Trung tá Nguyễn Ngọc Hải - Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc:

"Tôi đến New York không phải để học việc, mà để làm việc"

Thứ Hai, 11/11/2024, 11:10

Những ngày này, Trung tá Nguyễn Ngọc Hải - Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) trở về nước tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn về cảnh sát gìn giữ hòa bình (GGHB) trong khu vực cho LHQ tại Việt Nam diễn ra từ 28/10 đến 15/11/2024.

Phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng đã có buổi trò chuyện thú vị cùng Trung tá Hải xoay quanh hoạt động GGHB LHQ - một mảng sáng đầy tự hào của Việt Nam nói chung và của lực lượng CAND nói riêng. Anh là sĩ quan Công an Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này vinh dự làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình LHQ, trụ sở New York, Mỹ, với vai trò là chuyên gia LHQ về phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. 

Người duy nhất được gọi tên

- Phóng viên: Từ khi lên đường làm nhiệm vụ tại Cục Hoạt động hòa bình, đây là lần thứ mấy anh trở về Việt Nam?

+ Trung tá Nguyễn Ngọc Hải: Hơn 2 năm xa Tổ quốc, đây là lần thứ ba tôi về nước. Lần này, khóa đào tạo giảng viên nguồn về cảnh sát GGHB trong khu vực cho LHQ do Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ phối hợp Cục Hoạt động hòa bình, Ban Thư ký LHQ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Tham gia giảng dạy là 10 chuyên gia của LHQ cùng 18 học viên đến từ 5 quốc gia gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Sri Lanka, Nepal. Việc đăng cai tổ chức khóa tập huấn của LHQ tại Việt Nam là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng, khẳng định cam kết của Bộ Công an Việt Nam trong đóng góp tích cực, hiệu quả, chủ động vào hoạt động GGHB LHQ, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với LHQ và các nước đối tác khác.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hải tại lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

- Năm 2022, anh đã trúng tuyển vào làm việc ở Cục Hoạt động hòa bình LHQ, đó thực sự là một dấu mốc khi lần đầu tiên có một sĩ quan Công an Việt Nam được làm việc tại Trụ sở LHQ. Để được chọn, chắc chắn anh đã trải qua nhiều vòng xét tuyển gắt gao?

+ Cục Hoạt động hòa bình LHQ là cơ quan quản lý ở cấp chiến lược, chuyên điều phối các hoạt động GGHB ở tất cả các phái bộ. Hiện nay Cục có hơn 300 nhân viên quốc tế đang làm việc tại trụ sở ở New York, Mỹ. Riêng bộ phận cảnh sát có biên chế 55  cán bộ, trong đó 35 vị trí cảnh sát thuộc diện công tác phái cử luân phiên từ các quốc gia thành viên của LHQ. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, các nhân viên trở về nước, các vị trí trống sẽ tiếp tục được tuyển dụng rộng rãi trong số 193 quốc gia thành viên. Mỗi khi một vị trí mở ra sẽ có khoảng 150-200 người ứng tuyển. Vị trí của tôi khi tuyển dụng cũng đã phải cạnh tranh với gần 200 ứng viên của nhiều nước. Để được chọn vào vị trí công tác hiện tại, ngoài nỗ lực thì tôi đã gặp được nhiều may mắn. 

- Quy trình tuyển chọn kéo dài tận 2 năm phải không anh? 

+ Tôi bắt đầu nộp hồ sơ từ cuối tháng 6/2020 và đến giữa tháng 5/2022 thì được thông báo trúng tuyển. Trong 2 năm đó, tôi đã trải qua 3 vòng tuyển chọn. Vòng 1 xét hồ sơ dựa trên các tiêu chí đối chiếu với yêu cầu nhiệm vụ của vị trí công tác. Sau vòng này sẽ loại 40-50% tổng số hồ sơ. Tiếp đến, ở vòng viết bài luận, ứng viên phải nắm chắc các quy định của LHQ, chắc chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng xử lý tình huống và viết luận bằng tiếng Anh. Từ con số gần 200 ứng viên ban đầu, sau 2 vòng “rơi rụng” gần hết, chỉ còn 8 người được lựa chọn vào vòng phỏng vấn. Rất nhiều yêu cầu đặt ra ở vòng này, từ khả năng làm việc nhóm, lên kế hoạch, khả năng lãnh đạo, tổ chức công việc đến giao tiếp, trao đổi, báo cáo, thuyết trình với việc nói/viết bằng ngoại ngữ. Sau vòng phỏng vấn chỉ còn 3 ứng viên đạt yêu cầu. Tôi may mắn có mặt trong nhóm nhỏ này để đi đến việc chọn lựa duy nhất một người vào vị trí công tác.

