GS-TS Trần Ngọc Vương: Có những thứ mất đi, không thể khôi phục lại

Thứ Sáu, 12/07/2019, 11:19

"Thế hệ của tôi còn kịp tiếp xúc với các cụ sinh từ những năm đầu thế kỷ 20, ví dụ như cụ Cao Xuân Huy. Cụ là một trong những người dạy chính của lớp Hán - Nôm khóa đầu tiên được mở trở lại ở Hà Nội vào năm 1972. Lớp ấy có khoảng 14-15 người, sau đó có 7-8 người không theo nghề Hán - Nôm. Còn trong số những người theo nghề Hán - Nôm, dùng nó liên tục mấy chục năm từ khi ra trường đến tận bây giờ thì có tôi. Để thấy rằng, tôi có đủ thẩm quyền nói về ký ức của cái thế hệ cuối cùng đi theo truyền thống cựu học - thế hệ mà tôi kịp tiếp xúc, học hành, làm việc và sau đó tiếp bước con đường của họ", Giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương mở đầu như thế khi tôi hỏi những cảm nhận của ông khi nhắc về kỳ thi cuối cùng của nền khoa bảng phong kiến Việt Nam, năm 1919. 

Nói về chuyện khoa cử ngày xưa là để nói về những cái đã mất mát trong tâm hồn dân tộc và từ đó rút ra những bài học cho hiện tại này.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa giáo sư, năm 2019 này tròn 100 năm kết thúc kỳ khoa cử cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Sau đúng 100 năm nhìn lại, một nhà nghiên cứu tư tưởng - văn hóa trung đại như ông có cảm xúc gì?

- Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Vương: 100 năm là quãng thời gian rất dài đối với một đời người, còn đối với lịch sử dân tộc cũng không phải là quá ngắn. Bây giờ nghĩ lại, chúng ta có cảm giác như có một cái gì đấy đứt gãy, mất mát. Cái mà ngày nay một tộc người vẫn đang đi tìm kiếm. 

Đến thời hiện đại, nhân loại nói chung, chứ không riêng gì người Việt Nam, đã và đang nghiên cứu, phục hồi, tìm kiếm cái gì đó mình coi là mất mát. Thế nhưng, tôi nghĩ có những điều không thể nào tìm được, cũng không thể nào khắc phục được nữa rồi.

- Vâng, hành trình tìm kiếm cái đã mất, cái cội nguồn là một hành trình mang tính phổ quát toàn nhân loại, phải không ạ? 

- Hãy nhìn rộng thế này: Từ thế kỷ 16 cho đến tận bây giờ, châu Âu vẫn bị/được mang tiếng là "lục địa già", vậy nhưng "lục địa già" ấy vẫn tìm kiếm cái nguyên lai của nó, tức là tìm đến một cái còn "già" hơn nó nữa. Đó là văn hóa Hy La - cội nguồn bản thể của văn hóa châu Âu cận hiện đại. Thế rồi những nước không thuộc về lục địa già như Bắc Mĩ thì họ lại nhìn vào châu Âu như một quá khứ và truy nguyên mình từ cái quá khứ ấy.

Hành trình đó là có thật. Nó hiện hữu ngay trong đời sống thật của chúng ta. Bây giờ đến Mỹ, tới những vùng đất có những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên thì người Mỹ vẫn tự hào lắm. Mặc dù những người châu Âu đầu tiên ấy chỉ mang được một phần nào đó bản sắc của mình trong cuộc thiên di lịch sử, chứ không thể mang được tất cả, nhưng chỉ một phần ấy thôi cũng tạo nên cái gốc gác của người Mỹ hiện đại. 

Tôi sang Mỹ và cảm nhận rõ niềm tự hào của người Mỹ khi giới thiệu tường tận cho những người nước ngoài như tôi về một nhà thờ cổ, một kiến trúc cổ có tuổi thọ khoảng 300-400 năm tuổi. Còn với phần lớn người Việt hiện nay, có rất nhiều di sản mà chúng ta coi nó như một hoài niệm xa xăm lắm rồi, chúng ta không thực sự thấu hiểu nó nữa. Nhiều lúc tôi thấy, người Việt nói rất nhiều về quá khứ nhưng thực tế có vẻ không trân trọng quá khứ như mình nói. 

