Vợ chồng người điệp báo mật danh “chị Nguyện”

Thứ Ba, 08/03/2005, 07:15
Sau nhiều lần bị tra tấn ở nhà giam ngụy quyền tỉnh Sơn Tây, Đào Thiện Thùy vẫn chỉ một mực nhận là người của Cha xứ Pierchon, xin được gặp Trưởng ty Công an (ngụy).

Một hôm hai tên cảnh binh dẫn  anh vào gặp tên Trưởng ty Công an Nguyễn Văn Thức. Khi anh Thùy vào phòng, Thức vẫn lạnh lùng ngồi đọc báo trên bàn. Ngồi bên Thức là Đào Thành Tích, Trưởng ban Chính trị, Ty Công an (ngụy). Tích đập bàn quát trấn áp:

- Việt Minh cử anh vào đây?

Thùy trấn tĩnh vừa nói, vừa thăm dò thái độ của hắn:

- Chắc ngài đã biết trước kia tôi làm việc ở Trung đoàn Hải ngoại Pháp đóng ở Sơn Tây năm 1949. Việt Minh về cướp chính quyền, tôi buộc phải làm việc với họ rồi theo họ ra ngoài vùng kháng chiến. Không chịu được đói rét vùng rừng núi Ba Vì, tôi trốn về đây để được sống đầy đủ ở quê. Việc này cha Pierchon ở nhà thờ Sơn Lộc đã biết, cha có nói với tôi về ngài, khuyên tôi nói hết với ngài để được về sống gần cha...

Hồi đó, Thức cùng cánh trùm sỏ ngụy quyền Sơn Tây mới được quan thầy Pháp dựng lên chưa vững, biết rõ cha xứ Pierchon vốn có uy tín với các quan chức Pháp trong tỉnh, nên khi thấy Thùy nói đến cha, hắn mới chịu nhìn về phía Thùy:

- Cha xứ biết anh à? Anh đã gặp cha?

- Vâng! Thưa ngài, cha Pierchon là cha đỡ đầu của cả hai vợ chồng tôi từ ngày chúng tôi cưới nhau ở Sơn Tây khi tôi ở Trung đoàn Hải ngoại Pháp. Lần nào ở Pháp sang, cha đều có quà cho tôi. Cha còn giới thiệu chúng tôi với cha Magiê-Kim ở nhà thờ thị xã để cha giúp thêm gia đình tôi.

Sau mấy ngày  hỏi thêm  các cha Magiê-Kim và cha Pierchon , Thức đưa cho anh Thùy một tờ giấy thông hành:

- Anh cầm tấm “các” này để được đi lại tự do. Cho tôi gửi lời thăm các cha!…

Thực ra, Đào Thiện Thùy là một cán bộ Công an Sơn Tây được cử vào hoạt động bí mật trong vùng địch tạm chiếm với mật danh “Chị Nguyên” và mã số F 61. Chị Đào, vợ anh cũng làm liên lạc của lưới điệp báo.

Lúc đầu, Thùy đóng vai một anh thợ cắt tóc, bán rượu lậu cho lính Pháp, lê dương và ngụy, thường lân la đến khu gia binh quanh sân bay Tông. Vợ Thùy thì đôi quang gánh đi mua đồng nát từ Ái Mỗ, Trung Hưng đến tận thị xã... Việc buôn bán của vợ chồng Thùy ngoài việc kiếm sống nuôi con, còn là để liên lạc với mạng lưới điệp báo.

Trong một lần đang đi cắt tóc, anh đã bị bắt giải lên tỉnh và anh đã nhiều lần vượt qua những cuộc đấu trí ở cơ quan công an ngụy với những tên Nguyễn Văn Thức, Đào Thành Tích, rồi cuối cùng đã được trả tự do vì có thêm sự bảo trợ có hiệu lực của các cha Pierchon, Magiê-Kim.

