Đại sứ nước Công hòa Cuba tại Việt Nam Herminio López Díaz: Cuba sẵn sàng đối phó với mọi thách thức trong bối cảnh mới

Thứ Sáu, 13/02/2015, 22:56
Sau hơn 50 năm cấm vận Cuba, vừa qua Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố thay đổi chính sách đối với Cuba nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ. Nhân thắng lợi của chính quyền và nhân dân Cuba, phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc phỏng vấn ngài Đại sứ Cuba tại Việt Nam Heminio López Díaz về tương lai của Cuba sau sự kiện nói trên.

Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng xin trân trọng giới thiệu cuộc phỏng vấn này.

- PV: Rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức chọn sự kiện quan hệ Mỹ - Cuba đã được khai thông trong năm nay là một trong những sự kiện lớn nhất đối với đời sống chính trị của Việt Nam cũng như đời sống chính trị trên thế giới. Tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam, các trang mạng cá nhân, xã hội đều đưa tin đó. Tôi thấy rằng người Việt Nam vẫn yêu nhân dân Cuba như chưa bao giờ thay đổi. Ngài cảm nhận được điều đó như thế nào?  

- Ông Herminio López Díaz: Tôi có cảm nhận được tình cảm đó của nhân dân Việt Nam. Sau tuyên bố ngày 17/12 vừa qua, tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với nhiều người bạn Việt Nam làm việc ở các lĩnh vực khác nhau. Thậm chí hôm đó, chỉ vài giờ sau khi báo chí đưa tin về tuyên bố này, tôi đã nhận được nhiều tin nhắn qua điện thoại của bạn bè chúc mừng về thành công của Cuba. Ngoài ra trong các cuộc gặp và phỏng vấn chính thức hay những cuộc trao đổi với các đồng chí phía Việt Nam, tôi cũng đã cảm nhận được niềm vui của nhân dân Việt Nam trước sự kiện mang tính tích cực của Cuba. Như chúng tôi cũng như các lãnh đạo của Cuba đã nói, đây mới chỉ là bước khởi đầu, hay nói cách khác đây là tuyên bố của cả hai bên về quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao và sau đó là tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Việc bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa Cuba và Mỹ không đơn giản là quá trình của ngày một ngày hai, mà có thể sẽ tương đối dài, bởi lẽ việc dỡ bỏ hoàn toàn bao vây cấm vận do Mỹ áp đặt chống Cuba phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên, có một yếu tố mà ta phải nhắc đến đó là Tổng thống Mỹ đã có biện pháp thay đổi trong việc thực hiện và áp dụng bao vây cấm vận. Biện pháp mang tính tích cực của Tổng thống Mỹ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ song phương hai nước, cũng như có thể tạo điều kiện để dỡ bỏ hoàn toàn bao vây cấm vận này. Có một điểm tích cực đó là ông Obama sẽ tiến hành các đàm phán và trao đổi cần thiết với Quốc hội Mỹ để đánh giá khả năng về việc dỡ bỏ hoàn toàn bao vây cấm vận Cuba.

Sau các đàm phán với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Mỹ Latinh, sẽ là thời điểm chúng tôi bắt đầu thảo luận một cách chính thức về việc thực hiện các bước tiếp theo như thế nào. Sự kiện lịch sử này, hay nói cách khác là tuyên bố của hai nước về quyết định tiến tới bình thường hóa quan hệ có thể được coi là thắng lợi của Cuba sau nhiều năm nhân dân Cuba kiên cường đấu tranh chống lại chính sách thù địch mà nhân dân chúng tôi phải chịu đựng hàng chục năm qua. Đây cũng là thành quả của Chính quyền Cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba và hai vị lãnh tụ lịch sử Fidel Castro và Raul Castro, hai vị lãnh đạo chúng tôi rất ngưỡng mộ.