- Thật ra thế này, quá khứ có rất nhiều giai đoạn khác nhau. Một trong những giai đoạn mà chúng ta có vẻ ít hiểu về nó, ít thấm thía nó chính là giai đoạn khoa cử phong kiến, với dấu mốc của kỳ thi cuối cùng năm 1919 như tôi vừa nói. Bây giờ, 100 năm đã trôi qua rồi, chúng ta có thể nhìn lại và hiểu chính xác về nó như thế nào đây? 

- Đúng là chúng ta đã có hàng chục năm đứt gãy, mà hàng chục năm như thế là tai hại lắm. Đứt gãy thực sự là từ năm 1919, với kỳ thi đình cuối cùng ở miền Trung như Phan Đăng nói nhưng cần thấy rằng trước đó, miền Bắc thi kỳ cuối cùng năm 1915, còn miền Nam thi kỳ cuối cùng năm 1912. Mà đấy là đang nói về những đứt gãy trong thi cử, chứ còn về mặt tâm lý, về hứng thú học hành thì nó còn đứt gãy từ trước đó. 

Trần Tế Xương từ hơn chục năm trước cái mốc 1919 đó đã thốt lên: "Đạo học ngày nay chán lắm rồi/ Mười người đi học chín người thôi/ Cô hàng bán sách lim dim ngủ/ Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi". Tư lương là gì? Là thầy do các gia chủ mời về dạy chữ thánh hiền cho con cái mình. Thầy còn nhấp nhổm thì trò sao mà yên tâm học hành được nữa. Có nghĩa là tâm thế học hành khoa cử theo lối cựu học đã dần dần mai một.

- Hẳn nhiên là có nhiều cách lý giải khác nhau về sự mai một của chuyện khoa cử nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung nhưng cơ bản nhất là việc người Pháp đến, người Pháp muốn chúng ta thay đổi theo họ. Và nếu nhìn ở góc độ quy luật thì ở thời đại Đông - Tây đụng chạm mang tính bản lề đó thì sự thay đổi cũng là điều tất yếu thôi.

- Về phía người Pháp, giai đoạn từ 1907-1912, họ rất nỗ lực loại bỏ truyền thống cựu học. Họ quan niệm, đấy là truyền thống của văn hóa Trung Hoa, phải sớm loại bỏ để kiến tạo nên một lớp văn hóa mới, chịu ảnh hưởng của họ. Và họ đã có kinh nghiệm làm điều này ở châu Phi, từ vài chục năm về trước. 

Ở đấy, họ xóa dấu vết văn hóa bản địa khá dễ dàng. Vì sao vậy? Vì châu Phi thời kỳ ấy vẫn ảnh hưởng bởi hình thức bộ tộc và trình độ phát triển thì kém hơn trình độ phát triển của châu Á. Tiếng nói và chữ viết gần như chưa có.

- Chỉ là chữ viết thôi chứ. Sao lại là tiếng nói, thưa ông?

- À! Tiếng nói chủ yếu của họ là tiếng địa phương nhưng nên nhớ không phải là cứ nói ra miệng thì đều giống nhau đâu. Ai nghiên cứu một chút sẽ thấy từng có những bộ lạc sống tách biệt trong rừng, toàn bộ ngôn ngữ có khi chỉ khoảng 1.000 từ là hết. Họ nói nhưng nói những điều cực đơn giản. 

Còn một ngôn ngữ lên đến hàng chục ngàn từ, hàng trăm nghìn từ trong từ điển, phản ánh được nhiều mặt, nhiều bình diện, nhiều lĩnh vực, nhiều góc khuất lại khác. Kiểu tiếng nói này xóa khó hơn nhiều, thậm chí không xóa nổi. 

Trên thế giới, có những giai đoạn trung bình một năm mất vài chục ngôn ngữ. Mất hẳn luôn. Ngay cả đến thời hiện đại, cũng có giai đoạn mỗi năm thế giới mất khoảng chục ngôn ngữ. Cho nên những ngôn ngữ nào còn sót lại thì đấy là một may mắn, một hạnh ngộ của dân tộc mang ngôn ngữ ấy. Nếu có chữ viết riêng nữa thì càng quý.

