Tốc mừa tỷ nàn cò/ Pù Kheo lăng te xạ, Pù Cải lăng te thôn/ Vằn nảy đảy vẳn miẹc bươn đuây/ Xo hâử Nông Văn Luông, Hoàng Văn Pha đảy hết tồng…"

(Hương thơm lên tìm, hoa thơm lên thỉnh/ Thỉnh đến ông tổ nhà, mời đến ông tổ gốc/ Tổ ông bà gia tiên, quan tổ tiên bàn chựa/ Hãy kéo nhau về đủ, hãy rủ nhau về cùng…/ Bây giờ dương trần xin có câu lên trình/ Cháu con xin có lời thưa chuyện/ Chuyện về họ nhà ta hoa sinh/ Ngụ nơi Pù Kheo xã, Pù Cải  thôn/ Hôm nay được ngày lành tháng tốt/ Xin cho Nông Văn Luông, Hoàng Văn Pha được kết bạn tồng…). 

Bát rượu máu đào chia đôi, Pha uống một nửa, Luông uống một nửa. Bố Luông trịnh trọng tuyên bố: "Hoàng Văn Pha và Nông Văn Luông từ giờ là bạn tồng. Đã là bạn tồng thì như anh em ruột thịt, như chân với tay, tuy hai mà một…". 

Tục người Tày Pù Kheo kết bạn tồng gần như người Kinh kết nghĩa anh em. Bạn tồng tiếng Tày có nghĩa là bạn cùng: cùng tuổi, cùng sở thích, cùng hoàn cảnh, cùng lý tưởng, vân vân. Cùng tuổi, cùng sở thích thì hẳn rồi, nhưng hoàn cảnh thì Luông và Pha khác nhau hoàn toàn, lý tưởng lại càng khác nữa. Bố Luông vừa dứt lời, các chén rượu nâng lên, chạm nhau lách cách. Lần đầu Luông uống rượu, Pha cũng thế, hai thằng mặt đỏ găng ôm nhau cười hị hị, vô tư. Riêng ở mâm dưới, mặt mẹ Luông vẫn đăm đăm suy nghĩ…

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Ông Xông, tức bố thằng Pha làm nghề mổ chó và bán bún chó. Một hôm, bỗng dưng bố Pha gọi anh em, bạn bè, hàng xóm đến khao một bữa thịt chó và tuyên bố: "Từ nay Hoàng Văn Xông đếch thèm bán bún chó nữa nhé, mà chuyển sang làm cán bộ". Kẻ há hốc mồm, kẻ mắt tròn xoe, không tin vào tai mình. 

Bố thằng Pha mười hai tuổi biết cày ruộng phăm phăm như người lớn; mười lăm tuổi đi theo dân khai thác gỗ, bốc vác gỗ, tứ chi phát triển, chứ đường học hành chẳng đâu vào đâu. Học xong mười hai, bố Pha đi thi đại học bị trượt; hai năm tiếp theo đi thi trung cấp cũng bị trượt. Ở nhà, lấy được mẹ thằng Pha nhà mặt đường, kinh tế kha khá, bố Pha chuyển sang làm nghề mổ chó, bán bún chó, giờ đùng một cái bảo đi làm cán bộ ai mà tin nổi. 

Có người quay sang rỉ tai người bên cạnh: "Thời buổi tri thức rồi, cán bộ xã chí ít cũng phải có bằng trung cấp, bằng cấp ba như thằng Xông chỉ như cái bằng xóa mù trước kia chứ làm được gì?". Chuyện tưởng như đùa, ấy thế mà hôm sau người ta thấy bố Pha đóng cửa quán bún chó, ăn mặc khác thường, xách cái cặp mới cứng lên xã làm cán bộ thật. 

Có kẻ tò mò hỏi làm gì, bố Pha bảo: "Chuyên viên Văn phòng Đảng ủy xã". Gọi là chuyên viên cho oách chứ thực ra công việc của bố Pha chỉ là đun mấy ấm nước, dọn qua cái nhà vệ sinh, lên mở cửa các phòng làm việc, xuống văn phòng bật cái máy tính lên rồi về, làm chủ yếu là để có chân trong xã cái đã. 

