Wifried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe, Hà Nội:

"Tất cả chúng ta và cả nàng Kiều nữa đều sống chung một cõi!"

Thứ Ba, 17/09/2019, 21:20
Bạn đã bao giờ nghe một "ông Tây chính hiệu" bình giảng Truyện Kiều hay chưa? Nếu câu trả lời là "chưa" thì hãy tìm gặp Wilfried Eckstein, Giám đốc Viện Goethe tại Hà Nội. Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với cái cách một "ông Tây chính hiệu" như Wilfried Eckstein nói về những giá trị của Truyện Kiều và cách mà con người hiện đại hôm nay có thể đối thoại với nàng Kiều.


Wilfried Eckstein sinh ra tại Đức, học chuyên ngành về ngữ văn và có trên 30 năm phục vụ tại Viện Goethe ở Moscow, St Petersburg, Bangkok, Thượng Hải, Washington DC và Hà Nội. Ông là một nhà ngoại giao văn hóa kỳ cựu, người tạo ra các cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa, ngôn ngữ và các hệ giá trị ở những nơi mà ông tới làm việc và sinh sống.

Dưới đây là cuộc đối thoại với ông nhân dịp Viện Goethe tổ chức một cuộc hội thảo rất thú vị với chủ đề “Đọc lại truyện Kiều” và đang thực hiện dự án đưa một phần Truyện Kiều lên sân khấu.

- Phóng viên: Trước hết xin hỏi là cơn gió nào đã đưa ông tới Việt Nam?

- Ông Wilfried Eckstein: Thế hệ của tôi biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh Đông Dương. Tôi từng nhiều lần tới thành phố Hồ Chí Minh và đi thăm dấu tích của cuộc chiến. Điều đó để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Anh cũng biết là tôi đã có một cuộc hành trình dài làm việc tại các Viện Goethe trên thế giới.

Khi ở Mỹ, tôi có dịp đến thăm khu tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9 mà người thiết kế là bạn tôi. Tôi đã rất xúc động trước công trình này vì nó đã giúp các nạn nhân được vinh danh, được ghi nhận và bi kịch của họ đã không bị lãng quên.

Khi đó, tôi nghĩ về số phận của con người trong các xã hội khác và Việt Nam đã tới trong tâm trí của tôi. Đó là dân tộc duy nhất trong thế kỷ XX đánh bại người Mỹ nhưng tôi biết cái giá của nó là không hề nhỏ.

Chính vì thế, sau khi hết nhiệm kỳ ở Mỹ, tôi đã đặt đơn sang Việt Nam, với mong muốn tìm hiểu cách thức người Việt tìm kiếm và tôn vinh phẩm cách và hệ giá trị của mình như thế nào với tư cách là người chiến thắng. Tôi cũng muốn biết trong thực tế các phẩm giá đó đã được nuôi dưỡng như thế nào từ cuộc sống hằng ngày cho đến văn chương, nghệ thuật.

- Văn chương nói chung và văn học cổ điển nói riêng có tầm quan trọng như thế nào giúp ông tiếp cận một xã hội như Việt Nam?

- Đó là tiếng nói và linh hồn của mỗi xã hội và mỗi dân tộc. Tôi muốn nhấn mạnh tới các tác phẩm kinh điển. Bạn có thể nói rằng ngày nay người trẻ ở Anh chẳng ai đọc Shakespeare, người trẻ ở Đức chẳng ai đọc Goethe, hay người trẻ ở Việt Nam chẳng ai đọc Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tri thức, ngôn ngữ của thế hệ 10X trên đường phố Hà Nội không có những ý tưởng, câu chữ hay nhắc tới nhân vật từ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên... - những giá trị đó đã được mã hóa vào người Việt Nam. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình của mình, tôi đã tìm đọc một số ít ỏi các tác phẩm văn chương của Việt Nam được dịch ra tiếng Anh như của Phạm Thị Hoài..., và đặc biệt là Truyện Kiều. Công trình này đã được dịch sang tiếng Đức từ năm 1964. Đó là cách tôi mở cánh cửa vào Việt Nam. Và tôi thực sự rất ấn tượng với nền văn hóa và truyền thống của các bạn.

