Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: Vẫn còn ngọn nến yêu thương trong đời

Thứ Bảy, 28/08/2021, 09:05

Nhìn bề ngoài, có gì đó mạnh mẽ và quyết đoán. Khi trò chuyện sẵn sàng bộc bạch nỗi niềm, không giấu giếm. Ở con người đó còn là một sự lao động bền bỉ, đã từng viết nhiều tác phẩm nghiên cứu về triết học, tôn giáo như “Kinh dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc”, “Triết giáo Đông phương”, “Đường vào triết học”, “Tôn giáo nhìn từ viễn cảnh xã hội học”…

Từ góc nhìn của một người đã trải qua môi trường giáo dục từ Đại học Harvard, Đại học Boston (Mỹ)… và giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước, ông trao đổi câu chuyện lý thú đã trải qua. Kinh nghiệm và trải nghiệm này có ý nghĩa dành cho nhiều người, nhất là những ai đang phấn đấu tự “nâng mình lên”.

- Sự thành công và làm nên danh phận của một người không thể tách khỏi việc học. Kinh nghiệm của ông như thế nào?

- Tôi chào đời năm 1956, với một đống dây quấn quanh cổ, suýt chết ngạt. Mẹ tôi người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Bố tôi người miền Nam, hoạt động cách mạng, ở tù triền miên, lớn hơn mẹ tôi gần hai chục tuổi. Mẹ tôi buôn bán đủ kiểu để nuôi một đám con đến tuổi ăn rất hăng. Cảm giác hụt hẫng xuất phát từ chỗ tôi không theo kịp với bạn bè trong lớp. Vì thế, mỗi khi nhắc đến chuyện đi học, tôi luôn cảm thấy chán chường.

- Vậy, ông tìm niềm vui nơi đâu?

- Niềm an ủi duy nhất của tôi lúc bấy giờ là sách. Tôi đọc rất nhiều và khao khát khi lớn lên mình cũng được giống như những người viết ra những cuốn sách như vậy, phải là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, học rộng, biết nhiều và miệt mài sáng tác. Cảm nhận của tôi lúc bấy giờ là như vậy. Còn sách tôi đã đọc rất nhiều nhưng chả theo một nề nếp thứ tự gì cả. Mỗi khi buồn, không còn gì để đọc, tôi còn đọc cả sách dạy nấu ăn.

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: Vẫn còn ngọn nến yêu thương trong đời -0

Nhà tôi ở kế bên tiệm cho thuê sách. Ông chủ tiệm đó trước đây kiêm luôn thợ cắt tóc. Mỗi lần qua chỗ ông cắt tóc là tôi hỏi ông có cuốn nào mới không. Cả một tiệm sách cho thuê gần nhà không còn cuốn gì mà tôi chưa đọc. Thậm chí, tôi còn nhớ khi ngọn đèn duy nhất trong nhà tôi tối dần vì điện yếu - các nhà giàu bên cạnh có tivi và dùng máy survolteur để tăng điện, hút hết điện của những nhà nghèo xung quanh - tôi bắc ghế rồi đứng lên, cầm cuốn sách đưa sát bóng đèn để đọc. Tôi nhớ mãi ánh sáng đó. Ánh sáng mờ yếu của nó vẫn tiếp tục chỉ đường cho tôi qua bao năm tháng. Một phần đời của tôi là sách. Sách chi phối mọi suy nghĩ của tôi cho đến tận ngày nay. Thú vui lớn nhất của tôi bây giờ vẫn là đọc sách, cho nên, bị phong tỏa trong mùa dịch, tôi cũng chẳng lấy gì làm buồn bực lắm, ngoài việc không được đi dạy.

- Nhiều người nổi tiếng, thành đạt cũng cho biết họ đã trưởng thành từ sách, chi tiết này thêm một lần nữa cho thấy ích lợi của việc đọc sách. Sau đó thì thế nào, thưa ông?

- Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1974, tôi ghi danh vào Đại học Khoa học với ý định sẽ thi vào trường Y. Học chưa đến đâu thì đất nước diễn ra sự kiện 30-4-1975, tôi lại đổi ý thi vào học tiếng Anh tại trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tốt nghiệp loại giỏi năm 1980, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Chưa kịp soạn bài giảng thì được tuyển vào Sở Công an thành phố, biến thành một sĩ quan an ninh. Lúc được chuyển công tác về lại trường năm 1987 thì năm 1989, tôi trúng học bổng du học tại Úc (Đại học Canberra).