Làm Chuyên viên văn phòng được vài ngày, người ta lại thấy nhà thằng Pha mở quán bán bún chó. Khách đến ăn bún nhiều người hỏi bố Pha: "Không làm cán bộ nữa à?". Bố Pha bảo: "Làm chứ". "Làm sao vẫn ở đây?". Bố Pha cười: "Ôi dào, có việc quái gì đâu, máy tính tớ chưa biết dùng. Giờ phải kiếm chút tiền để mai mốt còn đi học đại học". "Ối giời!". 

Bố thằng Pha làm cho mọi người hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dân trong xã kháo nhau: "Ông Xông có chú ruột làm cán bộ huyện… chuyện thường ở xã ấy mà!". Theo tính toán bài bản của ông chú ruột, bố Pha đi học lớp Đại học tại chức chuyên ngành Quản lý văn hóa, đồng thời học luôn lớp Trung cấp Chính trị- Quản lý Nhà nước. Vừa học hai lớp, vừa làm chuyên viên ở xã, nhưng vẫn thấy nhà thằng Pha cách vài ngày lại mở quán bán bún chó. 

Có người thắc mắc hỏi, bố Pha bảo: "Học tại chức ấy mà, hết môn thì nghỉ, kiểu cuốn chiếu, thầy cuốn nhanh để còn đi dạy lớp khác". Có lần bố thằng Pha lại bảo: "Đợt này thuê thằng sinh viên ở trường cao đẳng nó lên điểm danh hộ, hôm nào thi thì mình xuống làm. Thầy giáo nay ông này, mai ông khác, chưa kịp quen mặt học viên đã về trường chính, lo gì". 

Đúng như quy trình, học xong đại học, bố Pha đàng hoàng vào biên chế chính thức với chức danh Trưởng ban Văn hóa xã, đúng chuyên môn được đào tạo. Đùng một cái, bố Pha lên làm Chủ tịch xã. Trong xã có người thấy lạ, có người lại chẳng thấy gì lạ cả. 

Từ ngày lên làm chủ tịch xã, bố Pha khác hẳn, đi lại bệ vệ hơn, ăn nói cũng ngọt hơn. Mẹ Pha giờ chỉ ở nhà mở tivi xem phim, bỏ hoang mấy đám ruộng, cỏ mọc đầy để lũ vịt đến rỉa, không cho ai mượn làm. Mỗi lần ra đường hay đi chợ, mặt mẹ thằng Pha vênh vênh, chẳng chào hỏi ai. 

Mẹ thằng Pha để mọi người ghét dần đều. Bố Pha dính vào một loạt rắc rối. Đầu tiên là vụ kiên cố hóa kênh mương nội đồng, dẫn nước từ đầu nguồn Khuổi Kheo ra cánh đồng bản Lẹng, hết bảy trăm triệu đồng. Từ anh nông dân mới học hết lớp một đến người biết tính toán đếm thử số gạch, nhân với chiều dài, chiều rộng, xi măng, trừ đi nhân công, nhẩm mãi cũng không vượt quá ba trăm triệu đồng. Vậy còn bốn trăm triệu đi đâu? Số tiền khiến người ta giật mình. Thế là có kẻ đâm đơn kiện. Bố thằng Pha bị một phen lao đao, may nhờ có ông chú ruột trên huyện dàn xếp. 

Vụ thứ hai là dự án trồng cây cafe. Với cách ăn nói ngọt như mía lùi, hứa hẹn đủ thứ, hàng trăm hộ dân Pù Kheo chặt hết đồi cây, đồi chè, vườn cây ăn quả vài chục năm để trồng cafe. Có người trong xã được học hành, lập nghiệp ở xa, Tết về thấy quê mình trồng cafe thì bảo: "Đất này, khí hậu này đâu có hợp với cây cafe? Lại vẽ dự án ra để mà kiếm chác à? Chỉ khổ cho đám dân đen". 

Đầu tư, chăm bón sớm hôm, chờ đợi, hy vọng mãi rồi cây cafe cũng cho thu hoạch. Nhưng mỗi cây chỉ cho thu hoạch hơn một cân quả, giá chỉ nhỉnh hơn giá ngô, giá sắn đôi chút. Trừ tiền vốn, phân bón, bơm nước, công chăm sóc, hơn một trăm hộ dân lỗ nặng, đã nghèo lại càng nghèo hơn. 

