Phó Giáo sư – Nhà giáo Văn Như Cương:

Giáo dục không bao giờ đứng ở vị trí thấp

Thứ Ba, 26/05/2015, 18:05
Chúng tôi đến gặp Phó Giáo sư - Nhà giáo Văn Như Cương vào thời điểm các em học sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi kết thúc năm học. Nhà trường thì đang bận rộn với kế hoạch tuyển học sinh vào lớp 6. Trong căn phòng làm việc giản dị thoang thoảng mùi hương hoa nhài - loài hoa mà Phó Giáo sư Văn Như Cương rất thích, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với Phó Giáo sư về những vấn đề nóng của giáo dục mà toàn xã hội đang quan tâm.

- Phóng viên: Trước tiên, xin cảm ơn Phó Giáo sư (PGS) - Nhà giáo Văn Như Cương đã đồng ý cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Một câu chuyện thời sự liên quan đến giáo dục của ta, là mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD đã xếp hạng giáo dục phổ thông Việt Nam đứng thứ 12, cao hơn cả các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ. Và sau đó vài ngày, Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới WEF lại công bố một thứ hạng khác cũng liên quan đến giáo dục. Đấy là chỉ số HC, còn gọi là chỉ số về “nguồn vốn con người”. Trong bảng xếp hạng HC, Việt Nam đứng thứ 59, nghĩa là chênh 47 bậc so với xếp hạng OECD. PGS đón nhận thông tin này như thế nào?

- Phó Giáo sư - Nhà giáo Văn Như Cương: Về bảng xếp hạng của OECD, theo tôi, chúng ta nên tin vừa phải thôi. Vì cách khảo sát của tổ chức này là lựa chọn ngẫu nhiên một số trường một số vùng và lại chỉ trên môn Toán và khoa học của học sinh độ tuổi dưới 15. Tôi cho rằng đây là kết quả không khách quan và không nói lên chất lượng thực tế của giáo dục Việt Nam. Về bảng xếp hạng HC, còn gọi là chỉ số “nguồn vốn con người” của WEF thì tôi thấy nó có tính thực tế hơn. Người ta nghiên cứu những kiến thức kỹ năng được tích lũy nhờ quá trình giáo dục và lao động. Tôi cho rằng đây là một định nghĩa hay về vốn con người. Thì ở bảng xếp hạng này mình đứng thứ 59 trên tổng số hơn 120 nước tham gia. Tôi nghĩ, muốn xét về giáo dục thì nên xét theo tiêu chuẩn này, để thấy rằng giáo dục đã cống hiến cho phát triển kinh tế xã hội như thế nào. Nhưng thực ra tất cả những kết quả xếp hạng đó, theo tôi, là chỉ để tham khảo thôi. Vấn đề quan trọng là mình tự đánh giá về mình, tự biết mình. 

Giáo dục của ta hiện nay đang không theo kịp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, do đó không góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đấy là cốt lõi vấn đề mà chúng ta phải hành động triệt để hơn nữa để đổi mới giáo dục. Không nên vui mừng với một vài kết quả đánh giá từ bên ngoài, vì tôi nói thật, chuyện mà chúng ta chủ động tham gia thi thố, xếp hạng là chúng ta cũng có nhiều mẹo mực lắm. Chẳng hạn khi một trường, một địa phương được chọn ngẫu nhiên để khảo sát, nhưng các thầy cô lại âm thầm huấn luyện học sinh, hay tuyển lựa những học sinh có kết quả tốt ở nơi khác đến để tham gia vào cuộc khảo sát. Nghĩa là chúng ta cần phải thận trọng với những kết quả đánh giá, xếp hạng.

- Tuy nhiên, PGS có thể nói thêm về câu chuyện “vốn con người” ở ta và cắt nghĩa vì sao chỉ số này của người Việt lại được WEF đánh giá chưa cao?

- Điều này dễ hiểu thôi. Nhìn vào lực lượng lao động của ta thì có thể thấy ngay. Nông dân ta không được học những kiến thức về nông nghiệp, về cây trồng, về kỹ năng trồng trọt. Công nhân thì chủ yếu là những người bán sức lao động ngoài phố gom vào các nhà máy xí nghiệp, không được học nghề, không có kiến thức. Công nhân bậc cao rất ít. Kỹ sư, cử nhân ra trường không kiếm được việc làm. Hiện nay có khoảng 160 ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ đang thất nghiệp. Như thế là giáo dục của ta có đào tạo, nhưng ra đời không đáp ứng được thực tế đòi hỏi của xã hội. Và sự thúc đẩy của nền giáo dục cho phát triển kinh tế xã hội là rất yếu kém. “Vốn con người” của chúng ta thực tế là còn nghèo nàn quá.

