Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và ngày Truyền thống của Lực lượng CAND

Người cận vệ già và 38 năm gắn bó với Phủ Chủ tịch

Thứ Ba, 09/09/2014, 08:00
Ông Trần Viết Hoàn sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình (xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Theo truyền thống gia đình, chàng thanh niên Trần Viết Hoàn tha thiết được gia nhập Lực lượng Công an. Năm 1964, ông mừng vui khôn xiết khi trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221 (C500). Ra trường, ông được phân công về Đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ.

Một chiều thu nắng vàng rực rỡ, tôi tìm gặp người lính cận vệ năm xưa. Nép mình dưới rặng cây xanh là một ngôi nhà nhỏ, xung quanh bao bọc bởi những căn nhà sang trọng, cao vợi. Khu tập thể ở một ngõ nhỏ thuộc quận Ba Đình, Hà Nội với những ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ngày nào, bây giờ đã đổi thay nhiều. Riêng ngôi nhà ấy vẫn giản dị, khiêm nhường, ngoài sân từng chùm hoa vàng vẫn rực rỡ khoe sắc... Tôi bấm chuông. Một người đàn ông bé nhỏ, tóc trắng như cước thong thả bước ra mở cổng. Ồ, quen quá, ông là Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch).

1.Theo chân ông, tôi bước vào nhà. Một không gian rất đỗi giản dị, gọn gàng. Tại ví trí trang trọng nhất trong phòng khách là bàn thờ Bác Hồ. Bức ảnh trang nghiêm với ánh mắt hiền từ của Bác như cùng cháu con sum họp tại nơi này. Bác là người Cha, người Ông trong gia đình của người lính cận vệ năm xưa…

Ông Trần Viết Hoàn sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình (xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Theo truyền thống gia đình, chàng thanh niên Trần Viết Hoàn tha thiết được gia nhập Lực lượng Công an. Năm 1964, ông mừng vui khôn xiết khi trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221 (C500). Ra trường, ông được phân công về Đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ.

Ông Trần Viết Hoàn (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn Tổng thống Nga V.Putin thăm nhà sàn Bác Hồ (năm 2002).

Nhớ về những ngày mới ra trường, được giao nhiệm vụ vinh quang, ông Trần Viết Hoàn đã gửi gắm tâm tình của mình qua những dòng thơ mộc mạc. Ông kể: "Chúng tôi trực tiếp tham gia bảo vệ Bác tại nơi ở và nơi làm việc của Người ở Khu Phủ Chủ tịch, tại các cuộc mít tinh, hội nghị mà Bác tới dự. Đó là vinh hạnh lớn mà bao người mơ cũng chẳng được. Sống gần Bác, chúng tôi thấy mình được lớn thêm lên, được Bác chở che, nâng đỡ, giáo dục. Vì vậy, chúng tôi - những chàng trai, cô gái lính Cảnh vệ khóa 1964 luôn một lòng, một dạ đem hết sức mình bảo vệ Đảng, bảo vệ Bác kính yêu. Tất cả chúng tôi đều trưởng thành, trở thành một lớp cán bộ tin cậy của ngành. Có người đã lập chiến công lấy thân mình bảo vệ khách quốc tế thoát khỏi bom đạn của máy bay địch nên đã được Bác Hồ khen thưởng. Trong đội ngũ chúng tôi đã có người làm tướng; có người là tiến sĩ giữ cương vị cao trong bộ máy của Đảng, Nhà nước… Tất cả chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc được sống gần Bác.

2.Những ký ức trong lòng người cận vệ già cứ cứ ùa về xôn xao. Nhìn ra ngoài sân với đôi mắt trầm tư, ngấn lệ, ông Hoàn nói trong niềm xúc động: "Là người Việt Nam, chúng ta thật vinh hạnh có một dân tộc bất khuất, kiên trung, có nhân dân cần cù, dũng cảm, có một lãnh tụ vĩ đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà đối với cả thế giới. Bác Hồ kính yêu, Người là nhà lãnh đạo lớn, nhưng lại sống vô cùng giản dị và nhân ái. Ở bên Người, ta như thấy mình được lớn thêm lên, được chở che, nâng đỡ, giáo dục bằng tấm lòng của một người Ông, người Bác, người Cha. Người đã mang lại cho chúng ta độc lập, tự do, cơm ăn, áo mặc, học hành, tiến bộ. Bởi vậy, khi Bác Hồ còn sống, người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều mơ ước được gặp Người dù chỉ một lần trong chốc lát. Từ ngày Người về cõi trường sinh đến nay, hằng ngày, dòng người bất tận ở khắp các vùng, miền của đất nước, từ hàng trăm nước trên trái đất này vẫn hội tụ bên ngôi nhà sàn, nơi Người ở và làm việc cho đến năm tháng cuối cùng của cuộc đời, hoặc bên Lăng, nơi Người an nghỉ ngàn thu, để như có cái may trong cuộc đời mình được một lần gặp Bác".

