PGS-TS Trần Hữu Tá: Chúng ta cần những hoạt động đột phá, mở đường
Phóng viên Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng-Cuối tháng đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM, nghe ông chia sẻ về vấn đề đang xôn xao công luận này.
- Phóng viên: Thưa PGS.TS Trần Hữu Tá, vừa qua có một sự kiện lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) quyết định tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- PGS.TS Trần Hữu Tá: Tôi thấy, vừa rồi Trường ĐH Tôn Đức Thắng rất được chú ý vì có hai chuyện. Một là rắc rối của Trường ĐH Tôn Đức Thắng xung quanh vụ kiện việc ra đời của Tạp chí khoa học Asian - Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN). Hai là việc trường ra quyết định tự bổ nhiệm GS, PGS nội bộ. Về chủ trương tự bổ nhiệm GS, PGS nội bộ trường, tôi có mấy suy nghĩ sau:
Thứ nhất, đây là chuyện cũ người mới ta, bởi phương Tây họ làm đã lâu. Nếu để ý trên namecard của các trí thức nước ngoài khi liên hệ cộng tác sẽ thấy họ giới thiệu rất rõ đây là giáo sư ĐH Harvard, đây là giáo sư ĐH Colombia v.v… Căn cứ tên trường người ta biết giá trị của người đó đến đâu. Khi ghi giáo sư ĐH Harvard có nghĩa nhất định đó là người thực sự có trình độ cao. Ở ta chưa có chuyện này nên vấn đề trở nên quá mới và thành dư luận phân cực.
Thứ hai, phương Tây làm như vậy vì có lý của họ. Khi giảng dạy họ có GS, PGS; hết giảng dạy còn lại học vị tiến sĩ hoặc thạc sĩ chứ không còn GS, PGS nữa. Tôi nhớ ông Henry Kissinger là Giáo sư ĐH Harvard, lúc thôi dạy, chuyển sang làm cố vấn đối ngoại cho Tổng thống Mỹ, sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao chỉ ghi là Tiến sĩ Henry Kissinger. Như vậy, tên gọi GS, PGS chỉ mang tính thời vụ.
Ở Việt Nam có những điều rất buồn cười. Chức danh GS, PGS được nhà nước phong hẳn hoi, thế nhưng nhiều người thôi không làm công tác giảng dạy vẫn được gọi là GS, PGS. “Giáo” là dạy, nhưng những người này không dạy mà vẫn gọi là “giáo”. Đây là cái mà mình không giống ai.
Từ một vài vấn đề nguyên tắc, theo tôi việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng làm là có cơ sở, có suy nghĩ và thực hiện. Đây là một trong những nội dung của quyền tự chủ đại học. Tự chủ đại học là tự chủ về xây dựng đội ngũ, tự chủ tuyển sinh, tự chủ chi thu tài chính, xây dựng cơ cấu bộ máy… Tất nhiên, việc tự chủ phải đứng dưới dự giám sát của nhà nước.
Việc trường đại học tự bổ nhiệm GS, PGS nằm trong quyền tự chủ đại học. Chỉ có điều trường nào làm phải tính toán, cân nhắc đã đủ điều kiện để tự bổ nhiệm hay chưa. Và điều kiện quan trọng nhất là hội đồng giáo sư của trường mạnh hay yếu. Có bao nhiêu người thực sự có trình độ cao, có học vị, học hàm đàng hoàng. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đủ điều kiện hay chưa tôi không biết vì không ở trong trường, không có điều kiện tìm hiểu kĩ. Nếu trường thấy đủ điều kiện nên để họ làm. Tất nhiên, người đột phá thường hứng chịu những điều chê trách, phản bác nhưng cũng là đối tượng sẽ nhận được những lời khích lệ, ngợi khen. Việc làm đó công luận, nhà nước sẽ xem xét. Nếu không có đột phá sẽ không mở hướng mới cho giáo dục phát triển.