- Chẳng lẽ lần này cũng là... sách nữa chăng?

- Vâng. Sang bên Úc thay vì tập trung vào việc học để lấy bằng và để dành tiền mua xe Honda Cub, tôi lang thang xung quanh mấy tiệm sách cũ, tìm đọc Michel Foucault, Jacques Derrida - những tác giả mà tôi đã nghe danh từ hồi còn học trung học. Cảm nhận chung của tôi về tuổi trưởng thành là tôi phản đối mọi thứ. Tôi có cảm giác mọi lý thuyết đều sai. Nó không phải là cảm giác hoài nghi mà là sự phủ định triệt để đối với tất cả những điều người khác nói, kể cả thầy cô của tôi. Tôi cảm thấy họ chỉ căn cứ vào một vài cuốn sách giáo khoa nào đó rồi giảng lại cho học trò giống như cái máy thu âm. Tôi ghét giáo viên đến mức thề sẽ không bao giờ lấy vợ là cô giáo! Vậy mà người vợ đầu tiên của tôi là... một cô giáo chính cống, còn bản thân tôi cũng đã hít phấn hơn ba mươi năm!

Có thể nói, tôi và sách là “duyên nợ”, bởi năm 1993 tôi được Viện Harvard-Yenching trao học bổng đi du học ngành Khu vực học - Đông Á (Regional Studies - East Asia) tại trường Harvard. Đây là một kinh nghiệm làm thay đổi cả cuộc đời. Tôi lại cắm đầu đọc sách và học bất cứ thứ gì tôi thích. Đi ngang một lớp học, thấy đông sinh viên, tôi cũng ráng chui vào xem ông thầy dạy cái gì. Té ra vị giáo sư này đang giảng một môn nghiên cứu về... cái chết (mortuary studies): kỹ nghệ sửa sắc đẹp cho các nạn nhân bị xe cán, công việc kinh doanh của ngành mai táng, phong tục mai táng của nhiều dân tộc v.v... Thế là đăng ký học luôn. Sau này, về quê hương lỡ thất nghiệp thì chuyển sang kinh doanh... đám ma.

Tôi có một hứng thú đặc biệt đối với các chủ đề tôn giáo nên xin học bổng học thêm về ngành Tôn giáo học sau khi tốt nghiệp thạc sĩ (1995). Khoa Tôn giáo trường Đại học Boston sau khi phỏng vấn đã nhận tôi vào chương trình dưới sự hướng dẫn của GS. Malcolm D. Eckel. Đây là thời gian đẹp nhất trong sự nghiệp học hành của tôi nhưng nếu viết thành tiểu thuyết thì sẽ là một câu chuyện nhạt nhẽo nhất trên đời vì mọi hoạt động của nhân vật chính chỉ diễn ra trong thư viện, giữa chồng sách cũ chẳng ai buồn ngó ngàng đến. 

Sau khi về nước, năm 2002, đến trình diện tại Khoa Đông phương học (Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, TP Hồ Chí Minh), tôi làm công tác giảng dạy, làm  Trưởng bộ môn Ấn Độ học, dạy môn Tôn giáo Đông Á, rồi dạy các môn lịch sử Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, và triết học trong khoa học tự nhiên... cho đến ngày về hưu vào năm 2021. Và như đã nói, từ việc đam mê đọc sách, ngoài việc giảng dạy, cho đến nay tôi vẫn tiếp tục viết sách.

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: Vẫn còn ngọn nến yêu thương trong đời -0

- Ngoài đam mê về sách, sau khi du học tại Mỹ, nay nhìn lại, ông có thấy có sự khác biệt gì trong lối giáo dục tại Việt Nam?

- Tôi thấy rằng so sánh nền giáo dục Việt Nam với nền giáo dục ở những trường như Harvard hay Boston thì quả thật hết sức khập khiễng. Nhưng, rất cần so sánh để có thể rút ra những bài học hữu ích. Ưu điểm lớn nhất của Đại học Harvard hay Boston là hệ thống thư viện cực tốt. Tìm sách gì cũng có. Nhân viên thư viện là những người được đào tạo chuyên nghiệp để giúp đỡ sinh viên hay bất kỳ học giả nào. Họ không đơn thuần là những người ngồi giữ sách cho thư viện. Ngay tại Harvard những năm 1993 mà tôi vào thư viện có thể tìm thấy báo chí Việt Nam để đọc. Một bà giáo sư đã làm ầm lên vì còn thấy cả tạp chí Playboy trong thư viện.

