Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu…

Thứ Năm, 25/08/2022, 12:37

Sư Minh Niệm đi lên cầu thang, tiến về phía bàn trà. Bước chân sư rất chậm. Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy một người đi thong dong, chậm rãi đến như thế. Tôi cúi xuống, nhìn theo từng bước chân sư chạm vào từng bậc cầu thang gỗ và chạm lên sàn nhà. Bất giác, trong tôi lóe lên ý nghĩ: Không phải là sư đang đi, mà là đang cảm nhận, giao thoa với cái mặt phẳng dưới chân mình.

Rồi tôi nghĩ: Ùa vào đời sống rộn rã ngoài kia, tôi thường đi nhiều quá và nhanh quá. Đi để đến một cái đích nào đó, chứ đi mà chưa thể cảm nhận một cách sâu sắc hạnh phúc trong từng bước chân mình. Có lãng phí không nhỉ, khi trên con đường kia, dưới mặt đất kia là biết bao nhiêu sự nhiệm màu mà bàn chân mình chưa cảm thấu? Rồi cũng đến lúc sư Minh Niệm ngồi xuống, bàn chân sư định vị trên mặt sàn. Nhưng, tôi vẫn nghĩ: Có một nguồn năng lượng an yên nào luân chuyển qua lại giữa bàn chân và mặt sàn hay không? Ý nghĩ ấy làm lòng tôi hoan hỉ, bình an đến lạ thường. Và, cuộc chuyện trò của chúng tôi bắt đầu trong khoảnh khắc ấy.

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0
Sư Minh Niệm.
Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ngài, cuốn “Hiểu về trái tim” mà ngài là tác giả thực sự là một cuốn sách giúp nhiều người chữa lành những vết thương tâm hồn. Theo tôi biết, cuốn sách này đã phát hành tới hàng triệu bản và trở thành cuốn sách tâm lý học của một tác giả Việt Nam bán chạy nhất từ trước tới nay. Cá nhân tôi cũng đọc cuốn sách này trong giai đoạn có những vấn đề nhất định về tâm lý. Tôi thấy chữ nghĩa trong sách như những gáo nước mát lành tưới lên tâm hồn tôi, làm tôi ngộ ra bản chất của hạnh phúc và khổ đau trong cuộc đời này. Hôm nay, được diện kiến ngài ngoài đời, tôi thấy lòng mình thực sự hoan hỉ. Nhưng, rồi tôi lại thấy trạng thái hoan hỉ ấy cũng nguy hiểm, vì nó đến rồi nó đi thôi mà. Kẹt vào sự hoan hỉ, vui sướng cũng dở, kẹt vào khổ đau cũng dở. Đức Phật dạy chúng ta phải trung đạo, tức là phải thoát khỏi tất cả các cực cảm xúc cao trào. Do vậy, ngài có lời khuyên nào với sự hoan hỉ nguy hiểm của tôi lúc này không?

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0

- Sư Minh Niệm: (Cười mỉm...): Anh hoan hỉ thì cứ hoan hỉ đi. Anh cứ đón nhận mọi nhân duyên, kể cả sau khi mình thừa hưởng một thứ cảm xúc tuyệt vời nào đó mình có lưu luyến hay nhớ tới nó thì cùng không phải tội tình gì cả. Hãy xem đó như một phần thực tập mà mình phải hoàn tất trên hành trình tu tập. Trong thiền tập Vipassana, chúng ta được khuyên là hãy tập để chấp nhận những gì đang xảy ra trong chính mình, thay vì cứ cố gắng điều chỉnh mình ở một ví trí hay trình độ quá cao siêu nào đó. Ví dụ như khi ngồi thiền, nếu mình có vọng tưởng thì hãy ghi nhận rằng mình có vọng tưởng, còn không có vọng tưởng thì cũng ghi nhận rằng mình đang không có vọng tưởng. Nghĩa là mình chấp nhận cả hai trạng thái đối lập đó, nếu nó xảy ra. Hạnh phúc hay phiền muộn cũng vậy, nó là những vấn đề rất tự nhiên của con người. Chúng ta không thể không có nó được, mà chúng ta chỉ có thể chánh niệm về nó, thực tập có ý thức về nó. Kể cả mình có muốn tiết chế hay đàn áp nó thì cũng không được. Quá trình hành thiền khác với các quá trình khác vì bạn chỉ có thể học cách chánh niệm về những gì đang xảy ra trong tâm thôi. Tự thân chánh niệm sẽ biết cách điều chỉnh.

- Trở lại với tác phẩm “Hiểu về trái tim” của ngài. Tôi hiểu, trái tim chỉ là một cách nói biểu tượng thôi, chứ thực ra là phải hiểu cả về tâm hồn, khối óc, tức là hiểu về toàn bộ guồng máy tâm thức bên trong mình nữa. Khi ngài nhấn mạnh tới việc phải hiểu về nó thì phải chăng trong thực tế, ngài thấy chúng ta đang hiểu lầm về nó rất nhiều?