Cho nên những dân tộc đã có ngôn ngữ rồi thì đừng có mà đánh mất. Anh phải bảo lưu nó, phát triển nó bằng ý thức của anh, cùng sự trưởng thành trong nền văn hóa của anh.

- Giờ trở lại với câu chuyện người Pháp muốn xóa truyền thống cựu học và văn hóa Việt Nam...

- Thực dân là gì? Thực dân hiểu nôm na nghĩa là trồng dân của mình vào. Mà dân ở đây không phải là con người sinh học mà là con người văn hóa. Nghĩa là trồng cái văn hóa của mình vào đấy. Còn thuộc địa, trong tiếng Pháp có nghĩa là những cột mốc. Thực dân đi tới đâu thì cắm cột mốc của mình ở đấy. Hiểu đơn giản là thế.

- Mà ở Việt Nam lúc đó, muốn trồng dân, cắm cột mốc thì phải phá đi văn hóa Hán vốn đã ảnh hưởng ở mảnh đất này cả ngàn năm.

- Không chỉ là văn hóa Hán mà còn là văn hóa bản địa của chính Việt Nam mình nữa. Bởi lúc bấy giờ, chữ Hán đã bị Việt hóa từ lâu rồi. Thậm chí, lúc đó người Việt Nam dùng chữ Hán theo cách của mình. 

Cho nên mới có câu chuyện ông Nguyễn Du, trừ Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh thì tác phẩm còn lại chủ yếu là chữ Hán, thế mà khi cụ đi sứ sang Trung Quốc thì vẫn phải có phiên dịch. Mà từ trước nữa, các sứ bộ nhà Lê khi sang Trung Quốc cũng đều phải dùng phiên dịch cả.

Tức là chúng ta đã Việt hóa chữ Hán và nói nó theo cách của mình. Đơn giản như người Trung Quốc sử dụng 4 thanh là "bình - thượng - khứ nhập" nhưng người Việt Nam lại sử dụng 6 thanh: thanh không, thanh sắc, thanh huyền, thanh hỏi, thanh ngã, thanh nặng. Thế cho nên triều đình Trung Quốc từng nhận xét tiếng nói của người Nam là thứ tiếng ríu rít như chim. Thứ tiếng ấy phải qua mấy lần phiên dịch mới hiểu được.

- Tức là người Pháp muốn trồng cái văn hóa của họ vào mảnh đất này thì phải làm mọi cách nhổ đi văn hóa Hán và văn hóa bản địa ở mảnh đất này. Nhưng điều này không dễ dàng như khi họ làm ở châu Phi?

- Bây giờ nhìn lại những cuốn sách của các giáo sĩ, những người phương Tây đầu tiên vào đây thì có thể thấy họ chính là những người bên ngoài đầu tiên nhận ra rằng: à hóa ra ở đây có một văn hóa khác. Nó khác so với mình đã đành mà còn khác so với cả Trung Quốc nữa. Và họ nảy lên ý định tạo ra một chữ viết mới để ký âm cái tộc người không giống Trung Quốc này. 

Nỗ lực ấy, một cách vô thức đã khiến họ làm nên một công tích lịch sử cho người Việt Nam: đó là đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ mà chúng ta dùng hôm nay. Nhiều người nói phúc cho người Việt đã có một hệ ký âm mới, tạo nên một công cụ nhận thức, công cụ thông tin cực kỳ quan trọng. 

Và chính những biến động văn hóa - biến động chữ nghĩa như thế nên ở các thế kỷ 18, 19 người Việt có học thức cao có thể sử dụng cùng lúc 3 ngôn ngữ, đó là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Chưa nói là khi thực dân vào thì họ còn bắt học cả tiếng Pháp nữa.

- Nếu chữ Hán, chữ Nôm điển hình cho cựu học thì chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp điển hình cho tân học. Và cuộc đụng chạm tân - cựu ấy khiến chúng ta vừa mất, vừa được về văn hóa, thưa ông?