Ưu điểm thứ hai là rất nhiều môn học để lựa chọn. Vào đầu học kỳ, mọi sinh viên đều được phát một quyển sách dày cộp ghi rõ khoảng hơn 3 ngàn môn học (courses). Và sinh viên phải chọn 4 môn cho một học kỳ (term). Thử tưởng tượng: phải chọn 4 “cô” trong 3 ngàn “cô” xinh đẹp! Thế là sinh viên vắt giò lên cổ mà chạy qua các giảng đường để chọn được những môn vừa ý nhất. Tuần đầu là tuần shopping nên sinh viên tha hồ lượn vào các lớp, ngồi nghe thầy giảng khoảng năm mười phút, rồi lại cấp tốc lên đường chạy qua lớp khác. Chính ở điểm này thì tôi không biết cho đến bao giờ Việt Nam chúng ta mới theo kịp. Các giáo sư có văn phòng riêng và họ sẵn sàng đón tiếp sinh viên vào những giờ họ không phải lên lớp. Giáo sư, sau khi dạy xong, phải quay lại văn phòng và làm việc (nghiên cứu) ở đó cho đến giờ về (5 giờ chiều).

- Ông vừa nói “các giáo sư có văn phòng riêng”, có phải là họ... mở lớp dạy thêm, tức họ cũng “chạy sô” như ở ta?

 - Không. Không có hiện tượng giáo sư chạy sô kiếm thêm tiền. Đừng nói về tiền lương! Giáo sư đại học ở Mỹ lương rất thấp, trung bình khoảng 50.000 đến 60.000 đô la mỗi năm và tương lai thì không có gì chắc chắn, vì nhà trường đa số chỉ ký hợp đồng chứ không tuyển họ vào biên chế. Giáo sư Việt Nam có cuộc sống ổn định hơn nhiều, được vào biên chế và được... chạy sô. Nhưng, điều kiện giảng dạy của các giáo sư Mỹ rất tốt, dạy đúng chuyên môn yêu thích của mình và luôn có điều kiện được cập nhật tri thức thông qua việc tham gia các hội thảo quốc tế chuyên ngành.

Theo kinh nghiệm của tôi, tại Việt Nam mọi chuyến đi nước ngoài để dự hội nghị hiếm khi nào đến tay các giảng viên. Chủ yếu là ban giám hiệu hay ban chủ nhiệm khoa thay phiên nhau đi dự hội thảo. Họ đi dự hội thảo như đi chợ. Về đến nhà thì lại đi họp. Họp suốt ngày suốt đêm. Tôi thực sự không hiểu họ đào đâu ra thời giờ để đọc sách chuyên môn, chứ đừng nói đến việc nghiên cứu. Cũng “may” cho tôi là không được nhà trường giao cho chức vụ quản lý nào nên còn thời gian đọc sách để cập nhật thông tin kể từ ngày rời Boston về Việt Nam. Bên Mỹ hầu như giáo sư rất ít khi tham gia họp nhiều như các đồng nghiệp của họ ở Việt Nam.

- Nhắc đến ông, nhiều người vẫn tò mò, không rõ vì sao ông lại được phía Mỹ chọn làm người phiên dịch cho Tổng thống Obama tại chùa Ngọc Hoàng (TP Hồ Chí Minh)?

- Do đâu, tôi cũng không biết. Vào một ngày trong năm 2016, đang làm việc tại nhà, tôi nhận được một cuộc gọi từ Tổng lãnh sự Mỹ. Người gọi yêu cầu gặp tôi tại quán cà phê Starbucks trước tòa nhà Tổng lãnh sự số 4 Lê Duẩn (Q.1). Hôm sau khi gặp người gọi điện tôi mới biết mình có vinh dự được “chọn” làm người hướng dẫn Tổng thống Obama đi thăm chùa Ngọc Hoàng. Tôi cứ tưởng các em học trò của tôi đang làm trong Tòa lãnh sự giới thiệu nhưng sau đó mới biết rằng chính... Google đã “chọn” tôi.

Theo lời thuật lại của nhân viên lãnh sự, bộ phận trợ lý Tổng thống Obama cần một người giới thiệu cho tổng thống về ngôi chùa Ngọc Hoàng mà ông dự định ghé thăm trong chuyến công du đến Việt Nam và họ đã “hỏi ý kiến” Google. Sau 3 lần “nhờ tư vấn”, họ quyết định chọn tôi. Theo đúng tư duy Việt Nam, đáng lý họ phải hỏi ý kiến Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đúng và Bộ Ngoại giao chắc chắn sẽ hỏi bộ phận an ninh của Bộ Công an để tìm người phù hợp. Nhưng Google đã thay thế mọi thủ tục cần thiết.

