Ca sĩ Tùng Dương: Sau 20 năm tôi vẫn “gieo mầm”

Thứ Tư, 26/10/2022, 10:43

“Đi live show đặc biệt của mình nhé. Kỷ niệm 20 năm ca hát” - Tùng Dương “alo” làm tôi giật mình. Giật mình vì 20 năm rồi ư? Sao đâu đó tôi thấy Tùng Dương vẫn trẻ, như ngày nào hát nhạc của “bộ tứ sông Hồng”, như ngày nào hát nhạc Lê Minh Sơn, như ngày nào nhảy múa, tự đưa mình và đưa khán giả vào những cơn mê sân khấu...

Thời gian trôi nhanh quá, nhưng thời gian dường như vẫn không khiến Tùng Dương bớt trẻ? Mà có thật thế không nhỉ, hay nó đơn giản chỉ là cảm nhận thoáng qua của người quen sống bằng ký ức và lâu quá rồi không gặp lại một người bạn - một chàng ca sĩ mà mình yêu mến một thời. Lời mời bất ngờ của Tùng Dương gọi lên những cảm giác âm nhạc trong tôi. Và, những cảm giác âm nhạc trong tôi gọi ra một cuộc hẹn, cũng rất bất thình lình.

- Nhà báo Phan Đăng: Lâu không gặp nhưng vẫn thấy Facebook của Tùng Dương nổi lên. Và, trước khi tới đây nói chuyện với bạn, mình kịp đọc được status này: “Nhiều khi ước có chiều cao như Quang Dũng, khôn như Quốc Trung, hài hước, duyên dáng, sát gái như Bằng Kiều, mặt Tây thon gọn trái xoan như Bình An, nét phong trần như Hà Việt Dũng. Anh ấy là quý ông hoàn hảo. Nhưng, sự thật thì vẫn là nét đẹp... trừu tượng. Ở đấy mà mơ tiếp đi”. Thế nào là một vẻ đẹp trừu tượng nhỉ?

- Ca sĩ Tùng Dương: (Cười...). Thật ra thì mình cũng như nhiều nghệ sĩ khác sử dụng mạng xã hội để mang lại những điều tích cực, dí dỏm hoặc chia sẻ những công việc, dự án mình đang thực hiện với tất cả mọi người. Để mọi người có thể thấy được rằng, từ một Tùng Dương lạ lẫm, hát thứ âm nhạc kén người nghe tới một Tùng Dương của bây giờ, đại chúng hơn và đi hát liên lục là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Đó là một tín hiệu rất hạnh phúc cho chính bản thân mình. Và, công cụ mạng xã hội đã giúp cho những tư tưởng của người nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, giúp họ hiểu những thông điệp và bài hát mình muốn truyền tải hơn. Vậy thôi, chứ cũng không có gì cao siêu đâu.

Ca sĩ Tùng Dương: Sau 20 năm tôi vẫn “gieo mầm” -0

- Nói vậy thôi, chứ mình thấy trên Facebook của Tùng Dương đôi khi cũng xuất hiện những tuyên ngôn nghệ thuật cao siêu đấy. Chẳng hạn status này: “Vỏ có lấp lánh cỡ nào thì vẫn chỉ là vỏ. Cái biểu cảm nội tâm (thứ phản ánh cái lõi) vẫn là điều quan trọng nhất và là thước đo giá trị của người nghệ sĩ. À nhưng mà cứ phải lấp la lấp lánh ta mới... biểu cảm”. Mặc dù đây là những chia sẻ dí dỏm, dễ thương, nhưng ẩn trong nó dường như là một quan điểm làm nghề hết sức chuyên nghiệp. Có vẻ Tùng Dương muốn nói rằng, với người nghệ sĩ, cái lõi bên trong quan trọng hơn tất cả?

- Các cụ có câu “thùng rỗng kêu to” hay “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Những người nghệ sĩ cũng vậy, thứ tạo nên giá trị của họ chính là tài năng, thực lực chứ không chỉ ở vẻ bề ngoài trau chuốt. Mình nghĩ là những thứ trau chuốt đó chỉ nên xuất hiện sau khi nghệ sĩ cân bằng được giữa nội tâm và hình thức bên ngoài.