Kể từ khi tuyên bố được đưa ra, tại Việt Nam, chúng tôi nhận được nhiều sự chia sẻ vui mừng cũng như khen ngợi về thắng lợi của Cuba, chúng tôi cũng vui mừng được chia sẻ niềm vui này với nhân dân Việt Nam. Mặc dù được coi là một thắng lợi của Cuba nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rằng quá trình bình thường hóa hoàn toàn vẫn cần có thời gian và còn nhiều việc phải làm phía trước để hiện thực hóa.

- Rất nhiều người Việt Nam dù vui mừng trước quan hệ giữa Cuba và Mỹ đã bước sang kỷ nguyên mới, nhưng không ít người Việt Nam vẫn nổi giận với người Mỹ là tại sao họ có thể làm những điều bất công như vậy với người dân Cuba trong thời gian quá dài. Theo ông lý do gì đã khiến Mỹ kéo dài quá mức (hơn 50 năm) đối với Cuba trong hành động mà theo người Việt Nam đây là sự bất công, sự thù địch và việc chơi không đẹp?

- Lý do chính thì như các bạn đã biết, Cuba là nước bị Mỹ thống trị trong suốt gần 60 năm qua. Cuba giành lại tự do từ ách thống trị Tây Ban Nha, tuy nhiên đến giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh giành độc lập, Mỹ nhân cơ hội nhảy vào và ban đầu thì nói là giúp Cuba chống lại Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng là Mỹ can thiệp để kiểm soát chính trị cũng như kinh tế đất nước chúng tôi. Mỹ đã liên kết các chế độ thống trị của mình tại Mỹ Latinh và trong lịch sử từ trước đến giờ Mỹ luôn coi Mỹ Latinh và Caribe là sân sau của mình.

Thực tế mà nói, Cuba với cuộc Cách mạng của mình và những biện pháp Cách mạng đưa ra trong lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế luôn là một trở ngại đối với sự thống trị của Mỹ không chỉ ở Cuba mà ở cả Mỹ Latinh này. Đây chính là lý do mà người Mỹ và Chính quyền Mỹ không bao giờ bỏ qua cho Cuba. Ngoài ra, trong bối cảnh được biết đến với cái tên Chiến tranh lạnh, Mỹ đã lấy cớ Cuba cùng phe với Liên Xô và Xã hội chủ nghĩa để gây hấn và xâm lược. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đó chỉ là cái cớ bởi lẽ khi Liên Xô tan rã và phe Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, quan hệ giữa Cuba và các nước này thay đổi nhưng Mỹ vẫn duy trì bao vây cấm vận và các chính sách chống Cuba.

Về cơ bản thì bản chất của sự thù địch nằm ở lý do Mỹ kiêu ngạo là một nước lớn luôn nắm quyền kiểm soát cả khu vực Mỹ Latinh và châu Mỹ, không bao giờ chấp nhận việc một nước nào đó thoát ra khỏi sự thống trị của mình và giành được chủ quyền và độc lập. Đây bị coi là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới việc thống trị của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ không chỉ xâm lược bằng cách bao vây kinh tế, mà còn xâm lược bằng quân sự và âm mưu ám sát Tổng Tư lệnh Fidel Castro, lãnh tụ của chúng tôi. Theo thống kê có gần 500 kế hoạch ám sát nhằm vào Fidel nhưng tất cả đều thất bại nhờ sự đấu tranh và tinh thần dũng cảm của nhân dân chúng tôi.

Ngoài ra còn có các hình thức xâm lược khác như cuộc xâm lược vào bãi biển Girón năm 1961 và các hình thức xâm lược khác mà chúng tôi phải chịu do Mỹ, Cơ quan tình báo Trung ương và những phần tử gốc Cuba làm việc cho Mỹ thực hiện. Đồng thời Mỹ còn liên quan tới nhiều hoạt động khủng bố nhằm vào Cuba, ví dụ như việc đánh bom máy bay dân sự của Cuba năm 1976 cướp đi sinh mạng của nhiều thanh niên trong đó có cả đội tuyển đấu kiếm quốc gia Cuba. Đó là lịch sử quá trình xâm lược của Mỹ và bản chất của sự căm giận nằm ở chỗ đó. Nhiều người cho rằng chính sách thù địch Cuba bị duy trì lâu như vậy là bởi một nhóm cộng đồng người Mỹ gốc Cuba luôn có lập trường thù địch Chính phủ và Cách mạng Cuba.

