Giữ vàng trên núi Vạn Cung

Thứ Sáu, 16/08/2024, 07:47

Núi Vạn Cung thuộc địa phận xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), một phần tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn. Nơi đây từng là điểm nóng về tình trạng khai thác vàng trái phép nên huyện đã duy trì tổ công tác liên ngành cắm chốt suốt hơn chục năm nay. Thời gian gần đây, tình hình tuy đã bớt "nóng", song tổ cắm chốt vẫn không quản khó khăn, nêu cao tinh thần cảnh giác để bảo vệ tài nguyên, giữ gìn an ninh, trật tự.

Ngày đêm canh kho báu

Người dân Lục Ngạn nhiều người biết đến địa danh núi Vạn Cung, suối Hương (xã Phong Minh) bởi tạo hóa ưu ái bồi tụ cho nơi đây một nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm. Các cụ xưa có câu: "Chẳng gì cũng thể là vàng", vì là kim loại quý hiếm, lại nằm giữa rừng sâu, với sự nhòm ngó của bao người nên công tác bảo vệ tài nguyên càng trở nên gian nan đối với lực lượng chức năng.

các l-c lu-ng ph-i h-p t- ch-c tu-n tra, b-o v- m- vàng trên núi v-n cung.  ..jpg -0
Các lực lượng phối hợp tổ chức tuần tra, bảo vệ mỏ vàng trên núi Vạn Cung. 

Trước đề xuất của tôi được theo chân đoàn tuần tra, bảo vệ mỏ vàng trên núi Vạn Cung, Trung tá Đoàn Thế Nam, Phó trưởng Công an xã Nam Dương (Công an huyện Lục Ngạn), tổ trưởng tổ cắm chốt nói: "Mùa này trên núi hay mưa, phải chờ nắng to mấy hôm mới có thể di chuyển bằng xe máy, còn nếu đi bộ từ chân núi lên hết chừng 4 giờ đồng hồ".  

Chọn ngày nắng đẹp, sớm tinh mơ, Trung tá Nam gọi điện thoại cho tôi thông báo thu xếp thời gian lên cho kịp và anh trực tiếp xuống chân núi đón tôi. Vừa đi chúng tôi vừa nghe ngóng thời tiết, có tiếng sấm ầm ì bên mạn huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) nên mọi người thúc giục nhau phải khẩn trương hơn và đoàn xác định hễ gặp mưa thì sẵn sàng ăn ngủ lại lán đến khi nào đường khô ráo mới xuống. 

Lên Vạn Cung chỉ có một lối mòn độc đạo cắt ngang qua rừng phòng hộ, đây cũng là lối đi trước đây "vàng tặc" từng sử dụng để vận chuyển công cụ, đồ nghề lên khai thác trái phép. Quãng đường từ UBND xã Phong Minh lên lán của tổ cắm chốt khoảng chục cây số, trong đó có 5 cây số đường rừng. Chiếc xe máy do hai thanh niên bản địa chở chúng tôi lúc nào cũng gằn lên, nhích từng tý, thỉnh thoảng, qua những khúc dốc dựng đứng, gập ghềnh, chúng tôi lại phải xuống đi bộ. 

Mùa này núi Vạn Cung đẹp lạ, hoa rừng đủ sắc, chim kêu rộn ràng, suối reo róc rách, những thảm cỏ xanh mướt là nơi lý tưởng cho bầy ngựa, dê, trâu nhởn nhở kiếm ăn. Không khí mát lạnh, sương mờ giăng giăng. Lên gần đỉnh núi là thấy chiếc lán của tổ cắm chốt được dựng bằng khung sắt, lợp mái tôn, bên trong kê những tấm phản đơn sơ thay cho giường. Không điện lưới, sóng điện thoại thì chập chờn, tuy có máy phát điện nhưng hãn hữu anh em mới dám nổ máy vì còn liên quan đến xăng dầu. Đây chính là nơi ở và sinh hoạt của các thành viên tổ cắm chốt.

trung tá ðoàn th- nam (tru-c) và các thành viên trong t- c-m ch-t th-c hi-n tu-n tra, b-o v- m- vàng..jpg -2
Trung tá Đoàn Thế Nam (trước) và các thành viên tổ cắm chốt tuần tra, bảo vệ mỏ vàng.

Ngoài công việc tuần tra, canh gác, những lúc có thời gian, mấy anh em lại trồng thêm rau, bắt châu chấu, hái hoa chuối rừng, đào măng để cải thiện bữa ăn. Mọi người đã quen với cảnh ăn rừng, ngủ rừng hay bị muỗi, ruồi trâu, ong đốt trong lúc đi tuần. Mùa đông đến, họ phải chống chọi với những trận giá rét đến tê tái, thậm chí là băng giá. 

Trên núi Vạn Cung, dấu tích của "vàng tặc" để lại ở nhiều nơi, đó là hàng chục đường hầm sâu từ 70 đến 200 m, một số hầm đất bị sạt lở nham nhở và cả kho chứa những công cụ, máy móc làm vàng do lực lượng chức năng thu giữ. Một vạt cây chanh rừng vươn quá đầu người đã cho quả, theo như Trung úy Vi Văn Trang, Công an xã Phong Minh, những cây chanh này được mọc lên từ hạt do năm xưa "vàng tặc" vứt lại.