- Và, anh đã là người duy nhất được gọi tên. Tôi được biết ở thời điểm đó hồ sơ của anh khá nổi bật. Việc lựa chọn này cho thấy LHQ đánh giá cao và khẳng định chất lượng, năng lực của sĩ quan CAND Việt Nam...

+ Tôi được chọn một phần do nỗ lực của bản thân. Nhưng, yếu tố rất quan trọng là do vị thế của Việt Nam thời điểm đó. Trong một nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam 2 lần đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ là vinh dự, trọng trách, cũng là cơ hội ghi dấu ấn với cộng đồng quốc tế. Và, lúc đó còn căn cứ vào tình hình thực tế. Thông thường, việc lựa chọn một sĩ quan đại diện cho quốc gia làm việc tại trụ sở phải căn cứ vào mức độ đóng góp của quốc gia đó đối với hoạt động GGHB, có thể là con người, tài chính, hoặc cả hai.

Tại thời điểm tôi ứng tuyển thì Việt Nam chưa có sĩ quan cảnh sát cử làm nhiệm vụ GGHB tại các phái bộ của LHQ. Đó là một khó khăn, nhưng lại là thuận lợi. Chính vì Việt Nam chưa cử quân lần nào, cộng với vị thế của nước ta như đã nói ở trên, LHQ đã lựa chọn một vị trí ở trụ sở như một sự khuyến khích quốc gia tiếp tục đóng góp cho hoạt động GGHB. Sự lựa chọn đối với tôi khi đó kết hợp của cả 3 yếu tố, thiên thời - địa lợi - nhân hòa (cười...). 

Trung tá Nguyễn Ngọc Hải họp giao ban bộ phận cảnh sát tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, tháng 1/2024.

- Là người “mở đường”, lại ở vị trí “khó nhằn” - vị trí chuyên gia phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia/tội phạm có tổ chức, chắc hẳn anh phải đối mặt với không ít thách thức?

+ Là một trong những cán bộ trẻ nhất Phòng Cảnh sát, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu chính sách, hướng dẫn, theo dõi, báo cáo và điều phối các hoạt động phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia/có tổ chức của lực lượng cảnh sát LHQ tại các phái bộ GGHB. Đây là một mảng chuyên sâu và mang tính đặc thù. Khi đến trụ sở, tôi xác định rằng mình đến đây không phải để học việc, mà là để làm việc. Hơn thế, đây là vị trí làm việc với tư cách chuyên gia chứ không đơn thuần là công việc hành chính. Đây là sức ép buộc tôi phải thích nghi. Nhiệm vụ của tôi bao trùm tất cả, từ việc lập kế hoạch, triển khai, đánh giá, tư vấn trực tiếp cho lãnh đạo địa bàn vận hành sứ mệnh của cảnh sát LHQ tại địa bàn. Tôi phải nắm bắt các địa bàn vừa cách xa về mặt địa lý, vừa bất ổn về an ninh chính trị, chịu áp lực về cả thời gian và chuyên môn. 

- Cũng là làm việc cho Cục Hoạt động hòa bình, nhưng công việc của một chuyên gia LHQ tại trụ sở của anh lại có sự khác biệt rất lớn so với nhiệm vụ của các sĩ quan tại phái bộ? 

+ Tháng 8/2022 tôi bắt đầu làm việc tại Phòng Cảnh sát LHQ thì tháng 12 năm đó tôi lên đường đến phái bộ UNMISS, Nam Sudan. Sau đó một năm, tôi đến phái bộ MINUSCA ở Cộng hòa Trung phi. Hai chuyến khảo sát ở 2 phái bộ lớn nhất LHQ giúp tôi khảo sát, đánh giá hiệu quả công tác của lực lượng cảnh sát LHQ, từ đó tư vấn cho họ về cách thức triển khai những nhiệm vụ đặc thù. 

Các đồng nghiệp của tôi ở phái bộ đảm nhiệm công việc cụ thể như đào tạo nâng cao năng lực, theo dõi, hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát địa phương. Còn chúng tôi ở trụ sở là người tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo LHQ trong xây dựng, ban hành chính sách, các văn bản chỉ đạo chiến lược, xây dựng quy trình, hướng dẫn, điều phối hoạt động hợp tác với các đối tác của LHQ và các quốc gia thành viên. Đây là những hoạt động chiến lược, có tính chất chỉ đạo và hướng dẫn đối với những hoạt động thực thi ở phái bộ. 