Trên thực tế, nhóm người này ngày càng trở nên thiểu số trong cộng đồng những người Mỹ gốc Cuba, họ là những người có tiềm lực về kinh tế, đặc biệt là có quan hệ và tầm ảnh hưởng quan trọng về mặt chính trị ở Washington. Hiện nay nhóm người nói trên có đại diện tại Quốc hội, Thượng viện và Hạ viện Mỹ, họ luôn có lập trường thù địch đối với mọi chính sách tiếp cận hay cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Sau tuyên bố ngày 17/12 vừa qua, nhóm người này đã chất vấn, chỉ trích và phản đối bước tiến nói trên, hơn nữa họ đã tuyên bố sẽ phản đối mọi đề xuất tại Quốc hội cũng như mọi quyết định của Chính quyền Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Nói cách khác là phải tính đến vai trò của nhóm lợi ích cánh tả, bảo thủ và phản ứng quyết liệt gốc Cuba trong xã hội Mỹ. Như tôi đã nói thì nhóm người này đang dần trở nên thiểu số và ngày càng có sự đồng thuận trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba về việc chính sách này cần phải thay đổi và cần phải có mối quan hệ bình thường như với các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam,… và mối quan hệ thường xuyên hơn nữa giữa những người Mỹ gốc Cuba và gia đình của mình tại Cuba.

Theo ý kiến của tôi, nhóm người này sẽ lại đối mặt với thất bại vì lịch sử sẽ một lần nữa chứng minh cho họ thấy, vì ngày càng có sự đồng thuận trong xã hội Mỹ về việc chính sách này cần phải thay đổi và bởi Cuba sẽ vẫn giữ lập trường kiên cường của mình đối với sự thù địch. Phía chúng tôi đã tuyên bố rõ ràng là sẵn sàng đàm phán về việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mọi đàm phán đều mở nhưng phải trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và không can thiệp vào vấn đề nội bộ cũng như mưu đồ lật đổ chế độ chính trị và kinh tế mà nhân dân Cuba chúng tôi đã lựa chọn.

- Tổng thống Obama có phát biểu là ông nhận thấy đi đến quyết định bỏ cấm vận Cuba là bởi hơn 50 năm qua chính sách thù địch này của Mỹ không mang lại kết quả gì cho Mỹ cả và họ đã tìm con đường khác. Có một số người cho rằng việc tìm con đường khác này thì người Mỹ vẫn không từ bỏ mục đích của họ đối với Cuba là thay đổi Chính phủ Cuba, thay đổi đất nước Cuba. Ông nghĩ thế nào về quan điểm đó?

- Chúng tôi nhận thức được rằng Chính phủ Mỹ luôn có mục tiêu chiến lược là thay đổi Cuba hay nói cách khác là thay đổi chế độ Cuba. Chúng tôi vẫn biết rằng kể cả khi đạt được tiến triển trong bình thường hóa quan hệ với Cuba thì Chính phủ Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên ý đồ đó. Điều chúng tôi phải nói với họ về việc này là nếu chúng tôi đã có khả năng đấu tranh chống lại những hành động thù địch và xâm lược khác nhau trong hàng thập kỷ qua một cách dũng cảm và cao thượng và Cuba đã bảo vệ được độc lập và chủ quyền của mình thì chúng tôi tin chắc rằng nhân dân Cuba có đủ sức mạnh để đối phó trong bối cảnh mới có thể sẽ phức tạp hơn.