Những lối mòn trong rừng in hằn dấu chân của thành viên trong tổ cắm chốt. Theo quy định, mỗi ngày các thành viên thay phiên nhau tuần tra một vòng tròn khép kín để nắm tình hình, khi thấy người dân đi rừng hoặc đối tượng khả nghi bén mảng đến khu vực bãi vàng, các đồng chí sẽ tuyên truyền, giải thích, nhắc nhở và yêu cầu rời đến nơi khác, nếu tình hình có chiều hướng phức tạp tổ sẽ báo cáo về huyện xin ý kiến chỉ đạo, xử lý. 

Theo điều tiết, phân công của trưởng công an huyện, trên mỏ vàng lúc nào cũng có ít nhất 3 đồng chí công an thường trực. Nhân sự được điều động luân phiên các đồng chí công an xã, thị trấn. Trung tá Đoàn Thế Nam nhận nhiệm vụ cắm chốt trên mỏ vàng nửa tháng, hôm tôi lên, anh đã bước sang ngày thứ mười ba của "nhiệm kỳ". "Nửa tháng tuy không quá dài song để lại nhiều cảm xúc đáng nhớ đối với tôi. Dù khó khăn, thiếu thốn, nhất là về lương thực, thực phẩm nhưng anh em vẫn luôn động viên nhau cố gắng nâng cao trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ", Trung tá Nam nói.     

Gian nan chờ "đánh thức" tài nguyên

Tổ cắm chốt trên núi Vạn Cung được Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn kiện toàn với 8 người, thành phần gồm: Công an huyện (4 người); Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn; Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn; Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường và UBND xã Phong Minh (mỗi đơn vị 1 người) do cán bộ công an huyện làm tổ trưởng. Bên cạnh việc bảo vệ tài nguyên, giữ gìn an ninh, trật tự, tổ cắm chốt còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và toàn thể nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt là công tác tuần tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Mặc dù, đến nay tình hình đã yên ổn nhưng nguy cơ bị các đối tượng lợi dụng vùng giáp ranh, rừng núi để khai thác vàng trái phép luôn hiện hữu. Đơn cử như, khoảng tháng 11/2023 tại khu vực bãi vàng có xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép và đã được Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Phong Minh kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Hơn 20 năm công tác tại Trạm Bảo vệ rừng Phong Minh (Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn), Trạm trưởng Nguyễn Văn Tuyến - thành viên tổ cắm chốt nắm khá rõ diễn biến tình trạng khai thác vàng trái phép ở Vạn Cung từ những ngày đầu. Anh kể: Mỏ vàng ở Vạn Cung không rõ ai phát hiện ra nhưng từ 2010 rất đông người ở Thái Nguyên về kết hợp với một số người dân trên địa bàn xã Phong Minh cùng nhau lên núi tổ chức khai thác vàng trái phép, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, làm mất an ninh, trật tự và thất thoát tài nguyên. 

d-u tích bên trong m-t du-ng h-m khai thác khái phép..jpg -1
Dấu tích bên trong một đường hầm khai thác vàng trái phép.

Đến năm 2011, 2012, sau khi phát hiện trên núi có từ 60-70 hố đào vàng, công trường khai thác vàng sáng đèn cả ngày lẫn đêm, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức truy quét các nhóm "vàng tặc". Thậm chí, cuối năm 2012, hàng chục chiến sĩ cảnh sát cơ động thuộc Công an tỉnh được tăng cường về nằm vùng trên núi 6 tháng, đến khi bình yên, lực lượng này rút đi nhưng tổ cắm chốt vẫn được duy trì đến giờ.  "Hồi ấy, trên Vạn Cung khá phức tạp, có tình trạng "vàng tặc" tranh giành địa bàn, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, cả tai nạn lao động. Lực lượng chức năng đã tổ chức đấu tranh, truy quét các nhóm này", anh Nguyễn Văn Tuyến cho biết. 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Duân, Trưởng Công an huyện Lục Ngạn: Trước đây, tổ cắm chốt được giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng nhưng hiện tượng khai thác vàng trái phép vẫn tái diễn nên từ năm 2019, UBND huyện giao Công an huyện làm tổ trưởng phối kết hợp với các lực lượng khác để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tài nguyên. Trong đó, các đồng chí công an được chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cả thứ Bảy, Chủ nhật lẫn ngày lễ, Tết, chỉ khi nào hết lương thực, thực phẩm, anh em mới cắt cử người xuống núi.

Do làm tốt công tác điều tra cơ bản, cộng thêm đẩy mạnh tuyên truyền vận động nên hầu như không còn tình trạng khai thác vàng trái phép nên đến nay vấn đề an ninh, trật tự trên núi Vạn Cung được bảo đảm, duy trì tốt.

"Mặc dù phải hoạt động trong điều kiện thiếu thốn, có thời điểm mưa dài ngày, quãng đường di chuyển xa, phương tiện khó khăn nhưng anh em vẫn cố gắng bám trụ. Bởi, được xác định là mỏ vàng nên hễ không có cán bộ cắm chốt là trên này sẽ lại xuất hiện đối tượng khai thác trái phép", Thượng tá Nguyễn Văn Duân khẳng định. Ngày nào mỏ vàng còn chưa được thăm dò, khai thác theo quy định của pháp luật thì tổ cắm chốt chưa thể rút về.

Nguyễn Hưởng

.
.
.