- Các nhà khoa học nói rằng: Thế giới mà chúng ta đang nhìn chỉ hiện lên với đúng trình độ mà ta đang có. Nghĩa là nếu chúng ta ở một trình độ chưa đủ cao thì ta sẽ nhìn thế giới rất sai lầm. Đức Phật nói: “Vạn pháp duy tâm tạo”. Nghĩa là tâm chúng ta như thế nào thì ta sẽ nhìn vạn vật xung quanh như thế ấy. Điều này thật ra cũng rất giản dị, ví như trong giây phút này chúng ta không có nhiều lo lắng muộn phiền, những vết thương trong tâm hồn đang không chi phối chúng ta thì chúng ta sẽ nhìn mọi thứ gần đúng hơn so với những khi chúng ta rơi vào cơn tuyệt vọng, hay đang buồn bực, mệt mỏi, cáu giận. Trong sự giác ngộ, đức Phật thấy rằng chúng ta thường cố gắng thay đổi hoàn cảnh, môi trường, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thay đổi được, cho nên đức Phật thấy rằng khả thiết nhất là hãy thay đổi tâm thức của chính mình. Từ một tâm bất an chuyển thành tâm an, từ một tâm nông cạn chuyển thành tâm sâu sắc, từ một tâm bị rất nhiều mây mờ của vô minh bao phủ mà chuyển thành tâm trong sáng. Khi sở hữu tâm mình ở tầng cao nhất trong phạm vi có thể thì bấy giờ sẽ nhìn thấy thế giới xung quanh khác đi rất nhiều.

Thành ra, trong quá trình giúp đỡ tư vấn tâm lí trị liệu, có đôi khi cha mẹ dắt một đứa bé đến để nhờ tôi can thiệp những vấn đề tâm lí của cháu. Tôi nhìn qua và thấy rằng mặc dù cháu cần thay đổi nhưng thực chất cha mẹ cần thay đổi nhiều hơn. Vì cha mẹ có thể đã đặt ra những kì vọng - những áp lực quá mức để rồi các cháu bị khủng hoảng. Nếu cha mẹ thay đổi cách nhìn, rằng một đứa trẻ lớn lên không cần trở nên quá xuất sắc, mà chỉ cần mạnh khỏe về thể chất và tinh thần, được sống bình an hạnh phúc thì mọi chuyện sẽ khác. Mong muốn của cha mẹ thay đổi thì toàn bộ cục diện của gia đình cũng thay đổi và đứa bé cũng thay đổi. Một nhận thức thay đổi sẽ kéo theo những sự thay đổi khác, ảnh hưởng liên đới với nhau.

Mà nhận thức và cảm xúc của con người đều thay đổi được. Tâm ta có bản chất là vô thường, vô ngã, nên nó luôn luôn có thể thay đổi được. Chính vì thế mà người ta mới có niềm tin vào việc tu luyện. Người ta có niềm tin thì mới tu luyện. Tu để từ phàm trở thành thánh, để từ người đau khổ trở thành người hạnh phúc. Tóm lại, đức Phật luôn khuyên chúng ta quay trở về tâm, chăm sóc tâm hoặc ít nhất là ý thức được những gì đang xảy ra trong tâm, thay vì cứ lo dàn xếp ngoại cảnh theo ý mình. Làm chủ được tâm là thách thức rất lớn với con người, mà đáng lẽ nó phải là bộ môn ta phải được huấn luyện từ khi còn rất trẻ.

- Có một số nền giáo dục ở Nam Á rất chú trọng vào việc rèn tâm cho học sinh, ví dụ như ở Bhutan, trước hoặc sau một giờ học, thông thường học sinh luôn được ngồi thiền. Ở đây, tôi rất hiểu ý ngài về việc phải cố gắng rèn tâm, làm chủ tâm. Nhưng, thưa ngài, có những hoàn cảnh khốc liệt của đời sống diễn ra, khiến cho việc làm chủ tâm là thách thức cực đại. Xin lấy ví dụ như khi đại dịch COVID-19 quét qua châu Âu cách đây vài năm, nền y tế ở một số nước quá tải đến mức người ta không thể cứu được tất cả các bệnh nhân cùng lúc. Khi đó, ở một số trại dưỡng lão tại Italy, Tây Ban Nha, người ta buộc phải chọn người để cứu. Những người già quá, khả năng sống sót thấp sẽ bị bỏ lại. Những người trẻ hơn, có sức đề kháng tốt hơn sẽ được ưu tiên cứu chữa. Tôi tò mò là lúc đó, nếu ngài xuất hiện thì cảm giác của ngài sẽ như thế nào? Và, ngài có thể nói gì với những người xấu số bị bỏ lại trong cuộc chọn lựa sinh tử này?

