Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Hãy lắng nghe quá khứ”

Thứ Sáu, 26/12/2014, 16:29
Uyên bác và hóm hỉnh, ông có cách nói chuyện khiến người khác phải bật cười, ngay cả khi đề cập một vấn đề quan trọng nhất. Một người đọc nhiều, suốt đời gắn bó với môi trường giáo dục, ham đi điền dã để nghiên cứu tìm hiểu văn hóa dân gian. Ông tự hào về nền văn hóa dân gian phong phú của dân tộc, xem nó như là ngọc quý, là nền tảng tạo nên các giá trị của đời sống hiện đại. Nhưng ông cũng buồn về cách chúng ta gìn giữ, ứng xử, thấu hiểu và phát huy các giá trị văn hóa dân gian chưa xứng với vị thế và tiềm năng của nó. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

- Phóng viên: Thưa ông, phần lớn mỗi người chúng ta đều hiểu, văn hóa dân gian là cội gốc, là khởi nguồn của nhiều câu chuyện văn hóa khác trong đời sống một quốc gia, dân tộc. Giống như người ta xây một ngôi nhà thì phải có nền móng. Xin hỏi ông, trong khoa học nghiên cứu dân gian, thì vấn đề này được quan niệm cụ thể như thế nào?

- Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng, xét về mặt quốc gia, là một dạng tài nguyên, tương tự như cây xanh, nước ngọt, đất, khoáng sản... Rất tiếc là ít người nhận thấy như vậy. Các nhà quản lý xã hội phần lớn cũng không quan niệm như vậy, nên chúng ta còn để lãng phí rất lớn tài nguyên này. Đây là một dạng tài nguyên tinh thần, nhất thiết phải được thấu hiểu, bảo lưu và phát triển. Cho nên sự phí phạm tài nguyên này cũng giống như bán chui than đá cho nước ngoài, cũng như là tàn phá rừng hay nguồn nước ngọt một cách vô tội vạ, càng ngày càng thấy giống như vậy.

- Vâng, nếu văn hóa dân gian là một dạng tài nguyên thì theo ông, tài nguyên này của ta phong phú ở mức độ nào, và chúng ta đang khai thác tài nguyên theo cách thức ra sao, thưa ông?

- Tài nguyên văn hóa của chúng ta là cực kỳ phong phú. Phong phú đến nỗi, nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới có diện tích lớn hơn chúng ta, có cư dân đông hơn chúng ta cũng phải thèm muốn. Chúng ta có 54 dân tộc anh em, và mỗi dân tộc thực sự là một mỏ quặng về văn hóa. Ví dụ, trong âm nhạc chẳng hạn, nếu chúng ta làm một ngân hàng tiết tấu, thì với số lượng tiết tấu khai thác được từ âm nhạc dân gian, đủ cho những người làm âm nhạc hiện đại khai thác, kế thừa cả đời viết của mình, mà không phải đạo nhạc, chôm nhạc của Thái Lan, Hàn Quốc. Người Mông đấy, chỉ một cây sáo với mấy tiết tấu, mà người ta biến hóa thành một bản nhạc cực kỳ truyền cảm, hấp dẫn. Có một thời chúng ta làm tương đối tốt việc khai thác tài nguyên âm nhạc, sử dụng chúng trong âm nhạc hiện đại, đấy là thời kỳ 1946-1965. Rồi đến những năm kháng chiến chống Mỹ. Rất nhiều bài hát hay ra đời. Nhưng tiếc là chúng ta khai thác vốn liếng âm nhạc dân gian mà không tổng kết lại thành lý luận, giúp ích cho tương lai.

Có mấy vấn đề quan ngại trong việc khai thác tài nguyên văn hóa dân gian mà chúng ta đang gặp phải, là tính tự thức chưa nhiều, nghĩa là chưa có sự thấu hiểu, công nghệ tinh thần khai thác còn yếu, năng lực thiết chế còn kém...

- Ông vừa nhắc đến sự thấu hiểu. Vì sao khi đụng tới câu chuyện văn hóa dân gian, vấn đề thấu hiểu lại được đề cao đến vậy?