- Nhìn một cách thẳng thắn, PGS thấy chất lượng giáo dục phổ thông của ta đang gặp phải vấn đề cơ bản nào?

- Nhiều năm nay giáo dục của ta đang đi lệch khỏi quỹ đạo mà từ trước tới nay chúng ta vốn có, đấy là học đi đôi với hành. Chúng ta chỉ có dạy chữ, dạy tri thức thôi, mà chưa chú trọng dạy làm người. Các em học sinh học ngày học đêm, học căng thẳng nhồi nhét về mặt kiến thức nhưng thái độ sống thì không được chỉ bảo uốn nắn. Đó là thái độ ứng xử với thiên nhiên môi trường, với cái sai cái đúng, với cha mẹ, với cộng đồng. Cho nên tình trạng học sinh đánh nhau, cư xử không đúng mực với thầy cô giáo, không nghe lời cha mẹ, chán đời tự tử, xử lý các tình huống cuộc sống thiếu hiểu biết đang có xu hướng gia tăng. 

Nhìn lại lịch sử, giáo dục của ta đã có một thời kỳ rất đẹp, thực sự được xem là “bông hoa của chế độ”, nhất là thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Nếu không có lực lượng thanh niên ưu tú, có văn hóa tri thức và lòng quyết tâm, có tinh thần yêu nước thì chúng ta không thắng được kẻ thù. Bộ đội của ta ra chiến trường là những người lính có tri thức. Không có tri thức về khoa học kỹ thuật sao có thể điều khiển được máy bay, tên lửa và các loại vũ khí, để chiến thắng được các đế quốc hùng mạnh.

Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, trong việc tuyển chọn người làm việc chúng ta đã sai lầm ở chỗ thay chủ nghĩa lý lịch bằng chủ nghĩa văn bằng. Điều này vô hình trung tạo ra một xã hội chạy theo bằng cấp, mà giáo dục lại là nơi cung cấp những bằng cấp ấy. Người ta đi học chỉ với mục đích có bằng, thì mục tiêu của giáo dục như vậy là hết sức sai lầm. Mà lẽ ra người ta đi học để biết nghề, để có thể làm được việc, để lĩnh hội tri thức, để làm người. Từ đó mà sinh ra bằng giả bằng thật, không đi học cũng có bằng, rồi tiêu cực thi cử ở phổ thông, tiêu cực từ lớp 1 chọn trường chọn cô, chạy thành tích cao để vào trường này trường khác. Cả xã hội chạy theo bệnh thành tích, theo hư danh bằng cấp ấy. Bây giờ phải quay trở lại với mục đích cốt lõi nhất của giáo dục là học thật, dạy thật, đào tạo ra những người biết làm việc thật. Triết lý giáo dục cuối cùng phải là như vậy, không thể giả dối được.

- Trong những năm học vừa rồi, một số trường tư, trong đó có Trường Lương Thế Vinh mà PGS làm hiệu trưởng có chất lượng dạy và học không kém gì các trường công, trường chuyên có danh tiếng khác. Để nói về những việc quan trọng nhất mà PGS đã làm được công việc xã hội hóa giáo dục, ở đây là xóa đi khoảng cách mọi người thường thấy giữa trường công và trường tư, PGS sẽ nói gì?

- Tôi nghĩ thế này, chủ trương phổ cập giáo dục trung học phổ thông là rất tốt. Nhưng phải hiểu sâu xa một điều rằng, khối trường tư thục không làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục. Chúng ta có khối trường công lập, mọi học sinh đến tuổi đi học đều có quyền vào trường công lập để học. Còn trường tư thục làm nhiệm vụ xã hội hóa giáo dục, tức là huy động vốn, sự góp sức của nhân dân để tăng cường cho giáo dục.

