Tù trưởng Lơng và vụ mưu sát Henry Maitre
Đầu năm 1913, sau khi được thăng “Tham biện hạng nhất” ngạch dân sự, Henry Maitre trở lại Đông Dương và lên ngay cao nguyên. Thời gian này Henry Maitre thành lập một đồn binh ở Pétsa, địa bàn của người M'Nông trong khu vực thuộc phạm vi kiểm soát của thủ lĩnh chống Pháp - tù trưởng Lơng. Tại đồn binh này, Henry Maitre thu nạp 20 tân binh người Khmer, người Ranđê và cắt đóng giữ.
Đầu năm 1914, Henry Maitre được triệu hồi về Sài Gòn để chuẩn bị cuộc bầu cử Nghị viện Nam Kỳ. Trước khi lên đường về thủ phủ Nam Kỳ, Henry Maitre còn thiết lập thêm một đồn binh nữa ở Bou Méra. Trong khi Henry Maitre vắng mặt, những binh lính bản địa tại các đồn này đã trở nên lộng hành tàn bạo. Chúng thi nhau cướp của, hãm hiếp, giết người ở những buôn người M'Nông quanh vùng gây nên thù hận với hầu hết các bộ tộc.
Ba tháng sau khi bầu cử xong, Henry Maitre trở lại Đắk Lắk qua ngả cao nguyên Di Linh và được Sabatier - Công sứ Pháp tại Đắk Lắk đón tiếp trọng thị tại Buôn Ma Thuột. Rồi từ đây cùng với đoàn lữ hành gồm 12 binh lính người Ranđê, một lính hầu người Việt, trên lưng 5 con voi, bắt đầu chuyến đi cuối cùng về phía nam vùng cao nguyên Nam Đông Dương hoang sơ hùng vĩ.
Từ lâu ta thường gọi tên người tù trưởng là A ma Trang Lơng (theo cách gọi của đồng bào Ê Đê) N'Trang Lơng (Nơ Trang Lơng - tên gọi trong một bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 69 năm 1964 của tác giả Nguyễn Hữu Thấu), còn các tài liệu của người Pháp đều ghi là Pou Tran Lung. Tác giả Nguyễn Hữu Thấu sau này đã sửa lại tên của tù trưởng Lơng là Bă Trang Lơng, vì Bă, tiếng của người M'Nông là cha; Trang là tên con gái đầu, Lơng là tên của ông. |
Từ năm 1912 - 1913, Pháp đã mở nhiều cuộc hành quân để đàn áp cuộc khởi nghĩa của tù trưởng Lơng. Trong một trận càn quét tại làng Bu Rlam, chúng đã bắt vợ và con gái của thủ lĩnh Lơng, sau đó chặt đứt chân, tay và để mặc cho đến chết. Đầu năm 1914, cuộc khởi nghĩa của tù trưởng Lơng lan rộng khắp vùng cao nguyên M'Nông và lôi kéo được nhiều tù trưởng tài giỏi khác như R'Dinh, R'Ong (tù trưởng của các buôn Bu Jeng Chet, Bu Me Ra, Bu Nốp... thuộc tổng Dar Rtik, nay là tỉnh Đắk Nông).
Tù trưởng Lơng quyết tâm giết chết bằng được Henry Maitre và kịch bản về vụ mưu sát tên thực dân xâm lược được vạch sẵn bằng máu, trong khi đoàn lữ hành của Henry Maitre đang trên đường đến Bou Mera.
Vào đầu tháng 8/1914, đoàn lữ hành của Henry Maitre đang tiến sâu vào cao nguyên M'Nông thì tù trưởng Lơng đã chuẩn bị kế hoạch trá hàng tại làng Bou Pou Sra và cử người tìm gặp Henry Maitre. Henry Maitre cùng binh lính của hắn liền tức tốc đến Bou Pou Sra. Tại đây, sau nhiều lần thương thuyết với đại diện của nghĩa quân tù trưởng Lơng, hai bên thỏa thuận sẽ tổ chức một “đại lễ hòa hợp” tại nơi đóng quân của Henry Maitre (ngôi nhà gỗ kiên cố nhất làng).
Sáng ngày 5/8/1914, (có tài liệu ghi ngày 2/8) mọi người tập trung tại ngôi nhà gỗ lớn này. Henry Maitre ngồi trên một cái cối giã lúa ở giữa nhà với 8 tên lính người Ranđê và một lính hầu người Việt. Cùng với hai thủ lĩnh R'Dinh và R'Ong, lực lượng nghĩa quân đông hơn hẳn đang nóng lòng chờ giây phút hành động.
Tất cả súng ống, giáo mác đều được dựng thành đống ở góc nhà. Mọi người trong tư thế tay không, Henry Maitre còn đeo bên hông khẩu súng ngắn.
R'Dinh nhắc nhở Henry Maitre là nên để súng vào đống vũ khí. Maitre làm theo. Khoảng 8 giờ, Henry Maitre bắt đầu nôn nóng bởi tù trưởng Lơng vẫn chưa xuất hiện. R'Dinh và R'Ong động viên Henry Maitre cố gắng chờ đợi và cho biết: “Tù trưởng Lơng là người rất trọng chữ tín”. Bỗng nhiên, có một nghĩa quân trên người khoác một tấm vải, bước ra trước mặt Henry Maitre nói lớn:
- Mày muốn gặp tù trưởng Lơng phải không? Mày hãy ngước mắt lên nhìn phía trước mày sẽ thấy.
Cùng với những từ cuối cùng của câu nói ấy là một lưỡi dao sáng lóe đâm thẳng vào bụng Henry Maitre. Đồng thời với nhát dao phía trước, R'Dinh và R'Ong bồi tiếp hai nhát sau lưng. Henry Maitre chết ngay lập tức, nhưng có lẽ hắn vẫn còn nghe được câu nói cuối cùng, rất lớn: “Chính tao là tù trưởng Lơng”.
Ông già M'Kbang - một trong ba nhân chứng cuối cùng còn lại đến năm 1940 đã xác nhận: “Trước khi tắt thở, Henry Maitre chỉ kịp kêu lên: “Ông...”. Những quân sĩ xung quanh đã hoàn tất công việc được giao là giết hết toàn bộ số lính đi theo Henry Maitre. Có một tên lính cố thoát ra, nhưng thật “rủi ro”, dải khố của hắn bị vướng vào cọc rào và những quân sĩ bố trí ở vòng ngoài đã kịp “tiếp” hắn.
26 năm sau, tháng 12/1940, khi thoát khỏi sự giam giữ, R'Dinh (bị Pháp bắt giam năm 1933) đã dẫn đường đưa giáo sư Anré Baudrid đến nơi mà tù trưởng Lơng cùng hơn 200 quân sĩ chôn Henry Maitre. Nhiều ý kiến cho rằng, sau này người Pháp tìm được hài cốt của Henry Maitre là nhờ những cây bông gòn, vì khi chôn xác Henry Maitre, các nghĩa quân không quên chôn theo chiếc gối mà Henry Maitre dùng để cưỡi voi.
Tù trưởng Lơng mất ngày 25/5/1935 do sự phản bội của một quân sĩ tên là Bă Phnông Phê