Chuyện cảm động nơi cơn bão quét qua

Thứ Sáu, 13/09/2024, 08:07

Đêm 9/9, dường như cả nước thao thức cùng người dân vùng lũ lụt Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ... mong cầu bình an. Những ngày qua, người dân cả nước xót lòng trước hậu quả của bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc. Giữa khung cảnh tiêu điều, ngập lụt, ngổn ngang do cơn bão hoành hành, người ta thấy ấm lòng trước những nghĩa cử cao đẹp, sự cưu mang, đùm bọc của đồng chí, đồng bào.

Và, hơn hết, có sự dũng cảm dấn thân, quên mình vì nhiệm vụ của những cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều tài khoản cá nhân Facebook chia sẻ hình ảnh buổi xuất quân của lực lượng vũ trang trước cơn bão dữ với dòng trạng thái: “Đi đủ, về đủ” như một mệnh lệnh từ trái tim. Ấy thế mà!... Một Trung tá Công an, một Đại úy Quân đội đã mãi mãi không trở về khi thực hiện nhiệm vụ sau cơn bão...

Xót xa tiễn biệt những người con ưu tú của nhân dân

Ngày 9/9, người thân, đồng đội của Trung tá Trần Quốc Hoàng nghẹn ngào tiễn đưa anh chặng đường cuối của cuộc đời. Ai cũng lặng đi trước ánh mắt và gương mặt cương nghị của Trung tá Trần Quốc Hoàng trong bức di ảnh. Từ giờ, người thân, đồng đội sẽ chỉ còn thấy anh trong tấm ảnh và lưu giữ bóng hình trong tim. Người cán bộ công an ấy đã ra đi trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho tính mạng phạm nhân ở Trại giam Quảng Ninh. Trước đó, Đại úy Quân đội Nguyễn Đình Khiêm, 27 tuổi, Đại đội trưởng Đại đội 3, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 cũng đã hi sinh khi cùng đồng đội chống bão ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

công an tỉnh quảng ninh cứu hộ thành công 81 người dân mắc kẹt trong vùng lụt tại thống nhất, hạ long.jpg -1
Công an tỉnh Quảng Ninh cứu hộ thành công 81 người dân mắc kẹt trong vùng lụt tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long.

Ngày 9/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Trung tá Trần Quốc Hoàng, truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm vì có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hai người lính đã ngã xuống, nhưng phía trước vẫn có hàng nghìn đồng đội của các anh đang từng giờ từng phút dấn thân vào nơi nguy hiểm, lũ lụt, sạt lở để cứu người, cứu tài sản. Phát huy tinh thần ấy, công an nhiều tỉnh, thành phía Bắc không quản ngại nguy hiểm, ngâm mình trong nước lũ cứu người và tài sản.

Sau những giờ càn quét của cơn bão số 3, lũ thượng nguồn đổ về, nước sông dâng gây ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Giang, Lào Cai, Hà Giang... Ngày 9/9, dòng nước lũ trên sông Hồng đã cuốn phăng hai nhịp cầu Phong Châu của tỉnh Phú Thọ, kéo theo nhiều người và ô tô, xe máy đang lưu thông. Trong khi lực lượng Công an, Quân đội tỉnh Phú Thọ đang dồn sức tìm người mất tích, khắc phục hậu quả thì ở Thái Nguyên, cơn lũ lịch sử trên sông Cầu tiếp tục đưa nước vào thành phố gây ngập ngày càng sâu.

Từ 8/9, nước đã tràn vào nhiều khu dân cư tại các phường Đồng Bẩm, Quang Vinh, Tân Long, Túc Duyên, Quang Trung... Lực lượng Công an, Quân đội huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng sử dụng ca nô, xuồng máy, áo phao... đi sâu vào các ngõ, đến tận các gia đình hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, đưa những người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em ra khỏi khu vực ngập lụt. Đêm 9/9, trên mạng xã hội vẫn dồn dập đăng tải lời kêu cứu của người dân. Các chiến sĩ công an lội nước lần theo từng địa chỉ kêu cứu.

Tại Yên Bái, nước lũ bủa vây thành phố. Các ngôi nhà bị cô lập giữa làn nước đục ngầu. Người dân tránh lũ trên tầng cao, trên mái nhà và phát đi thông điệp kêu cứu. Nhiều người không liên lạc được với người thân và cơ quan chức năng đành ngồi chờ lực lượng đến ứng cứu. Nhiều người dân trên cả nước đã kêu gọi quyên góp hỗ trợ bà con Thái Nguyên, Yên Bái. Nhiều chuyến xe nghĩa tình chở nhu yếu phẩm, đồ cứu nạn, cứu hộ đã từ miền Trung kịp đến đây chia ngọt sẻ bùi, làm ấm lòng người dân.