Vì huy động vốn của nhân dân, nên mỗi trường sẽ có quy mô đào tạo cũng như tiêu chí đào tạo khác nhau. Có thể nói các trường công lập tất thảy đều giống nhau, nhưng trường tư thục thì mỗi trường mỗi khác. Mức học phí của từng trường là khác nhau. Có trường học phí rất cao 9-10 triệu đồng/ tháng, có trường học phí mức bình thường, như trường Lương Thế Vinh chẳng hạn. Một gia đình công chức bình thường, có khả năng đóng học phí cho con khoảng 1,4 đến 1,5 triệu đồng một tháng là có thể vào học trường của tôi được rồi. Tùy hoàn cảnh kinh tế gia đình mà cha mẹ có thể lựa chọn các trường có mức đóng góp phù hợp để cho con theo học. Việc xóa khoảng cách ở đây là chất lượng giáo dục, chứ không thể nói khoảng cách về chi phí hay một vài tiêu chí khác.

Những trường tư thục được thành lập theo nhu cầu xã hội hóa và phải tự tồn tại. Và nếu có trường không tồn tại được, biến mất thì cũng không sao cả. Nhà nước quản lý bằng pháp luật chứ không thể dùng hình thức của những trường công chi phối trường tư, là không phù hợp.

- Thời điểm này, câu chuyện rất nóng trong giáo dục, đó là vấn đề học sinh vào lớp 6. Quá nhiều băn khoăn vì năm nay việc chọn học sinh vào các trường không dựa trên kết quả thi tuyển nữa. Trường Lương Thế Vinh tuyển chọn học sinh theo hình thức nào, thưa PGS?

- Mọi học sinh học xong tiểu học đều có quyền vào lớp 6, điều này không phải bàn cãi, theo tinh thần phổ cập giáo dục. Các em sẽ được xét tuyển theo tuyến, ai ở địa bàn nào, phường hay quận nào thì học tại các trường trên địa bàn đó. Nhưng như đã nói ở trên, một số trường chuyên, trường có chất lượng dịch vụ giáo dục cao, trường tư thục được tuyển học sinh không theo tuyến. Và sự thật là có một số trường thu hút nhiều học sinh đến nộp đơn xin học. Như trường tôi, hiện nay đã có rất đông các em học sinh nộp hồ sơ xin học, mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ lấy 600. Phải lấy số ít trong số đông, thì tôi nghĩ đương nhiên phải chế ra một cái sàng.

Một cái sàng là để đảm bảo công bằng cho các em thôi. Vì nếu chỉ dựa trên kết quả học tập, kết quả thi thì mỗi trường mỗi khác, khó mà công bằng được. Phương án làm một bài thi chung không được Sở chấp thuận. Tôi chuyển phương án làm một bài trắc nghiệm khảo sát kiến thức nói chung của học sinh để tuyển chọn, cũng không được chấp thuận. Rồi tôi chuyển phương án phỏng vấn trực tiếp các em. Có thể phỏng vấn cả cha mẹ các em, chủ yếu để xem cách các em ăn nói, ứng xử, quan sát thái độ của các bậc cha mẹ đối với việc học của con, cùng với kết quả học tập trước đó của các em mà tuyển chọn vào trường. Phương án thứ 3 này cũng không được chấp thuận nốt.

Cuối cùng trường chúng tôi buộc phải chọn hình thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ cộng với điểm ưu tiên từ các giấy khen, giải thưởng mà các em đạt được trước đó. Hình thức tuyển chọn này theo tôi là khó mà công bằng, vì thực tế học bạ của các em giống nhau lắm.

Trong câu chuyện tuyển sinh vào lớp 6, tôi thấy một tư duy rất lạ. Chúng ta đã cho phép các trường tư thục có tiêu chí đào tạo riêng, mà lại không cho phép một hình thức tuyển chọn phù hợp hơn. Ở Hà Nội, trường chuyên, trường tư thục chỉ có vẻn vẹn 5-6 trường, trên tổng số 620 trường trung học phổ thông. Nếu cho phép các trường này làm bài test để tuyển chọn học sinh, thì thực ra cũng chỉ có khoảng 1% học sinh là phải thi vào lớp 6. Như thế thì có gì mà phải làm ầm ĩ to tát vấn đề lên. Một số trường nhiều đơn xin học, sẽ không biết phải xử lý thế nào khi mà có chỉ thị “cấm thi vào lớp 6” treo lơ lửng phía trước.

