Dấu ấn Yên Châu
Với một khẩu súng trường trên tay, gần 60 năm trước vào năm 1965, tiểu đội nữ dân quân dân tộc Thái đen can trường, không ngại hiểm nguy đã bắn rơi “thần sấm” của đế quốc Mỹ. Những chiến công ấy, đến hôm nay vẫn như một dấu son của cả vùng Yên Châu (Sơn La) anh hùng.
Ký ức còn đó…
Những ngày cuối tháng 5 lịch sử, chúng tôi đến thăm những nữ dân quân Yên Châu ở tỉnh Sơn La. Người chúng tôi gặp đầu tiên là Tiểu đội trưởng Lò Thị Lả, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng gương mặt và nụ cười của bà vẫn toát lên khí phách kiên cường, đầy nghị lực của nữ dân quân từng quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược.
Cùng chúng tôi đến nơi từng ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ tại Di tích lịch sử cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc, bà Lả bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, thanh niên xung phong đánh giặc nhiều lắm. Thấy đàn ông ra trận, chúng tôi cũng hăng hái cầm súng. Tiểu đội gồm 10 chị em hầu hết từ độ tuổi 16 đến đôi mươi. Ở thời điểm bây giờ có lẽ là cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Nhưng, lúc chiến tranh ác liệt, tất cả những nữ dân quân ấy cũng cầm súng chiến đấu, để góp một phần sức mình vào chiến thắng của cả dân tộc. Mỗi chị em được cấp một khẩu súng trường, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Vài. Những cô gái tuổi còn rất trẻ nhưng đều sục sôi khí thế, hăng hái tham gia chiến đấu.
Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh bắn phá miền Bắc. Tại Yên Châu, cầu Tà Vài là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch nhằm cắt đứt giao thông huyết mạch, chia cắt viện trợ giữa Trung ương với vùng Tây Bắc và chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường của quân và dân ta. Trong giai đoạn này, cầu Tà Vài thường xuyên phải chịu hàng chục trận oanh kích, nhưng dù mưa bom bão đạn, thời tiết khắc nghiệt, các chị em Tiểu đội dân quân vẫn ngày đêm luyện tập, sử dụng thành thạo vũ khí, bố trí trận địa, trực chiến máy bay.
Bà Quàng Thị Lĩnh, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu chia sẻ: “Khu vực đó có nhiều núi, nên bắt buộc máy bay Mỹ phải xuống thấp, đúng tầm súng trường. Ngày hôm đó nó lượn 2-3 lần, chúng tôi xác định được mục tiêu là bắn ngay thôi”.
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Châu giai đoạn 1945 - 2015 có viết: Ngày 23/7/1965, máy bay Mỹ liên tục bắn phá 9/13 xã trong huyện Yên Châu với tổng cộng 38 lần ném bom, 5 lần bắn súng máy và rocket. Ngày 2/9/1965, một trong những ngày mà bất kì ai cũng nhớ, ngày Tết độc lập dân tộc, một tốp máy bay F-105 của Mỹ ném bom làm sập cầu Tà Vài. Chỉ với súng trường trên tay, những thiếu nữ người Thái ngày ấy không hề run sợ trước sức mạnh của kẻ thù, cả tiểu đội bám trụ cùng đơn vị bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cầu.
Ngay khi thấy một chiếc F-105 bay quanh khu vực cầu chuẩn bị bổ nhào cắt bom, nữ tiểu đội trưởng ra lệnh “bắn”, cả tiểu đội đồng loạt nổ súng. Chỉ một lúc sau, tiếng hô vang “cháy rồi, cháy rồi!” vang vọng cả núi rừng Yên Châu, niềm vui như vỡ òa. Chiếc máy bay mệnh danh “thần sấm” của quân đội Mỹ bốc cháy, rơi xuống ở xã Tú Nang - giáp xã Chiềng Hặc về phía Nam. Phi công Mỹ nhảy dù nhưng mắc kẹt trên cành cây, cả tiểu đội hò nhau cùng bà con dân bản đi bắt sống tên địch. Phi công 90kg chân đã bị gãy, nên phải khiêng bằng cáng… đến lúc giải về thì trời đã nhá nhem tối.
Với khẩu hiệu “Xe chưa đi qua thì cột nhà không tiếc”, ngày đó các nữ dân quân còn cùng bà con dân bản góp công, góp sức đem theo tre, gỗ, cột làm nhà để phục vụ sửa chữa cầu, đường, lấp hố bom, đảm bảo cho xe qua. Mặc dù địch tập trung đánh phá, nhưng huyết mạch giao thông trên địa bàn vẫn thông suốt bởi những đóng góp không nhỏ của Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu ngày đó.