Vài người bức xúc quá kéo cả lên sân ủy ban xã chửi Chủ tịch. Có người còn gằn lên: "Ông Xông ơi ông Xông, ông về mổ chó bán bún cho dân được nhờ!...". Bố thằng Pha đen mặt ngồi trong phòng chẳng nói được gì. Dính vài vụ rắc rối nữa, đều được ông chú ruột giải quyết êm nhưng bố thằng Pha chẳng còn tí uy tín gì với dân nếu không nói là ai cũng ghét…

Cái ghét của người lớn ghét lây sang trẻ con. Thằng Pha vốn hiền lành, tốt bụng dần bị bạn bè tẩy chay, xa lánh. Không ai chơi cùng, Pha lấy con Iphone7 ra ngồi một mình chơi điện tử. Lũ bạn quay sang xì xầm: "Đồ khoe của…". "Của đấy nó lấy từ đâu ra? Từ bố nó. Bố nó lấy từ đâu ra? Lấy từ nhân nhân. Nhân dân là ai? Là bố chúng tao, mẹ chúng tao chứ ai. Thế mà không biết xấu hổ". 

Thằng Pha mặt đanh tím lại: "Cái điện thoại này ông chủ khai thác quặng tặng tao hôm Tết nhá! Đừng có đặt điều là của bố mẹ chúng mày nhá!". Nắm đấm Pha siết chặt, nhằm vào bất cứ thằng nào nói xấu nó. Pha bỗng chốc trở thành kẻ côn đồ. 

Luông và Pha học cùng một lớp, nhà cùng một bản. Ngày ngày Luông vẫn thường đợi Pha, hai thằng cùng đi bộ đến lớp. Luông vẫn chơi với Pha vô tư. Chơi với Pha, Luông cũng bị một số bạn bè xa lánh, nhưng biết làm thế nào, với Luông, thằng Pha không có gì xấu cả. Chuyện của bố nó là chuyện của bố nó, giờ nếu Luông không chơi với Pha thì chẳng còn ai chơi với Pha nữa, khổ thân nó. Có chuyện gì Pha cũng chỉ tâm sự với một mình Luông. 

Pha ngày càng ít cười, ít nói và có vẻ suy tư nhiều hơn. Những hôm đi học về cùng Luông, Pha chỉ cắm cúi bước. Có lần đang đi, bỗng Pha quay lại, nhìn thẳng vào mặt Luông, hỏi: "Mày có ghét bố tao không?". Ghét ư? Biết nói thế nào nhỉ. Bố Luông làm nghề đánh rọ tôm, ngày đêm lênh đênh trên hồ; mẹ Luông làm nghề trồng lạc ven hồ; Luông sáng đi học, chiều chăn trâu, chẳng liên quan gì đến bố thằng Pha, nói cách khác, bố thằng Pha chẳng làm gì ảnh hưởng đến nhà Luông thì sao Luông lại ghét. 

Thằng Pha lui cui bước, không chờ câu trả lời. Lúc lâu Pha dừng lại, bảo: "Bố tao cũng chỉ là công cụ của người khác. Nhiều khi bố tao bị oan mày ạ…". Luông buột mồm: "Người ta bảo bố mày lừa dân, tham nhũng, bất tài và cậy ô dù…". Thằng Pha răng nghiến lại, mặt vẫn cúi gằm: "Mày xem đấy, bố tao làm đếch gì biết nghĩ ra việc để kiếm tiền? Tiền đấy chia trên, chia dưới, chia to, chia nhỏ, bố tao đâu có đớp hết như người ta nghĩ…". 

Tính Luông hay nói thẳng, biết mình lỡ lời nên lái sang chuyện khác: "Thôi chuyện người lớn, trẻ con bàn làm gì". Thằng Pha ngẩng mặt lên, thở phù ra một tiếng: "Ừ, chuyện người lớn kệ người lớn, mình đâu có hiểu hết được, sau này tao sẽ không như bố tao". 

Một hôm đi học về, mắt thằng Pha trở nên xa xôi, Pha hỏi: "Ước mơ của mày là gì?". Ước mơ gì ư? Luông ước mơ nhiều thứ lắm, nhưng hoàn cảnh của Luông không cho Luông nghĩ nhiều về nó. "Mười hai năm vác sách theo thầy, những năm còn lại vác cày theo trâu" thôi, bố mẹ Luông sẽ không đủ khả năng để nuôi Luông đi học tiếp nữa. Luông chỉ tay ra chỗ đám mây trắng mù mịt bốc lên từ mặt hồ, bảo: "Tao ước mua được cái máy cày lớn, cày hết bãi đất hoang ven hồ kia lên để trồng dưa hấu. Tao sẽ thành Mai An Tiêm trên đảo hồ quê mình". 