- A, xét ra mọi “thủ tục” đơn giản quá, thế thì sau đó, công việc của ông... cũng đơn giản chăng?

- (Cười). Không hề. Khi chấp nhận làm người hướng dẫn cho Tổng thống Obama, tôi phải chấp nhận 2 điều. Thứ nhất: không tiết lộ với bất kỳ ai về nhiệm vụ của mình, kể cả vợ con. Thứ hai: tôi phải chấp nhận trải qua một cuộc huấn luyện nghiêm túc và có thể bị từ chối không cho tham gia thực hiện nhiệm vụ vào giờ chót. Thế là ngay ngày hôm sau tôi phải đến chùa Ngọc Hoàng gặp một số nhân viên mật vụ Mỹ và bắt đầu công tác huấn luyện. Một anh chàng cao to đóng giả làm Tổng thống Obama, còn tôi đương nhiên là đóng vai trò của người hướng dẫn, kể lại lịch sử ngôi chùa, dẫn “tổng thống” đi tham quan và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của ông. Người mật vụ dặn đi dặn lại: “Tuyệt đối không được đụng chạm vào người tổng thống vì bất cứ lý do gì. Nếu anh làm thế, anh sẽ bị bắn”, “Không được đưa tay ra bắt tay tổng thống”, “Khi tổng thống bước đi, phải đếm cho đến 8 mới được bước theo. Nếu anh đi nhanh quá sẽ chạm vào người tổng thống, thì...”, nghe nhắc đi nhắc lại mấy lần “anh sẽ bị bắn”, tôi cũng khớp.

Sau 3 tuần lễ tập dượt, người mật vụ nói: “Anh đã làm rất tốt! Thời gian anh và tổng thống ở trong chùa trung bình là 25 phút”. Sau đó, họ ghi âm tất cả những điều tôi sẽ nói với tổng thống và kiểm tra nhiều lần xem tôi có muốn thay đổi điểm nào không.

Ngày quan trọng đã đến. Trong đời tôi, ngay cả khi bước lên bục để nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Boston, tôi chưa bao giờ run như thế, có cảm giác như bị ai nhét đầu vào một cái thùng sắt, không làm sao nhúc nhích được. Đúng 14 giờ 30, tôi nhận được điện thoại yêu cầu đến trước khách sạn Sofitel trên đường Lê Duẩn. Khi đến nơi, tôi chẳng thấy ma nào đón. Còn đang ngơ ngác thì nhận tiếp một cuộc gọi, yêu cầu tôi nhìn sang phía tay trái, sẽ thấy một chiếc xe 16 chỗ. Tôi leo lên xe, hoảng hồn khi thấy một đám lính đặc nhiệm ăn mặc như các ninja Nhật vũ khí tận răng đã ngồi sẵn. Không ai mở miệng nói bất cứ câu gì.

Chiếc xe lập tức rẽ Đinh Tiên Hoàng lao thẳng về phía đường Mai Thị Lựu. Ngay khúc cua rẽ vào chùa, lực lượng an ninh Việt Nam đã chặn chúng tôi lại. Tôi phải bước xuống xe giải thích xong mới được cho qua. Rất nhiều người dân bu xung quanh xe hét vang: “Obama! Obama!”. Họ tưởng xe này đang chở Tổng thống Obama. Bà chủ quán bánh cuốn Tây Hồ đứng bên kia đường há hốc mồm khi nhìn thấy tôi mặc đồ vest oai phong đi cùng một đám lính đặc nhiệm to cao lẫm liệt. Bà ngạc nhiên là phải vì tôi thường ăn ở quán của bà nhiều lần đến mức có khi còn được cho ghi sổ.