Ghi nhận tinh thần chiến đấu quả cảm, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba cho 10 nữ dân quân Yên Châu. Ngày giải phóng trên mảnh đất Yên Châu, những cô gái ấy lại trở về với đời thường, làm mẹ, làm bà, tay cày, tay cuốc cùng con cháu trong nhà lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương Yên Châu ngày càng đẹp tươi. Họ không chỉ là những tấm gương sáng trong công tác chiến đấu quật cường với giặc Mỹ, mà họ còn là những tấm gương đi đầu trong tham gia các hoạt động của hội phụ nữ, thường xuyên giáo dục con cháu về truyền thống cách mạng, giữ gìn di tích lịch sử.
Trải qua 48 năm đất nước hòa bình thống nhất, những nữ dân quân năm nào đều đã bước sang cái tuổi thất thập, người còn, người mất. Các bà luôn là niềm tự hào cho thế hệ con cháu tiếp bước, ra sức học tập, rèn luyện, lao động sản xuất đóng góp xây dựng quê hương bản làng đẹp tươi.
Nối tiếp truyền thống anh hùng
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vùng đất nơi núi rừng biên giới này vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các thế hệ Công an Yên Châu luôn tự hào những truyền thống tốt đẹp, phát huy truyền thống oanh liệt, hào hùng của quê hương, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cống hiến hết mình, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm để bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân.
Thượng tá Quàng Thị Việt, Phó trưởng Công an huyện Yên Châu chia sẻ: Là địa bàn biên giới, Yên Châu có tới 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy một bộ phận quần chúng trình độ dân trí còn thấp, là địa bàn giáp ranh với nước bạn Lào, Yên Châu có nhiều cơ hội trong việc trao đổi thông tin với nước bạn, phối hợp đấu tranh với tội phạm ma túy qua biên giới.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khó, hy sinh, trong những năm qua, Công an huyện Yên Châu đã triệt phát nhiều Chuyên án, vụ án ma túy lớn, không khoan nhượng trước những đối tượng gieo rắc “cái chết trắng” ở địa bàn vùng biên này. Gần đây, điển hình như Chuyên án đấu tranh với đối tượng Thào Ly Páo Sồng, tên gọi khác là Ly Páo (SN 1984, trú tại huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) và Hạng A Vàng (SN 1982, trú tại bản Pha Đón, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Lực lượng chức năng đã thu giữ 6 bánh heroin, 17.000 viên ma túy tổng hợp...
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận vận chuyển thuê số ma túy trên từ Lào về Việt Nam cho một đối tượng không rõ danh tính tại ngã 3 Kim Chung, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, khi đang trên đường vận chuyển đến bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Để đấu tranh thành công với các đối tượng, lực lượng Công an Yên Châu mất rất nhiều thời gian để đấu tranh bóc gỡ… bởi các đối tượng phạm tội về ma túy rất ranh mãnh, thủ đoạn tiểu xảo hòng qua mắt lực lượng chức năng…
Không chỉ có vậy, đầu năm 2023, Công an huyện Yên Châu cũng đã đấu tranh thành công chuyên án bắt giữ nhiều đối tượng về hành vi “Kinh doanh, buôn bán hàng cấm”. Đó là vụ phát hiện Vũ Thị Nhung, Phạm Thị Tân, Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Thị Tình kinh doanh, buôn bán hàng nghìn lít chất cấm. Tổng số tang vật thu giữ đối với cả 4 đối tượng là 9.371 chai, tương đương gần 7.500lít hóa chất. Cuộc chiến với tội phạm nơi miền biên viễn Châu Yên này sẽ còn những khó khăn, vất vả, nhưng với mỗi CBCS Công an nơi đây luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không khoan nhượng với tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự.
Chia tay Yên Châu mùa lúa đang lên đòng, trong rì rào gió núi hôm nay, tôi biết, mỗi cán bộ chiến sĩ nơi đây vẫn giữ trọn lời hứa phát huy tinh thần của lớp lớp thế hệ đi trước… Và những ca từ trong bài hát “Người Châu Yên em bắn máy bay” của nhạc sĩ Trọng Loan mãi vang lên rộn ràng… “Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này/ Bản làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ/ Dân quân Châu Yên ta với súng trường/ Nhằm thẳng vào mặt kẻ thù bắn thần sấm phải rơi.../ Con gái trắng nõn những búp tay/ Em có dám bắn máy bay...”.