Điều đáng nói ở đây, là việc đưa ra chỉ thị cấm thi vào lớp 6 quá vội vàng, không báo trước cho các trường, cho phụ huynh và học sinh từ đầu năm học. Cấm thì dễ rồi, nhưng người cầm bút ký chỉ thị này cũng không biết nên làm thế nào nếu ông ta ở địa vị “bị cấm”. Bộ thì chỉ đạo một hướng chung chung, là mỗi trường tự lên phương án xét tuyển cho phù hợp. Phù hợp cách nào nếu một trường tuyển 500 học sinh mà có tới 2.000 đơn xin học. Trong khi chúng ta đều biết rằng, học bạ bậc tiểu học chỉ xếp loại hai mức đạt và không đạt, và phần đa là đạt. Vậy, những hiệu trưởng như chúng tôi biết phải lựa chọn học sinh thế nào đây?

- Có ý kiến cho rằng, Trường Lương Thế Vinh có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao vì đầu vào lựa chọn những học sinh giỏi là chủ yếu, PGS nghĩ sao?

- Thực ra chúng tôi không định làm một trường gì đặc biệt như trường chuyên chẳng hạn. Chúng tôi là một trường tư thục. Nhưng vì học sinh xin vào nhiều quá nên tôi phải dùng phương pháp chọn. Từng có người viết công khai trên mạng là thách ông Cương lấy học sinh bình thường vào và biến các em thành học sinh giỏi. Tôi thì vẫn nghĩ học sinh của mình là bình thường, thậm chí nếu có học sinh kém tôi cũng không ngại, vì tôi có phương pháp với từng đối tượng học trò.

Việc thi cử nếu tôi muốn làm khi tuyển học sinh là vì các em xin vào đông quá, tôi muốn chọn các học sinh phù hợp với tiêu chí đào tạo của nhà trường, chứ chưa chắc đã phải là những học sinh giỏi nhất. Các em học sinh được dạy không phải để đi thi thố kiến thức, mà là tích lũy kiến thức và có những kỹ năng ứng xử tích cực với cuộc sống.

- Quan điểm của PGS trong việc chọn thầy cho các học trò ở ngôi trường mà ông làm hiệu trưởng ra sao?

- Đối với tôi, khi tuyển lựa giáo viên vào Trường Lương Thế Vinh, thì điều quan trọng nhất tôi phải nhìn thấy, là tâm huyết của họ. Nghề làm thầy nếu chỉ quan niệm là một nghề để lĩnh lương thì không đúng. Cái gọi là tâm huyết của thầy, không cụ thể được nhưng học trò các em cảm nhận chính xác lắm, không dối được. Có những thầy cô được học trò “mê” lắm. Các em yêu kính, tôn trọng thầy cô như cha mẹ mình, vì thầy giảng bài quá hay, đối xử quá tâm huyết với các em.

Theo tôi, yếu tố tâm huyết với nghề là yếu tố quan trọng hàng đầu của một người làm nghề giáo. Sự quyến luyến của học trò với nhà trường, với thầy cô luôn để lại trong lòng các em những ấn tượng, kỷ niệm đẹp đẽ nhất, trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường.

- Thông thường tâm lý người thầy không ưa những học trò hư, những học trò cá biệt. Theo PGS, với những học trò như thế, người thầy ứng xử như thế nào là phù hợp, uốn nắn các em hay trả các em về cho gia đình, xã hội để bảo vệ thành tích và môi trường giáo dục của mình?

- Tôi nghĩ thái độ của người thầy đối với các học trò, cũng giống như thái độ của bác sĩ đối với bệnh nhân. Ngay trong trường đại học đã thiếu môn này, tạm gọi là ứng xử với con người. Đặc biệt là ở những trường đào tạo các ngành nghề đặc thù như nghề dạy học hay nghề y. Cho nên, cách ứng xử của bác sĩ đối với bệnh nhân, người thầy đối với trò đang có nhiều vấn đề. Tôi có xem trên mạng một clip về việc một cô giáo đánh học trò, tôi rất không đồng ý. Chúng ta không thể dùng phương pháp như vậy để đối xử với học trò nữa. Hay việc các thầy cô nói năng riết róng xúc phạm tới trò lại càng không nên.