- Lúc đầu đại đa số nhà Nho dị ứng với cả chữ Quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Vì chữ Quốc ngữ bị coi là thứ chữ của dân ngoại đạo, còn tiếng Pháp là tiếng của kẻ thù. Về mặt dân tộc, tiếng của kẻ thù không thể chấp nhận được. 

Về mặt đạo lý, ý thức hệ của kẻ ngoại đạo càng không thể chấp nhận. Chỉ có một số ít nhà Nho thấy được nhu cầu cần phải hiểu nó, để hiểu một truyền thống văn hóa khác, tri thức khác. Số ít này là những ai? Một là những người học chữ Hán nhưng lại theo đạo Thiên chúa, tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký. 

Ngay từ khi Việt Nam chưa bị chinh phục hoàn toàn, Nguyễn Trường Tộ đã viết tới hàng chục điều trần gửi lên vua, đề nghị thay đổi nhận thức và quán tính của truyền thống cựu học. Các quan trong triều phần lớn đều lên án, nghi ngại, dè chừng. Mà cứ nghi ngại, dè chừng thì thời gian cứ trôi đi và đất nước cứ lạc hậu.

Đối tượng thứ hai mà ngày nay chúng ta phải quan tâm nhiều hơn, đó là những người tuy xuất thân vẫn là cựu học những lại có hoàn cảnh để trở thành những người tân học bất đắc dĩ. Đó là các sứ thần như Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản..., những người mà có thời kỳ chúng ta nghĩ một chiều rằng họ là tay sai thuần túy. 

Nhưng, giờ nghiên cứu lại mới thấy thứ nhất, họ là những nhà khoa bảng lớn trong truyền thống cựu học và thứ hai, lại là người đa văn quảng kiến, hiểu biết rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ cũ. Họ tha thiết đề nghị cải cách. Cho nên mới hình thành trong triều một lực lượng mà các sử gia một thời gọi là "phái chủ hòa". 

Ở góc độ nghiên cứu thì những người ở "phái chủ hòa" mà đã có lúc bị gọi luôn là "phái chủ hàng" thực chất lại là những người có tư tưởng cách tân.

- Thưa giáo sư, có lẽ sau một độ lùi lịch sử, chúng ta phải hết sức bình tĩnh để nhìn nhận lại các giá trị của cái gọi là "canh tân" và "thủ cựu". Tôi xin tiếp tục phân tích một biểu hiện rõ nhất của canh tân là xóa bỏ chữ Hán, chữ Nôm, dùng chữ Quốc ngữ, đã có lúc chúng ta nghĩ rằng đấy là một phương thức quan trọng giúp hướng đến văn minh phương Tây, từ đó hy vọng về một sự phát triển vượt bậc. Nhưng, bây giờ nhìn lại chúng ta thấy rằng một số nước ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vẫn giữ lối chữ tượng hình truyền thống của họ, thế mà xét về tốc độ phát triển thì không thể nói họ chậm hơn ta. Ở đây, trong tôi có 2 kiến giải. Một là chữ nghĩa suy cho cùng chỉ là cái vỏ, không mang tính quyết định? Hai là, quả nhiên chữ nghĩa tác động đến tốc độ phát triển nhưng cùng với nó còn phải thực hiện những biện pháp khác nữa, chẳng hạn như phải tìm cách làm mới cái truyền thống, cái nội lực vốn có của mình. Quan điểm của giáo sư thế nào?

- Ở chỗ này phải rất mềm mại và hiểu đúng biện chứng của lịch sử. Theo tôi, cái mới nào cũng có mặt lợi mặt hại nhưng tính đi tính lại ở thời điểm ấy chúng ta sẽ thấy mặt lợi của nó là lớn hơn. Tuy nhiên, đi theo cái mới không có nghĩa là xóa bỏ sạch trơn cái cũ. Nếu chúng ta có đủ tầm nhìn để vừa đi theo cái mới, vừa giữ được những giá trị tích cực của cái cũ thì câu chuyện có thể đã khác rồi. 

Nhìn ra thế giới sẽ thấy ở châu Âu, sau khi những chính quyền tách khỏi thời Trung cổ thì cái giá họ trả cũng lớn lắm. Nhưng rồi nước trước nước sau đều phục hưng cả. Phục hưng là gì? 