Một điểm khác nhau nữa là về môi trường làm việc. Lực lượng cảnh sát ở phái bộ rất vất vả vì họ không có ngày nghỉ cuối tuần, lại xa gia đình. Do đó, cứ 45 ngày làm việc liên tiếp thì họ sẽ được nghỉ 7 ngày để cân bằng lại. Có những địa bàn rất khốc liệt, như ở Somalia, đạn rocket có thể tấn công hằng ngày thẳng vào căn cứ LHQ. Do đó, nhiệm vụ của chúng tôi ở trụ sở là phải làm sao xây dựng quy trình chuẩn để các phái bộ vừa thực hiện đúng chức năng, vừa góp phần phòng ngừa từ xa, đảm bảo an toàn cho nhân viên LHQ, trong đó có đồng đội của mình và người dân. 

Trung tá Nguyễn Ngọc Hải trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng, tháng 11/2024.

- Làm việc ở môi trường LHQ, những thách thức đặt ra không hề nhỏ. Nhưng, chắc hẳn cũng sẽ có những yếu tố thuận lợi?

+ Làm việc tại Cục Hoạt động hòa bình, tôi có thuận lợi khi trực tiếp tham mưu đối với việc triển khai các quy định chính sách LHQ liên quan đến tội phạm có tổ chức. Tôi được giao nhiệm vụ điều phối các đầu mối mạng lưới đại diện cảnh sát về phòng, chống tội phạm có tổ chức tại tất cả các địa bàn, đồng thời, duy trì phối hợp với các đối tác chiến lược của LHQ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm như Interpol, UNODC và UNOCT. Từ đây, tôi có thể nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về hoạt động hợp tác cảnh sát trong phạm vi quốc tế. 

Vị trí công tác giúp tôi có thuận lợi trong việc tiếp cận các chủ trương, đường lối tổ chức, chiến lược, chính sách của LHQ. Trong đó, những thông tin liên về việc triển khai, đào tạo, tuyển dụng, huấn luyện lực lượng GGHB, tôi đã kịp thời nắm bắt để tham mưu cho Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB, từ đó Văn phòng tham mưu cho Bộ Công an để đề ra chiến lược triển khai. Trong giai đoạn sơ khai, Văn phòng đã có nhiều chiến lược thực hiện theo Đề án 05, từ việc mở rộng địa bàn, cử thêm người đến chuẩn bị triển khai mô hình đơn vị cảnh sát GGHB.

- Tuổi đời trẻ, vẻ ngoài trẻ có lẽ cũng là lợi thế của anh?

+ Ồ, ngược lại thì đúng hơn. So với các đồng nghiệp ở văn phòng thì tôi ít tuổi hơn nhiều. Tôi mang hàm trung tá nhưng lại làm ở vị trí chuyên gia P-4, chỉ sau vị trí trưởng bộ phận P-5. Trong khi nhiều đồng nghiệp mang hàm đại tá ở nước họ chỉ làm cấp P-3. Thế nên, lúc đầu sang, mọi người nhìn tôi có vẻ nghi ngại rằng trông tôi trẻ thế mà đã ở vị trí cao, không biết có làm được việc không. Điều đó với tôi vừa là áp lực, vừa là động lực. Để xóa đi những nghi ngại ấy, chỉ còn cách phải nỗ lực làm việc. Cũng giống như đồng nghiệp ở các phái bộ, tôi ý thức được rằng mình gánh trên vai sứ mệnh của quốc gia. Sau quá trình làm việc, nhiều đồng nghiệp nói với tôi rằng họ ghi nhận khả năng, ý thức làm việc và sự chuyên nghiệp của tôi. 

Có một kỉ niệm liên quan đến “sự trẻ” của tôi. Tháng 12/2022, lần đầu tiên tôi đến Phái bộ UNMISS ở Nam Sudan. Kết thúc chuyến công tác, tôi là trưởng nhóm phải báo cáo với lãnh đạo cảnh sát phái bộ. Khi tôi phát biểu, tôi cảm nhận được là các vị ấy nhìn tôi rất nghi ngại, vì mặt tôi trông... rất ít kinh nghiệm, nếu không muốn nói là... non quá (cười...). Chắc các vị ấy thắc mắc rằng không biết một người trẻ như thế sẽ làm việc ra sao. Sau khi tôi báo cáo, những ánh mắt nghi ngại dần chuyển thành chăm chú lắng nghe và tán đồng.  