- Tự nhiên Tùng Dương làm mình nhớ tới phát ngôn gây sốc của một ca sĩ trẻ: Ở Việt Nam, cứ cầm mic lên là trở thành ca sĩ. Dường như sự nổi tiếng sớm quá, công nghệ lăng xê ồn ào quá khiến một bộ phận nghệ sĩ trẻ nào đó thiếu khắt khe với cái lõi nghề nghiệp của mình?

- Mình nghĩ có rất nhiều kiểu nghệ sĩ, ca sĩ. Có những bạn ca sĩ dù xuất thân từ một nghề nghiệp khác nhưng cũng đã thành danh giống như lời nhận định trên, cứ đi hát bằng một sự hồn nhiên đến từ việc đi biểu diễn nhiều. Chỉ cần họ có một chút nhạy cảm về âm nhạc, xin nhấn mạnh là âm nhạc, chứ không phải nghệ thuật, là được. Mình nghĩ rằng cần phải thừa nhận những nỗ lực nhất định của những bạn ấy. Ngược lại, có những người được ông trời cho tài năng thiên phú, mình nghĩ những người ấy sẽ mất ít thời gian luyện tập hơn so với những người không có năng khiếu. Tóm lại có nhiều con đường, nhiều cách thức để bây giờ chạm tới danh xưng “ca sĩ”, nhưng một ca sĩ có phải là một nghệ sĩ thực thụ hay không, có là “true artist” hay không lại là chuyện khác.

- Thế nào là một “nghệ sĩ thực thụ”?

- (Cười...). Là phải cái lõi bên trong!

- Với Tùng Dương, cái lõi bên trong của bạn đã được tôi luyện, thành hình như thế nào?

- Hình như ông trời luôn ưu ái cho mình gặp nhiều may mắn, thuận lợi khi các dự án âm nhạc mình thực hiện đều thành công và được ghi nhận, minh chứng là 13 Giải thưởng Cống hiến mà mình đã đạt được. Nhưng, trong suốt 20 năm qua, mình cũng luôn nhắc nhở: Đừng nghĩ ông trời cho một giọng hát hay là đủ, mà vẫn phải tiếp tục rèn luyện không ngừng. Bởi, nếu ỷ lại vào chất giọng thì chúng ta vẫn sẽ tụt hậu như thường và chẳng thể nào phát triển cùng nghề nghiệp. Bạn thấy đấy, xã hội đang thay đổi, công nghệ 4.0 đang diễn ra, nếu người nghệ sĩ chỉ dựa vào những gì vốn có thì không thể trở thành mẫu nghệ sĩ đa năng của thời đại này được.

- Thế nào là nghệ sĩ đa năng?

- Là vừa có thể sáng tác, vừa có thể hát luôn bài mình sáng tác, thậm chí vừa trở thành nhà sản xuất của chính mình. Nếu không thấy sự thay đổi của thời đại để không ngừng rèn luyện, làm mới, thay đổi mình, nghệ sĩ sẽ tụt hậu ngay. Mình nhớ hồi mới vào nhạc viện, mình và những bạn bè cùng lứa như Khánh Linh, Thu Phượng ra các phòng trà, quán bar để xin được diễn. Các bạn nữ thì dễ hơn, chỉ cần xinh xinh là được nhận ngay. Còn mình thì trầy trật chẳng ai nhận. Mỗi khi mình hát thử xong thì bầu show đều nói mặc dù mình hát rất máu lửa nhưng dòng nhạc quá kén, ở đây khách chỉ nghe nhạc Hoa lời Việt hoặc những ca khúc về tình yêu của nghệ sĩ nổi tiếng... Mình thì lại hát nhạc của Phó Đức Phương, Trần Tiến, Dương Thụ. Vậy đó, mình luôn nghe những thứ khác người. Sau này mình vẫn mang tâm thế chỉ hát những bài hát khó như thế để theo nghề và hiểu rằng con đường của mình sẽ rất khó khăn. Rất may, hồi đó mình đã tham gia rất nhiều cuộc thi như Giọng hát hay Hà Nội, Sao Mai điểm hẹn... và giai đoạn đó mình gặp được anh Lê Minh Sơn. Âm nhạc của anh Sơn và cá tính của mình rất phù hợp. Đến tận bây giờ mình vẫn rất yêu những tác phẩm của anh như “Ôi quê tôi”, “Đá trông chồng”, “Người ở đừng về”... Nhưng, bây giờ hát lại thì cách mình xử lí những bài hát ấy đã khác rất nhiều so với ngày xưa. Bây giờ mà vẫn hát y như ngày xưa thì không được.