Được tin tỉnh tuyển mộ nhân viên cảnh binh, anh Thùy nộp đơn thi. Trong kỳ thi tuyển anh đã đạt điểm cao. Sau một thời gian làm việc, gây được tín nhiệm trong giới quan chức ngụy quyền, anh Thùy được chỉ định là... Phó ty Công an (ngụy). Chị Đào mở cửa hàng bán nước mắm ngoài thị xã.

Buôn bán nhưng chị chỉ mong có một khách đặc biệt xuất hiện mỗi tháng một đôi lần rất nhanh, với những câu: “Có loại mắm ngon nhất dành cho chị một chai, chị gửi chai trước  nhé” hoặc “Ăn với chị miếng trầu ngon của bà cô mới ở Hà Nội lên cho”. Trong ruột những miếng trầu, trong lòng những nút chai mắm là những thư chỉ thị của Anh Cả (mật danh trưởng mạng điệp báo). Những báo cáo của Thùy ra vùng tự do cũng đi theo con đường đó.

Là “con đỡ đầu của cha Pierchon”, rồi “chân tay đắc lực của Đại tá Tư lệnh Kalêviên”, Thùy được từ tỉnh trưởng Hoàng Bình đến những sĩ quan chỉ huy các đơn vị lính Pháp, lính bảo chính quanh Sơn Tây nể vì. Những bữa tiệc mừng nhau lên cấp lên chức, mừng nhận thư từ Pari, Tulông, Mácxây, Casablanca, Angiê, Tuyni... mừng sinh nhật tuần nào cũng có.

Sau tiệc rượu là đủ mọi thứ chuyện từ khen chỉ huy này, chê “sếp” kia, đến chuyện chết hụt trong một trận bị Việt Minh phục kích, chuyện chuẩn bị đi càn, nhảy dù ở Đoan Hùng, Phú Thọ... Bữa tiệc nào Thùy  cũng cố tìm cách kiềm chế không bị say, để thu lượm những thông tin vô cùng quí giá cho công việc điệp báo của anh.

Có lần, một tên ba hoa để lộ việc bọn chúng sắp đi càn vùng Đồi Kiên, Đồi Tròn, gốc đa xóm Rùa, chân Ba Vì... Giật mình vì đây là căn cứ đóng quân của Cơ quan Công an ngoài vùng tự do, lấy cớ phải về nhiệm sở trực đêm, anh  vào buồng kín viết một báo cáo đưa chị Đào chuyển ra vùng tự do.--PageBreak--

Thời gian sau, Hoàng Bình chuyển đi tỉnh khác, Nguyễn Ước Lễ về thay, tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi có mặt hầu hết những quan chức đầu tỉnh. Sau khi đã say túy lúy, một tên chỉ huy biệt kích lè nhè kể chuyện chuẩn bị cuộc nhảy dù tập kích Ba Trại, sát chân núi Ba Vì.

Một buổi chiều gần hết giờ làm việc, Thùy nhận lệnh lên gặp tỉnh trưởng gấp. Phán đoán có việc chẳng lành, Thùy chọn hai vệ sĩ giỏi vốn là đệ tử trung thành đi theo đến nhà Nguyễn Ước Lễ. Ngồi bên Kalêviên, vừa thấy Thùy, Lễ đỏ gay mặt quát:

- Ông trả lời đại tá tư lệnh biết: Vì sao đội biệt kích của ông Loaxô bị diệt gần hết ở Ba Trại?

Thùy quay sang nói bằng tiếng Pháp với Kalêviên:

- Thưa ngài tư lệnh, đó là công việc của ông Loaxô bên quân đội, cảnh binh chúng tôi chỉ biết trung thành bảo vệ các ngài, làm sao mà biết nổi.

Tên tỉnh trưởng đập bàn quát to:

- Ông đừng vờ vĩnh. Ngài Kalêviên rất bất bình, vừa bắt chúng tôi trả lời về việc đội biệt kích của ông Loaxô bị diệt và cả việc đại đội lính dù bị trúng ổ phục kích của Việt Minh ở Phú Thọ. Ai đã để lộ những tin ấy cho Việt Minh biết trước. Cảnh báo cho anh biết: một tên Việt Minh được  cài vào chính quyền tỉnh vừa bị chúng tôi thủ tiêu. Còn anh, hãy liệu đấy.