Xe tiến vào chùa Ngọc Hoàng. Tôi được yêu cầu chờ lệnh “bổ nhiệm” cuối cùng vì tôi vẫn có thể bị cho về nhà vì một lý do an ninh khó hiểu nào đó. Khoảng 3 giờ chiều, nhân vật phụ trách an ninh của Tổng thống Obama đã đến. Lúc đó tôi mới biết có một nhân vật khác cũng được huấn luyện y như tôi trong 3 tuần qua. Anh chàng này người Mỹ, tên Frank, đến từ Đài Loan, là một chuyên gia về Phật giáo Trung Quốc. Thế là tôi và Frank, hai con “gà chọi”, đứng trình diện trước mặt nhân vật cao cấp kia để ông ta quyết định chọn một người. Ông ta liếc nhìn tôi thật nhanh rồi gật đầu. Thậm chí, tôi thấy ông ta không nhìn Frank một giây nào. Sau đó ông ta quay lưng đi rất nhanh về phía chiếc Cadillac One đang đậu phía trước, không nói một lời. Nhân viên phụ trách đào tạo tôi trong 3 tuần qua vui mừng ôm lấy tôi, nói liên tục: “Thành công rồi”. Frank mặt mũi méo xẹo, tiến tới chúc mừng tôi. Thế là tôi đã được chính thức “bổ nhiệm” làm người hướng dẫn cho Tổng thống Obama. Người nhân viên vẽ một vòng tròn dưới đất bằng phấn trắng ngay trước cái thùng phước sương của nhà chùa và yêu cầu tôi đứng trong cái vòng đó, chờ tổng thống đến. Nếu tổng thống chưa đến mà tôi bước ra khỏi cái vòng đó thì... “Tôi sẽ bị bắn”, tôi ngắt lời. Người nhân viên bật cười: “Vâng, tất nhiên”.

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: Vẫn còn ngọn nến yêu thương trong đời -0

 Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng với những sinh viên của mình.

- Nghe ông kể, cảm thấy hồi hộp và rất thú vị. Sau đó?

- Đúng giờ “hoàng đạo” thì “hoàng đế” đến! Đúng 16 giờ theo lịch trình. Khi người nhân viên nhắc tôi: “Bước qua phía tay trái”, tôi lập tức làm theo như cái máy. Wow! Sừng sững trước mặt tôi là ông chủ Nhà Trắng, nhân vật quyền lực nhất thế giới, cao to như một cầu thủ bóng rổ, đang chìa bàn tay to như cái quạt về phía tôi, với nụ cười rạng rỡ, phô hàm răng sáng bóng. Tôi quá xúc động, cứ ngẩn tò te, quên cả câu nói thông thường nhất khi mới đi học tiếng Anh hơn bốn mươi năm về trước. Chắc hẳn Tổng thống Obama quá quen với chuyện này nên ông ta siết chặt tay tôi, nhắc lại: “How are you doing?” (Bạn thế nào, khỏe không?).

Tôi như choàng tỉnh, lập tức chào tổng thống và mời ông ta vào chùa. Cùng đi với tôi trong cuộc đón tiếp là nhà sư trụ trì chùa Ngọc Hoàng, tên là Thông. Ông này người Hoa, chỉ ở Việt Nam 6 tháng, mặt mũi hiền lành, cười suốt từ đầu đến cuối, chẳng nói câu gì. Toàn bộ cuộc nói chuyện về lịch sử ngôi chùa chỉ khoảng 15 phút. Còn lại là những câu hỏi ngẫu nhiên khác trong quá trình đi tham quan.

- Trong suốt cuộc trò chuyện này, chuyện gì khiến ông ấn tượng nhất?

Tôi nhớ nhất là 2 câu. Sở dĩ tôi nhớ 2 câu đó vì sau này ngay cả báo chí Mỹ cũng đăng tải không chính xác. Câu thứ nhất là khi tôi trả lời câu hỏi của Tổng thống Obama: “Tại sao nhiều người đến viếng chùa?”. Tôi đáp: “Vì nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là để cầu có con trai”. Tổng thống Obama bật cười: “I like daughters!” (Tôi thích con gái). Báo chí Mỹ đăng (và báo Việt Nam đăng theo) như sau: “Vị sư trụ trì đã yêu cầu tổng thống cầu nguyện để có được con trai”. Vị sư trụ trì tên Thông, như tôi đã nói, không hề thốt ra câu nào trong suốt cuộc đón tiếp. Thật là oan uổng cho ông ấy!

