Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy:

Người thầy, người cha của Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy

Thứ Năm, 08/02/2018, 09:00
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy thường được học viên trong Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP Hồ Chí Minh) trìu mến gọi là bố. Mái tóc bạc phơ đã đi qua bao mùa lửa đạn. Khoác áo blouse trắng hoạt động trong lòng địch, ông từng là thành viên của tổ điệp báo A10 (thuộc Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định)...

Ở Đà Nẵng, là con trai của một gia đình trung lưu khá giả, Duy chỉ biết về Cộng sản như một nỗi sợ hãi qua sự tuyên truyền, xuyên tạc của chính quyền Sài Gòn. Sự ấm êm của gia đình và thành phố đang sống khiến cậu không có một khái niệm nào về cuộc chiến đang diễn ra trên đất nước. Cậu đâu hay dưới vỏ bọc một quan chức Tài chính – Kế toán của Tổng cục Bưu chính, cha mình cũng là một chiến sĩ tình báo Cộng sản.

Sự đàn áp dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm với Phật giáo khiến một phật tử như Khánh Duy không thể ngồi yên. Năm 1963, lần đầu tiên cậu học trò của Trường Phan Chu Trinh xuống đường tham gia đấu tranh.

Một năm sau, Khánh Duy theo gia đình về Hội An. Binh lửa phủ trùm. Mái tranh nghèo tan hoang, xơ xác, những nóc nhà bị bom giội nằm chơ vơ. Anh tận mắt nhìn thấy những thanh niên bị thương, vành khăn trắng trên mái tóc bà mẹ già, em bé mồ côi khóc ngất trong đạn xé… Chính quyền Sài Gòn phơi xác người bị mất đầu, tay chân... ở chợ, ở cổng chào, gọi đó là chiến tích diệt Cộng để khủng bố. Tim Duy bị bóp nghẹt. Từ căn cứ Mỹ bên kia sông Hàn, tiếng đại bác đêm đêm dội về liên hồi, hỏa châu xé rạch bầu trời...

Đang căng tràn sức trẻ, Duy hăng hái tham gia phong trào xã hội, dựng lại nhà cửa cho xóm làng bị bom đạn oanh tạc. Cùng các bạn sinh viên, Duy đến các cơ quan công quyền xin vật liệu xây dựng, cát, sỏi, xi măng... Nhưng nhà cửa dựng xong, được mấy tháng lại bị pháo kích tan hoang. Khánh Duy hiểu, mình phải tìm con đường khác để cứu giúp đồng bào.

Năm 1966, Duy theo học Đại học Y Sài Gòn. Duy được tiếp cận với sách báo cách mạng, hiểu hơn bản chất cuộc chiến. Nguyễn Hữu Khánh Duy trở thành cái tên quen thuộc tham gia và giữ vai trò quan trọng trong các Ủy ban tranh đấu chống đàn áp, bắt bớ sinh viên – học sinh, chống quân sự hóa học đường. Anh là Trưởng ban đại diện sinh viên y khoa...

Hoạt động năng nổ trong phong trào sinh viên khiến Duy lọt vào mắt xanh của Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định (An ninh T4). Anh nhận nhiệm vụ trong cụm điệp báo A10 với bí danh Năm Quang. Cụm điệp báo A10 có nhiệm vụ xây dựng cơ sở bí mật, thu thập tin tức, ý đồ, thủ đoạn và tổ chức của đối phương; tấn công chính trị, tác động và phân hóa hàng ngũ của địch, xây dựng lõm căn cứ chính trị trong lòng dân. Khánh Duy đã xây dựng được một cơ sở nòng cốt là đồng chí Huỳnh Bá Thành (tức họa sĩ Ớt) - Giám đốc Kỹ thuật kiêm Thư ký tòa soạn báo Điện Tín, rất thân với nhóm Dương Văn Minh.

Dưới sự chỉ đạo của Khánh Duy, cơ sở này đã sử dụng báo Điện Tín như một cơ quan tuyên truyền, vận động dư luận quần chúng theo ý đồ có lợi cho cách mạng; tác động phóng viên viết bài tranh đấu đòi dân sinh, dân chủ, chống đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình... Mạng lưới cơ sở này đã có tác động không nhỏ để thuyết phục Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng, bàn giao chính quyền trong hòa bình vào tháng 4-1975.

Duy tự tạo vỏ bọc là một kẻ thờ ơ cầu an, tham sống, sợ chết. Một lần có người đến mời ông làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Ông lắc đầu: “Tôi ra làm công khai thì kiểu gì cũng bị bắt. Như vậy thì cha tôi liên lụy”. Nói xong, ông chỉ muốn độn thổ. 

Năm 1973, Duy bị bắt lính. Theo yêu cầu của chỉ huy cụm điệp báo A10, ông vẫn phải phục vụ chế độ để tạo vỏ bọc an toàn. Khánh Duy được bổ về làm Trung úy quân y, Trưởng Tiểu đoàn 6, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, cứu chữa cho chính những người lính bên kia chiến tuyến. Phân vân nhiều nhưng ông gạt đi ngay.

