Trung tá, NSƯT Minh Lương: "Điều đầu tiên là phải yêu ngành, yêu nghề"

Thứ Năm, 02/06/2022, 07:56

Trong cuộc trò chuyện cùng tôi trong quán cà phê nhìn ra hồ Hoàng Cầu (Hà Nội), Trung tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Minh Lương, Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát CAND đầy niềm tự hào, xúc động khi nhắc đến vinh dự, sứ mệnh là một ca sĩ trong lực lượng CAND. Anh yêu màu áo Công an từ người cha của mình và mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình, góp một “viên gạch” bé nhỏ vào sự phát triển chung của Nhà hát CAND thân yêu.

Vào ngành từ truyền thống gia đình

Dù vừa trở về sau chuyến đi Thanh Hóa nhưng khi tôi gọi điện đặt lịch phỏng vấn, Trung tá, NSƯT Minh Lương đã vui vẻ nhận lời. Từng xem anh biểu diễn trên truyền hình cũng như trên sân khấu phục vụ các sự kiện của đất nước, của ngành nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp anh ngoài đời. Nam ca sĩ gây ấn tượng với tôi bởi sự cởi mở, gần gũi, hòa đồng.

Tính đến nay, NSƯT Minh Lương đã có 24 năm phục vụ trong lực lượng CAND. Với anh đó là quãng thời gian tuyệt đẹp của cuộc đời khi được mang lời ca tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Đó cũng là ước mơ từ bé của anh. Ngay từ khi học phổ thông, anh đã yêu thích màu áo Công an vì ảnh hưởng của người cha là cán bộ Cảnh sát trại giam. Niềm yêu thích đến nỗi anh thường vẽ chú Công an trên trang giấy học trò vào những lúc rảnh rỗi.

Trung tá, NSƯT Minh Lương: -0
NSƯT Minh Lương “phiêu” trên sân khấu.

Anh cũng sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và cứ tâm niệm rằng, lớn lên, nếu may mắn mình được vào ngành thì sẽ làm chuyên môn ca hát. Và đúng như vậy, sau khi tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và trải nghiệm một thời gian với công việc ca hát bên ngoài, năm 1997 anh đã quyết định thi tuyển vào Đoàn Nghệ thuật CAND (nay là Nhà hát CAND). Sau 1 năm thử thách, anh chính thức là thành viên của “ngôi nhà” nghệ thuật này.

Thực ra để có quyết định đó, Minh Lương đã “vượt vũ môn” trong cuộc thi Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc lần thứ nhất với giải Nhì chung cuộc khi thể hiện ca khúc “Ngẫu hứng sông Hồng” nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến. Bước ra từ cuộc thi càng khiến nam ca sĩ gốc Thái Bình hiểu rằng, mình cần có một môi trường để công tác lâu dài, chứ không phải công việc ca hát tự do nay đây mai đó rất không ổn định. Và Đoàn Nghệ thuật CAND chính là “bến đỗ” lý tưởng mà anh khao khát vươn đến.

Được sống thêm cuộc đời khác

Ở tuổi 50, NSƯT Minh Lương cho rằng, đó cũng là lứa tuổi để anh sống chậm lại, ngẫm nghĩ lại những điều đã qua. Và bất giác anh bảo: “Từ khi vào ngành, chưa lúc nào tôi cảm thấy chán và buông xuôi. Bởi tôi đã được sống thêm một cuộc đời khác của người nghệ sĩ, ở đó không có ánh đèn sân khấu lộng lẫy, rực rỡ mà ở đó lại có những người nông dân lầm lụi, có những cuộc đời bình dị mà tiếng hát của mình đã mang đến cho họ niềm vui, xóa nhòa khoảng cách và định kiến. Sân khấu ấy cũng hấp dẫn lắm vì chúng tôi được dấn thân và tiếng hát của mình trở nên ý nghĩa hơn”.

Trung tá, NSƯT Minh Lương: -0
NSƯT Minh Lương (giữa) say sưa tập luyện cùng các đồng đội.

Anh đã từng đi đến những bản làng heo hút nhất của núi rừng Tây Bắc hay đến những nơi xa xôi nhất ở phía Tây Nam Tổ quốc và cũng từng 2 lần đến với quần đảo Trường Sa, nhưng có lẽ kỷ niệm với chuyến biểu diễn tại Tây Nguyên vào các năm 2002, 2004 là để lại nhiều kỷ niệm nhất. Thời điểm đó, bà con Tây Nguyên bị kẻ xấu kích động gây ra bạo loạn và anh được giao nhiệm vụ trong đoàn nghệ sĩ mang chương trình nghệ thuật đến với bà con, những mong có thể vận động, thuyết phục, giác ngộ bà con đi theo con đường của Đảng qua lời ca tiếng hát.