Tôi nhớ chuyện cũ to hơn nhiều. Sau giải phóng miền Nam, một thời kì dài chúng ta thực hiện chính sách ngăn sông cấm chợ. Những năm 1985 dân thành phố Sài Gòn đa số phải ăn bo bo, ăn mì, ăn bắp. Lúc đó, Bí thư Thành uỷ (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) quyết định “cởi trói” bằng cách chỉ đạo cấp dưới đến các tỉnh lân cận mua gạo về bán cho dân. Việc làm này được người dân hoan nghênh, trung ương thấy tốt, từ đó chính sách ngăn sông cấm chợ lạc hậu bị xoá bỏ. Nếu không có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt xé rào sẽ không có cởi trói kinh tế năm 1986.
Vấn đề Trường ĐH Tôn Đức Thắng là chuyện nhỏ nằm trong phạm vi giáo dục. Nếu ĐH Tôn Đức Thắng hội đủ điều kiện, hội đồng có đông đảo nhà khoa học có học vị, học hàm cao, có trình độ, uy tín nên để họ làm. Nếu chưa đủ thì khuyên họ hãy xây dựng đội ngũ một thời gian, không nóng vội. Vì nóng vội là “dục tốc bất đạt” tức muốn nhanh thì không có kết quả.
- Thưa PGS.TS, nếu trường ĐH ở Việt Nam được quyền tự bổ nhiệm chức danh GS, PGS tức trường đó có riêng một hội đồng xét duyệt việc bổ nhiệm này. Vậy số phận của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ như thế nào?
- Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vẫn tồn tại. Chúng ta sẽ có những chức danh do nhà nước phong và có chức danh trong phạm vi trường bổ nhiệm. Lúc này đề nghị những người được phong ghi rõ ràng. Chức danh do nhà nước phong để đề tên GS, PGS bình thường. Chức danh do trường bổ nhiệm phải ghi rõ GS, PGS của trường nào.
Nếu không làm việc này có một điều e ngại như sau. Hiện nay, chúng ta có hơn 400 trường đại học, cao đẳng nhưng căn cứ vào sự phân loại của dư luận và sự hiểu biết của tôi, số trường vững vàng, đủ tiêu chuẩn tự chủ, tự lực chỉ được 1/3. Trước đây có tình trạng cơm chấm cơm - tốt nghiệp đại học dạy đại học. Bây giờ tình trạng này vẫn lặp lại. Chúng ta không quá coi trọng học vị nhưng phải thấy học vị là một tiêu chí chuẩn để phân biệt người đó đang ở đâu, như thế nào, không loại trừ có những thạc sĩ, tiến sĩ giấy. Nhưng không vì hiện tượng này để phủ nhận những học vị kia. Cho nên, có những người có học vị sau đó được công nhận vì họ giảng dạy tốt, nghiên cứu tốt. Nếu trường có lực lượng mạnh chúng ta yên tâm, nhưng nếu không mạnh làm sao yên tâm được.
Chỉ 1/3 số trường có đủ tiêu chuẩn có nghĩa 66% số trường rơi vào tình trạng yếu, thậm chí có nhiều trường rất yếu. Đây là lỗi của Bộ Giáo dục - Đào tạo vì có giai đoạn, có thời kì hễ xin là cho mở trường. Việc mở trường rơi vào tình trạng sinh đẻ không kế hoạch. Vì sao được mở, có nhiều nguyên nhân, không loại trừ có cả nguyên nhân tiêu cực.
Vấn đề hiện tại làm sao hệ thống đại học được dọn dẹp lành mạnh. Trường không đủ vững tự đào thải, trường có khả năng vươn lên phải được giúp để nâng trình độ, đứng vững, thực sự trưởng thành, có khả năng tự chủ. Khi họ tự chủ rồi thì dành cho họ nhiều quyền trong đó có quyền tự bổ nhiệm GS, PGS.