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0

- (Ngẫm nghĩ...) Nếu có mặt ở đó thì chắc là tôi cũng sẽ đau khổ. Tôi chưa giác ngộ tuyệt đối đâu anh. Mà tôi nghĩ lúc đó các vị Bồ tát hay đức Phật cũng sẽ như thế: Đau khổ trong tỉnh giác, trong chánh niệm! Đau khổ vốn là một sự rung cảm tự nhiên bên trong con người. Chỉ có điều là những nhà tu hành, những người có phẩm chất làm chủ tâm sẽ không bị chìm đắm vào những đau khổ đó và không làm cho nó trở nên tồi tệ hơn.

Trong hoàn cảnh anh vừa đặt ra, điều tiếp theo tôi có thể làm là sẽ tìm cách để sẻ chia, xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của những người còn sống. Thật ra, tôi làm công tác chữa lành tâm lí hơn 15 năm rồi, tôi cũng chứng kiến những câu chuyện rất tang thương. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy chưa làm tốt được việc giữ vững cảm xúc khi chứng kiến một người mẹ mất đi đứa con nhỏ. Những lúc ấy, bà mẹ gần như phát điên, thậm chí chỉ muốn chết theo con. Việc của tôi là khai thị cho bà mẹ đang trong cơn khủng hoảng cảm xúc hiểu được bản chất của cái chết, của đời sống là gì. Tôi đồng hành bất cứ khi nào họ cần để giúp họ quay về với hơi thở, với sự tĩnh lặng bên trong. Tôi hiểu rằng, theo tiến trình thời gian thì sự đau khổ hay bất cứ một loại cảm xúc nào cũng đều tới lúc phải suy giảm. Có thể giảm nhanh hay chậm nhưng chắc chắn sẽ giảm. Đến khi nó giảm tới mức những người đau khổ có thể bình tĩnh một chút để lắng nghe được những điều chia sẻ của mình thì mình sẽ khai thị cho họ hiểu.

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0

- Chúng ta không thể chạy trốn khỏi đau khổ, mà có khi càng cố lảng tránh nó lại càng đuổi bắt. Nhưng, đúng là chúng ta có thể điều chỉnh bộ máy tâm thức bên trong mình, hoặc bị động, hoặc chủ động để đối diện với đau khổ trong tỉnh thức.

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0

- Mỗi người có mặt trong cuộc đời này đều có những nhân duyên khác nhau, với nhiều trách nhiệm, bổn phận khác nhau nên chúng ta không thể nào có một trí tuệ tuyệt đối để nhìn thấu suốt bản chất của sự sống, cái chết hay bản chất của khổ đau. Nên, chúng ta phải chấp nhận là với sự tu tập còn giới hạn, với trí tuệ còn giới hạn thì dĩ nhiên cuộc sống này còn khổ đau. Khổ đau có thể xảy ra sau đại dịch, sau những biến động, những tai nạn trong cuộc đời. Bản thân tôi cũng từng đón nhận một biến động rất lớn khi song thân tôi cùng qua đời trong một tai nạn và lúc đó chính tôi đã chìm vào khổ đau.

Tuy nhiên, sau này tu luyện sâu sắc tôi nhận ra, một điều bất toại nguyện xảy ra chỉ gây ra một vết thương cho mình thôi nhưng cách mình đối diện với điều bất toại nguyện có thể lại gây ra một vết thương nữa, tức là khổ đau chồng chất khổ đau. Đức Phật nói: Có một người nào đó bắn vào mình một mũi tên, vết thương ấy chỉ làm cho mình đau nhức chứ không làm mình chết. Nhưng, ngay sau đó có một mũi tên thứ hai lao tới cắm ngay vào vị trí của mũi tên thứ nhất, lúc này cái đau nhân lên, không phải gấp 2 lần, 3 lần, mà là gấp trăm ngàn lần, thậm chí có thể giết chết mình. Do vậy, khi một biến cố xảy ra, thái độ của mình với biến cố ấy mới quyết định khổ đau của mình lớn nhỏ như thế nào. Thực ra, với những người từng trải nghiệm, từng đi qua khổ đau thì họ luôn biết cách khéo léo không để chìm vào vũng lầy của khổ đau. Ngược lại, với những người luôn sống trong điều kiện thuận lợi, ít chông chênh thử thách thì khi khổ đau ập đến, họ sẽ lập tức trở thành nạn nhân của nó.