Pha lặng im hồi lâu. Có thể Pha tiếc cho ước mơ của Luông. Pha và Luông không chỉ học giỏi nhất lớp mà còn học giỏi nhất trường. Luông hỏi: "Còn ước mơ của mày?". "Tao sẽ học thật giỏi. Có bằng đại học loại giỏi, tao sẽ tự xin việc không cần dựa dẫm vào ô dù của nhà tao. Tao sẽ làm việc hết mình bằng năng lực thực sự, bằng cái tâm của người cán bộ, tao sẽ đem lại lợi ích cho người dân, thật đấy. Chỉ cầm tao vào được một cơ quan nào đó ở tỉnh…". 

Giọng của Pha càng ngày càng nhỏ đi, như nói với chính mình, như các câu nói phát ra đều bị mắc ở cổ họng. Bất chợt Pha quay sang Luông, giọng trở nên hùng hồn: "Khi nào thành cán bộ to ở tỉnh, tao sẽ cho mày vay tiền để mua cái máy cày lớn, cày hết đám đất hoang kia lên để trồng dưa hấu…".

Bất chợt thằng Pha lại hỏi tiếp: "Tao với mày kết bạn tồng nhé! Trên đời này chỉ có mày là hiểu tao, thân với tao nhất". Luông hơi bất ngờ: "Bạn tồng á! Tao với mày hoàn cảnh khác nhau, lý tưởng khác nhau, sau này mày làm cán bộ to trên tỉnh, tao làm nông dân, sao mà tồng được?". "Tao chỉ có mày là bạn! Thế nhé!". "Kệ mày!". Hai đứa lại khoác vai nhau cười hị hị…

Pha đi học đại học tận Hà Nội, lâu lâu mới về. Lần nào về Pha cũng sang nhà Luông, lúc thì giúp mẹ con Luông trồng lạc, lúc lại rủ Luông ra hồ, hai thằng nhảy ùm xuống nước, vật nhau, ngậm nước phun nhau phì phì như lúc Pha còn ở nhà. 

Pha bảo: "Về với mày là sướng đời nhất". Luông hỏi: "Thế ở Hà Nội không sướng à?". "Ở dưới đó tao học suốt ngày. Học để thực hiện ước mơ ấy, mày nhớ không". "Mày gầy, da xanh hơn trước nhiều". "Cớm nắng mày ạ, hì hì". Pha học xong đại học. Cầm tấm bằng loại giỏi về, Pha chạy sang nhà Luông khoe ngay. Luông vui như tấm bằng đấy là của mình.

Bố Pha đã về hưu. Pha là con một. Pha vừa tốt nghiệp, bố Pha đã xách tiền lên tỉnh tìm ông chú để nhờ xin việc cho Pha. Ông chú ruột của Pha giờ cũng đã về hưu. Chưa đầy tháng sau, ông chú Pha báo tin về bảo đứt dây rồi, số tiền hơn hai trăm triệu coi như mất. Bố mẹ Pha tiếc ngẩn ngơ, còn thằng Pha thì giận lắm. 

Pha muốn tự xin việc bằng chính khả năng của mình, chứ không phải bằng tiền bạc hay các mối quan hệ. Pha có bằng đại học chính quy loại giỏi kia mà. Pha làm mấy hồ sơ, xin vào mấy cơ quan phù hợp trên tỉnh. Độ chừng hai tuần sau có chỗ trả lời là cơ quan đang trong giai đoạn tinh giảm biên chế; có chỗ trả lời là cần người có kinh ngiệm công tác. 

Cũng chính hai cơ quan trả lời đó chục ngày sau lại nhận nhân sự mới ra trường với tấm bằng đại học tại chức loại trung bình. Mấy hồ sơ nữa của thằng Pha gửi đi đều bặt tin. Buồn, thất vọng, Pha bỏ sang cùng Luông trồng lạc cả tuần liền. Bố Pha bị bệnh nặng kèm theo tiểu đường, suy thận, tăng men gan, mẹ con Pha đưa đi bệnh viện chữa chạy hết gia sản vẫn không khỏi. Người ta bảo bố Pha bị bệnh cán bộ, suốt ngày thịt nọ, rượu kia, ăn uống vô độ lại không chịu vận động thể thao nên mới thế. 