Thùy bình tĩnh điềm đạm trả lời:

- Thưa ông, tôi vừa nói với ông Kalêviên: Tôi chỉ huy cảnh binh không biết việc quân sự. Việc này xin trực tiếp hỏi ông đội Loaxô.

Lễ rút khẩu “côn” xông về phía Thùy. Anh nhảy tránh sang một bên.

Kalêviên đứng lên ra hiệu cho Thùy và Lễ ngồi xuống ghế:

- Cả hai ông bình tĩnh nghe tôi. Chúng ta không ai có lỗi, không nên nóng nảy trách nhau ở đây. Cần cộng tác với nhau chặt chẽ hơn để cùng  đánh Việt Minh.

Lễ tái mặt ngồi xuống ghế. Kalêviên đích thân tiễn Thùy ra cửa. Trước khi chia tay, hắn nói:

- Tôi rất tiếc để xảy ra việc này. Ông nói  với cha Pierchon cho tôi gửi lời thăm cha.

*

Năm 1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo chủ trương của ngành Công an, gia đình điệp báo viên Đào Thiện Thùy ở lại miền Bắc. Anh được chuyển sang công tác ở ngành Giao thông Sơn Tây. Về mặt công khai, anh vẫn là một nhân viên ngụy quyền cũ, là “Đội Thùy” nguyên Phó trưởng ty Cảnh binh (ngụy).

Thời gian sau, Ty Công an Hà Tây cho xe đón hai vợ chồng anh chị Thùy lên trụ sở Công an thị xã Sơn Tây. Đón vợ chồng anh có đủ các đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, công an, đoàn thể địa phương. Anh chị cảm động gặp lại anh Bảo Ninh, người đồng đội đã đưa gia đình anh vào hoạt động trong vùng địch hậu, các anh Lê Việt Tiến, Kiều Vũ Phúc (Đội trưởng Đội diệt ác trừ gian “Hùng Sơn”), đã làm khiếp vía những tên Phoócken, Kalêviên, Hoàng Bình, Ước Lễ....

Trưởng ty Công an Cao Văn Bắc thay mặt Bộ Công an tuyên bố công khai việc vợ chồng anh Thùy được Công an tỉnh cử vào hoạt động bí mật trong vùng địch hậu những năm 1948 - 1954 và gắn huân chương, huy chương Kháng chiến Nhà nước tặng thưởng cho anh chị. Các đại biểu hội nghị chúc mừng anh chị.

Ông Kiều Vũ Phúc kể lại:

- Thật hú vía bác đội ơi! Thời gian ấy sau khi hạ thủ những tên phản động: Đội Truyền, Đội Uyên, Cai Cần, Tư Minh... tôi ghi vào sổ tên bác: Đội Thùy.

Tôi lên báo cáo kế hoạch thủ tiêu đội Thùy với Trưởng ty Lê Nhượng. Anh Nhượng cầm bút gạch  hủy bỏ kế hoạch này của chúng tôi.

Anh giải thích: vì Đội Thùy còn nhiều tư liệu quan trọng cần khai thác, khi cần xử trí đội Thùy phải có lệnh riêng của thượng cấp.

Tôi vắt chân lên cổ chạy một mạch về thị xã báo cho đội diệt ác trừ gian lệnh cấp trên  hoãn “kế hoạch thủ tiêu Đội Thùy”.

Đào Thiện Thùy cảm động phát biểu:

- Nếu hôm ấy anh Phúc cùng đồng đội manh động “tiền trảm hậu tấu”, không về báo cáo cấp trên, thì với những lưỡi dao, cây súng thiện nghệ của các anh chắc tôi không còn đến hôm nay. Trên mặt trận thầm lặng của những người chiến sĩ điệp báo, sự hy sinh có thể đến từ mọi phía!

Đỗ Sâm
.
.
.