Tâm thế người mở đường

- Là sĩ quan công an Việt Nam đầu tiên và cũng là duy nhất hoạt động tại trụ sở LHQ, chắc hẳn anh mang một tâm thế vô cùng đặc biệt...

+ Trong số 193 thành viên LHQ có khoảng 130 nước cử cảnh sát tham gia hoạt động GGHB. Việt Nam là nước thứ 121 đóng góp cho cảnh sát GGHB. Năm 2022, tôi cùng 3 sĩ quan tới phái bộ UNMISS (Nam Sudan) là những người đầu tiên đánh dấu mốc con số 121 đáng nhớ này. Tôi đã tham gia ứng tuyển với tâm lý thoải mái, cố gắng hết sức theo khả năng, thi đến vòng nào thì biết vòng đó. Khi chỉ tập trung vào nhiệm vụ trước mắt để vượt qua thì tôi đã gỡ bỏ được áp lực. Khi trúng tuyển và đến làm việc tại trụ sở LHQ, tôi vẫn giữ vững tâm thế đó. Tôi ý thức rằng mình là người Việt Nam đầu tiên và hiện tại cũng mới chỉ có mình tôi, nên phải nỗ lực hết mình.

Để “tranh thủ” được đồng nghiệp quốc tế thì mình phải năng hỏi han, trao đổi với họ. Chẳng hạn, khi tôi hỏi về địa bàn Haiti thì có đồng nghiệp là chuyên gia ở địa bàn đó sẽ nói cho tôi nghe. Trao đổi với họ một buổi bằng mình đọc hồ sơ mấy ngày. Tất nhiên, vẫn phải kết hợp đọc hồ sơ và tiếp cận thông tin về địa bàn thường xuyên. 

- Cuộc sống của anh ở Mỹ hiện tại thế nào?

+ Tháng 6/2022, tôi được cấp visa G4 dành cho nhân viên LHQ cùng gia đình đến công tác và sinh sống tại New York, Mỹ. Cả gia đình tôi lên đường cùng một ngày. Trước đó, tôi may mắn được đến một số nước, được trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, 4 năm học ở Anh, trong đó có 1 năm học thạc sĩ và 3 năm làm luận án tiến sĩ đã giúp tôi tăng khả năng hòa nhập ở môi trường quốc tế. Nhưng, vợ con tôi chưa đi nước ngoài bao giờ, vì thế chúng tôi phải cố gắng thích nghi. Kể từ đó đến nay, chỉ có tôi về Việt Nam công tác còn vợ và 2 con tôi chưa có cơ hội về nước.

Ở môi trường mới, chúng tôi phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục hành chính, lo nhà cửa, sắp xếp sinh hoạt để sớm ổn định. Rất may mắn là chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của phái đoàn ngoại giao, các đồng chí sĩ quan Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đang làm phái cử ở đây.
Hằng ngày, tôi rời nhà đến trụ sở làm việc lúc 8 giờ sáng, 6 giờ chiều có mặt ở nhà, tôi có 1 tiếng nghỉ trưa. Một ngày chúng tôi có rất nhiều cuộc họp.

Các buổi sáng ở New York là buổi chiều ở các địa bàn châu Phi, chúng tôi thường họp trực tuyến với địa bàn để trao đổi chuyên môn, tư vấn, thông qua các dự án, các chuỗi khảo sát đánh giá. Buổi chiều sẽ làm việc tại trụ sở. Ngày cuối tuần tôi dành thời gian cho gia đình, đưa các con đi tham quan để thích nghi môi trường.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hải trong chuyến khảo sát địa bàn Bouar, Cộng hòa Trung Phi, tháng 9/2023.

- Làm việc ở trụ sở LHQ, anh cảm nhận được điều gì mang tính đặc thù?

+ Tinh thần LHQ thấm sâu trong môi trường làm việc có lẽ là điều đặc thù nhất. LHQ là tổ chức đa quốc gia, đa chủng tộc, đa văn hóa. Cùng tầng tôi làm việc có Văn phòng Quân sự và Văn phòng Cảnh sát, có sự góp mặt của nhân viên đến từ mấy chục quốc gia. Vì là tổ chức lớn, người đến người đi liên tục nên LHQ xây dựng quy trình làm việc chuẩn và thống nhất. Mọi nhân viên đến đây đều phải vượt qua những xung đột văn hóa, khác biệt cá nhân để giải quyết công việc theo quy trình chuẩn đó một cách chuyên nghiệp. 