Bố Pha mất, nhà thằng Pha trở nên nghèo xơ xác như bao hộ dân trong bản. Mẹ Pha ít khi ra đường, suốt ngày ở nhà đan rọ tôm, bán kiếm tiền. Lạt rọ ăn mòn vẹt cả móng tay, xước cả vào thịt, mẹ thằng Pha lấy băng dính cuốn vào mười đầu ngón tay, lại đan tiếp, không đan thì không có gì ăn. 

Có lần Pha sang nhà Luông, giọng Pha buồn buồn nghe thương thương: "Giờ xin việc phải có tiền hoặc có quan hệ mày ạ… Ông chú tao nghỉ hưu rồi coi như hết vị. Giờ tao muốn chạy tiền cũng chẳng có mà chạy nữa…". Luông giật mình, không thể tin nổi những câu nói ấy lại phát ra từ miệng Pha. Pha đã thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực ngoài sức tưởng tượng của Luông. 

Lúc lâu Luông mới nói, chủ yếu để động viên: "Chỗ này không nhận thì sẽ có chỗ khác nhận, tại mày xin chưa đúng chỗ thôi". Cày ruộng không biết, bốc vác không biết, đi hồ đánh rọ cũng không biết, thằng Pha ra ra, vào vào, lúc sang nhà Luông, lúc về nằm chẳng biết làm gì. 

Có lần Luông động viên: "Hay mày xin đi làm ngoài, cần gì cứ phải vào cơ quan nọ, cơ quan kia!". "Đi làm thuê cho mấy thằng chủ doanh nghiệp á? Không bao giờ. Tao mất bao nhiêu năm đi học không phải về để làm thuê, mày biết tao học thế nào không?". Giọng thằng Pha có vẻ bất cần, như giận Luông. 

"Trong thời gian chờ việc mày vẫn nên làm gì đấy, chẳng lẽ lại cứ ăn bám mẹ già bằng cái nghề đan rọ tôm ấy". Lần này thì Pha giận thật, có lẽ là tự ái thì đúng hơn: "Ăn bám á? Kệ tao… Tao sẽ tự biết lo"…

Pha ít sang nhà Luông hơn, thỉnh thoảng lại thấy Pha vắng nhà. Hôm nhà Luông mổ lợn làm lễ giải hạn cho mẹ Luông, Pha đến giúp làm cơm và ngủ lại cùng Luông hai đêm. Cả hai đêm cứ đến ba giờ sáng là Pha thức dậy, đi về. Luông thấy lạ, nghĩ mãi vẫn không sao hiểu nổi tại sao Pha lại về vào giờ đó. 

Sáng, Pha qua nhà, kéo tay Luông: "Ra quán làm đĩa lòng phèo, uống rượu cho đỡ chán đời đi mày. Tao mời". "Mày lấy đâu ra tiền?". "Đấy là việc của tao, mày không cần quan tâm". Lạ thế. Lòng Luông đầy nghi hoặc. Một đêm Luông rủ Pha sang nhà ngủ. Ba giờ sáng, Pha lại trở dậy, đi về. Thế là trúng kế, Luông xuống bếp mặc bộ quần áo đen, bí mật rình theo Pha. 

Pha lấy cái túi vải đã để sẵn ở bụi chuối ven đường, đi về phía cánh đồng dưới ánh trăng mờ đục. Pha lội xuống ruộng, xuống ven suối nhấc từng ống lươn, tháo lươn vào túi vải. Đi một vòng, cái túi vải của Pha đầy lươn. À, hóa ra là Pha đi tháo trộm lươn của dân đánh lươn đem bán. Pha vốn là đứa thông minh mà. 

