Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm: Cần một tư duy mới về an ninh Quốc gia

Thứ Năm, 10/01/2019, 10:51
Một thầy/cô giáo nào đó tát một đứa trẻ, đấy là câu chuyện của ngành giáo dục. Một lô thuốc chữa ung thư nào đó bị nghi ngờ là thuốc giả, đấy là câu chuyện của ngành y. Một cuộc tranh cãi nảy lửa nào đó gây chia rẽ dư luận trên mạng xã hội, đấy lại là câu chuyện thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông.


Liệu có sai lầm không nếu bảo tất cả những câu chuyện như thế đều liên quan đến an ninh quốc gia, cho dù nó không mảy may đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia? Đấy là câu hỏi mà ANTG GT - CT kỳ này đặt ra với Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND).

- Phóng viên: Thưa Trung tướng, hàng loạt câu chuyện trong ngành giáo dục, y tế năm 2018 vừa qua chắc chắn không làm lãnh thổ đất nước Việt Nam chúng ta bị đe dọa, dù chỉ là một tấc đất phải không ạ?

- Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: (Cười...). Có thể nói thế này, tất cả những câu chuyện như thế đều không phải là "kẻ thù" của đất nước chúng ta nhưng nếu không giải quyết được thì lại ảnh hưởng đến an ninh đất nước. Bởi nó đều thuộc nội hàm của khái niệm rất hiện đại hiện nay là an ninh phi truyền thống.

- Vậy cụ thể, an ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở chỗ nào, thưa Trung tướng?

- An ninh truyền thống lấy chế độ và chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thước đo. Mất chế độ, xâm hại vào chế độ, biên giới, hải đảo, chủ quyền là xâm phạm vào an ninh quốc gia. Còn an ninh phi truyền thống lại lấy đời sống bình yên của xã hội và con người làm thước đo. 

Vì theo quan niệm này, con người sống không yên ổn, xã hội không ổn định, môi trường không sạch sẽ thì một quốc gia chắc chắn sẽ suy yếu. Nếu không thấy được mối quan hệ trực tiếp giữa chất lượng cuộc sống của người dân, chất lượng phát triển của xã hội với sự an nguy của một đất nước theo nghĩa này, cái giá phải trả là cực đắt.

Ở Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã  sử dụng cụm từ “an ninh phi truyền thống”. Đây là lần đầu tiên cụm từ này chính thức xuất hiện. Đến Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, khái niệm “an ninh phi truyền thống” tiếp tục được sử dụng. 

Từ đó đến nay, chúng ta đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này. Nhưng, mọi thứ đang dừng lại ở mức đó thôi, chứ chưa được cụ thể hóa bằng những điều luật. Hiện nay, chưa có luật nào của chúng ta nói về an ninh phi truyền thống cả.

Trung tướng, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.

- Ở các nước khác thì sao ạ?

- Tôi đã nghiên cứu và có thể khẳng định rằng nhiều nước trên thế giới hiện nay đã đưa phạm trù “An ninh phi truyền thống” vào luật an ninh quốc gia và trong nhiều luật khác của họ nữa.

- Vậy, dưới góc độ của một nhà nghiên cứu, ông có cho rằng sắp tới chúng ta cũng sẽ thay đổi theo xu hướng này hay không?

- Có thể các nhà làm luật ở Việt Nam ở thời điểm này vẫn quan niệm rằng, an ninh truyền thống hay an ninh phi truyền thống thì đều là an ninh nên chưa cần thiết phải thay đổi, bổ sung. 

Cách đây ít ngày, chúng tôi phối hợp với tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo về việc phải xây dựng một tư duy mới về an ninh quốc gia, trong đó bên cạnh những vấn đề cốt lõi như bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, như mọi người thường gọi là an ninh chính trị thì nhất định phải bổ sung 2 nội hàm mới là an ninh xã hội và an ninh con người.

- Tôi chợt nhớ đến một chỉ số rất đặc biệt mà Thủ tướng Buhtan từng đề cập, đó là "chỉ số hạnh phúc". Liệu có thể coi  "chỉ số hạnh phúc", hay "chỉ số đáng sống" của các quốc gia chính là những thước đo quan trọng cho an ninh phi truyền thống ở các quốc gia đó hay không?

- (Gật đầu...) Một trung tâm nghiên cứu quốc tế hằng năm trên trang NUMBEO luôn đưa ra những đánh giá về mức độ thanh bình của từng quốc gia là vì thế.

- Trong bảng đánh giá NUMBEO năm 2018, mức độ thanh bình của Việt Nam chúng ta được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Năm 2018 chúng ta được xếp loại khá, thuộc nhóm những nước thanh bình, không có khủng bố trên thế giới.

- Những quốc gia nào xếp số 1 ạ?

- Singapore, Nhật Bản và Qatar!

- Vậy chúng ta cần làm gì để hy vọng những năm tới sẽ cải thiện được vị trí ở những bảng xếp hạng như thế này?

- Trong hội thảo khoa học mà tôi vừa kể, chúng tôi đã thống nhất 4 giải pháp chính. Thứ nhất là tăng cường đồng thuận xã hội, giảm xung đột xã hội. Thứ hai là đảm bảo tốt an ninh, an toàn xã hội. Thứ ba là đảm bảo an ninh môi trường sống, trong đó tập trung vào bảo vệ môi trường sống và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ tư là đảm bảo xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Có lẽ đã đến lúc lực lượng công an kết hợp với ngành giáo dục để triển khai các khía cạnh của an ninh phi truyền thống vào trường học, thậm chí ngay từ những cấp học đầu tiên?