Phục hưng là làm sống lại những giá trị của thời cổ Hy La. Nhưng, họ không bê nguyên cái giá trị cổ xưa ấy mà tân trang những giá trị ấy thành một diện mạo khác, khai thác nó, kết hợp với cái mà lịch sử đang diễn ra. Bây giờ, toàn bộ văn học châu Âu, không trừ một nước nào đều quy chiếu truyền thống của mình vào truyền thống Hy La và coi đó là cội nguồn của nền văn học.

Chúng ta cũng thế thôi, không nên tư duy máy móc rằng, nếu chúng ta cũng làm như thế, hóa ra chúng ta quy mình về văn hóa Trung Quốc à? Không! Bởi trong cả ngàn năm, chúng ta vừa Bắc thuộc, vừa chống Bắc thuộc, vừa Hán hóa, vừa giải Hán hóa và quá trình kép này diễn ra từ lâu lắm rồi.

- Tôi hiểu ý giáo sư. Có một giai đoạn chúng ta không hiểu chính chúng ta, cho nên khi đi theo cái mới, chúng ta lại có nhiều biểu hiện phủ nhận cái cũ một cách tuyệt đối. Chính từ sự đứt gãy hàng chục năm với những giá trị Nho giáo cũ mà xã hội chúng ta sau này có vẻ bối rối trong việc tìm ra những chỉ dẫn đạo đức, đặc biệt là cho giới trẻ. Nhiều lúc, nhìn hàng loạt vụ án, hàng loạt tai nạn, hàng loạt những vấn đề nội tâm của xã hội hiện đại, trong tôi vương vất một câu hỏi: nếu vẫn giữ được những điểm sáng của nền tảng Nho giáo cũ, liệu chúng ta có phải đối diện với những chuyện này không? Xin nhấn mạnh rằng, tôi hiểu Nho giáo có những mặt tiêu cực của nó, không còn phù hợp với vận động xã hội hiện đại nhưng những điểm sáng của nó trong việc tạo ra cái nền đạo đức chân chính cho xã hội thì không thể phủ nhận. Tôi không dám nghĩ là mình đúng nên rất muốn lắng nghe quan điểm của giáo sư.

- (Cười...). Cả một câu chuyện lớn đây! Sau năm 1975, khi thấy xã hội miền Bắc có những bất ổn về đạo đức và văn hóa của lớp trẻ, một nhà nghiên cứu đã viết bài trên Báo Tiền phong nói đúng cái ý anh vừa đặt ra, tức là muốn giải quyết những bất ổn đó thì phải trở lại, phục hồi những giá trị đạo đức truyền thống của Nho giáo. 

Nhưng, ngay sau đó bài báo này gặp phải những phê phán khá mạnh từ dư luận. Cũng trong thời gian này có một người nghiên cứu rất sâu về Nho giáo nhưng không in được bài nào nên sau đó treo bút tới gần 20 năm. Đó là giáo sư Trần Đình Hượu. 

Giáo sư không bênh vực Nho giáo mà nghiên cứu một cách khách quan và trung tính về Nho giáo nhưng dẫu vậy thì do những hoàn cảnh tất yếu của lịch sử mà lúc đó vẫn chưa được hưởng ứng lắm.

Lúc đó nhận thức chung về Nho giáo ở xã hội ta vẫn đầy u ám. Nên phải nói thật là ngay cả trong giới nghiên cứu, ngoài những người như cụ Trần Đình Hượu thì không ai biết thật về nó cả. Lúc ấy, cá nhân tôi nảy lên một thắc mắc: dẫu sao thì một học thuyết tồn tại đến cả ngàn năm thì cũng phải có mặt được - mặt chưa được khách quan của nó chứ. Nên tôi mới tiếp bước cụ Hượu, nghiên cứu sâu về Nho giáo.

Ảnh: Phạm Nghĩa.

- Phải đến những năm 1990, nhận thức của chúng ta về Nho giáo mới khác đi thì phải?

- Chính xác là năm 1991, có một học giả người Pháp viết cuốn sách Thế giới Hán hóa mới, với luận điểm chủ yếu là sở dĩ các nước hoặc vùng lãnh thổ công nghiệp mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., Đài Loan phất lên được là vì đã biết khai thác và tận dụng những giá trị của văn hóa Nho giáo. 