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0
Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0
Sư Minh Niệm trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

- Nhà Phật hay nói tới “chánh niệm”, ngài cũng vừa nói tới “khổ đau trong chánh niệm”. Tôi hiểu thế này: Khi một biến cố bất ngờ đổ ập lên ta, tất yếu tâm thức ta phản ứng. Nó phản ứng một cách rất tự nhiên và bản năng, đấy là tâm tạo tác. Nhưng, nếu thực tập chánh niệm, người ta sẽ có một cái tâm thứ hai, đó là tâm quan sát. Lúc ấy người ta sẽ tách mình khỏi mình để quan sát tất cả những trạng thái cảm xúc vừa xảy ra trong mình. Cái tâm quan sát này sẽ điều chỉnh tâm tạo tác và chính cái tâm quan sát này mới là chìa khóa giúp người ta vượt thoát khỏi khổ đau. Nhưng, muốn có tâm quan sát thì phải tập luyện, phải tĩnh lặng quay về bên trong, nương tựa vào hơi thở, tức là phải thiền. Hiểu như thế có đúng không ạ?

- Trong thiền tập, các vị thiền sư đều khuyên chúng ta hãy biến khổ đau thành một đề mục để quan sát. Nghĩa là, khổ đau cứ xảy ra nhưng trong con người mình còn những giá trị khác nữa, chứ không phải chỉ có mỗi khổ đau. Đúng là khi đó, việc của chúng ta là phải tách mình ra khỏi khổ đau để quan sát nó. Thực tế, có những người chìm vào khổ đau tới mức mất ăn mất ngủ. Lúc ấy hãy thực tập tách mình khỏi khổ đau để quan sát khổ đau, đến khi nào mình có thể ăn được, ngủ được, sinh hoạt được, cười nói được thì khổ đau có cơ hội được chữa lành rất cao. Còn những người cứ nhất nhất không chịu ăn uống, tiếp xúc, sinh hoạt và cứ nghĩ rằng mình phải khổ đau thôi, không nên thoát khỏi khổ đau, vì nếu thoát ra thì không còn gì cả - những trường hợp như thế không ai có thể giúp họ được cả. Khổ đau sẽ nuốt chửng họ.

- Thưa ngài, khoảng 10 năm trước tôi đã xem một phim và bị ám ảnh mãi bởi một cảnh tượng khổ đau tột cùng trong bộ phim. Đó là phim “Đường Sơn đại địa chấn”, kể về một trận động đất khủng khiếp ở Trung Quốc. Sau trận động đất, hai đứa con của một bà mẹ bị đè xuống bởi hai đầu của một miếng bê tông. Để cứu hộ, người ta bắt buộc phải đè một đầu bê tông xuống thì mới bênh được đầu bê tông còn lại và cứu được một trong hai đứa trẻ. Đè đầu bê tông nào và bênh đầu bê tông nào đây? Cứu đứa con nào và chấp nhận đè chết đứa con nào đây? Người mẹ gào thét trong điên dại: “Tôi muốn cứu cả hai”, nhưng đội cứu hộ nói với bà rằng, đấy là điều không thể. Và rằng, nếu bà không sớm quyết định thì cả hai đứa con đều chết. Cuối cùng, không còn cách nào khác, bà đã buộc phải chọn lựa trong một trạng thái bị đọa đày thần kinh đến tột cùng. Tôi tự hỏi là trước một hoàn cảnh đau khổ đến nhường ấy, nếu lúc ấy đức Phật hiện ra, ngài sẽ nói gì với bà mẹ?

- Trong tình huống này, chúng ta hiểu là bà mẹ đều yêu thương cả hai đứa con, chắc chắn là như thế, và sự thương yêu đó không có chỗ cho những lựa chọn của lí trí. Cho nên, trong hoàn cảnh đó, bà mẹ nào cũng sẽ khủng hoảng tinh thần, thậm chí sẽ phát điên. Đức Phật không phải là người có thể giúp đỡ ngay trong tình huống ấy, đức Phật không có phép lạ để cứu đứa trẻ bị bỏ lại thoát chết. Đức Phật chưa bao giờ nói là có thể trực tiếp cứu giúp chúng ta thoát khỏi khổ đau theo cách ấy cả, nhưng đức Phật chỉ cho chúng ta một con đường, mà nếu đi trên con đường ấy chúng ta có thể tự mình thoát khổ.

Một cách thực tế hơn, nếu có mặt tại thời điểm biến cố xảy ra, tôi cũng chỉ có thể giúp bà mẹ vơi bớt nỗi khổ niềm đau một cách dần dần thôi, với một điều kiện là bà mẹ thực sự muốn thoát ra sớm vì nhận thấy vẫn còn phải sống, phải có trách nhiệm với đứa con còn lại.

- Xin cảm ơn ngài và hẹn gặp lại ngài trong kỳ đối thoại tiếp theo!

(Còn nữa)

Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0
Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0
Sư Minh Niệm: Khổ đau sẽ nuốt chửng chúng ta, nếu… -0
Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.