- Văn hóa là lĩnh vực tinh thần. Thiếu sự thấu hiểu sẽ dẫn đến lệch lạc về tư duy. Thực tế, có những lúc chúng ta bình dân hóa nhiều giá trị, rồi có lúc lại đề cao quá mức, xem như một dạng tinh thần thuần túy, không gắn với thực tế, không coi như một dạng tài nguyên. Thực chất, cái nhìn đúng là phải nhìn văn hóa dân gian trong sự tương tác giữa cái tinh hoa và cái bình dân. Thiếu sự tương tác ấy là ứng xử với văn hóa sẽ mất cân đối. Bất cứ nền văn hóa quốc gia nào cũng có hai phần cơ bản, gồm hàn lâm và bình dân. Vì không thấu hiểu thật sự từng giá trị văn hóa nên mọi chính sách của chúng ta cho việc bảo tồn, lưu giữ, phát triển đều mập mờ. Từ đó dẫn tới việc khai thác văn hóa dân gian cho việc tạo ra các sáng tạo mới cũng là không chuẩn. Đơn cử như việc chúng ta đua nhau “chạy” để được công nhận các di sản văn hóa cấp này, cấp kia. Chúng ta rầm rộ các chiến dịch để được trao một bằng chứng nhận, xong rồi có khi để đó, ít có những chiến lược thực sự đắc lực trong việc bảo tồn, khai thác nguồn tài nguyên tinh thần trong nội tại quốc gia. Chúng ta hô hào nhân dân gìn giữ các giá trị văn hóa, trao bằng khen chỗ này chỗ khác, phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, rồi thường dừng lại ở đó, ít những hành động cụ thể, thiết thực, đúng mực để làm sao các giá trị được tôn vinh đúng nghĩa, là nó phục vụ lợi ích của nhân dân. Khi đi nghiên cứu về hát xoan, chúng tôi phát hiện ra hình thức sinh hoạt xa xưa của loại hình nghệ thuật này rất thú vị. Hát xoan là một dạng địa phương hóa của nghệ thuật ca trù, và ở địa phương, đội hát xoan hay nhất thường được quan thưởng cho hai mẫu ruộng. Tôi nghĩ, hình thức khai thác, lưu giữ đó vẫn có thể áp dụng thời nay. Chẳng hạn, đội hát xoan hay nhất sẽ được thưởng số tiền tương ứng với hai mẫu ruộng. Theo thời giá hiện nay là khoảng mấy trăm triệu đồng. Những nghệ sĩ dân gian sẽ sử dụng chính số tiền đó vào việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển các giá trị của hát xoan trong cộng đồng mình. Đấy là cách nuôi dưỡng tốt nhất các giá trị văn hóa. Còn nếu chúng ta cứ hô hào tuyên dương suông, hoặc làm cho hình thức thì không hiệu quả.

- Như vậy, có thể hiểu, trong văn hóa thì vấn đề quan trọng là cách quan niệm và thái độ ứng xử. Soi chiếu cụ thể vào vấn đề bảo tồn các di tích lịch sử hiện nay chẳng hạn, ông thấy có vấn đề gì bất cập?

- Bất cứ giá trị văn hóa nào cũng biến đổi theo thời gian. Việc bảo tồn cần một tổng thể các quan niệm. Trong xã hội chúng ta hôm nay, có thể nhìn thấy rất nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Các giá trị thuộc về vật chất, tiện nghi, tăng trưởng đang lên ngôi, thậm chí trở thành phổ quát trong đời sống. Các giá trị thuộc về tinh thần đang bị xem nhẹ. Người ta mang quan niệm lụy vật chất áp dụng vào các giá trị văn hóa. Tu bổ một di tích nào đó chẳng hạn, người ta nghĩ ngay đến việc cá nhân được bỏ túi những gì, chứ không quan trọng sự hiểu biết, làm sao để tu bổ mà vẫn giữ được hồn cốt của giá trị văn hóa đó. Hiểu biết xưa nay vốn là một câu hỏi bất tận, nó là giá trị cao, liên quan đến tự do sáng tạo, sự tôn trọng. Hiện nay các giá trị này ít được đếm xỉa tới, thành ra di tích chưa hỏng người ta cũng làm cho hỏng. Người ta quy mọi thứ ra lợi nhuận. Sửa di tích, người ta mua đá của nước ngoài hơn là đá sản xuất trong nước, đơn giản vì mua đá ngoại thì chiết khấu hoa hồng được hưởng cao. Như vậy, thì càng sửa, tính thiêng liêng của một giá trị văn hóa càng mất đi. Linh hồn của nó cũng mất đi.