Tóm lại, đây là điều không nên cấm nhưng muốn làm phải có điều kiện. Điều kiện là lực lượng đủ mạnh. Ai sẽ công nhận chuyện này? Nhà nước, công luận sẽ công nhận.
- Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, quyết định của ĐH Tôn Đức Thắng là đột phá. Theo PGS.TS, việc này có tác động như thế nào đến các trường đại học, học viện trong cả nước và những cá nhân được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vinh danh hàng năm?
- Câu hỏi này có hai ý. Ý một là có tác động như thế nào đến các trường khác. Tôi nghĩ nó có tác động và sẽ động mạnh đến toàn bộ hệ thống giáo dục đại học công lập. Ý kiến có thể phân cực. Ví dụ những trường đại gia lâu nay sẽ mỉm cười, thậm chí chế giễu. Những trường bình thường, trường đàn em cảm thấy như là sự động viên.
Đối với những cá nhân được nhà nước phong, ai thiển cận sẽ chế giễu, chê bai. Những ai bình tĩnh, chín chắn thấy đây là một nhân tố mới, một biểu hiện nếu có chỉ đạo chặt chẽ, được hướng dẫn chu đáo đến nơi đến chốn sẽ tốt.
Cá nhân được phong trong phạm vi trường cũng thể hiện vinh dự đáng được hưởng nếu thật sự xứng đáng. Như thế càng có điều kiện để hội nhập quốc tế. Vì quốc tế họ làm việc này đã lâu. Cái quốc tế làm có ích nhưng mình không làm sẽ thấy không giống ai. Mình làm là hội nhập.
Nên nhớ trước đây Việt Nam đã vào APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), cuối năm nay tham gia cộng đồng kinh tế Asean và sắp tới Việt Nam sẽ vào TPP (Hiệp định xuyên Thái Bình Dương). Những việc làm như vậy quốc tế sẽ thấy Việt Nam có đổi mới, có cải tiến. Nhưng tôi xin nhắc lại trường muốn làm phải có điều kiện. Không thể ồ ạt cùng làm dẫn đến tình trạng giáo sãi nhiều, giáo sư ít.
- Thưa PGS.TS, danh hiệu giáo sư ở Việt Nam được xem là phẩm tước, vinh dự. Mặc dù ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng danh hiệu giáo sư của họ là chức vụ nhưng nhiều ý kiến e ngại việc làm của trường này đánh đồng danh hiệu giáo sư trong trường và danh hiệu giáo sư do nhà nước phong. Cá nhân ông thấy thế nào?
- Tôi chẳng có gì phải e ngại. Quay lại nhân vật Kissinger, bây giờ gọi Giáo sư Đại học Harvard-Kissinger hay Tiến sĩ Henry Kissinger? Ông nào danh giá hơn? Xin trả lời vẫn là một ông Kissinger nhưng vì hoán chuyển công tác, hoán chuyển chức vụ. Trước, ông dạy ở Đại học Harvard gọi là giáo sư, sau ông là nhà chính trị. Nhà chính trị không liên quan đến giáo dục thì không gọi là giáo sư. Gọi GS, PGS tức là ông thầy dạy học. Không dạy nữa vẫn gọi là giáo sư, rất buồn cười.
Một chuyên gia nông nghiệp giải đáp thắc mắc trên truyền hình có thể gọi giáo sư vì họ làm ở viện nghiên cứu. Nhưng trong một hội thảo tổ chức ở tỉnh, ông bí thư tỉnh uỷ tham dự, giới thiệu ông là bí thư tỉnh uỷ, giáo sư…là không chuẩn.
Tên gọi phải đi với đặc thù nghề nghiệp dạy học, nghiên cứu hay làm công tác quản lý, hành chính. Nếu làm công tác quản lý hành chính nên gọi học vị, không gọi chức vụ khoa học. Càng không nên cho rằng GS, PGS hơn tiến sĩ. Phải có sự rạch ròi về nơi họ làm việc. Họ dạy học hay không dạy học. Nếu dạy học mới gọi GS, PGS. Nếu chỉ làm công việc khác nên trân trọng danh xưng học vị của họ.