Ca sĩ Tùng Dương: Sau 20 năm tôi vẫn “gieo mầm” -0

- Ngày xưa Tùng Dương hát quằn quại và phô ra tất cả năng lực kĩ thuật của mình. Bây giờ Dương hát mượt hơn. Cái quằn quại vẫn có đấy nhưng nó lặn vào trong nhiều hơn là phô ra ngoài.

- Đúng rồi! Vậy mình hỏi ngược lại bạn nhé: Bạn thích cách xử lý nào hơn?

- Nếu là mình của ngày xưa thì mình thích Tùng Dương quằn quại hơn, còn mình của bây giờ lại thích Tùng Dương mượt mà hơn. Hay chúng ta đều đã già rồi nhỉ. (Cười...).

- Nếu bây giờ mà mình vẫn hát kiểu quằn quại như xưa thì có lẽ đã ở một chỗ nào đó khác rồi, không thể nhã nhặn ngồi đây thưởng trà cùng Phan Đăng được (cũng cười...).

Thất bại mà tưởng mình bất bại

- Khi người ta đã đạt đỉnh thì người ta rất khó thoát đỉnh. Mà nếu không thoát đỉnh thì tất yếu trôi xuống dưới. Tùng Dương đã có những đỉnh cao với âm nhạc của bộ tứ sông Hồng, của Lê Minh Sơn, nhưng gần đây mình thấy bạn còn có sự kết hợp với những nghệ sĩ rất trẻ, thậm chí còn cover những bài hát nằm trong top trending như “Anh ơi ở lại”, “Ngày chưa dông bão”... Trong tư cách bạn bè, mình có phần bất ngờ khi thấy hiện tượng này. Còn trong tư cách người làm nghề sáng tạo, mình có phần ngưỡng mộ bạn. Bởi, dám thoát đỉnh là điều không đơn giản. Thoát được càng không đơn giản. Và, sẵn sàng hòa mình vào hơi thở âm nhạc của những nghệ sĩ hậu bối lại không đơn giản nữa. Điều gì đã khiến bạn rẽ ngoặt một cái như vậy?

- Nói thật là ngày xưa, khi mới vào nghề, mình được dạy là nghệ sĩ thì phải có cái tôi lớn, mà hồi ấy cái tôi của mình lớn tới mức nhiều lúc không chịu lắng nghe ai. Chỉ biết tôn thờ suy nghĩ của chính mình. Bây giờ nhìn lại, mình tự thấy đó là một sự bảo thủ. Cuộc đời đã dạy cho mình rất nhiều thứ, giúp mình nhận ra sự kết nối giữa các thế hệ. Mình ở một thế hệ sau so với các bậc tiền bối trước đây và bây giờ các em nghệ sĩ trẻ lại ở thế hệ sau của mình. Đó là một dòng chảy hết sức bình thường. Nếu không hòa vào dòng chảy ấy, không giao lưu, giao hòa với thế giới của họ mà chỉ ôm khư khư cái cõi riêng của mình thì không thể chuyển hóa và vì thế cũ kĩ vô cùng.

- Ý tưởng thì như vậy, nhưng trên thực tế, sự chuyển hóa diễn ra như thế nào?