- Có một khía cạnh khác của vấn đề tu bổ di tích rất muốn được chia sẻ nữa, là dường như chúng ta đang tập trung quá nhiều vào việc gìn giữ các giá trị cũ, mà lại quên đi việc kiến thiết, sáng tạo những giá trị mới của thời đại hôm nay, là dấu ấn của thời đại mình đang sống. Ông có cảm nhận sự mất cân đối trong vấn đề này?

- Tôi nghĩ không phải chuyện gì liên quan đến việc tu bổ, giữ gìn chúng ta cũng quan trọng hóa, trầm trọng hóa lên. Có thứ phải đơn giản hóa đi. Và cơ bản phải xác định được đâu là yếu tố cần thiết, mũi nhọn của vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đất nước ta đụng đâu cũng là đụng vào di tích lịch sử cả. Nếu cứ khư khư cái gì cũng giữ chặt lấy, tu bổ, bảo tồn, dành chỗ… thì vô hình trung làm khó cho nhân dân. Giống như việc chúng ta thương nhớ tổ tiên, cha mẹ thì không nhất thiết cứ phải làm lại cái nhà tranh tre nứa ná. Chúng ta có thể xây một ngôi nhà khang trang tiện nghi, phù hợp thẩm mỹ và thuận lợi cho đời sống hiện tại, rồi có góc riêng linh thiêng thờ tổ tiên cha mẹ. Làm gì thì làm, nhưng đừng bỏ quên lợi ích của hôm nay. Những người đi trước chẳng phải tạo ra các giá trị cũng là để mong muốn con cháu mình sau này sẽ được thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn, văn mình hơn hay sao. Ví như câu chuyện bảo tồn phố cổ Hà Nội, hay Đàn xã tắc chẳng hạn. Chúng ta bảo tồn cái cũ, nhưng vẫn phải làm sao đảm bảo lợi ích sống của người dân, thì mới tạo được sự hài hòa trong văn hóa. Một số giá trị văn hóa đã cũ nát quá, không còn phù hợp thì theo tôi cũng mạnh dạn bỏ qua, kiến thiết thành các giá trị của hôm nay, phục vụ thiết thực đời sống nhân dân. Những gì kết tinh nhất của hôm nay sẽ còn lại đến mai sau và trở thành giá trị được người đời sau nâng niu gìn giữ.

- Câu chuyện này liên quan phần nhiều đến các việc quản lý trong văn hóa. Theo ông, căn bệnh “nặng” nhất của văn hóa nước mình đang mắc phải là gì?

- Bệnh nặng nhất của văn hóa Việt hiện nay là chính trị hóa văn hóa, kinh tế hóa văn hóa. Ở đây không phải là kinh tế bền vững, mà là tư lợi cá nhân. Những yếu tố này đang cản trở, rào lấp con đường đi tới chân lý trong các nghiên cứu, nhận định, hoạt động văn hóa. Ngoài ra là căn bệnh lúc thì phô phang hình thức quá mức, lúc thì lại tự kỷ quá mức. Những căn bệnh này được khởi nguồn từ những người làm công tác quản lý văn hóa nhưng lại thiếu năng lực văn hóa. Họ nghĩ ra nhiều khái niệm theo tôi là “xông xênh, kỳ quặc”, rồi chuyển hóa nó vào các quy định, làm méo mó văn hóa. Họ là những người giỏi năng lực xin tiền công, giải ngân... mà thiếu một sự hiểu biết thấu đáo về văn hóa.

- Theo thiển ý của tôi, văn hóa dân gian, đặc biệt văn học, âm nhạc dân gian là cung cấp một tâm thế sống hạnh phúc cho nhân dân. Trong đời sống vội vàng, tốc độ, nệ vật chất hôm nay, theo quan sát của ông, người Việt tiếp cận tâm thế ấy từ văn hóa dân gian ở mức độ nào và với tâm thế như thế nào?