- Tại sao lại là Truyện Kiều trong hành trang tinh thần mà ông chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Việt Nam?

- Có hàng nghìn cuốn sách viết về lịch sử, chính trị, văn hóa, tôn giáo... của Việt Nam và chúng đều rất hữu ích. Tuy nhiên, để có thể lắng nghe được một âm hưởng chung của tất cả người Việt từ truyền thống tới hiện đại, từ bình dân tới giới tinh hoa thì tôi nghĩ đó phải là Truyện Kiều.

Truyện Kiều được coi như kiệt tác quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Chất thơ, vẻ đẹp ngôn ngữ và vô số những tình huống cuộc đời tột cùng cũng như những hy vọng trong câu chuyện, cuộc giải cứu diệu kì của Kiều và sự hoàn trả phẩm giá đã tạo thành một phần không thể thay thế trong di sản văn hóa Việt Nam.

Các bản dịch của tác phẩm này đã giúp nâng nàng Kiều lên hàng ngũ những nhân vật hàng đầu của thế giới văn chương. Nguyễn Du thuộc vào những trụ cột văn học kinh điển thế giới như Cervantes, Chekhov, Shakespeare và Goethe. Truyện Kiều thậm chí còn lôi cuốn những độc giả không biết nhiều về Việt Nam - đó là câu chuyện của một cô gái đã làm rung động nhiều người đọc qua các nền văn hóa. Do đó, Truyện Kiều trở thành một phương tiện để thấu hiểu văn hóa và thiết lập mối quan hệ với Việt Nam.

Từ góc độ này, Truyện Kiều là một cuộc khám phá mà tôi chuẩn bị cho bản thân mình để tới gặp Việt Nam. Thường thì tôi không đọc các tác phẩm thi ca hay tiểu thuyết khi chuẩn bị tới làm việc ở các nước khác nhưng Việt Nam quả thật là xứ sở mà bạn cần tới văn chương để gõ cửa tâm hồn của nó.

- Làm thế nào mà một "ông Tây" như ông lại có thể chia sẻ cảm xúc về một thế giới xa lạ và cách biệt cả về không gian lẫn thời gian như của Truyện Kiều?

- Đó là một vấn đề thú vị. Có thể không gian địa lý và thời gian tạo ra những khoảng cách xa lạ nhưng trên phương diện cảm xúc, tâm hồn và sự cảm thông đối với các quyết định yếu thế của con người thì có lẽ tất cả chúng ta và nàng Kiều đều thuộc về một cõi mà thôi: Cõi người!

Tôi đã đọc Truyện Kiều và tôi bị nó mê hoặc. Cốt truyện của nó dù thú vị nhưng không quá đặc sắc. Anh biết đấy, việc buôn người là một bi kịch không hiếm gặp nhưng tôi bị cuốn hút bởi ngôn ngữ của nó. Ngôn ngữ và nghệ thuật biểu đạt của câu chuyện này tạo cho nó sức mạnh. Bản dịch tiếng Đức cũng là một công trình tuyệt vời, dù rằng tôi biết nó không bao giờ có thể truyền tải hết năng lực ngôn ngữ như bản gốc.

Con người ở bất cứ đâu cũng bị ám ảnh bởi ước mơ một xã hội công bằng. Trong Truyện Kiều, tư tưởng đó đặc biệt dẻo dai và bền bỉ. Câu chuyện của một người phụ nữ bị đẩy đến đường cùng, tới mức phải tự sát nhưng, ước mơ tìm kiếm công lý và phẩm giá là không thể khuất phục. Đó là điều mà tôi ấn tượng nhất về câu chuyện này.