- Thưa ông, việc ĐH Tôn Đức Thắng đưa ra quyết định tự bổ nhiệm GS, PGS đang gây tranh cãi gay gắt. Một trong những tranh cãi phản đối là phản hồi của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cũng như nhiều nhà khoa học. Theo ông quyết định của trường liệu có được chấp thuận trong thời gian tới?
- Đây là điều khó nói vì các quan điểm hoàn toàn khác nhau. Rõ ràng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phản đối quyết liệt. Một nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng không đồng tình với chủ trương của trường. Trong giới khoa học phát biểu trên báo chí nhiều người tán thành, nhiều người phản đối và thứ ba là tán thành nhưng có điều kiện. Tôi thuộc ý kiến thứ ba - tán thành nhưng có điều kiện.
Tôi cho rằng chủ trương này Bộ Giáo dục - Đào tạo không giải quyết được. Mà phải lấy ý kiến từ người cấp cao từng có thời gian làm công tác giáo dục như ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Vũ Đức Đam tham mưu nhà nước giải quyết. Chủ trương của ĐH Tôn Đức Thắng được ủng hộ, được chuẩn thuận, bị phản đối, phản đối tạm thời hay phản đối vĩnh viễn phải chờ thời gian. Nhưng việc làm của họ đã gây tiếng vang chấn động vì đây là bước đột phá. Bước đột phá này có thể hấp tấp, có thể vội vàng nhưng là bước đột phá cần thiết. Phải có đột phá mới tìm được hướng đi mới.
- Trong thông tin với báo chí, Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định trường được quyền bổ nhiệm giáo sư thực hiện trên quyền tự chủ cho phép thí điểm theo điều 1, mục 2, tiểu mục 2b, quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 – 2017. Nhà trường cho rằng thí điểm là làm những điểm mới, những điều pháp luật chưa quy định mà không vi phạm pháp luật. Mọi sự can thiệp vào việc bổ nhiệm nội bộ của trường là vi phạm quyền tự chủ. Trong khi đó, hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng khi pháp luật chưa cho phép là phạm luật, ông nghĩ sao?
- Theo tôi, chỗ này rơi vào khoảng tù mù không rành mạch. Bởi vì nội dung khái niệm tự chủ đại học cũng chưa được quy định rõ ràng. Chính vì quy định không rõ ràng có được tự chủ bổ nhiệm hay không nên bên nào cũng nói mình có lý. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng mình nói có lý, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nói cũng có lý. Điều này cũng như các cụ nói, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay.
Cuối cùng phải có sự can thiệp của cấp cao hơn như tôi đã nói. Lúc này phải có văn bản chỉ đạo rành mạch đồng ý hay không đồng ý. Nếu đồng ý phải có điều kiện như thế nào, không đồng ý vì sao. Không đồng ý vĩnh viễn, không đồng ý tạm thời phải có lý do chính đáng.
- Hiện ĐH Tôn Đức Thắng đã phong cho một cá nhân trong trường làm giáo sư. Đây là đại học bắn phát súng đầu tiên trong việc “cũ người, mới ta” như ông vừa nêu. Theo ông nếu việc này được thực hiện, vai trò của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước như thế nào?
- Vai trò của Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ không thay đổi. Cũng như bên cạnh hệ thống siêu thị, đại siêu thị mở những cửa hàng tiện ích, những siêu thị mini. Trong vòng một năm siêu thị mini có thêm vài ngàn cái, cửa hàng siêu thị tiện ích thêm vài ngàn cái, thế nhưng siêu thị lớn, đại siêu thị vẫn giữ nguyên giá trị.
Trong lĩnh vực cao cả, sang trọng như trên đề cập, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vẫn làm việc của họ. Các trường được nhà nước cho phép làm cứ thế bổ nhiệm. Chuyện bây giờ mới mẻ khiến phân tâm, phân cực sau này trở thành bình thường, phổ biến.