- Nó bắt đầu từ một lời thách của một nhà tổ chức: Bây giờ Tùng Dương ra sân khấu mà lại “Ôi quê tôi”, “Chiếc khăn piêu”... thì cũ quá, liệu Tùng Dương có dám thử thách với những bài hát triệu views đương thời không? Mặc dù đó chỉ là lời thách cho vui nhưng lại khiến mình suy ngẫm. Và, khi họ đưa ra vài bài hát nổi tiếng của các ca sĩ trẻ đương thời thì mình đã chọn một bài phù hợp nhất để hát, đó là “Anh ơi ở lại” của Chi Pu. Thật vui là sau đó được người nghe đón nhận.

Nhân đây, mình muốn chia sẻ kỷ niệm: Có lần, nhà đài giao mình hát bài “Mùa thu cho em” của Ngô Thụy Miên, một bài đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện. Mình liền giãy nảy lên: “Tôi chỉ hát những bài về quê hương đất nước, quằn quại rên xiết hoặc có quãng giọng trùng điệp để phô diễn được kĩ thuật của tôi thôi”. Sự thực là như thế. Nhưng, sau đó về nghĩ lại, mình lại thấy một người nghệ sĩ phải biết chiến thắng chính mình, phải hát được ngay cả những bài mình không thích. Và, mình đã làm được. Đến bây giờ, khi đã gần 40 tuổi thì như đã nói, mình vẫn giao lưu, thấy mình không bị cũ kĩ so với lứa đàn em. Thậm chí, khi đứng chung với họ, mình còn thấy mình giàu năng lượng không thua kém gì họ. 2 năm trước, trong live show “Human”, mình đã dũng cảm không mời các danh ca nữa mà mời những nhóm nhạc indie độc lập như Ngọt band, Bùi Lan Hương... Live show tới đây cũng sẽ có những bạn trẻ như vậy.

Ca sĩ Tùng Dương: Sau 20 năm tôi vẫn “gieo mầm” -0

- Rất nhiều nghệ sĩ do không hạ được cái tôi nên không hoặc rất hạn chế đứng cạnh những người đi sau họ. Cho đến thời điểm này, như vừa nói, Tùng Dương đã đứng cạnh những nghệ sĩ đàn em một cách rất thoải mái. Nhưng, ở giai đoạn đầu tiên thì sao? Lúc đó bạn có thực sự thoải mái như bây giờ không?

- Như đã nói đấy, mình thừa nhận mình là một người có cái tôi rất lớn. Ngay cả bây giờ, khi mình đã tiết chế cái tôi thì cũng không đồng nghĩa với việc mình dễ dãi, ba phải, mà ngược lại, nó đem tới cho mình những giá trị khác có ý nghĩa lớn lao hơn, đó là mình thắng được bản ngã của mình. Làm nghề đến lúc này rồi, thành thật mà nói, mình thấy với một nghệ sĩ, danh tiếng của họ cũng chính là lực cản cho những thành công tiếp theo của họ. Chính vì điều này mà có những nghệ sĩ thất bại. Họ thất bại nhưng vẫn cứ nghĩ rằng mình bất bại. Điều này rất nguy hiểm. Phải tỉnh táo lắm mới có thể nhận ra.

Hối tiếc lớn nhất sau 20 năm

- Xem nào, từ âm nhạc của Trần Tiến, Dương Thụ đến âm nhạc của Lê Minh Sơn, rồi bây giờ là âm nhạc của những thế hệ ca sĩ đi sau mình, phải thẳng thắn nói rằng trong 20 năm đó, Tùng Dương đã trải nghiệm qua những vùng âm nhạc rất khác nhau. Đã đành vùng nào thì Dương vẫn tạo ra được một cái chất riêng vốn có của mình, nhưng như thế cũng có nghĩa, trong âm nhạc, thật lòng nhé, Tùng Dương không phải người chung thủy. Mình nói thế, Tùng Dương có giận không?

- (Nghĩ ngợi...). Không! Nói đúng thì sao giận được. Đúng là như thế. Mình biết những ca sĩ mà cả cuộc đời gần như chỉ gắn liền với âm nhạc của một nhạc sĩ hoặc dòng nhạc của một nhóm nhạc sĩ đặc trưng nào đó. Mình biết và rất trân trọng. Nhưng, bạn đã hỏi thì mình thừa nhận, đúng đấy, trong âm nhạc mình không chung thủy. Đừng bắt mình phải chung thủy với một nhạc sĩ hay một dòng nhạc cụ thể nào.

