Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Đây là lý do tôi không ăn hối lộ!
Tôi giữ lửa bằng cách tự giao trọng trách cho mình. Sống một lần thì sống cho nó tử tế. Học trò của mình đông thế, mình phải làm gương. Đời mình thế, mình phải happy (hạnh phúc - PV), nghề đã chọn mình phải vừa làm, vừa truyền cảm hứng cho người khác...
Với hơn 25 năm cầm bút, trải qua nhiều tờ báo lớn, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là một cây phóng sự - điều tra giàu kinh nghiệm của làng báo Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2021, anh và đồng nghiệp của mình đã có một loạt phóng sự dài kỳ, tấn công vào các “hang ổ” phá rừng khổng lồ, các tụ điểm nuôi nhốt và buôn bán trái phép hổ cùng nhiều loài động bật hoang dã quý hiếm lớn bậc nhất Việt Nam. Anh chia sẻ với ANTG Giữa tháng - Cuối tháng về những pha mạo hiểm của nghề viết điều tra cũng như những ngẫm ngợi thăng trầm sau 25 năm dấn thân cùng nghề báo.
Các nhân vật trong phóng sự đều chịu án
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh, được biết, có rất nhiều nguy hiểm rình rập khi anh và nhà báo Hoàng Chiên quyết tâm “công phá” những kẻ nuôi giữ động vật trái phép rồi tố cáo các đường dây sai phạm lên Cơ quan Công an... Bây giờ, khi câu chuyện đã xong xuôi, ngồi bình tĩnh nghĩ lại, anh thấy mối nguy hiểm lớn nhất lúc đó là gì?
- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi nghĩ là chưa xong xuôi đâu. Vì tòa vẫn tiếp tục xử. Bạn hình dung, hàng chục năm qua, các “làng nuôi hổ”, các tụ điểm buôn bán thú rừng xuyên quốc gia, xuyên lục địa đã đem lại siêu lợi nhuận, mà có lẽ lợi nhuận chỉ sau có... ma túy! Giá chợ đen, một cá thể hổ trong ngục tối họ nuôi, bán được hơn 1 tỷ đồng. Bây giờ nhà báo vào, ghi hình, giao dịch, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, rồi đưa tư liệu “độc quyền”, phối hợp với cơ quan chức năng để các đồng chí ấy đi triệt phá. Như thế đủ thấy sự nguy hiểm là thế nào.
Khi bạn hỏi, mối nguy hiểm lớn nhất là gì, tôi trả lời, là tôi đã không giấu được rằng mình đã tham gia điều tra. Khi chúng tôi nhận giải nhất báo chí lần đầu tiên, nhận lễ vinh danh đóng góp của nhà báo từ tổ chức lớn nhất thế giới về bảo tồn (WWF), rồi Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam thì họ tổ chức lễ thưởng nóng 70 triệu đồng. Rồi các giải báo chí lớn nhất Việt Nam ghi nhận giải quán quân nữa. Lúc ấy, không giấu được nữa. Biết không giấu được nên tôi đành... trả lời bạn. Xin liệt kê để bạn hình dung họ “ghét” tôi thế nào: Đường dây cung cấp hổ con bị bắt, 2 đối tượng chia nhau 9 năm tù; người nuôi trái phép 14 cá thể hổ trưởng thành trong nhà lĩnh án 7 năm tù; người nuôi trái phép 3 chúa sơn lâm nặng 2-3 tạ, thụ án 30 tháng tù... Năm 2021, tuyến bài độc quyền bảo vệ rừng nghiến cổ thụ ở Hà Giang của tôi đã khiến 13 “nhân vật” chủ chốt bị cách tất cả chức vụ, bị bắt giam, tạm giữ hình sự..., rồi lĩnh án 64 năm tù (hiện chưa xét xử hết).
- Chúng ta cùng là những người làm nghề, nên sẽ không lên gân, không tô vẽ về bất cứ chi tiết nào liên quan đến nghề nghiệp của chúng ta. Do vậy, tôi xin hỏi thật, với nhiều nguy hiểm như vậy, có thời điểm nào anh muốn bỏ cuộc không?