Phải có những thái độ ứng xử phù hợp, nếu không học trò sẽ có những phản ứng tiêu cực, không hay. Tôi nghĩ làm thầy hôm nay khó hơn, vì trong nền kinh tế thị trường, tồn tại cách ứng xử theo lối vật chất, theo văn hóa phong bì, nhiều giá trị bị thay đổi, thì người làm thầy phải có một “kỷ luật vàng” mới có thể vượt qua những cám dỗ ấy.

Chúng ta đang nhìn thấy một thực trạng là ngày càng có nhiều học trò hư, học trò cá biệt. Các em đánh nhau, cư xử với nhau không tốt, cư xử với cha mẹ, người xung quanh không lễ phép. Nguyên nhân phần lớn là các em đó có một môi trường giáo dục gia đình không tích cực. Số học sinh có bố mẹ ly thân hay ly hôn ngày càng cao. Những biến đổi trong gia đình hiện đại là một cú sốc trong giáo dục với con trẻ và cha mẹ, thầy cô cũng như xã hội phải biết rõ điều đó.

Với các đối tượng học sinh hư, học sinh cá biệt, chúng ta đang lúng túng chưa có phương pháp rõ ràng để giáo dục, uốn nắn các em. Việc kỷ luật hay đuổi học cũng là cần thiết với từng cá nhân học sinh hư, và có tác dụng răn đe với các em học sinh khác. Nhưng đuổi học được hình dung như thế nào, có phải là tống các em ra cuộc đời, ra xã hội, mà chúng ta biết chắc rằng chúng sẽ còn hư hơn nữa?

Ở các nước phát triển, người ta có mô hình các trường dành cho những học sinh cá biệt. Người ta có biện pháp giáo dục cho từng trường hợp cụ thể. Giống như phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân vậy. Vì thực chất một học sinh hư vào đây cũng giống như đi chữa bệnh tạm thời. Sẽ có bác sĩ tâm lý trò chuyện với các em. Các em được học bổ sung kiến thức từng môn học để trám vào các lỗ hổng. Dĩ nhiên cha mẹ phải đóng tiền học phí cho con khi vào trường này, thậm chí là học phí rất cao nữa. Khi học sinh tiến bộ, nhà trường có quyền gửi giấy đề nghị trường cũ của các em nhận lại học sinh của mình.

Ở ta sự chăm sóc giáo dục với học sinh cá biệt chưa nhiều. Đối với những em bị đuổi học hay bị kỷ luật, thì rất cần có sự quan tâm động viên của thầy cô, của tập thể lớp, của nhà trường. Quan tâm sát sao và tỉ mỉ. Phải phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Cái này phải nói thật là chúng ta làm chưa tốt.

- Xuất thân trong một gia đình có truyền thống làm nghề dạy học xứ Nghệ, chất “ông đồ Nghệ” trong ông được hiểu như thế nào? Sau 50 năm sống ở thủ đô, chất “đồ Nghệ” trong ông có những thay đổi gì và có ảnh hưởng như thế nào tới công việc của một PGS?

- Mỗi một nghề có một đối tượng riêng để tiếp xúc. Nghề của những người làm thầy thì đối tượng tiếp xúc là những thanh niên đẹp đẽ, đang tuổi trưởng thành. Tiếp xúc với tuổi trẻ mình sẽ được trẻ mãi. Không có nghề nào có đối tượng tiếp xúc đẹp như nghề làm thầy, chị cứ thử nghĩ mà xem.

Tôi vốn yêu và chọn nghề sư phạm từ nhỏ, theo truyền thống gia đình. Giai đoạn tôi học Trường Sư phạm lại đúng vào giai đoạn giáo dục đang gặp nhiều vấn đề. Nghề giáo được xem như một nghề nghèo khổ nhất. Ra trường đi làm thường xuyên bị nợ lương. Học sinh bỏ học nhiều. Các thầy cô có người bỏ nghề. Tôi nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, trăn trở vì sao nghề của mình lại suy như vậy. Mình sống ở thủ đô, nếu nói về điều kiện sống thì không thể tồi hơn những vùng khác. Nhưng tỷ lệ giáo viên bỏ nghề và học sinh bỏ học lại cao, có lẽ nguyên nhân bắt đầu từ cách quản lý trong giáo dục, chứ không phải vì điều kiện vật chất. Tôi mới nghĩ ra giải pháp mở trường tư thục. Tất cả đi lên từ con số 0 cộng với một sự liều lĩnh thôi. Nhưng ngay từ năm đầu tiên tuyển sinh, đã có tới 400 em vào lớp 10, 200 em lớp 11 và 200 em lớp 12. Như vậy là thành công.