Hãy lấy ý tưởng về vẻ đẹp trong Truyện Kiều làm ví dụ. Cái mà chúng ta hướng tới không phải là sự chải chuốt phấn son mà là vẻ đẹp ẩn tàng bên trong mỗi con người, trong tâm hồn, tài năng, phẩm giá... Vẻ đẹp đó phải là một sự bảo đảm cho tương lai và hạnh phúc. Nếu anh để ý thì trong Truyện Kiều, vẻ đẹp phấn son luôn đưa cô ấy đến tai họa nhưng vẻ đẹp của tài năng, chơi đàn chẳng hạn, luôn là yếu tố cứu thoát cô ấy khỏi những tình cảnh hiểm nghèo.

Điều thứ hai, tác phẩm này kể về một thế giới có khổ đau đến tột cùng nhưng con người giữ niềm tin, ý chí, tìm cách để tồn tại và cuối cùng, tìm cách xác lập lại vị trí của mình trong thế giới đó, qua đó mà tìm lại phẩm giá của chính bản thân. Kiều đã tự quyết định cuộc đời mình. Đó là điều làm cho câu chuyện này đặc biệt vì thông thường với các tác phẩm như thế vào thế kỷ XIX hay trước đó, nhân vật nữ sẽ kết thúc trong cái chết bi kịch.

Ở đây, cô ấy đã tìm cách tồn tại, sống tiếp cuộc đời của mình và tự mình sắp đặt lại các mối quan hệ xã hội và gia đình. Câu chuyện này tập trung tất cả vào một người phụ nữ và cách thức cô ấy ra quyết định cho bản thân. Anh không thấy đó là một điều rất thú vị hay sao khi nó được viết ra bởi đôi tay của một trong những quan chức được đào tạo bài bản nhất trong khung cảnh Tống Nho của thời đại ông.

- Tôi hiểu là ông đã nung nấu rất nhiều suy tưởng thú vị khi đặt câu chuyện này giữa các dòng chảy văn hóa, tư tưởng và hệ giá trị Đông-Tây.

- Tôi sẽ cho anh một ví dụ nữa về cách thức tôi diễn dịch câu chuyện theo cách của một độc giả tới từ một nền văn hóa khác. Các bạn thường nói rằng xã hội phương Tây là nơi đỡ đầu của tự do cá nhân, nơi phụ nữ có tiếng nói... nhưng hãy để ý mà xem, đây là một câu chuyện từ Á châu đấy chứ, viết vào thế kỷ XIX bởi một ông quan Nho học, người đã để một cô gái toàn quyền ra các quyết định cho cuộc đời mình, trong khi những người đàn ông xung quanh cô thì mờ nhạt. Và cô ấy đã tự mình học, tự mình trưởng thành, tự mình tìm kiếm từng cơ hội để sống sót, để có tự do, để được định đoạt cuộc đời mình.

Hãy nói về một chi tiết mà tôi rất thích: Kiều, một cô gái ăn cắp đồ, mà là từ một ngôi chùa. Khi mới đọc chi tiết này, tôi đã thốt lên: “trời, điều gì đang xảy ra vậy!”. Đơn giản vì nó chống lại tất cả các quan niệm và thực hành xã hội ở thế kỷ XIX. Kiều hiểu rõ hành động của mình. Cô ấy được giáo dục và có nhân cách.

Tôi muốn nói rằng cô Kiều đã học từ quá khứ những lần rơi vào bi kịch của mình. Và có thể cô ấy đã thầm nhủ: nếu tôi không trang bị cho mình thứ gì đó, tôi chỉ có mỗi cơ thể. Tôi cần có thứ gì đó trong tay để có thể trao đổi, nếu không, tôi sẽ phải sử dụng thứ duy nhất mà mình có là da thịt và như thế sẽ tiếp tục rơi vào bi kịch.

Tôi không chắc về sự diễn dịch của mình nhưng chắc chắn đó là một sự chuyển dịch rất lớn trong nhận thức của cô Kiều. Đó là một sự phản kháng và cũng là cách tự cứu mình trong tình thế cùng cực. Quan trọng là cô ấy đã tự mình quyết định và thực thi nó.