Nhưng nên nhớ rằng Cuba đã trở thành một nước có đủ nguồn lực cần thiết nhờ sự phát triển về giáo dục, nhân dân Cuba là những người có học thức và thừa hiểu biết để nhận ra đâu là ý đồ của Chính phủ Mỹ. Nhân dân Cuba đã được chuẩn bị sẵn sàng để chung sống hòa bình cũng như đối phó với mọi thách thức có thể đem lại khi quan hệ với Mỹ. Nhân dân và Chính phủ Cuba mong muốn một ngày nào đó Chính phủ Mỹ hiểu ra và phải từ bỏ ý đồ thay đổi hệ thống chính trị và kinh tế Cuba, không được can thiệp vào vấn đề nội bộ của Cuba, bởi lẽ việc can thiệp vào vấn đề nội bộ của Cuba lịch sử đã minh chứng là không thể. Mỹ phải từ bỏ và quên đi những ý đồ đó vì nhân dân Cuba chúng tôi sẽ vẫn biết đấu tranh và chiến thắng mọi ý đồ xâm lược dù là ở phương diện nào.

Chúng tôi biết rằng bối cảnh mới sẽ phức tạp hơn và chúng tôi nhận thức được rằng ý đồ đó Mỹ vẫn theo đuổi, trong tương lai sẽ vẫn có những hành động xâm lược Cuba. Nhưng tôi nhấn mạnh lại rằng nhân dân chúng tôi đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó và trong mọi hoàn cảnh chúng tôi sẵn sàng cho Chính phủ Mỹ thấy là việc bình thường hóa quan hệ này như Chủ tịch Raul của chúng tôi đã nói, phải dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và bình đẳng của Cuba.

- Mọi người đều biết rằng khi quan hệ giữa Mỹ và Cuba mở ra, cấm vận bị dỡ bỏ thì Cuba sẽ phát triển rất nhanh bởi vì Cuba là một nước có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các lĩnh vực khác. Nhưng Cuba cũng sẽ có nhiều thách thức trong sự mở cửa này. Ông có thể hình dung đó là thách thức gì trong tương lai khi Cuba mở cửa và Cuba phải làm thế nào để đối phó với những thách thức đó?

- Cuba có rất nhiều thách thức, trong đó bao gồm cả những thách thức liên quan trực tiếp tới các mối quan hệ với Mỹ, các thách thức trong việc thực hiện các đường lối mà Đại hội VI của Đảng Cộng sản thông qua năm 2011 về việc phát triển kinh tế nhằm đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Đây là thách thức chủ yếu đối với Cuba, phụ thuộc vào nỗ lực của mọi người dân Cuba và cần tới những tài năng và giá trị mà Cách mạng Cuba đã xây dựng nên. Thách thức này là quan trọng nhất và ở khía cạnh nào đó có liên quan tới các thách thức trong quan hệ giữa Cuba với Mỹ. Tuy nhiên nó cũng tách rời với các thách thức mới trong quan hệ này. Quay lại thách thức trong việc phát triển quan hệ với Mỹ. Ví dụ, trong tương lai Cuba có thể sẽ đón lượng lớn khách du lịch Mỹ nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tội phạm gia tăng.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chúng tôi sẵn sàng đối phó với mọi hoàn cảnh vì Cuba có chính sách phát triển du lịch phù hợp, đáp ứng được việc ngày càng tăng lượng khách du lịch và hàng năm Cuba đón khoảng 3 triệu lượt khách. Hơn nữa, trong lịch sử chưa từng có việc hạn chế sự du nhập của nền văn hóa Mỹ tại đất nước chúng tôi. Cuba không lo sợ sự hiện diện của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới bản sắc và giá trị lịch sử của đất nước mình.

Tôi tin rằng giá trị này đủ mạnh và trên thực tế người dân Cuba không thù ghét nhân dân Mỹ, ngược lại người Mỹ biết rằng nếu đến Cuba họ sẽ được chào đón bằng tình hữu nghị. Đây cũng là một lý do vì sao bao vây cấm vận bị duy trì lâu đến vậy, bởi lẽ những người muốn duy trì chính sách thù địch này đều biết nếu cho phép người dân Mỹ sang Cuba họ sẽ nhận thấy một thực tế hoàn toàn khác và họ sẽ đứng về phía hiện thực Cuba và điều này đã từng xảy ra trong quá khứ.