Chỉ sợ té nước theo mưa, nhân dịp này các trường làm loạn lên, chúng ta được một mùa bội thu đồng thời cũng là mùa thu hoạch thóc lép. Đã có rất nhiều tiến sĩ rồi, bây giờ sẽ có rất nhiều GS, PGS có tên nhưng không có thực chất càng nguy. Nên các trường được quyền tự chủ ấy làm cẩn thận hay bổ nhiệm bừa bãi, có nhiều chức vụ khoa học cao, đánh lừa sinh viên, phụ huynh không biết thực chất giáo dục, không biết giá trị của trường.
Như tình trạng có nhiều trường không tuyển sinh được, nhiều trường quảng cáo liên miên trên đủ phương tiện, hiệu trưởng trở thành đại trí thức nhưng vẫn bán trường. Cuối cùng danh không xứng với thực. Cái gọi hữu danh vô thực rất nguy trong khi tình trạng này ở nước mình rất nhiều.
Về giáo dục hiện tại thạc sĩ, tiến sĩ dỏm rất nhiều. Cũng là trường ĐH nhưng gắn thêm biển quốc tế. Điều này Bộ Giáo dục - Đào tạo đủ thẩm quyền quyết định tuýt còi để các trường khác rút kinh nghiệm. Rất tiếc Bộ không làm được vai trò kiểm tra và hậu kiểm tra.
- Trường ĐH Tôn Đức Thắng được chuyển từ hệ tư thục sang hệ công lập năm 2008, xét về lịch sử đây là trường khá non trẻ. Ở lĩnh vực đào tạo cũng chưa có gì nổi bật, điểm tuyển sinh hàng năm luôn bằng mức điểm sàn. Nhiều ý kiến không ủng hộ trường này trong việc tự bổ nhiệm GS, PGS. Theo ông, nếu trường ĐH thực hiện điều này là một số trường khác như hệ thống các trường quốc gia liệu sẽ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn?
- Chúng ta rất cần những hoạt động đột phá, hoạt động tiên phong mở đường nhưng luôn nhắc các đơn vị muốn đột phá phải xem lại mình đã đủ điều kiện. Điều kiện cơ bản nhất không phải thời gian nhiều hay ít mà lực lượng như thế nào. Có khi một trường mới 5 năm đã xây dựng đủ chứ không phải 8 năm. Nhưng cũng có những trường có lịch sử hai ba mươi năm vẫn sống vất vưởng như người thiếu máu. Rất nhiều trường sống trong tình trạng vất vưởng này.
Đối với những trường quốc gia có thể được ủng hộ nhưng họ lại không cần. Vì những trường này cứ tuần tự nhi tiến, chuẩn bị đội ngũ mỗi năm đăng kí lên nhà nước để được phong GS, PGS. Tôi cho rằng trường quốc gia họ không coi trọng chuyện này. Và có lẽ sốt ruột nhất là hệ thống các trường ngoài công lập.
- Theo quy trình phong GS, PGS của nhà nước, việc thẩm định hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS thực hiện qua 3 cơ quan gồm hội đồng chức danh giáo sư cơ sở, hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và hội đồng chức danh giáo sư nhà nước. Nếu trường đại học được bổ nhiệm chức vụ giáo sư thì việc bổ nhiệm chỉ xét duyệt chỉ qua một hội đồng duy nhất của trường. Ông có lo lắng điều này dẫn đến tiêu cực trong việc trường được quyền tự bổ nhiệm?
- Việc tuyển chọn, bổ nhiệm GS, PGS của trường không thể trải qua ba chặng. Đương nhiên việc này sẽ đơn giản hơn và có thể có hai chặng (đơn vị khoa, đơn vị trường) hoặc một chặng. Vì thế những cá nhân được trường bổ nhiệm phải ghi rõ GS, PGS của trường nào. Tức đó là những người được đánh giá tích cực, trân trọng ở phạm vi một trường đại học cụ thể.