Câu hỏi thứ hai của tổng thống: “Tại sao trước bàn thờ có 3 cây nhang?”. Tôi đáp: “3 cây nhang theo Đạo giáo có nghĩa là tinh, khí, thần”. Lúc đó chúng tôi đang đứng trước điện thờ Ngọc Hoàng, vị thần tối cao của Đạo giáo. Chùa Ngọc Hoàng nguyên là điện Ngọc Hoàng, là một ngôi chùa Đạo giáo, sau biến thành chùa thờ Phật, mới đổi tên là Phước Hải tự nhưng dân gian vẫn quen miệng gọi là chùa Ngọc Hoàng. Thiết kế của chùa này là tiền Phật, hậu Lão, phía trước thờ Phật, phía sau thờ Ngọc Hoàng. Khi ra đến phía trước, ngay trước bàn thờ Tam Tôn (Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí), tôi có chỉ hình tượng 3 cây nhang trước bàn thờ, giải thích: “3 cây nhang này ở ngay đây lại tượng trưng cho Tam Bảo hay giới, định, tuệ”. Tổng thống mỉm cười, có vẻ lịch sự nhưng tôi đoán chắc ngài cũng chẳng hiểu “3 món quý” (tam bảo) đây là 3 món gì. Cuộc đón tiếp đã diễn ra đúng như dự kiến. Không có sơ suất nào. Khi đi bộ ra về, tôi còn được... bà chủ quán Tây Hồ đãi một đĩa bánh cuốn.

- Câu chuyện thú vị quá, không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm đó. Xin hỏi thêm ông, với tư cách một nhà nghiên cứu về tôn giáo và triết học, ông nghĩ gì về ngày tháng khi chúng ta đang đối mặt với COVID-19?

- Đang trong mùa đại dịch, bị trói chân trong nhà, nhìn về tương lai chắc chỉ thấy gam màu xám? Không. Tôi vốn quen làm bạn với sách nên không cảm thấy quá buồn bực. Có nhiều thời gian hơn để đọc những tác giả mà trong suốt thời gian tất bật với công tác giảng dạy không thể ngó ngàng đến. Gần đây dạy online thấy sinh viên có vẻ hào hứng, chăm học, chăm hỏi. Có lẽ chính họ cũng đang thay đổi các thói quen để thích nghi. Lướt qua Facebook, thiên hạ dường như bớt nói nhảm hơn xưa. Ngay những chuyên gia nói nhảm để gây sự chú ý, nay cũng im hơi lặng tiếng.

Con người biết cảm thông, đùm bọc nhau hơn trong hoàn cảnh khó khăn. Trong đêm trường tăm tối vẫn còn nhiều tia sáng của lòng yêu thương. Tôi thực sự mong muốn, rất mong muốn cuộc sống sẽ quay trở lại như xưa, thời của ồn ào, bụi bặm, đường sá nghẹt đông những mảnh đời chen nhau vội vã. Nhưng, vẫn tìm thấy trong cảnh khốn khó hiện nay một điều gì đó, giống như một thông điệp, giống như một ngọn nến nhỏ, một cơ hội nào đó để tìm về những ý nghĩa, những kết nối, đã đánh mất trong cõi đời xoáy lốc. Khu chung cư nơi tôi ở đã bị cách ly, phong tỏa hơn nửa ngày nay. Đã có người chết. Tôi tự hỏi không biết cảm xúc của mình như thế nào khi cơn đại dịch đích thân tìm đến viếng thăm. 

Cũng tương tự như Steve Jobs trong những giờ khắc cuối cùng nằm trên giường bệnh, khi ông cảm thấy rất rõ sự lạnh lẽo của cái chết đang đến gần, Steve Jobs chợt thấy những điều quan trọng trước đây, tiền bạc, danh vọng, thành công, bây giờ trở thành vô nghĩa. Như nhiều triết gia đã viết: cái chết rất có thể là một bài học lớn nhất của con người. Nó tạo ra sự khủng khiếp, làm hoang mang, gây nhức nhối, mọi ý nghĩ, mọi hành động đều mất hết giá trị nhưng cũng có thể nó là cơ hội để chúng ta nhìn lại cuộc đời mình, nhìn thật sáng suốt, tỉnh táo để thấy chúng ta đã làm được gì, đánh mất điều gì, đã yêu thương hay căm hận. Rồi những cơn chấn động này cũng qua, cũng sẽ trở thành lịch sử, những người may mắn còn ở lại để tiếp tục cuộc hành trình, có lẽ đã chiêm nghiệm được một bài học lớn. Họ thấy rằng họ đã quá ít yêu thương. Họ thấy rằng họ đã đánh mất nhiều thứ quan trọng. Họ ao ước giá họ có thể cầm được một ngọn nến soi đường cho ai đó vẫn còn lang thang trong cõi đời vô tận.

- Hoàn toàn đồng ý với ông. Cảm ơn ông đã mở lòng dành cho cuộc trò chuyện này.

Lê Minh Quốc (Thực hiện)
.
.
.