Cuộc họp phụ huynh toàn trường năm ấy, tôi chuẩn bị phòng có sức chứa 700 chỗ ngồi, vì nghĩ trường có 800 học sinh trừ đi số phụ huynh vắng mặt là vừa. Vậy mà gần như đông đủ cả 800 phụ huynh có mặt. Tôi đã thành công ngay từ khóa học trò đầu tiên. Đấy là cái may. Nếu Trường tư thục Lương Thế Vinh chết yểu thời điểm đó chẳng hạn, thì sẽ rất khó để chúng ta có hệ thống trường tư như hôm nay.

- Trong mênh mông các vấn đề của giáo dục hiện nay, người ta tìm đến PGS Văn Như Cương như một hình mẫu về một người thành công trong giáo dục, có ảnh hưởng với xã hội. Vậy, xin hỏi triết lý giáo dục của ông là gì?

- Phương châm giáo dục của tôi, là đúng như cái lõi ban đầu của giáo dục thôi, không có gì to tát cả. Đó là dạy thật, học thật. Tôi cực lực chống lại bệnh thành tích trong giáo dục. Ở trường tôi không bao giờ có chuyện học sinh đi xin điểm giáo viên. Tôi cũng cố gắng đưa chương trình giáo dục gần với thực tế nhất, bớt những cái hàn lâm không cần thiết đi, để trang bị những kỹ năng quan trọng cho các em trong ứng xử cuộc sống.

- Chúng ta quả thực đã nói rất nhiều về sự giả trong giáo dục. Nào là điểm giả, học bạ giả, thành tích giả, bằng giả. Sự giả dối trong giáo dục sẽ dẫn đến những nguy cơ gì, thưa PGS?

- Sẽ là vô vàn nguy cơ mà gia đình, xã hội, đất nước phải đối mặt. Nếu trong những năm tháng đẹp nhất của đời người ngồi trên ghế nhà trường, con người ta chỉ được học những kỹ năng để trở thành giả dối, thì chúng ta sẽ có cả một thế hệ giả dối. Những người mà kiến thức là giả, thành tích là giả, thì họ sẽ không có khả năng nhận diện cái thật khi ra cuộc đời. Họ sẽ không bảo vệ cái đúng. Cái giả mà tràn lan trong nhà trường thì đương nhiên nó cũng sẽ tràn lan trong xã hội, che mờ các giá trị thật trong xã hội.

- Từ góc độ như vậy, thông điệp mà PGS muốn gửi gắm đến các nhà quản lý, những người có trách nhiệm với nền giáo dục là gì?

- Chúng ta cần phải nhận thức rõ rằng, giáo dục không bao giờ đứng ở vị trí thấp trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên. Chúng ta đề ra đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đúng rồi, nhưng quan trọng hơn là phải hành động rốt ráo. Giáo dục là quốc sách, nếu chỉ là câu nói suông, mà không biến thành những  hành động cụ thể, thiết thực, sáng rõ, hợp lòng dân thì không để giải quyết vấn đề gì. Muốn đổi mới nền giáo dục hiện nay, theo tôi, là phải có một “nhạc trưởng” về giáo dục. Ở đây tôi không nói cụ thể ông bộ trưởng hay thứ trưởng, mà tôi nói chung về cơ quan đầu não của giáo dục. Những người làm quản lý giáo dục, điều hành giáo dục phải là những người cực kỳ tâm huyết, có kiến thức sâu sắc về giáo dục. Không thể để xảy ra những hiện tượng quan liêu như chúng ta từng thấy, đưa ra những quyết sách không có tầm nhìn gây khó khăn thêm cho giáo dục.

Ví dụ đưa ra quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học chẳng hạn. Quy định như vậy là thiếu tính thực tế, và làm cho xã hội nhìn vào giáo dục bằng con mắt hài hước. Hài hước đấy nhưng mà là buồn nhiều hơn vui. Xã hội đang yêu cầu nền giáo dục phải có những thay đổi cấp thiết mạnh mẽ và không thể chậm trễ. Chúng ta chỉ có một con đường thôi, đổi mới giáo dục hay là chết.

- Xin cảm ơn PGS - Nhà giáo Văn Như Cương về cuộc trò chuyện.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.