“Cỏ ba lá” với hành trình kết nối - sẻ chia - hạnh phúc

Thứ Tư, 10/01/2024, 15:47

Nam Phong là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, có 496 hộ, hơn 2.100 nhân khẩu, với 3 dân tộc anh em sinh sống (Mường, Mông và Dao), đi lại chủ yếu là đường bộ và đường sông. Vùng đất xa xôi và hẻo lánh ấy trong những ngày giáp Tết với cái lạnh thấu xương lại trở nên ấm áp lạ thường bởi tình người và sự lan tỏa yêu thương.

Thượng úy Đoàn Văn Tùng và câu lạc bộ thiện nguyện "Cỏ ba lá" mà anh đã cùng đồng đội dựng xây trong hai năm qua đã mang đến cho bà con bản làng, trẻ em vùng cao những ngày tháng mùa xuân đẹp tươi và no đủ.

1.jpg -0
Thượng úy Đoàn Văn Tùng (ngoài cùng bên trái) cùng Câu lạc bộ “Cỏ ba lá” khởi công xây dựng Nhà Nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Phù Yên (Sơn La).

Đoàn Văn Tùng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, năm 2016, Tùng được tuyển dụng về công tác tại Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Sơn La, sau đó được điều động về công tác tại Công an xã Tân Phong, rồi đến xã Nam Phong -  2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Tùng chia sẻ: "Nhận thức rõ tầm quan trọng của Đề án đưa Công an xã chính quy về cơ sở, tôi đã viết đơn xung phong về địa bàn. Được cấp ủy, lãnh đạo tin tưởng phân công giữ chức vụ Phó Trưởng Công an xã Nam Phong - là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng lòng hồ của thuỷ điện Hoà Bình. Đây là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em là người Mông, người Mường và người Dao. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng người dân nơi đây luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, rất tạo điều kiện và phối hợp giúp đỡ cho những cán bộ như chúng tôi tới làm việc và công tác. Tôi coi người dân nơi đây như là những người thân của mình và coi mảnh đất này là quê hương của mình để công tác và công hiến".

Chính vì quan niệm ấy, nên khi về công tác tại đây, Tùng thấy hoàn cảnh bà con dân bản thiếu thốn đủ đường, với lương tâm và trách nhiệm của người chiến sĩ CAND, anh trăn trở nghĩ đến việc làm thế nào để giúp đỡ bà con dân bản. Vào cuối năm 2022, Tùng cùng với bốn người bạn khác, là đồng đội của mình đã lên kế hoạch, ý tưởng về thành lập Câu lạc bộ thiện nguyện "Cỏ ba lá" trực thuộc Huyện đoàn Phù Yên. Với mục đích mang đến niềm vui và hạnh phúc cho các em nhỏ vùng cao, Câu lạc bộ "Cỏ ba lá" được thành lập nhằm mục đích kêu gọi các nhà hảo tâm, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng hướng đến là trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, gia đình chính sách, người có công, đặc biệt là hỗ trợ, giúp đỡ vào các dịp lễ, Tết.

Thượng uý Đoàn Văn Tùng chia sẻ, xã Nam Phong, một vùng đất khó khăn cả về đường đi lại, cả về đời sống. Có những bản làng phải đi thuyền qua một con sông mất mấy tiếng đồng hồ mới đến nơi. Cuộc sống bà con vô cùng khó khăn. Bà Mùi Thị Bánh năm nay 73 tuổi, sống một mình trong túp lều xiêu vẹo, giữa núi rừng hoang vu. Bà bị tật nên nói chẳng thành lời, chỉ ú ớ, ra hiệu bằng đôi bàn tay chai sần theo năm tháng. Hoàn cảnh của bà nghèo nên chỉ ăn cơm trắng cùng rau cỏ trồng được xung quanh nhà. Chỗ dựa duy nhất của bà có lẽ là sức mạnh về tinh thần, là sự đùm bọc của tình người nơi bản làng heo hút. Biết hoàn cảnh của bà Bánh nên Tùng và Câu lạc bộ "Cỏ ba lá" đã kêu gọi ủng hộ, quyên góp của các tấm lòng hảo tâm, dựng cho bà một căn nhà nhỏ tránh mưa, tránh nắng, đem lại cho bà niềm vui lúc tuổi già.