“Phải nói rằng biểu diễn trên những sân khấu có mấy vòng vây bảo vệ đem lại cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc. Đầu tiên là lo lắng nhưng rồi khi đắm chìm trong âm nhạc, chúng tôi đã biểu diễn ''máu lửa'', thậm chí còn xuống dưới sân khấu giao lưu với khán giả”, anh nhớ lại.

Là ca sĩ của Nhà hát CAND, ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành, của đất nước, Minh Lương còn thường xuyên tham gia các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp. Anh đã 2 lần giành Huy chương Vàng tại 2 kỳ Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc liên tiếp vào các năm 2009, 2012 và giành một tấm Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật bốn nước ASEAN do Việt Nam đăng cai vào năm 2013. Để lan tỏa và tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, ở các cuộc thi này, anh đã chọn thể hiện những bài hát ca ngợi hình tượng người chiến sĩ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Phải luôn đổi mới, sáng tạo

Sở hữu chất giọng Tenor với sở trường hát về dòng Opera thính phòng và các ca khúc ''nhạc đỏ'', NSƯT Minh Lương đã thể hiện thành công nhiều ca khúc, như “Chúng con bên giấc ngủ của Người” của nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước, “Gió lộng bốn phương” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và một số ca khúc ca ngợi hình tượng người chiến sĩ CAND của nhạc sĩ Đậu Hoài Thanh, Hiền Anh…

Nhận xét về NSƯT Minh Lương, Trung tá, NSƯT Út Lan, Phó Giám đốc Nhà hát CAND cho rằng: “Minh Lương là giọng ca khỏe và đầy nội lực, anh luôn tìm tòi, nghiên cứu tác phẩm để thể hiện tốt nhất, truyền tải đến khán giả tình cảm thông điệp của ca khúc đó. Anh cũng là người thường xuyên tham gia các liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp và đem lại nhiều tấm huy chương quý giá góp phần nâng tầm vị thế của Nhà hát”.

NSƯT Minh Lương vui mừng cho biết, hiện nay Nhà hát đang dồn toàn lực tập luyện vở nhạc kịch “Người cầm lái” để chuẩn bị tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc tại Đắk Lắk vào tháng 6 này. Thay vì biểu diễn ca múa nhạc, Nhà hát đã mạnh dạn biểu diễn nhạc kịch, trong đó có cả hát, cả múa và kịch nên có đầu tư lớn hơn, cả về vật chất lẫn nghệ thuật và con người… Anh cũng hồ hởi cho biết, Nhà hát nói riêng và các ngành văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong lực lượng nói chung đang được Lãnh đạo Bộ Công an và đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng rất quan tâm.

“Hiện nay Nhà hát CAND đang được xây dựng mới ở “khu đất vàng” 40 Hàng Bài (Hà Nội), dự tính năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng. Nhà hát với quy mô mang tầm khu vực, không chỉ là biểu tượng của ngành mà còn là biểu tượng của Thủ đô. Đó hứa hẹn sẽ là nơi tập luyện, biểu diễn lý tưởng để anh em nghệ sĩ có thể cống hiến với nghề một cách tốt nhất”, anh thông tin.

Trên cương vị Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát CAND, NSƯT Minh Lương luôn xác định, người nghệ sĩ trong lực lượng CAND thì phải mang tư tưởng của Đảng, của Bác Hồ và của ngành vào từng tác phẩm qua tiếng hát, vở kịch, điệu múa. Cùng với đó, người nghệ sĩ phải luôn có sự đổi mới, sáng tạo, phải có sự vận động, tiến lên không ngừng để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Cũng theo anh, hoạt động nghệ thuật vốn đã có nhiều chông gai, vất vả thì hoạt động nghệ thuật trong lực lượng CAND lại càng khó khăn gấp bội. Điều đó yêu cầu mỗi nghệ sĩ, chiến sĩ phải thực sự yêu ngành, yêu nghề, phải thực sự coi đó là vinh dự, là sứ mệnh to lớn.

Cả hai vợ chồng đều công tác trong lực lượng Công an (vợ anh công tác tại Bệnh viện 19-8, Bộ Công an), NSƯT Minh Lương bảo, nhiều khi vợ phải trực, anh phải đi biểu diễn xa nhà nên con cái phải nhờ người nhà trông hộ. Tuy có đôi chút khó khăn nhưng đã là người lính thì luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ để rồi vợ anh sau ca trực và anh sau chuyến biểu diễn lại được trở về dưới mái ấm trong niềm hạnh phúc của một gia đình chiến sĩ. 

Ngô Khiêm
.
.
.