- Người ta thường nói rằng Truyện Kiều có thể sống được trong lòng xã hội Việt Nam với nhiều biến động thăng trầm, phải chăng vì người Việt coi số phận của cô Kiều như một ẩn dụ nào đó cho số mệnh của con người và dân tộc Việt Nam. Ông có đồng ý với điều đó không? Và theo ông thì điều gì làm cho câu chuyện này gắn bó với thực hành văn hóa Việt Nam đến vậy?

- Đây là một câu hỏi không đơn giản và chắc chắn là mỗi người đều sẽ có câu trả lời của riêng mình. Đối với tôi, Kiều không nhất thiết là một ẩn dụ có hàm ý lớn lao như vận mệnh của dân tộc này chẳng hạn. Nhiều người Việt Nam mở quyển Kiều không phải để đọc toàn bộ câu chuyện, họ chỉ tìm kiếm một trang bất kỳ và hy vọng rằng nó sẽ đưa ra cho họ một bức thông điệp nào đó ngay lập tức. Họ muốn được giao tiếp với Truyện Kiều. Tuy nhiên, cơ chế để cho câu chuyện này thấm đẫm trong nền văn hóa Việt Nam ẩn dấu nhiều khía cạnh thực hành văn hóa, tư tưởng và ngôn ngữ thú vị.

Tại sao tôi nói vậy? Bởi vì với rất nhiều người Việt Nam, tất cả các chi tiết, ngôn từ của câu chuyện này đều đáng giá chứ không chỉ là màn kết thúc với các hình ảnh có tính chất hàm ý nào đó. Tôi đã đề cập tới sức mạnh của ngôn ngữ trong Truyện Kiều và chính nó làm cho tác phẩm này trở thành một phần không thể thiếu của thực hành văn hóa Việt. Bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều... là những kiếm tìm về ngôn ngữ và gắn những ngôn ngữ đó vào việc phản ánh tâm tư, tình cảm, số mệnh của cá nhân. Ngôn ngữ trong Truyện Kiều tạo ra những khuôn mẫu, những cách biểu đạt để giúp cho người Việt Nam tìm thấy mình ở đó, cho phép tâm tư của họ được gửi gắm, được giãi bày.

- Ông có nói về cách thức kết nối và tạo ra các cuộc đối thoại với các tác phẩm kinh điển như là cách để “nuôi dưỡng” và bảo tồn chúng. Bây giờ chúng ta hãy nói một chút về tiếp nhận các công trình như thế trong khung cảnh xã hội hiện đại. Có một câu nói vui rằng tác phẩm kinh điển là những công trình mà ai cũng biết nhưng không ai đọc. Trong xã hội của thời đại công nghệ thì sao thưa ông, nơi những người trẻ tuổi (và độc giả) quá bận rộn, bị phân tán bởi nhiều kênh truyền thông khác nhau, phải chăng Faust và Truyện Kiều là câu chuyện của ngày hôm qua?

Anh biết chuyên ngành của tôi là về nghiên cứu văn chương và tôi là một fan của Faust [tác phẩm nối tiếng của Goethe - PV]. Tuy nhiên, một người phụ nữ trẻ hiện đại ngày nay đọc Faust, trong con mắt của cô, rất có thể và cô ấy có quyền nói rằng nó phản ánh chủ nghĩa Chauvin, rồi coi thường phụ nữ và rất nhiều thứ khác nữa trong tư duy của một người đàn ông thế kỷ XVIII. Nguyễn Du cũng thế, chúng ta không thể phê phán ông từ góc nhìn của thế kỷ XXI.

Đó chính là thách thức lớn nhất của chúng ta khi tiếp cận di sản văn chương cổ điển. Chúng ta không thể nào yêu cầu một con người, dù là vĩ nhân đi chăng nữa, suy nghĩ và hành động với các hệ giá trị của thời đại này. Điều quan trọng ở đây không phải là đưa các công trình đó ra ngợi ca hay mổ xẻ mà tìm cách khuyến khích, khơi gợi niềm cảm hứng cho những người phụ nữ trong thời đại ngày nay xác lập vị trí và đóng góp của họ trong xã hội bằng cách gắn kết số phận của con người trong quá khứ với những thách thức của con người trong thời hiện đại.