Nhắc đến niềm vui này Tùng bảo, "Cỏ ba lá" được cho là đem đến may mắn, tình yêu và hạnh phúc. Với cấu tạo 3 nhánh lá khác nhau, mỗi nhánh đều có quan niệm về ý nghĩa riêng biệt. Nhánh thứ nhất là biểu tượng của niềm tin, nhánh thứ hai biểu trưng cho hy vọng, còn nhánh thứ ba là tượng trưng cho tình yêu. Đó cũng chính là thông điệp mà Câu lạc bộ muốn gửi gắm, chính là sự kết nối - sẻ chia - hạnh phúc.

Không chỉ là một đoàn viên ưu tú với tấm lòng thiện nguyện, Thượng uý Đoàn Văn Tùng còn là một Phó Trưởng Công an xã đầy mẫn cán. Khi xa gia đình về nhận công tác tại Công an xã Nam Phong, Tùng đã nhận thức được hành trình sắp tới của mình chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để cùng người dân thay đổi và phát triển, bản thân Tùng cũng phải thực sự nắm vững địa bàn, tìm hiểu phong tục tập quán, lối sinh hoạt của người dân để thay đổi từ nhận thức đến hành động cho người dân theo hướng tiến bộ, hiện đại, mong muốn cuộc sống của người dân ngày càng phát triển.

Tùng kể lại: "Trong một lần đến thăm bản, cuộc sống giữa cái lạnh của bản nơi rẻo cao vẫn ám ảnh tôi đến hôm nay. Khi nhìn thấy các bạn nhỏ tới lớp với đôi chân trần, với những chiếc áo mỏng manh, xách theo những túi cơm trắng tới trường nhưng đôi mắt vẫn ánh lên nét hồn nhiên tươi sáng khiến tôi không khỏi xót xa. Và những nụ cười hạnh phúc khi được nhận những món quà như áo ấm, đồ chơi, sách vở có lẽ là những tia nắng sưởi ấm các em trong mùa đông lạnh giá, mang đến một mùa xuân thực sự có ý nghĩa nơi bản làng vùng cao xa xôi này".

4.jpg -1
Thượng uý Đoàn Văn Tùng cùng trẻ em vùng cao trong một chương trình thiện nguyện.

Từ khi thành lập, Câu lạc bộ "Cỏ ba lá" đã tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa như: "Đông ấm vùng cao 2022" và "Xuân tình nguyện năm 2023" tại xã Nam Phong; Chương trình "Áo ấm cho em" tại xã Kim Bon; "Tết nhân ái năm 2023" tại xã Suối Tọ; "Nụ cười ngày xuân" tại điểm trường Mầm non bản Co Tang, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ... Phát trên 700 áo ấm; gần 1.000 bánh chưng, 300 lì xì; 260 tấm thảm xốp, trên 1.000 bút, vở viết cùng hàng trăm thùng nhu yếu phẩm, với tổng trị giá trên 200 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài khoản đóng góp tự nguyện của các thành viên, để tổ chức thêm nhiều đợt thiện nguyện, Câu lạc bộ vận động các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ quần áo ấm, đồ dùng học tập, chăn ấm, giầy dép… và kinh phí để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm 2023, trong lễ vinh danh 75 thanh niên Công an xã có thành tích xuất sắc của cả nước, Thượng úy Đoàn Văn Tùng đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì những đóng góp của mình cho cộng đồng. Hiện Tùng đang học văn bằng hai hệ vừa học vừa làm tại Học viện Cảnh sát Nhân dân để trang bị thêm kiến thức, với mong muốn trở về bản làng giữ gìn an ninh trật tự và đồng hành cùng cuộc sống của bà con dân bản, mong về một tương lai đầy đủ, phát triển. Song song với công việc thường ngày, Tùng vẫn luôn giúp đỡ những em nhỏ, những người già, những hoàn cảnh khó khăn nơi bản làng vùng cao dù con đường đi đầy trắc trở.

Tôi vẫn nhớ con đường heo hút xa xôi và lạnh lẽo trong những ngày đông rét mướt, tôi vẫn ấn tượng bởi những bản nằm xa tít tắp nếu đi đường bộ phải vượt qua bao nhiêu dãy núi và hết cả ngày đường mới tới nơi... Nhưng sau tất cả những gian nan tưởng chừng như không thể vượt qua được ấy, vẫn có một tấm lòng và nhiều tấm lòng như Tùng đang cùng sát cánh với bà con trong từng chặng hành trình cuộc sống, để biết rằng, ở cuối con đường là một mùa xuân ấm áp đang đến với bà con dân tộc thiểu số trong những mái nhà giữa núi rừng tại mảnh đất Nam Phong và những vùng đất khác, bởi có tấm lòng của người chiến sĩ CAND đang hướng trọn một tình yêu dành cho họ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.