- Nói thật, các vụ điều tra thất bại nhiều hơn các vụ thành công. Nói thật, lúc mệt mỏi và muốn rút êm để an toàn nhiều hơn là lúc muốn xông pha. Tuy nhiên, nói đi thì vẫn phải nói lại: Đã làm thì không sợ mà đã sợ thì không làm. Tôi chấp nhận, tôi chỉ mong những người bị các tuyến bài của tôi tố cáo kia hiểu một điều rằng: tôi không ghét bỏ gì họ cả. Đơn giản là tôi yêu nghề, yêu công lý và muốn làm gì đó cho cộng đồng thôi.
Không đổi mới là tự sát
- Bây giờ chúng ta sẽ nhìn rộng hơn về thể loại báo chí điều tra. Ai cũng hiểu, để hoàn thành tốt thể loại này, nhà báo nhiều lúc phải hóa thân, phải nhập vai. Trong suốt quá trình nhập vai đó, không loại trừ những lúc nhà báo đứng trước cạm bẫy. Và, nếu không tỉnh táo, nhà báo sẽ sập bẫy. Anh có thể chia sẻ những câu chuyện cụ thể về điều này được không?
- Tôi bị dụ dỗ, bị gạ gẫm đưa hối lộ nhiều lần. Đôi khi, khó khăn về tài chính lắm chứ. Đi hàng nghìn cây số mỗi lần bằng xe riêng, mỗi tuyến bài, cả ê-kíp đi hàng chục lần, ăn ở rất tốn kém. Có khi vào vai đại gia mua hổ nấu cao, có khi vào vai trùm buôn gỗ nghiến lậu, có khi vào vai kẻ ấu dâm thác loạn..., toàn những “vai diễn” xỉa tiền không tiếc tay. Túng thiếu chứ. Nói là chưa từng nghĩ đến sức mạnh của đồng tiền mua chuộc thì cũng hơi... lên gân đấy.
Nhưng, tôi khoan nói chuyện đạo đức ở đây. Chỉ nói con tính khôn ngoan thôi. Giả dụ họ hối lộ tôi 2,5 tỷ đồng thì 25 năm cầm bút, đổ máu, đổ mồ hôi, đổ cả tuổi trẻ của tôi chỉ đáng giá có thế thôi ư? Tôi chia nhé, vậy là có 100 triệu đồng/năm; mỗi tháng chưa đầy 10 triệu. Bằng lương công nhân khu công nghiệp. Thế mà tôi đánh đổi để đi tù, để mất toàn bộ cái “hổ chết để da, người ta chết để tiếng” à? Thôi thì, lành cho sạch, rách cho thơm. Tôi cứ cố thủ là một người không thể mua chuộc, ai bị mua chuộc thì tùy.
À, năm qua, riêng tiền giải thưởng báo chí của tôi hơn 300 triệu đồng, tội gì “ăn” cái tiền hối lộ kia. Bố tôi bảo, nhà này có 7 thằng con giai tên là “Đỗ Doãn Hoàng...” - tức là con, cháu lấy tên tôi làm tên chúng (thêm cái đuôi gì đó sau chữ “Hoàng”), mày liệu mà ăn ở để các cháu nó khỏi nhục (cười...). Sức ép ấy là lớn nhất.
- Trong suốt quá trình hành nghề, có lúc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị chửi bới, thậm chí là đánh đập. Lúc đó, vợ con anh nói gì? Có bao giờ vì quá lo sợ mà họ khuyên anh bỏ nghề không?
- Cơ bản là khuyên... bỏ nghề điều tra, đi dạy học, lâu nay tôi vẫn đào tạo báo chí mà, hoặc đi làm PR (truyền thông - quảng cáo) cho doanh nghiệp. Bạn bè cũng khuyên như thế.
- Có một đặc điểm ở anh mà tôi rất phục, đó là lúc nào cũng thấy ngọn lửa nghề trong anh ngùn ngụt cháy. Nói chuyện với anh, làm việc với anh, bất cứ ai cũng cảm nhận được một nguồn năng lượng công việc dạt dào. Bí quyết giữ lửa nghề là gì, thưa anh?