Do vậy mà Chính quyền của Tổng thống Bush (con) là Chính quyền gắt gao nhất về chính sách thù địch Cuba và có nhiều cấm đoán trong quan hệ với Cuba. Chính quyền Mỹ nghiệm ra rằng dòng khách du lịch Mỹ sang Cuba trước đó đã tạo ra sự thay đổi về cách nhìn nhận của người Mỹ về Cuba vì khi sang Cuba người Mỹ đã nhận thấy hiện thực Cuba hoàn toàn khác so với những gì báo chí Mỹ viết và những gì người ta nói tại Mỹ về đất nước Cuba. Nói cách khác là chúng tôi nhận thức được việc mở rộng quan hệ với Mỹ sẽ có ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực.

Tuy nhiên chúng tôi không lo sợ bởi lẽ có sự rõ ràng trong đường lối của Đảng và Chính phủ Cuba: Sẵn sàng có quan hệ bình thường, chúng tôi muốn có quan hệ kinh tế và thương mại bình thường với Mỹ, chấp thuận sự đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ, tăng cường giao lưu trao đổi văn hóa và thể thao v.v...

Ngài Đại sứ nước Cộng hòa Cuba Heminio López Díaz tiếp đón Tiến sĩ, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Thiếu tướng Phạm Văn Miên trong buổi Đoàn công tác Báo Công an nhân dân tới thăm và làm việc (ngày 15/1/2015).

Chúng tôi không có bất cứ vấn đề gì trong việc mở rộng quan hệ. Chúng tôi tin rằng việc bình thường hóa quan hệ cũng sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực khác, hay nói cách khác là bắt đầu từ các quan hệ này chúng tôi sẽ bắt đầu nhận được những ảnh hưởng hay nỗ lực nào đó từ phía Mỹ và nhân dân Cuba bằng các giá trị và sức mạnh của mình cùng với tinh thần của Cách mạng Cuba sẽ thay đổi nhận thức của những người có cái nhìn sai lệch về Cuba và thông qua truyền thông báo chí có thể tiếp cận được với hiện thực Cuba. Chính vì vậy mà tôi đã nói rằng chúng tôi sẵn sàng và hoàn toàn có thể đối phó với mọi thách thức trong việc mở rộng quan hệ với Mỹ.

- Một trong những nguyên nhân khó khăn nhất gây ra sự thù địch với Chính phủ cũng như nhân dân Cuba, cản trở việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba là những nhóm người Cuba lưu vong phản động. Tới đây khi chính sách ngoại giao giữa hai nước sẽ thay đổi thì Chính phủ Cuba sẽ đối xử thế nào đối với những nhóm lưu vong vẫn còn thù địch với Cuba?

- Chính sách của Cuba rất rõ ràng: Phát triển quan hệ với các cộng đồng Cuba không chỉ với Mỹ mà ở cả các quốc gia khác trên thế giới. Trong bối cảnh Mỹ luôn hướng sự thù địch vào Cuba thì chúng tôi bị hạn chế nhiều trong các mối quan hệ này và trên thực tế một nhóm cộng đồng thiểu số tại Mỹ ở khía cạnh nào đó góp phần làm tăng sự thù địch của Mỹ đối với Cuba.

Thế nên những người có liên quan tới các hành động xâm lược, khủng bố Cuba hay những người từng là tay sai và sát thủ của chế độ độc tài Batista thì Chính phủ Cuba từ trước tới giờ không quan hệ và cũng không có ý định thiết lập quan hệ. Đại diện của cộng đồng Cuba muốn hòa nhập và có lập trường tôn trọng Cuba thì Chính phủ Cuba sẵn sàng thiết lập quan hệ.

Còn đối với nhóm thiểu số có thái độ thù địch và tích cực trong việc khuấy động sự thù địch thì ở Cuba chúng tôi hay nói câu: “Sớm muộn cũng sẽ phải trả giá”, cuối cùng thì nhóm người này vẫn chỉ là nhóm thiểu số, không có tiếng nói, cùng quẫn chống lại những tiến bộ trong quan hệ giữa Cuba và Mỹ, hoặc sẽ phải thay đổi nhận thức và có một thái độ tích cực. Cuba trong hàng thập kỷ qua chưa từng lùi bước hay chịu khuất phục trước sự xâm lược và thù địch của Mỹ - một đất nước từ trước tới giờ luôn là một cường quốc.

Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước sức ép của một nhóm thiểu số. Có thể thấy là họ run sợ trước tình hình mới này bởi lẽ sự thù địch và khuấy động sự thù địch đã trở thành cách sống của họ, họ làm vậy để nhận được chu cấp tài chính, để có quan hệ và đại diện nhóm người này có quyền lực chính trị. Nếu chính sách của Mỹ thay đổi và trước đây nhóm người này được dùng để phục vụ cho chính sách của Mỹ thì bây giờ nhóm người này sẽ không còn giá trị sử dụng nữa, không còn vai trò gì nữa, sẽ không nhận được chu cấp tài chính, sẽ không còn khả năng ảnh hưởng trong Quốc hội Mỹ nữa vì Mỹ không quan tâm tới sự thù địch và cũng không quan tâm tới việc quan hệ với nhóm thiểu số này nữa.

Nhóm người này cũng nhận thức được rằng khả năng ảnh hưởng của họ, quyền lực chính trị của họ và thậm chí nguồn tài chính chu cấp cho họ đang gặp nguy hiểm vì chính sách của Mỹ đối với Cuba đang thay đổi. Họ sẽ phải đưa ra quyết định hoặc tiếp tục duy trì lập trường cũ hoặc phải thay đổi. Còn Cuba thì có lập trường rất rõ ràng là không khuất phục trước bất kỳ hành động xâm lược và thù địch nào cả và sẽ tiến tới đàm phán với Chính phủ Mỹ bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và độc lập của nhau. Nhóm thiểu số kia nếu vẫn tiếp tục duy trì sự thù địch thì thực tế sẽ cho họ thấy kết quả là họ sẽ bị cô lập và bị lãng quên, họ sẽ không hiểu được sự phát triển logic của lịch sử.

- Trên danh nghĩa một nhà ngoại giao, một đại sứ, một công dân Cuba, nếu Ngài gửi một thông điệp tới Chính phủ Mỹ thì thông điệp đó là gì?

- Thông điệp gửi tới Chính phủ Mỹ đã được truyền đạt một cách rõ ràng trong phát biểu của Chủ tịch Raul Castro ngày 17/12 vừa qua và sau đó được thể hiện trong phát biểu tại Quốc hội. Với danh nghĩa là một nhà ngoại giao Cuba, tôi muốn khẳng định lại lập trường của Cuba như Chủ tịch của chúng tôi đã nói: Thứ nhất là khi bối cảnh mới mở ra, Mỹ cần phải tôn trọng chủ quyền Cuba và đàm phán trên cơ sở bình đẳng giữa hai quốc gia. Trong quá trình mới này chúng tôi muốn Chính phủ Mỹ hiểu rằng nhân dân Cuba đã lựa chọn con đường của mình và nó phù hợp với nhân dân chúng tôi.

Trong lịch sử Cách mạng và trong tương lai chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn con đường riêng của mình. Mọi âm mưu thống trị Cuba, kiểm soát định mệnh Cuba và can thiệp vào con đường riêng của Cuba sẽ phải chịu thất bại. Lập trường thông minh, lập trường tốt cho Mỹ và Cuba, lập trường hòa bình, ổn định tại Mỹ Latinh và Caribe chính là lập trường tôn trọng Cuba và công nhận Chính phủ hợp pháp mà nhân dân Cuba chúng tôi đã lựa chọn. Tôi cho rằng cốt lõi của thông điệp đó là Cuba sẵn sàng có quan hệ bình thường với Mỹ vì lợi ích kinh tế, thương mại, xã hội, văn hóa,…. của hai quốc gia. Mọi người dân Cuba đều bày tỏ mong muốn là mục tiêu này một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực, một mối quan hệ bình thường vì lợi ích của cả Cuba và Mỹ trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập và bình đẳng.

- Xin cảm ơn Ngài Đại sứ.

Lan Hương (thực hiện)
.
.
.