Chuyện của một nhà tình báo

Thứ Ba, 23/08/2005, 07:34
Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, tên ông là Nguyễn Hữu Khánh Duy, một cái tên nghe rất ư văn chương, lãng mạn. Học sinh giỏi của Trường trung học Phan Chu Trinh, Tp. Đà Nẵng, ngay từ năm 1963, Nguyễn Hữu Khánh Duy đã tham gia đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm và chống ngụy quyền tay sai ở miền Trung.

Nhưng chỉ đến khi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn - mà một số nhân vật lãnh đạo của Tổng hội là cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, cử người ra Đà Nẵng, phát động chương trình sinh hoạt hè - thực chất là làm dấy lên phong trào phản chiến, chống đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, thì Nguyễn Hữu Khánh Duy mới bắt đầu đi vào con đường hoạt động cách mạng. Năm 1966, ông thi đậu Đại học Y khoa Sài Gòn rồi từ giảng đường Trường Y, Nguyễn Hữu Khánh Duy hòa mình cùng các bạn sinh viên, học sinh, phản đối cái gọi là “quân sự học đường”, đòi hỏi phải giảng dạy các chương trình đại học bằng tiếng Việt...

Năm 1968, sinh viên Y khoa năm thứ ba Nguyễn Hữu Khánh Duy nhận nhiệm vụ đầu tiên cách mạng giao phó: Theo sự chỉ đạo của các đồng chí ở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Nguyễn Đăng Liêm, Lê Quang Sơn, Cao Lập, Dương Văn Đầy... Nguyễn Hữu Khánh Duy trong quá trình đi thực tập tại các bệnh viện, tìm mọi cách giúp đỡ những chiến sĩ cách mạng bị thương và bị địch bắt trong hai đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

Quá trình thử thách trong công tác đã khiến Khánh Duy lọt vào “mắt xanh” của những cán bộ an ninh T4, rồi năm 1971, đồng chí Mười Thắng (tức Nguyễn Minh Trí), bố trí cho Nguyễn Hữu Khánh Duy về công tác tại Ban An ninh vũ trang Sài Gòn, Gia Định với bí danh là Năm Quang. Một thời gian sau, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục, Ban An ninh T4 thành lập các cụm tình báo mới, trong đó có một cụm mang bí số A10, do đồng chí Trần Quốc Hương và Lê Thanh Vân trực tiếp chỉ đạo.

Lực lượng ban đầu của cụm A10 gồm các đồng chí Mười Thắng, Hai Phương, Năm Quang, Ba Hoàng..., do đồng chí Mười Thắng làm cụm trưởng. Riêng Hai Phương, Năm Quang, Ba Hoàng làm cụm phó, đồng thời phụ trách các nhóm gọi là F1, F2, F3. Về sau, cụm A10 được tăng cường thêm đồng chí Huỳnh Bá Thành (tức họa sĩ Ớt). Nhiệm vụ chung của cụm là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật nhằm phục vụ công tác tình báo chiến lược, phản gián, thu thập những thông tin liên quan đến ý đồ của địch  để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ba mũi giáp công. Trong suốt thời gian hoạt động, cụm tình báo A10 đã lập được những chiến công xuất sắc, góp phần tích cực vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1973, Năm Quang (tức Nguyễn Hữu Khánh Duy) tốt nghiệp bác sĩ. Lúc ấy, mặc dù Hiệp định Paris đã ký kết, nhưng ngụy quyền Sài Gòn tráo trở, liên tục tiến hành các cuộc càn quét “lấn đất, giành dân”. Bị Quân giải phóng trừng trị đích đáng, nên ngụy quyền Sài Gòn bắt buộc các bác sĩ phải vào quân đội. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo, rằng rút vào chiến khu hay đi lính, Năm Quang được đồng chí Mười Hương (Trần Ngọc Ban) chỉ đạo: “Cần phải đi lính để giữ thế hợp pháp. Đây là điều kiện tốt nhất trong hoạt động thành thị, phục vụ yêu cầu đánh địch của An ninh T4”.

Vậy là Năm Quang trở thành bác sĩ trưởng quân y của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ. Trong suốt thời gian này, một mặt Năm Quang vẫn tiếp tục điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn. Mặt khác, để làm giảm bớt sức chiến đấu của quân đội ngụy, Năm Quang cho những gã lính thủy đánh bộ bị thương được điều trị lâu hơn, ký giấy xác nhận thương tật để tạo điều kiện cho họ ra hội đồng giải ngũ. Hoạt động của Năm Quang khéo léo đến nỗi, dưới con mắt của những sĩ quan, tướng lĩnh chỉ huy Sư đoàn lính thủy đánh bộ, thì Đại úy bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy là một người tận tâm trong công việc, có lý tưởng chính nghĩa quốc gia (?!). Chả thế mà cuối năm 1974, bác sĩ Khánh Duy đã được Chuẩn tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn lính thủy đánh bộ gắn lên ngực áo chiếc huy chương “Anh dũng bội tinh” tại chiến trường Thừa Thiên - Huế, và tờ báo Sóng Thần đã có bài viết, ca ngợi bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy là “anh hùng quân y Thủy quân lục chiến”.

Cuối tháng 3/1975, Đà Nẵng giải phóng. Lúc ấy, các tỉnh từ Quảng Ngãi, Quy Nhơn trở vào vẫn nằm trong tay địch nên việc liên lạc với Ban An ninh T4 tạm thời gián đoạn. Vẫn giữ kín nhiệm vụ của mình, Khánh Duy ra trình diện Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng như một “Đại úy bác sĩ quân y ngụy”, rồi được phân công làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Đầu tháng 5/1975, khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Ban An ninh T4 mới gặp lại Khánh Duy, và bố trí cho ông quay về Sài Gòn.