- Tôi giữ lửa bằng cách tự giao trọng trách cho mình. Sống một lần thì sống cho nó tử tế. Học trò của mình đông thế, mình phải làm gương. Đời mình thế, mình phải happy (hạnh phúc - PV), nghề đã chọn mình phải vừa làm, vừa truyền cảm hứng cho người khác. Và. thước đo giá trị nghề của tôi với anh, ta nên đo bằng việc ta làm được gì cho xã hội. Đừng chém gió làm gì. Cứ đem ra đo đi. Bài có ai đọc không, đọc có ai làm theo không, làm theo thì làm theo thế nào, chứng minh đi. Ảnh đâu, video đâu, văn bản đâu. Tôi tố nhiều vụ, cầm hồ sơ lên gặp các Bộ, ngành, rồi cùng họ soạn dự thảo chỉ thị trình Thủ tướng. Vừa rồi, chỉ thị ra đời, tôi mới dám khoe.
- Anh đã định danh tên tuổi mình trong làng báo từ rất lâu rồi. Có khoảnh khắc nào anh thấy cái bóng của quá khứ đang đè lên hiện tại của mình hay không?
- Tôi luôn nghĩ: Không đổi mới là tự sát. Bản thân sự đổi mới đã chính là hạnh phúc, nhất là khi tôi mở rộng địa bàn ra nước ngoài. Tôi thoát khỏi cái bóng của mình không quá khó là vì thế.
Muốn con theo nghề, nhưng...
- Công việc của một cây phóng sự điều tra biến anh trở thành một chân đi/chân chạy thực sự. Biết bao nhiêu vùng đất, bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu con người đã được anh khám phá. Có bao giờ anh nghĩ tới viễn cảnh vì lý do tuổi tác mà một lúc nào đó mình không thể đi mãi, đi hoài được nữa? Lúc đó anh sẽ làm gì?
- Đây là câu hỏi tôi luôn trăn trở mà chưa bao giờ có ý định trả lời vội, dù năm nay đã 47-48 tuổi rồi. Dĩ nhiên, trẻ thì đá bóng, già sẽ làm huấn luyện viên. Bỏ “sân chơi” thì buồn lắm.
- So với thời anh mới vào nghề, số lượng và chất lượng những nhà báo trẻ hiện nay ở mảng phóng sự điều tra như thế nào? Nếu có một lời khuyên, anh sẽ đưa ra lời khuyên nào cho họ?
- Thước đo cao quý nhất cho phẩm cách của một nhà báo điều tra là họ đã làm được gì cho xã hội. Cho nên, trước khi quá đề cao đến lòng tự trọng của mình, ta phải hành động thực tâm và chuẩn chỉ từng li từng tí. Từng cách giao tiếp tin nhắn, điện thoại; cho đến chữ hiếu đễ, đến cách đối nhân xử thế; đến luật pháp và đến cả tư duy về một thế giới phẳng mà không một đề tài nào được phép khuôn mình trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ...
- Anh có muốn con cái theo nghiệp mình không?
- Tôi rất muốn, con tôi có mấy năm học ở Mỹ vì muốn theo nghề bố. Cháu giờ cũng học truyền thông chuyên nghiệp nhưng theo nghề như bố hay không thì tôi không dám chắc. Thật sự không dám chắc.
- Câu hỏi cuối: Khoảnh khắc vinh quang nhất và khoảnh khắc cay đắng nhất mà nghề báo để lại trong anh, tính đến lúc này là gì?
- Đây là lần đầu tiên trong đời tôi xin phép không trả lời một câu hỏi phỏng vấn, dù người hỏi là nhà báo Phan Đăng mà tôi ái mộ và dù tôi cũng được biết đến là người khá linh hoạt trong khả năng ngôn ngữ. Vì tôi muốn nói sự thật này vào một dịp khác.
- Xin cảm ơn anh!