Tôi cũng rất quan tâm tới chủ đề này và có hỏi nữ đạo diễn Amélie Niermeyer rằng bản thân các tác phẩm kinh điển của Đức cũng chứa đựng nhiều câu chuyện kết thúc bi kịch, bao gồm những số phận đau khổ và bế tắc của người phụ nữ. Liệu chúng ta có nên tiếp tục diễn các vở như thế, theo kịch bản cũ. Câu trả lời là không. Bà ấy nói rằng, thay vào đó, hãy biến chúng thành những tác phẩm không nhắm đến đau buồn, bi kịch và bế tắc mà hãy gửi bức thông điệp mới cho khán giả, đặc biệt là những người phụ nữ hiện đại, để họ tìm thấy mình trong các nhân vật ở vào những thời điểm khó khăn của cuộc đời, từ đó cảm thấy tự tin và mạnh mẽ đương đầu với các thử thách hiện tại. Đó là công việc của nền nghệ thuật tiến bộ và vì sự tiến bộ.

- Vậy đâu là chìa khóa để đưa các tác phẩm văn chương kinh điển quay trở lại thế giới hiện đại và bảo đảm chúng được nuôi dưỡng, phát triển và đồng hành cùng các vấn đề được quan tâm của thời đại đó?

- Như tôi đã nói, một người trẻ tuổi có thể phê phán Goethe trên một số khía cạnh nào đó. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta không sa đà vào phán xét quá khứ. Chúng ta cũng không thể đóng băng Faust hay Truyện Kiều như một sản phẩm của thế kỷ XIX và yêu cầu tất cả mọi người ở thế kỷ XXI phải tôn trọng và thưởng thức câu chuyện đó như cách bạn bè của Nguyễn Du đã làm, như cách vua Tự Đức và các quan ở Huế cùng nhau ngâm vịnh. Việc bạn dán nhãn cho ai đó là đại thi hào và một tác phẩm nào đó là kiệt tác không có nghĩa là tất cả mọi người phải thích nó.

Vì thế, đối với tôi, điều quan trọng không phải là câu hỏi làm thế nào đưa Truyện Kiều trở lại như một tác phẩm văn chương của quá khứ mà là làm thế nào để tạo ra một cuộc đối thoại giữa độc giả hôm nay với Kiều, để những người trong xã hội hiện đại tìm thấy tính có liên quan trong các câu chuyện tưởng như xưa cũ và xa lạ, để những vấn đề như lựa chọn của số phận con người, tình yêu-đạo hiếu, công lý và tha hóa quyền lực... có thể xuất hiện trở lại trong các câu chuyện hằng ngày.

Trước đây, nó từng được ngâm ngợi khi người ta ngồi với nhau, thưởng thức trà Chính Thái, vậy tại sao Truyện Kiều không thể trở lại trong các câu chuyện ở cửa hàng café Starbucks? Nghệ sĩ Hồng Vân từng chia sẻ với tôi, có lẽ Kiều sinh nhầm thời đại. Vào thời nay, chắc chắn cô ấy sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt.

Nói thế để thấy rằng luôn có chỗ cho những suy tưởng về một câu chuyện tưởng như cũ nhưng có những cách diễn dịch và góc nhìn vượt thời đại, để tìm kiếm các hệ giá trị mới hữu dụng đối với chúng ta.

- Người Đức ngày nay tiếp nhận các tác phẩm văn chương cổ điển như thế nào, thưa ông?

- Không chỉ ở Việt Nam hay Đức đâu mà khắp thế giới, người ta đang đối mặt với câu hỏi làm thế nào để bảo tồn truyền thống và bảo tồn như thế nào đây; giữ nguyên nó hay cải biến; cải biến bao nhiêu thì là đủ để cho vừa phù hợp với thời đại, vừa không làm mất đi bản sắc của cái gọi là truyền thống.