Đầu tháng 6/1975, bạn bè ông cùng những người thân quen ngớ ra khi Nguyễn Hữu Khánh Duy nhận giấy mời đi... tập trung học tập cải tạo. Nhiều cán bộ cùng hoạt động nội thành với ông, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc này nên quay sang nghi ngờ ông. Không giải thích và cũng không thanh minh, bác sĩ Khánh Duy thu xếp hành trang, vào trại cải tạo như một đại úy ngụy chính hiệu. Nhưng 6 tháng sau, trước tình hình và yêu cầu mới, ông “ra trại” rồi chuyển về bộ phận bảo vệ chính trị thuộc Ban An ninh nội chính TP HCM với quân hàm... thiếu úy.

Thời gian trôi qua, bạn bè cùng công tác với ông lần lượt được đề bạt lên trung úy, đại úy. Riêng Nguyễn Hữu Khánh Duy, theo quy định của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), thì cấp trung úy trở lên phải là đảng viên nhưng ông lại chưa... vào Đảng. Mặc dù từ trước 1975, ông đã là đối tượng Đảng, và hồ sơ xin kết nạp Đảng của ông - chỉ riêng phần xác minh lý lịch, nếu đem cân cũng phải đến nửa ký nhưng thời gian hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, có một số điểm vẫn chưa làm rõ được. Nguyên tắc của hoạt động tình báo, là việc ai nấy làm, không ai được phép biết ai ngoại trừ người chỉ huy trực tiếp.

Tuy nhiên, một tình báo viên, tùy theo từng giai đoạn, có thể có đến năm, bảy chỉ huy nhưng các chỉ huy này, cũng không biết người trước mình là ai, đã giao cho tình báo viên công tác gì. Những cán bộ lãnh đạo cụm tình báo A10, ai phân công  cho Năm Quang việc gì, thì chỉ xác nhận việc đó. Ngay như đồng chí Mười Hương, năm 1980 là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM, cũng chỉ xác nhận việc mình trực tiếp chỉ đạo cho Năm Quang đi lính để giữ thế hợp pháp, còn Năm Quang trở thành “đại úy bác sĩ Thủy quân lục chiến” và hoạt động thế nào, thì chịu!

Cuối cùng, phải mất 6 năm, các cán bộ được giao xác minh trường hợp của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy mới xác minh hết tất cả những điểm còn gút mắc. Năm 1981, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1983, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy chuyển về công tác tại bộ phận Bảo vệ văn hóa, tư tưởng, Công an Tp. HCM. Thời điểm này, một số trí thức chế độ cũ ở Tp. HCM, đặc biệt là giới y khoa do dao động trước những khó khăn về kinh tế, cộng với sự tác động của những thế lực thù địch, đã bằng cách này hay cách khác, bỏ nước ra đi.

 

Lúc các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ ở nhiều nước trên thế giới, đề nghị cấp học bổng cho các bác sĩ ở Tp. HCM đi đào tạo chuyên sâu, thì vẫn có những ý kiến tỏ ra ngần ngại, sợ rằng đi mà không về. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy đã đề xuất với Thành ủy Tp. HCM, với Sở Y tế, với Ban giám đốc Công an Tp. HCM, tạo điều kiện cho anh em tiếp cận những thành tựu mới nhất trong y học.

Khi gặp gỡ các bác sĩ trước ngày lên đường, ông nói rất chân tình: “Anh, chị đi, mong sao học thật tốt để về phục vụ nhân dân. Anh, chị đi về rồi sẽ lại đến lượt những anh chị khác”. Trong chuyến đi đầu tiên ấy, không ai ở lại và những tên tuổi như bác sĩ Trần Đông A, Trần Thành Trai, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Chấn Hùng..., bây giờ nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện trong thành phố.

Năm 1990, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy được phong hàm Thiếu tá Công an nhân dân Việt Nam, và là Bệnh xá trưởng của Trại tạm giam Chí Hòa. Nơi đây, ông có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu các phạm nhân nghiện ma túy. Ý định mở một trung tâm cai nghiện bắt đầu thôi thúc ông. Từ 1995 đến năm 2000, bác sĩ Khánh Duy là hội thẩm Tòa án nhân dân Tp. HCM, và trong cương vị này, ông đã tiếp cận với rất nhiều những vụ án ma túy. Vì thế, khi ông về nghỉ hưu thì lập tức, ông cùng những đồng đội cũ, có người là công an, có người là bộ đội, thành lập Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa. Từ mấy căn nhà nhỏ hẹp ban đầu, đến nay Trung tâm Thanh Đa đã có 3 cơ sở, đảm bảo cho việc cắt cơn, phục hồi thể lực và dạy nghề với gần 600 học viên cả nam lẫn nữ...

Tôi gặp bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy vào một buổi chiều, trong khuôn viên Trung tâm Thanh Đa. Đưa tay chỉ những học viên, nhóm thì đánh bóng chuyền, nhóm đi dạo, nhóm quây quần bên nhau với cây đàn ghita, ông nói: “Phải nhìn thấy những ngày đầu họ vào đây, nhiều người thân tàn ma dại mà bây giờ, tất cả đều hồng hào béo tốt, mới hiểu hết niềm vui của chúng tôi. Chẳng khác gì khi xưa trong lòng địch, dù rất hiểm nguy nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao phó...”

Vũ Cao
.
.
.