Và lúc ấy, trong nghiên cứu thế giới bắt đầu xuất hiện khái niệm "vành đai văn hóa Nho giáo". Khi một nhà xuất bản ở TP Hồ Chí Minh dịch cuốn sách này sang tiếng Việt thì giới nghiên cứu trong nước mới sững sờ nhận ra: một nhà nghiên cứu phương Tây mà còn đưa ra những nhận định như thế thì rõ ràng Nho giáo cũng có giá trị thật của nó. 

Đến lúc ấy chúng ta mới chợt nhận ra: thôi chết rồi, mình bỏ rơi điều này lâu quá rồi! Và đến lúc này cụ Trần Đình Hượu mới in được cuốn sách đầu tiên.

Tuy nhiên, in là một chuyện, còn hiểu được cụ, hiểu được Nho giáo hay không lại là chuyện khác. Sau cụ Hượu cũng có những người khác nói về Nho giáo đáng kể nữa, ví dụ như nhà nghiên cứu Phan Ngọc. 

Ông Phan Ngọc là một người tầm cỡ, có thể nói được 6 thứ tiếng và lại là con của một nhà khoa bảng. Cha ông chính là người đỗ đạt ở chính khoa thi cuối cùng năm 1919. Rồi một người nữa cũng nghiên cứu sâu về Nho giáo là ông Tạ Quang Đạm, em ruột cụ Tạ Quang Bửu. 

Trước khi mất, ông Đạm từng gọi tôi đến và tặng toàn bộ tủ sách đồ sộ của mình, rồi nhắn nhủ tôi hãy tiếp tục con đường nghiên cứu của ông. Nói thật là tôi không dám nhận tủ sách ấy nhưng kể lại những câu chuyện này để thấy người hiểu đúng về Nho giáo ở ta không nhiều đâu. Thành thử, bây giờ, sau một quá trình dài đứt gãy, việc khôi phục lại những giá trị tích cực của nó là điều không đơn giản.

- Tôi đặt ra vấn đề này không chỉ để nói riêng về việc khôi phục những mặt tích cực của Nho giáo mà để rút ra bài học về cách ứng xử với văn hóa. Nhìn nhận về các mặt tiêu cực/tích cực của một phạm trù văn hóa rõ ràng không đơn giản. Nó vừa đòi hỏi một tầm nhìn lại vừa đòi hỏi một sự tinh tế trong cảm nhận nữa. Thành thử, nếu chúng ta không thận trọng để đưa ra những ứng xử đúng thì có thể cái mất mát với chúng ta là vô cùng ghê gớm. Thôi thì cách chúng ta nhìn nhận ứng xử về Nho giáo là những điều đã qua, không dễ gì sửa chữa nhưng với dòng chảy không ngừng nghỉ của lịch sử thì mối liên hệ giữa cái cũ với cái mới của hôm nay, của ngày mai chắc chắn sẽ lại tiếp tục diễn ra. Và lần này, chắc chắn chúng ta phải rút ra những bài học để ứng xử hợp lý hơn, phải không giáo sư?

- Các Mác từng nói một ý thế này: Khi lịch sử vận động, cái mới xuất hiện, liên tục đặt ra những vấn đề của nó. Cái mới là cái tất yếu, cái cần thiết nhưng phải rất tinh mới nhận ra được trong cái mới có cả cái tốt và cái xấu. Và nếu vì cái mới mà xóa bỏ hết các giá trị của cái cũ thì bất ổn. 

Bây giờ, nghiệm lại lời Mác vào xã hội ta thấy nó đúng quá. Nó đúng không chỉ trong cách chúng ta từng ứng xử với Nho giáo đâu. Nó đúng trong nhiều phạm trù tinh thần khác nữa, ví dụ như cả cách nhìn của chúng ta với Phật giáo, với tín ngưỡng đạo Mẫu một thời chẳng hạn. Cho nên, tôi đồng tình với anh, hôm nay chúng ta nói chuyện xưa là để rút ra những bài học cho cả ngày mai nữa. 

- Xin chân thành cảm ơn giáo sư!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.