“Mình là bác sĩ. Nhiệm vụ của mình là cứu người”. Là một phật tử khoác áo blouse, ông tâm niệm “lương y như từ mẫu” nên dù đó là kẻ địch, ông vẫn tận tâm cứu chữa. Không chỉ cứu sống nhiều binh sĩ, Khánh Duy là vị bác sĩ hiếm hoi không ngại gian khổ khi đi kiểm tra và săn sóc lính tại các chốt tiền tiêu. Ai bị thương ông cũng cố tình kéo dài thời gian dưỡng bệnh để họ khỏi về trực gác hoặc ra chiến trường. Mỗi lần cứu chữa cho binh sĩ, bác sĩ Khánh Duy lại không quên thân mật vận động tuyên truyền: “Tụi bây đánh nhau làm gì chỉ tổ mất mạng, thương tật, còn vinh quang cho tụi nó hưởng”.

Ông cố tình khoét sâu mâu thuẫn, làm binh lính dao động tư tưởng, bất mãn chế độ mà đào ngũ, buông súng. Trên tay anh lính nào hồi đó cũng đều xăm dòng chữ “Thủy quân lục chiến sát Cộng”. Bác sĩ Khánh Duy hù: “Tụi bây mà để Việt Cộng thấy dòng chữ này là toi đó con”. Bọn nó xanh mặt: “Vậy giờ làm sao ba?”. Để không lọt vào tầm ngắm của bọn an ninh, Khánh Duy không trực tiếp xóa xăm cho lính. Ông cố tình nói vu vơ với các y tá: “Tụi nó ngu quá, lấy thuốc tím đậm đặc bôi lên là tiêu hết”.

Vì được bác sĩ Khánh Duy tận tình cứu chữa, chăm sóc hết lòng nên cánh lính rất biết ơn ông. Họ xem ông như người anh, người cha, là ân nhân nên lời ông khuyên răn, chỉ bảo luôn có sức nặng. Một lần ông đi bận đi công tác xa, ở đơn vị tiếp nhận hai người lính bị trúng mìn. Không biết bác sĩ trực cứu chữa thế nào mà hai người lính không qua khỏi. Sư đoàn trưởng điên tiết bạt tai bác sĩ nọ hai cái: “Nếu bác sĩ Duy ở đây, tụi nó đâu có chết oan uổng”. Tấm lòng nhân hậu, hết lòng cứu sống binh sĩ của bác sĩ Khánh Duy không chỉ  được anh em vô cùng cảm kích, mà cấp trên cũng rất tin yêu.

Công tác được vài tháng, ông đã được Thiếu tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân lục chiến tặng “Anh dũng bội tinh”. Báo “Sóng thần” phong ông danh hiệu “Anh hùng Quân y Thủy quân lục chiến”. Mới 6 tháng công tác, ông đã được thăng chức lên làm Bác sĩ trưởng Lữ đoàn 258.

Giành nhiều “chiến tích” trong lòng địch, được tin cậy, ông có điều kiện tìm và đem lại cho quân ta bao tài liệu quý giá và phân rã hàng ngũ của đối phương. Nhưng không mấy  người hiểu. Nhiều buổi đêm về, ông lại ngậm ngùi vì sự ghẻ lạnh của đồng đội, bạn bè từng một thời kề vai sát cánh đấu tranh.

Sau thống nhất, ông công tác tại khối Bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh nội chính TP Hồ Chí Minh rồi chuyển về Trại giam Chí Hòa, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh. Điều trị cho phạm nhân nghiện ma túy, xét xử các vụ án về ma túy, ông nhớ lại nỗi ám ảnh ngày còn làm bác sĩ trong lòng địch. Phải chăng do ảo giác ma túy khiến lính bắn giết không gớm tay? Về sau, ông nhận thấy nhiều người lương thiện cũng dính vào ma túy tội lỗi. Ma túy khiến bao mái ấm tan nát, mẹ mất con, con mất cha, trộm cắp, chém giết ngoài xã hội, là mầm họa của đại dịch HIV/AIDS... Thế nên khi vừa nghỉ hưu năm 1999, người bác sĩ già ấy quyết định xây dựng trại điều dưỡng và cai nghiện ma túy.

Gần 20 năm gắn bó với người nghiện, tóc đã bạc trắng như cước, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, chăm chút để những đứa con bước ra khỏi mái nhà này sẽ không còn lạc lối trong cái chết trắng. Trên mặt trận không tiếng súng, khó khăn chồng chất, nhưng có hề gì với trái tim của người bác sĩ ấy. Xưa, ông đem đạo nghĩa để cứu vớt kẻ thù khỏi tay thần chết, thoát khỏi vực sâu tội lỗi, trở về với lòng dân. Nay, ông đem chí nhân cứu vớt những mảnh đời nghiệt ngã, giành lại mầm sống từ bàn tay thần chết. 

Quỳnh Nga
.
.
.