Ba giờ sáng Pha tháo lươn, từ ba giờ sáng đến sáu giờ sáng lươn vẫn đi kiếm ăn, vẫn vào ống. Sáng ra mọi người đi thu lươn, vết chân của thằng Pha nước đã trong trở lại, không ai biết lươn đã bị tháo trộm. Nhiều người cứ trách thời tiết làm lươn không chịu đi kiếm ăn; nhiều người lại trách nhà máy sơ chế sắn xả thải ra suối làm lươn chết: "Pha! Bạn tồng tao lại là thằng ăn trộm á". Pha giật mình, đứng lặng, cúi xuống như đứa trẻ bị mẹ bắt lỗi: "Đói rách quá. Kiếm tí tiêu vặt thôi. Rồi tao sẽ bỏ". 

Luông bỏ về, trong lòng thật buồn, thất vọng xen lẫn tiếc cho thằng Pha. Những ngày sau Pha lại sang ngủ với Luông. Pha không đi tháo trộm lươn nữa. Luông thấy mừng. Ngày, Pha vác thuổng lên trên đỉnh Su Cháo đào củ mài đem bán. Dạo này trong bản hay bị mất trộm dê. Người dân trong bản bẫy nỏ, bẫy súng kíp quanh chuồng dê, đặt cả cạm đánh hổ chỗ cửa chuồng vẫn không bắt được trộm, lạ thế. 

Pha tự nhiên có tiền. Sáng sáng Pha ra quán bún ở trung tâm xã lúc thì gọi đĩa lòng, lúc thì gọi đĩa chân, cổ, cánh gà để uống rượu. Có hôm Pha uống say khướt. Có lần Luông thấy trong ví của Pha có hẳn mấy triệu: "Mày lấy đâu ra nhiều tiền thế?". Pha trả lời: "Thì tao đào củ mài bán chứ lấy đâu ra". "Bán củ mài mà được nhiều thế á?". Luông sinh nghi. 

Hôm nay đến lượt dê nhà Luông mất, cái bẫy súng kíp bên chuồng dê vẫn còn nguyên. Quả là một tên trộm cao thủ. Tám giờ sáng, anh Diên Công an xã xuống thông báo đã bắt được tên trộm dê nhà Luông, hiện đang giữ trên ủy ban xã. Luông chạy lên xã. Thật không thể ngờ tên trộm lại là Pha. 

Giả vờ đi đào củ mài nhưng thực chất Pha đào thành các hố sâu, tưới nước muối xung quanh hố rồi thả xuống dưới hố một ống nước muối. Loài dê vốn tính thèm nước muối, thấy hơi muối ở đâu là lao đến ngay. Dê liếm ống nước muối, cắm đầu xuống hố không thoát lên được. Trời chưa kịp sáng, Pha lên núi, dễ dàng buộc chân dê, mồm dê lại và vác dê ngược núi bán sang các nhà hàng đặc sản dê núi ở thị trấn Hàm Yên phía bên kia núi Su Cháo. Cứ vài ngày Pha lại bẫy được một con. Pha vốn là đứa thông minh mà. Trí thông minh không dùng cho việc tốt thì chết rồi. 

"Tao không định bẫy dê của nhà mày. Thật đấy! Chẳng may dê nhà mày đi lạc vào bẫy thôi". "Dê nhà nào chả như dê nhà nào". Pha cúi gằm mặt: "Tao không xứng là bạn tồng của mày nữa. Từ giờ tao cả mày không còn là bạn tồng nữa nhé. Mày về đi. Tội tao làm tao chịu". 

"Tao đến không phải để kiện mày mà đến để bảo lãnh cho mày ra. Hứa với tao sau lần này mày không làm việc gì tội lỗi nữa. Tục người Tày mình đã là bạn tồng, đã uống chung bát rượu máu đào thì như anh em ruột thịt, như chân với tay, tuy hai mà một mãi mãi, đến chết phải không nào?!". Pha ôm đầu gục vào tường, quay lưng lại phía Luông. 

Mẹ Pha hớt hải chạy tới, mắt đỏ hoe, vừa đi vừa gọi: "Pha ơi! Pha ơi!...". Mẹ Pha gục vào Pha, tay run run lấy từ trong túi áo ra một tờ giấy: "Có cơ quan trên tỉnh gọi con đi làm rồi này! Pha ơi!". Pha đứng chết lặng. Lúc lâu, Pha ôm chầm lấy Luông. Pha khóc. Giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc rơi trên vai Luông ấm áp. Rất lâu, Pha mới thốt được một câu: "Bạn tồng!".

Truyện ngắn của Nông Quang Khiêm
.
.
.