Cũng theo chia sẻ của ông Hoàn, mấy năm liền, mỗi lần được nhìn thấy Bác Hồ ngồi làm việc, rồi khi Người đi bách bộ, những lúc Người trực tiếp đến xem việc ăn uống của cán bộ, chiến sĩ, những lần Người đi công tác nước ngoài về, với những món quà, khi thì quả táo, túi kẹo hay gói thuốc lá, bao giờ trong ông cũng dấy lên một niềm hạnh phúc, xúc động. "Vật tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng nhân ái bao la của Bác dành cho những người lính cảnh vệ chúng tôi. Tôi không bao giờ quên những lần được xem phim với Bác vào tối chủ nhật hằng tuần tại nhà khách Phủ Chủ tịch. Tết cổ truyền hằng năm, chúng tôi được dự bữa cơm tất niên và chụp ảnh với Bác làm kỷ niệm. Khi Người đi xa, tôi tình nguyện rời tay súng để cầm cái chổi, cây bút làm nhiệm vụ bảo vệ Di sản của Người" - Ông Trần Viết Hoàn tâm sự.

Với trách nhiệm là người lính cận vệ của Bác, để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đời nay và cả đời sau, ông Hoàn đã chắt chiu những ký ức, kỷ niệm về Bác để viết nên 2 cuốn sách "Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời"  và "Giữ gìn và phát huy giá trị những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

"Những chỉ bảo ân cần cùng những lời dạy thiết thực về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là sự kết tinh những giá trị đạo đức, nhân văn của Người. Là vũ khí để nhân dân ta đấu tranh chống lại các hiện tượng tha hóa về đạo đức xã hội hiện nay. Bao năm tháng trôi qua, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang hơi thở của thời đại. Tấm gương đạo đức của Người đã chinh phục mọi tấm lòng, mọi con người gần xa, và Người còn sống mãi trong trái tim nhân loại" - Đó là một trích đoạn trong cuốn sách.

Ông Trần Viết Hoàn thổ lộ: "Là người trực tiếp canh gác bảo vệ Bác trong những ngày Bác ốm, và ngay sau ngày Bác đi xa, tôi là một trong số những chiến sĩ công an ở lại để tiếp tục trông nom di sản của Người. Nhờ đó, tôi mới có được những điều để nhớ về những giờ phút Bác ra đi mãi mãi không về...Bác mất ngày 2/9/1969, tức ngày 21/7 âm lịch, nên đến ngày 21/7 âm lịch năm 1994, thay mặt anh em trong khu Phủ Chủ tịch, tôi sắp mâm cơm để cúng giỗ Bác và cũng là để anh chị em trong cơ quan được hưởng lộc hương của Bác. Và từ đấy đến nay, theo nếp đó, đúng ngày 21/7 âm lịch hằng năm, những người trông nom di sản của Người ở Khu Phủ Chủ tịch đều thực hiện lễ hiếu "Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con" đối với Bác kính yêu. Nhờ hồng phúc của Người mà tôi đã trực tiếp được tiếp cận với hàng triệu người dân trong nước và nước ngoài, với hàng trăm vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cao cấp quốc tế ở các châu lục tới thăm nơi ở và làm việc của Người, trong đó có Tổng thống Nga V.Putin, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của thế kỷ XXI đến thăm nơi ở của Người".

Được biết, trong sổ cảm tưởng, ông Putin đã ghi: "Tôi thành thật lấy làm vinh hạnh khi được làm quen với cuộc sống của người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới". Cũng hôm đó, khi biết Tiến sĩ Trần Viết Hoàn từng là chiến sĩ cảnh vệ được trực tiếp tham gia bảo vệ Bác Hồ, ông Putin đã mời Tiến sĩ Hoàn ngay ngày mai đi cùng chuyến bay với ông sang Nga…

Đối với Tiến sĩ Trần Viết Hoàn, việc được tham gia bảo vệ Bác trong 5 năm cuối đời của Người với vai trò anh lính cận vệ và trong suốt 38 năm được làm việc ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch, đó là một vinh hạnh lớn lao của cuộc đời ông.

Ông Trần Viết Hoàn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1999) và Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2014). Tiếp bước truyền thống gia đình, vợ ông là kế toán công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông Trần Viết Hoàn có 3 người con, con trai cả hiện là Trưởng phòng bảo vệ Khu Di tích Phủ Chủ tịch, con gái thứ hai là Phó phòng thuyết minh Khu Di tích, con gái thứ ba công tác ở Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kim Quý
.
.
.