- Vậy, sẽ chẳng bất ngờ nếu 5 năm nữa, 10 năm nữa bạn sẽ lại có những cuộc làm mới tương tự. Nhưng, Tùng Dương này, trong cuộc cà phê với bạn cách đây 2 năm, bạn từng kể với mình là đã ra nước ngoài, nhìn thấy một người nghệ sĩ hết thời, giờ hát chẳng ai nghe. Nếu mình nhớ không lầm, bữa cà phê ấy, Dương cũng ít nhiều mường tượng đến một ngày nào đó mình không cầm mic được nữa. Hôm đó mình chưa hỏi, nhưng hôm nay sẽ hỏi: Phải chăng một người nghệ sĩ khôn ngoan phải chuẩn bị trước, ít nhất là về mặt tâm lý cho phút giây lụi tàn của mình trong tương lai? Cái tương lai mà ở đó dù có cố gắng tới đâu, nỗ lực tới đâu, họ cũng không thể bắt kịp với tông giọng đương thời.

- (Nghĩ ngợi...) Nếu đến lúc “lực bất tòng tâm” thì còn có thể làm gì được nữa! Một khi mình cố gắng mà thân thể mình không cho phép, sức lực mình không cho phép, giọng hát mình không cho phép thì phải chấp nhận thôi. Quy luật đó không chừa một ai, kể cả những huyền thoại trên thế giới. Mình biết có những người không chấp nhận quy luật này nên đã chọn cách tự tử. Họ không muốn và không dám nhìn thấy cảnh mình lụi tàn. Mình thì nghĩ, đã là nghệ sĩ thì luôn phải chuẩn bị tâm lí cho những khoảnh khắc như vậy. Còn chuẩn bị như thế nào thì nó phụ thuộc vào mức độ tu tập của mỗi nghệ sĩ.

Trong MV “Hope” vừa rồi của mình, đã có hai Tùng Dương luôn chất vấn nhau. Một Tùng Dương mặc áo đen ở trong gương và một Tùng Dương mặc áo đỏ ở bên ngoài. Hai Tùng Dương ấy đối diện với nhau và tự hỏi là cần hướng mình đến nguồn năng lượng nào, năng lượng tối hay năng lượng sáng? Từ đây, mình muốn nói người nghệ sĩ đúng là luôn cần những kiêu hãnh nghề nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải biết thế nào là đủ và đến khi nào là phải dừng lại. Bây giờ, sau chỉ một cuộc thi âm nhạc đã có rất nhiều nhân tố mới nổi lên, sau mỗi cuộc thi thì thanh xuân của những người như mình lại bị đẩy xa hơn một chút, phải biết chấp nhận điều đó. Phải biết chấp nhận thôi.

- Mình không có ý khiến cuộc nói chuyện của chúng ta trầm lại. Nhưng, nhân tiện Dương nói tới việc “phải biết chấp nhận” - điều chắc chắn sẽ xảy ra ở một tương lai nào đó, tự nhiên mình muốn hỏi trong quá khứ và hiện tại, Dương đã chấp nhận như vậy bao giờ chưa. Nói cách khác, hối tiếc lớn nhất trong hoạt động nghệ thuật của Dương sau 20 năm là gì?

- Là rất yếu trong sáng tác! Bây giờ mình thấy nhiều bạn trẻ vừa sáng tác, vừa hát. Mình rất nể. Suốt 20 năm qua, thật lòng mình đã âm thầm sáng tác nhưng không đâu vào đâu. Không viết nổi một bài hát hoàn thiện nào cả. Có người an ủi mình: Thôi thì trời không cho ai tất cả, phải biết chấp nhận thôi. Thì đúng là mình đã chấp nhận, nhưng vẫn có một phần nuối tiếc. À, mà để chuẩn bị cho live show lần này, mình đã quyết tâm sáng tác bằng được một bài.