Ngâm mình xuyên đêm giúp dân chạy lũ

công an lạng sơn  đưa người dân tới nơi an toàn.jpg -0
Công an tỉnh Lạng Sơn đưa người dân tới nơi an toàn.

Đêm 8/9, một khu dân cư ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn bị cô lập trong nước lũ. Có điểm nước dâng cao 4-5m, lên cả mái nhà. Giữa đêm tối không ánh điện, Đại tá Triệu Tuấn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp chỉ huy công tác cứu nạn, cùng 60 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động xuyên đêm làm nhiệm vụ. Ông nhắc nhở từng chiến sĩ cài áo phao cẩn thận, vừa đi vừa dò đường, đảm bảo thật an toàn cho chính mình và người dân.

Hai chiếc xuồng máy cùng ánh sáng phản quang trên chiếc áo phao của các chiến sĩ công an như những đốm lửa nhen lên hy vọng trong đêm mịt mùng. Chiếc biển báo giao thông đường bộ ở phía trước định vị, dẫn lối cho các thành viên đoàn cứu nạn. Loang loáng ánh đèn pin tiếp tục quét dò đường tới nơi an toàn. Hai cụ già cùng đứa cháu nhỏ được mấy chiến sĩ công an khoác cho chiếc áo phao, dìu lên xuồng đưa vào nơi an toàn, ánh mắt dường như vẫn chưa hết hoang mang.

Trong những ngày qua, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an TP Lạng Sơn, Công an huyện Hữu Lũng, Tràng Định, Bình Gia... cùng các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn dầm mưa, ngâm mình sâu trong nước lũ cứu người và tài sản đã gây xúc động cho người dân.

Trước khi vào các tỉnh phía Bắc, bão số 3 tàn phá Quảng Ninh, Hải Phòng gây thiệt hại vô cùng nặng nề. 16 h ngày 7/9, trong lúc các chiến sĩ công an đang tìm kiếm người bị lạc tại một tòa nhà ở quận Lê Chân thì phát hiện một người dân co ro trên đường. Gió bão thổi quá mạnh khiến người này không thể di chuyển mà phải ngồi ôm gối chơ vơ, nhỏ bé giữa cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Ngay lập tức 4 chiến sĩ băng qua đường, kết thành một khối dìu người dân. Có lúc cả 5 người tưởng chừng bị gió thổi bay, ngả nghiêng, quỵ ngã trong từng đợt gió giật cùng mưa lớn. Hình ảnh đó đã được người dân ghi lại và lan tỏa trên mạng xã hội Facebook gây xúc động lòng người. Cũng trong chiều 7/9, các chiến sĩ Công an TP Hải Phòng đã cứu giúp được gần 130 người thoát khỏi vùng nguy hiểm của bão số 3...

cảnh sát pccc&cnch công an tỉnh quảng ninh cứu dân trong cơn bão số 3.jpg -2
Công an tỉnh Quảng Ninh cứu dân trong cơn bão số 3.

Còn tại Quảng Ninh, điểm hứng bão đầu tiên của nước ta, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, sắc áo xanh của lực lượng cảnh sát cơ động, CSGT cùng các lực lượng khác không quản hiểm nguy, đưa người về nơi tránh trú an toàn, cõng người già yếu ra khỏi vùng nguy hiểm, cưa chặt cây đổ, lợp lại mái nhà... đã tạo nhiều thiện cảm. Mất điện, nước trong thời gian dài khiến công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão càng trở nên khó khăn. Cần nhiều thời gian, nhân lực, vật lực thì Hải Phòng, Quảng Ninh mới khắc phục được hậu quả của cơn bão này. Thủ đô Hà Nội cũng là nơi tâm bão đi qua, để lại hàng ngàn cây đổ, 2 người tử vong do cây đè, lực lượng Công an Thủ đô ứng trực 100% quân số, khắc phục hậu quả cơn bão.

Tính đến ngày 10/9 số người tử vong, mất tích do bão lũ đã vượt qua con số 100. Mất mát rất nhiều, nhưng điều đọng lại là tình quân dân, nghĩa đồng bào ấm áp, sự tương trợ, sẻ chia trong gian khó. Và, bên cạnh hình ảnh kiên quyết đấu tranh chống tội phạm của người chiến sĩ Công an, còn một gương mặt thân thương khác, rất đời thường mà cũng rất dũng cảm, anh hùng, đó là hình ảnh những người lính mang sắc phục công an giúp dân trong bão lũ. Những hành động đẹp sẽ mãi in đậm trong tâm trí mỗi người dân. Khi bài báo này lên trang, nhiều địa phương vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Nguy hiểm, khó khăn vẫn đang ở phía trước. Những cán bộ, chiến sĩ CAND lại tiếp tục nhiệm vụ gian khó nhưng đầy vinh quang và cao cả... 

M.P
.
.
.