Về ba cấp như quy định của nhà nước tôi có lo lắng về cấp cuối cùng. Gần như chưa có một vị nào được trường đề nghị, ngành duyệt mà hội đồng chức danh nhà nước bỏ qua. Cho nên giữ 3 chặng như vậy cũng được nhưng nếu cần nên giữ hai chặng là cấp hội đồng chức danh giáo sư cơ sở và hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành.
- Về lực lượng trong một trường đại học, đội ngũ giảng viên là bộ khung. Tất nhiên trong đội ngũ giảng viên có các giáo sư đóng vai trò chủ chốt. Thế nhưng hình như đội ngũ giáo sư đang được coi trọng hơn bộ khung của trường. Ông thấy thế nào?
- Tôi cho rằng, một trường cao đẳng hoặc đại học thực sự được tín nhiệm của xã hội căn cứ vào kết quả đào tạo. Kết quả đào tạo để có được phụ thuộc vào mấy điều kiện như sau: Điều kiện thứ nhất, tổ chức trường thế nào, sự lãnh đạo về mặt chuyên môn của ban lãnh đạo ra sao. Điều kiện thứ hai, căn cứ vào thực lực đội ngũ giảng dạy.
Có thể có những trường có nhiều giáo sư được phong nhưng không ra sao vì những người được phong không phát huy được chất xám. Ngược lại những trường chưa có giáo sư nội bộ nhưng có đội ngũ vững vàng mới chỉ là tiến sĩ, thạc sĩ vẫn có kết quả tốt. Chuyện GS, PGS do trường bổ nhiệm là điều kiện cần nhưng chưa đủ, càng không phải điều kiện quyết định.
Đối với các hoạt động đối ngoại trong nước hoặc quốc tế khi tiếp xúc với trường ĐH họ rất tinh mắt. Có thể chỉ trao đổi với một tiến sĩ nhưng họ biết đó là người có thực lực. Ngược lại trao đổi với giáo sư chuyên môn kém, ngoại ngữ kém họ cũng biết.
Cũng là giảng dạy chuyên môn tiếng Việt ở nước ngoài, nhưng có những người rất được tín nhiệm, người học xin kéo dài thời gian. Ngược lại có những người lảng tránh nói chuyện, giờ nghỉ không hoà nhập, người học mau chóng kết thúc. Điều đó có nghĩa trình độ chuyên môn quyết định tất cả.
Chúng ta có những giai đoạn (từ những năm 1930-1960) có những cá nhân học cao nhất là cao đẳng sư phạm nhưng được thế giới cực kì nể trọng vì họ có thực tài. Ví dụ Giáo sư Đào Duy Anh mới chỉ học hết lớp 9 rồi tự học. Vì tự học nên ông trở thành một giáo sư sử học rất vững vàng. Ông được xem là một trong những nhà từ điển học xuất sắc của thế giới. Nhiều người khác cũng giống như vậy nhưng nghiêm túc tự học, tự học suốt đời nên trình độ rất cao như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Giản Chi…
Bên cạnh đó số cá nhân ra nước ngoài du học lúc trở về với bằng tiến sĩ như Giáo sư Phạm Huy Thông, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường… Hai nguồn này một tự học và một được đào tạo thực chất, bằng cấp đáng giá, đáng tin cậy hoà hợp với nhau tạo nên thế hệ vàng trong trí thức Việt Nam
Bây giờ điều kiện rất khác, tự học rất cần, nhưng nếu không có bằng cấp rất khó. Hình thức chặt chẽ nhưng có nhiều kẽ hở. Voi đi không được nhưng chuột chui được. Nên mới có tiễn sĩ giấy, thạc sĩ giấy. Nhưng xã hội và đặc biệt những nhà khoa học sẽ rất tinh và phân biệt được đâu là vàng giả - vàng thật, vàng non tuổi, đủ tuổi…
- Cảm ơn ông đã trao đổi!