Một đặc thù nữa là LHQ đề cao trí tuệ tập thể. Mỗi nước có một đặc thù, mỗi người là chuyên gia một mảng. Để làm việc được với nhau phải có sự hợp tác, điều phối, trao đổi, rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm và cả trách nhiệm. Phòng Cảnh sát của tôi có các nhân viên người, Pháp, Morocco, Nga,... Chúng tôi có lợi thế là được tranh thủ ý kiến của nhau một cách vô điều kiện, sẽ góp ý hỗ trợ nhau hết sức đến khi đạt yêu cầu thì thôi. Điều đó là quan trọng nhất trong môi trường LHQ. 

- Cứ làm tốt công việc trước mắt, cơ hội sẽ mở ra. Tâm thế làm việc đó đã đưa anh tới thành công. Vừa qua, Phòng Cảnh sát LHQ có công hàm gửi Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đề nghị gia hạn thời gian công tác thêm 1 năm đối với anh. Việc gia hạn thời gian công tác cho thấy LHQ ghi nhận năng lực, trình độ của sĩ quan CAND Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trong bối cảnh LHQ đang cắt giảm nhân sự như hiện nay. Không những được gia hạn công tác, anh còn nhận thêm nhiệm vụ mới? 

+ Nhiệm kỳ công tác ở trụ sở thường là 2 năm. Một số trường hợp được gia hạn và tôi được gia hạn năm thứ ba từ tháng 8/2024. Ngoài việc đảm bảo nhiệm vụ chính như trước đây, tôi được phân công kiêm nhiệm vị trí Trợ lý tham mưu cho Trung tướng Faisal Shahkar - Cố vấn Cảnh sát LHQ, Giám đốc Bộ phận Cảnh sát thuộc Cục Hoạt động hòa bình, về các vấn đề liên quan đến quản lý điều hành lực lượng cảnh sát, trong đó có mảng đào tạo đang là hoạt động chiến lược. Kinh nghiệm 17 năm trong môi trường đào tạo của Học viện Cảnh sát nhân dân, trong đó có 7 năm giữ cương vị Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát giúp tôi có ít nhiều kinh nghiệm để đảm trách nhiệm vụ mới này. Ngoài ra, tôi được giao phụ trách thêm mảng thông tin - truyền thông của cảnh sát LHQ trên các nền tảng như Facebook, Twitter để tô đậm các hoạt động của Tư lệnh Cảnh sát LHQ và của các phái bộ.

- Anh có thể chia sẻ những đánh giá của LHQ đối với hoạt động GGHB của Việt Nam nói chung và của Bộ Công an nói riêng đến thời điểm hiện tại?

+ LHQ đánh giá Việt Nam rất tích cực trong hoạt động GGHB. Ở lĩnh vực cảnh sát, ngài Cố vấn Cảnh sát LHQ Faisal Shahkar đánh giá rằng Việt Nam là “quốc gia cử quân mới nổi”. Tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã có cuộc gặp bên lề kỳ họp Đại Hội đồng LHQ với ngài Jean Pierre Lacroix - Phó Tổng thư ký phụ trách về GGHB LHQ tại New York, Mỹ. Ngài Phó Tổng thư ký LHQ cũng dùng từ “mới nổi” khi đánh giá đóng góp của cảnh sát Việt Nam. Từ “mới nổi” cho thấy Việt Nam tuy mới cử lực lượng cảnh sát tham gia GGHB nhưng đóng góp nhiều, nhanh và nổi bật. 

Tháng 7/2024, Việt Nam mời đoàn kiểm tra đánh giá của LHQ sang kiểm tra, chấm điểm để nâng cấp Đơn vị Cảnh sát lên cấp độ 2 và kiểm tra năng lực sĩ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân. Hay, như việc đăng ký tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn về cảnh sát GGHB trong khu vực cho LHQ đang diễn ra. Và, tới đây sẽ kết nối với Trung tâm đào tạo Cảnh sát GGHB của Italy tổ chức khóa đào tạo cho chỉ huy Đơn vị Cảnh sát của Việt Nam. Đó là những nỗ lực để đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GGHB. Tôi rất vui và tự hào vì những kết quả bước đầu quan trọng này. 

- Xin cảm ơn Trung tá Nguyễn Ngọc Hải về cuộc trò chuyện thú vị này!

Huyền Châm (thực hiện)
.
.
.