- Nói về tâm thế của nhân dân, tôi lại nghĩ nhiều đến chính sách và tổng thể thiết chế của từng quốc gia, dân tộc trong việc đối xử với nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình như thế nào. Hãy nhìn đất nước Hàn Quốc. Nền văn hóa của họ, nếu nói về độ phong phú, đặc sắc, so với nước ta, thì không thể bằng. Nhưng từ năm 1994, những nhà lãnh đạo của họ đã có một quyết tâm cải thiện hình ảnh đất nước họ, nền văn hóa của họ trong mắt bạn bè thế giới. Họ muốn dần dần tạo cho nhân dân nước mình một tâm thế mới, tự hào và tôn vinh văn hóa truyền thống bản địa. Họ cử hàng trăm công dân ưu tú ra nước ngoài học làm phim. Những cá nhân trở về sau khi đã được đào tạo tốt về công nghệ mới, bắt tay làm phim về các truyền thuyết của dân tộc mình. Chỉ sau một thập kỷ, điện ảnh Hàn Quốc đã có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới. Những gì thuộc về văn hóa, lịch sử của nước họ, được khai thác triệt để và biến thành nghệ thuật điện ảnh, xâm nhập sâu rộng vào các nước trong khu vực và trên thế giới. Mức độ ảnh hưởng của phim Hàn Quốc tới Việt Nam ra sao thì ai cũng rõ rồi. Người dân Việt tiếp xúc những vấn đề về lịch sử và văn hóa Hàn Quốc qua phim ảnh hơn cả lịch sử, văn hóa nước mình. Đến nỗi một số người dân tộc Cơ-tu ở ta khi sinh con cũng đặt tên con theo tên của các diễn viên Hàn Quốc. Mình đừng trách họ vội. Rõ ràng là họ hướng đến các giá trị đẹp, giá trị mà họ mong muốn thì họ mới làm vậy.

Điện ảnh Hàn Quốc hiện nay đang gặp phải vấn đề là cạn nguồn truyền thuyết để làm phim, họ đang tính chuyện đi đến các đất nước khác, mang công nghệ làm phim hiện đại của mình để làm phim truyền thuyết về đất nước khác. Tôi có một kỷ niệm muốn kể ở đây. Khoảng năm 1996, một tối muộn muộn, tôi gọi về Vinh thăm mẹ tôi. Tôi hỏi mẹ tôi đang làm gì, bà bảo bà đang xem phim Hàn Quốc. Tôi rất buồn và tự hỏi, sao giờ đó mẹ tôi không phải đang xem một bộ phim Việt Nam, mà lại là phim Hàn Quốc. Sau đó, tôi mua các giáo trình điện ảnh về để nghiên cứu, và thấy rằng, sức mạnh khuếch đại văn hóa của điện ảnh thật to lớn. Nhìn lại đất nước ta, chúng ta có một kho tàng mênh mông các truyền thuyết, các câu chuyện lịch sử, các câu chuyện văn hóa có thể biến thành điện ảnh. Đơn cử một vùng văn hóa nhỏ như vùng Cổ Loa - Đông Anh thôi, đã có thể là nguồn nguyên liệu phong phú cho bất kỳ ai ham mê sáng tạo rồi. Tiếc là chúng ta thiếu chiến lược, thiếu tầm nhìn, thiếu một sự ý thức về quyền lực mềm của văn hóa. Chúng ta đôi khi ý thức về tính chính trị trong văn hóa hơi cao, mà cái đó, nói thật, rất khó thấm vào lòng nhân dân thế giới được.

- Chúng ta đang gắn chặt chẽ ba lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch vào công tác quản lý văn hóa. Nhưng hình như tư duy của ba lĩnh vực này là khác nhau. Chẳng hạn, thể thao thì hay nhắc tới đỉnh cao, và thường tư duy thành tích. Còn du lịch thì gắn với yếu tố thương mại, lợi nhuận. Theo ông, các yếu tố thuộc về đỉnh cao và thương mại, liên quan đến văn hóa ở mức độ nào?

- Điều gì làm cho một đất nước nhỏ bình đẳng với một đất nước lớn, một đất nước nghèo bình đẳng với một đất nước giàu, xin thưa, đó là văn hóa. Văn hóa cần sự phong phú, đặc sắc. Mặc dù có các giá trị văn hóa mang tính hàn lâm và có các giá trị văn hóa mang tính bình dân, nhưng khái niệm văn hóa đỉnh cao thì chắc là không có. Câu chuyện thương mại hóa các giá trị văn hóa cũng phải hết sức dè chừng. Không phải giá trị nào cũng có thể đối xử theo cách đó, nó lập tức sẽ bị biến thái, triệt tiêu. Ở các nước phát triển, những gì thuộc về các giá trị văn hóa mang tính bác học, hàn lâm, là nhà nước phải bỏ tiền ra đào tạo nhân lực, trả lương cho những người làm công việc giữ gìn phát triển nó. Các nghệ nhân phải được trả lương cao, không phải lo kiếm sống. Sinh viên các ngành nghệ thuật có tính thị trường phải nộp tiền học, còn sinh viên theo học các ngành thuộc về văn hóa hàn lâm thì được nhà nước nuôi, nhà nước trả lương công việc xứng đáng. Phải xác định rõ ràng những yếu tố đó, thì sự phát triển mới hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại, nghệ thuật với thị trường. Nhìn chung, cách ghi nhận của chúng ta là chưa đúng, chưa thấu hiểu, chưa tương xứng và chưa có tính khích lệ.