Tất nhiên là các tác phẩm này được dạy trong trường học. Anh cũng biết là Chính phủ Đức hằng năm tài trợ rất nhiều tiền cho các nhà hát và sân khấu biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển, ít khán giả như một cách thức để duy trì thực hành văn hóa.

Điều đó có nghĩa là 90% dân số phải đóng tiền để cho văn hóa truyền thống được duy trì và cho 10% dân số có cơ hội sống cùng nó. Tôi không chắc về các con số này nhưng ý tưởng ở đây là như thế. 

Chính vì thế, việc quay về với những câu chuyện như Kiều hay Lục Vân Tiên là cách thức tìm kiếm những góc nhìn khác, mới vẻ về chính quá khứ và tư tưởng của người Việt. Bởi chỉ có đối thoại với quá khứ sẽ giúp chúng ta không bị lạc lối ở tương lai. Và cách tốt nhất để cho các tác phẩm kinh điển có thể sống được chính là liên tục tạo ra cơ hội cho chúng đối thoại với các vấn đề của xã hội đương đại.

Câu hỏi về giá trị của Truyện Kiều hay bức thông điệp của nó luôn được coi là quan trọng ở Việt Nam. Nhưng một câu hỏi khác độc giả Việt ít chú ý đó là việc làm mới câu chuyện này bằng các cách thức diễn dịch và cách hiểu khác đi. Với tôi, điều này thậm chí còn có ý nghĩa hơn vì nó liên quan trực tiếp tới sự sống còn của các tác phẩm kinh điển, tạo ra khả năng chúng sống và đồng hành cùng những vấn đề của thời đại mới.

Truyền thống hay bản sắc chỉ có ý nghĩa khi người ta cảm nhận được sự liên quan của chúng tới các vấn đề đương đại.

- Cuối cùng, trong góc nhìn của một người phương Tây như ông thì Truyện Kiều đang ở đâu trong việc định hình căn cước văn hóa Việt Nam trong dòng chảy của nhân loại, thưa ông? 

- Với các bạn, Truyện Kiều là tác phẩm kinh điển, tập đại thành của văn hóa, văn chương. Đối với tôi, tác phẩm này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, vì thế nó là một tác phẩm văn chương tầm cỡ thế giới. Để có thể đứng vững với danh hiệu này, trong góc nhìn của tôi, công trình đó phải bị thử thách, để xem nó có được đón nhận ở các thời đại, các nền văn hóa và các hệ giá trị khác nhau hay không.

Đầu tiên là việc nó có thể đứng được ở các thời đại khác nhau hay không? Liệu người Việt ngày hôm nay có còn kết nối với Kiều nữa hay không? Liệu câu chuyện này có được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau của xã hội hiện đại như vấn đề giới, giải phóng phụ nữ, công lý, công bằng xã hội...

Tôi muốn rằng một người phụ nữ hiện đại tìm thấy sự kết nối giữa cô ấy và nàng Kiều. Không nhất thiết trong sự tương đồng của cảnh ngộ mà trong cách con người ứng xử trước thời cuộc và các mối quan hệ xã hội, quyền lực, thiết chế, luân lí, truyền thống...

Thứ hai là thử thách tác phẩm qua góc nhìn của nhiều nền văn hóa và xã hội khác nhau, dù là Thiên Chúa giáo, Do Thái, Hồi giáo, hay bất cứ niềm tin nào và hệ giá trị nào đi nữa, câu chuyện này vẫn phải đứng vững và được chấp nhận.

Lúc đó, Nguyễn Du có thể thư giãn, ngồi tựa lưng vào tràng kỷ, nhâm nhi một chén trà trong ngôi nhà của ông ở Nghi Xuân và tuyên bố với bản thân rằng: Tôi đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi đã làm được rồi!

Tôi đã có dịp trải nghiệm cả hai sự thử thách này đối với Truyện Kiều và tin rằng đây chính là một trong những thành tựu văn chương độc đáo mà dân tộc Việt Nam tặng cho nhân loại.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Ảnh trong bài: Trọng Nghĩa.

Vũ Đức Liêm (phỏng vấn và chuyển dịch từ Anh ngữ)
.
.
.