- Xong chưa?

- Xong rồi! Mình đặt tên nó là “Gieo mầm”: “Vết lăn thời gian inhằn sâu/ Ta lặng lẽ gieo mầm/Dẫu cho ngày mai hoang tàn/Nhưng mặt trời tôi vẫn rực sáng”.

- Sau 20 năm vẫn miệt mài gieo mầm nhỉ!

- (Gật đầu...).

Sẽ không có chốn quay về, nếu…

- Nói chuyện về nghề thế là đủ rồi, giờ nói chuyện về vợ đi. Dương có thể nói gì về người mà mình hay gọi là “mẹ Voi”?

- Thật ra mình và mẹ Voi trước khi kết đôi là những người bạn thân, thường xuyên tâm sự cuộc sống với nhau, cứ như thế mà chuyển sang hẹn hò lúc nào không hay. Cho nên không thể nhớ đích xác cuộc hẹn hò đầu tiên diễn ra như thế nào nữa. Nhưng, mình nhớ cách đây 12 năm, mình là người chủ động mời cô ấy đến một quán cà phê trong một khách sạn rất đẹp ở hồ Tây. Trên là trời xanh, dưới là anh và em. Sau đó, dù không thể nói rõ nhưng chúng mình đã cùng nhau làm những hành động rất điên rồ.

Một lần khác, mình đi lưu diễn ở Ukraine, khi về Việt Nam thì ngay lập tức đi Quảng Bình. Hồi đó chúng tôi mới bắt đầu có tình cảm nhưng chưa hẹn hò với nhau. Ấy mà lúc mình xuống sân bay Huế đã thấy mẹ Voi đứng đợi với bó hoa trên tay.

- Nói chung là rất lãng mạn, nhưng mình biết là sau đó cuộc hôn nhân cũng vấp phải khá nhiều rào cản.

- Thật ra mình không nghĩ là rào cản, mà chỉ đơn giản là những gì trái chiều thì sẽ không thể êm thấm ngay được. Các bậc phụ huynh thường không thích con mình “tậu trâu tậu cả nghé”, nhưng thời gian cho thấy với mình đấy lại là một đặc ân. Mình nghĩ tấm lòng của người bạn đời chính là thứ nói lên tất cả. Một người đàn ông có thành công bao nhiêu mà không có một người phụ nữ bên cạnh thì coi như cũng chẳng có gì.

- Những lúc vợ chồng va chạm, những lúc mà con người nghệ sĩ trong bạn “lên cơn” - nếu có thể nói như vậy, thì điều khủng khiếp nhất bạn từng làm là gì?

- Đấy là những lần cãi nhau trên xe ô tô. Lúc ấy mình bỏ xuống để mẹ Voi tự lái xe về. (Cười lớn...). Mình cho rằng, đó là một cách “xả” rất tốt, chứ còn ở lại, còn nhìn vào mặt nhau thì rất có nguy cơ làm tổn thương nhau. Sau những lần như thế mình suy ngẫm nhiều và tự nhận ra hôn nhân là một sự thỏa hiệp và trong sự thỏa hiệp đó, người ta phải biết chấp nhận những sự tốt - xấu của nhau.

- Ở sát tuổi 40 này, nếu Tùng Dương bây giờ vẫn là một Tùng Dương độc thân, không gia đình riêng, không vợ con, không “mẹ Voi” thì sẽ như thế nào nhỉ? Có bao giờ bạn hình dung tới điều đó không?

- Đó chắc chắn sẽ là một Tùng Dương mất cân bằng. Không biết bạn có giống mình không, còn mình thì thấy, nếu không có người thân như vợ con bên cạnh thì người đàn ông rất dễ sống vị kỉ. Tức là làm gì cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi. Bây giờ mà không có vợ, không có con thì Tùng Dương chắc vẫn lông bong nay đây mai đó, lúc thì đi hát, lúc thì ngao du. Và, chẳng có một chỗ thực sự nào để quay về.

- Xin cảm ơn Tùng Dương!

Phan Đăng (thực hiện) - Ảnh trong bài: NVCC
.
.
.