- Tư duy thực dụng đã biến tất cả những điều vốn chỉ là phương tiện để con người đi tìm hạnh phúc trở thành mục đích. Với tư cách một nhà khoa học, ông thấy văn hóa dân gian có thể mách bảo điều gì cho mỗi người trong việc xác định lại tâm thế sống, nhất là trong điều kiện hôm nay?

- Trước tiên, mỗi người quan tâm đến văn hóa dân gian phải xác định lại rõ ràng quan niệm văn hóa là một dạng tài nguyên. Việc khai thác tài nguyên đó phải là một phương tiện, để làm sao biến thành các sáng tạo phục vụ lợi ích chung của nhân dân - những người thụ hưởng văn hóa, góp phần hoàn thiện hình ảnh Việt trong mắt bạn bè thế giới, góp một nét bản sắc văn hóa Việt Nam chung cho toàn cầu. Biến văn hóa trở thành một món hàng, hay là dùng nó để phục vụ tư duy ăn xổi ở thì, chúng ta sẽ mất vị thế trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi có thể nói không quá rằng, thời điểm chúng ta đang sống đây là thời điểm mà giá trị văn hóa Việt trong mắt bạn bè quốc tế xuống rất thấp. Đấy là điều hết sức lo ngại.

- Trước tình hình như vậy, tâm thế của ông khi nghiên cứu văn hóa dân gian là gì?

- Xét về khía cạnh nào đó, tôi cũng ở trong tâm thế như bất kỳ người dân Việt nào quan tâm đến văn hóa dân gian. Còn trên phương diện khoa học, như một công việc mình đã lựa chọn, tôi xác định rất đơn giản. Thứ nhất, tôi thuộc về một thế hệ may mắn hơn thế hệ trước. Tôi không phải chịu những mất mát trong chiến tranh nhiều như các thế hệ đi trước, do đó mà có điều kiện để làm khoa học tốt hơn. Thứ hai, tôi làm việc là để đáp ứng lòng mong mỏi, kỳ vọng của các thầy cô thế hệ trước tôi. Hình như tôi đã nhận sứ mệnh được truyền lại từ những người đi trước tôi, là cố gắng nhận diện một cách thấu đáo gương mặt văn hóa của dân tộc mình trong khả năng có thể. Cuối cùng, là tôi làm việc để đáp ứng mong muốn hiểu biết của các thế hệ sinh viên. Là một người thầy đứng trên bục giảng, tôi không được phép từ chối các câu hỏi. Mọi câu hỏi thuộc về chuyên môn nghiên cứu của mình, tôi phải trả lời được, không được phép nói không hoặc nói qua loa.

Ảnh: Minh Trí.

- Làm khoa học chính là công việc đi tìm kiếm chân lý. Vậy, ông tìm gì trong văn hóa dân gian?

- Tôi luôn muốn tìm cái lạ, cái độc đáo trong công việc của mình. Trong môi trường công việc của tôi, điều tôi thú vị nhất, là tôi thấy mình được tôn trọng và tôi được mọi người tôn trọng. Tư duy của tôi, mình nghĩ gì, làm gì cũng là đóng góp vào kiến thức chung của văn hóa dân tộc mình, giống như một người bỏ tiền vào ngân hàng vậy. Tâm thế phải hết sức thoải mái, vô tư với công việc của mình. Còn những thứ khác thuộc về đời sống, phải biết bằng lòng, đừng nhấn mạnh chữ tìm kiếm. Ai chả thích nhà cao cửa rộng, xe đẹp. Nhưng nếu đó là thứ ngoài khả năng của mình thì cũng đừng loay hoay, mà phải biết bằng lòng. Hồi trước, tôi thường tự tay mình lo các việc ở khoa. Việc to việc nhỏ gì tôi làm tất. Rồi một hôm người bạn của tôi gọi tôi ra và bảo: “Ông đừng như thế, việc nhà ông đâu mà ông làm. Ông cứ thuê người làm rồi trích 10% hoa hồng. Nếu ông không thuê được người thì để tôi thuê giúp”. Và bạn tôi thuê giúp tôi, trích lại cho tôi 10% hoa hồng hẳn hoi. Đấy, tôi không có được tư duy như bạn, nên xét về mặt nào đó, mình không cải thiện cuộc sống vật chất tốt bằng bạn cũng là dễ hiểu. Một triết lý sống hiện đại của bạn tôi cũng khiến tôi suy ngẫm nhiều, đó là: bình đẳng - ân tình - có lãi. Chấp nhận mình và chấp nhận người khác, đó là điều khoa học dạy cho tôi. Mọi khác biệt không bao giờ được định kiến, vì mỗi thời sẽ là mỗi khác. Ngay cả trong ứng xử với sinh viên, tôi cũng thực hành tiêu chí này. Không bao giờ áp dụng mệnh lệnh với các bạn trẻ, không lấy quan điểm của mình áp đặt các bạn. Kể cho nhà báo nghe, có em sinh viên nhắn tin vào điện thoại cho tôi thế này: “Bi giờ em cần gặp thầy. Keke”. Ngôn ngữ tuổi teen mà. Một số người cho rằng nhắn cho thầy như thế là không phải phép, nhưng tôi cũng không nặng nề việc này. Hay khi tôi tổ chức một buổi hát văn, tôi mời một số sinh viên đến nghe. Có em nhận lời rồi nhắn lại không đi, tôi bảo không sao đâu. Nghĩa là mình không định kiến, không bắt các em giống mình. Các em còn nhiều bận tâm khác, vì thời các em khác thời mình.

- Là người chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian và giảng dạy về văn học, xem ra ông có vẻ “thoáng” với lớp trẻ quá, liệu như vậy có làm hư các em không?

- Sao hư được. Mình chấp nhận những gì có thể trong giới hạn thôi chứ. Đừng sợ. Muốn tác động đến các em, mình phải hiểu các em chứ.

- Làm văn hóa dân gian thực chất là công việc trò chuyện với tiền nhân, với quá khứ, lắng nghe quá khứ...

- Đúng rồi, hãy lắng nghe quá khứ. Nghề của tôi là nghề nói chuyện với quá khứ mà. Học tiền nhân là rất quan trọng.

- Nhưng học tiền nhân thế nào để không cứng nhắc, vì đời sống luôn biến chuyển không ngừng, cái phù hợp với hôm qua có thể không còn phù hợp với hôm nay, cái đúng hôm qua có thể không còn đúng với hôm nay, thưa ông?

- Quan trọng là phải nhận biết cái lõi của vấn đề. Đi tìm chân lý phải phá bỏ định kiến như tôi đã nói. Câu chuyện chỉ là nhìn thật rõ đâu là chân lý đâu là định kiến mà ứng xử thôi.

- Người ta thường nói, khi biết nghe những thì thầm của quá khứ, thì con người sẽ dễ dàng tìm thấy con đường đúng để đi tới tương lai. Lời thì thầm nào của quá khứ, từ góc nhìn văn hóa dân gian, thưa ông, có thể mách bảo con đường cho mỗi người Việt đi trong tương lai?

- Tôi hiểu rằng xã hội chúng ta đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhiều giá trị bị đảo lộn. Mỗi người dân Việt đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong môi trường sống vừa tốc độ, vừa thực dụng, rất cần những giây phút nhìn lại để nhận biết các giá trị cần thiết, tránh tâm thế hoang mang, không định hướng. Quá khứ trôi qua bao giờ cũng để lại những bài học hữu ích. Nếu có bài học nào quan trọng từ văn hóa dân gian cần được lĩnh hội, thì đó là tinh thần thượng tôn pháp luật. Mỗi người phải phát huy tinh thần tự tôn và yêu cầu người khác tự tôn thì pháp luật sẽ được hoàn thiện. Xét cho cùng, không có tinh thần ấy, mọi xáo trộn, bất công và bất an sẽ tới. Cốt lõi của văn hóa cũng vậy thôi, là vấn đề ứng xử trên cơ sở thấu hiểu, bình đẳng, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Một điều nữa mà văn hóa dân gian có thể mách bảo cho mỗi chúng ta, chính là nhận biết sự tiếp biến của nó. Chúng ta nhìn mọi sự trong chuyển động không ngừng, biết cách nhận diện các giá trị quan trọng và chọn lối ứng xử phù hợp. Nhìn văn hóa với cái nhìn của biện chứng để hiểu được rằng, luôn có một sợi dây hệ lụy, nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai trong văn hóa…

- Xin cảm ơn ông.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.