- Dưới góc độ an ninh phi truyền thống, khi đào tạo về kinh tế chẳng hạn thì không chỉ dạy sinh viên cách làm giàu, mà còn phải dạy người ta cách “quản trị rủi ro, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật”. Rồi phải dạy cho cả các cấp lãnh đạo nữa. Tôi được biết tất cả cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ đã được học một số chuyên đề về quản trị an ninh phi truyền thống.

- Chúng tôi muốn hỏi một câu mà chắc rằng nhiều độc giả cũng muốn hỏi, đó là chúng ta đang đào tạo các chiến sĩ công an theo mô hình nào?

- Thế giới hiện nay có 2 mô hình đào tạo công an. Thứ nhất là mô hình đào tạo “Nghề công an” (Police job) của khoảng 180 nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... 

Theo mô hình này, người ta tuyển các cán bộ đã, đang học một chuyên ngành nào đó. Nếu cần người bảo vệ kinh tế trong ngân hàng chẳng hạn, thì họ sẽ lấy người tốt nghiệp ngân hàng, sau đó đưa vào trường công an để học nghiệp vụ trong khoảng lâu nhất là 2 năm. 

Mô hình này có cái tốt là không dạy lý thuyết nhiều, đúng nghĩa là dạy nghề với các kỹ năng bắn súng, võ thuật, kỹ năng điều tra, trinh sát... nhưng có cái bất lợi là muốn có bằng đại học để chuẩn hóa thì lại không có ngay mà buộc phải liên kết với một trường đại học nào đó khác.

Mô hình  thứ hai là “Đại học công an” (Police University) của các nước XHCN, bắt đầu từ Liên Xô cũ, lại lấy học sinh phổ thông để dạy sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học để cấp bằng. Mô hình này có cái thuận lợi là học xong được cấp bằng nhưng có hạn chế là thời gian học nghề công an còn ít. Việt Nam, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Cu Ba... đang đi theo mô hình này.

- Chắc chắn là những nhà nghiên cứu như ông đã có những so sánh cụ thể về hai mô hình này?

- Có so sánh nhưng để trả lời mô hình nào tốt hơn thì cũng khó. Tuy nhiên, hiện có xu hướng như thế này: những nước đào tạo “Nghề công an” đang muốn tiến tới liên kết để đào tạo thêm về “Đại học công an”. Và những nước đang đào tạo “Đại học công an” như chúng ta đều muốn tăng tính thực tiễn lên.

Khi tôi đến thăm Đại học Công an nhân dân Trung Quốc, hiện thuộc nhóm đầu đào tạo công an, cảnh sát thế giới, tôi thực sự bị cuốn hút bởi trường này “như một xã hội thu nhỏ”. 

Khi sinh viên công an Trung Quốc học về tôn giáo, Đại học Công an Trung Quốc xây hẳn một nhà thờ to như Nhà thờ Lớn ở Hà Nội. Học về Phật giáo, họ có chùa với những bài trí đúng như những ngôi chùa thật ngoài đời. Muốn tăng tính thực tiễn kiểu đó thì yêu cầu đơn giản nhất là diện tích trường phải đủ rộng. 

Nhưng, nếu nói về diện tích thì tôi chưa nói đến Đại học Công an nhân dân Trung Quốc rộng 350 hecta, mà chỉ nói đến Học viện Bộ Nội Vụ Singapore - đất nước có diện tích nhỏ hơn chúng ta rất nhiều thì học viện này đã rộng tới 24 hecta. Chưa một trường Công an nào của Việt Nam rộng đến 24 hecta cả.

- Diện tích không bằng họ nhưng chắc chúng ta phải có một cách giải quyết nào đó của riêng mình chứ?

- Đúng thế! Với diện tích gần 20 hecta, Học viện CSND đã xây dựng nhiều trung tâm huấn luyện thực hành. Trong những năm gần đây chúng tôi cũng đã liên kết với một số trường nước ngoài, ví dụ như Đại học Tổng hợp Maryland của Hoa Kỳ để đào tạo thạc sĩ.

- Ồ! Một trường đào tạo công an Việt Nam lại liên kết với một trường đại học Hoa Kỳ, có lẽ là rất nhiều độc giả sẽ bất ngờ với thông tin này.

- Từ năm 2005, Cơ quan điều tra liên bang (FBI), Cơ quan chống ma túy liên bang (DEA), Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ đến Học viện CSND tổ chức nhiều lớp tập huấn. Qua toạ đàm, trao đổi, chúng tôi bắt đầu hiểu về hệ thống đào tạo của nhau và thấy sự cần thiết của việc cần phối hợp với nhau.

- Tôi muốn biết là ý tưởng phối hợp, liên kết này đã được lãnh đạo Bộ Công an thông qua như thế nào ạ? Bởi nói gì thì nói, việc một trường đào tạo công an của Việt Nam liên kết với một trường của Hoa Kỳ là việc không hề đơn giản.

- Tôi hiểu ý của bạn, bởi nếu không cẩn thận sẽ bị hiểu là công an Việt Nam đi học nghề của công an Hoa Kỳ. Cho nên ở thời điểm ấy, chúng tôi đã cẩn thận báo cáo, thuyết minh với các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an là chúng ta học cái tốt, đặc biệt học cách quản lý của Hoa Kỳ - quê hương của Khoa học quản lý thế giới. Đại học Tổng hợp Maryland đứng trong nhóm 50 trường đại học tốt nhất của Hoa Kỳ nhưng trong lĩnh vực tư pháp hình sự thì trường này là số 1.

- Báo cáo là thế nhưng để lãnh đạo Bộ Công an thông qua chắc cũng là một hành trình không đơn giản?

- Lãnh đạo Bộ Công an lúc đó cẩn trọng giao cho một số tổng cục của Bộ thẩm định, đánh giá Đại học Tổng hợp Maryland đã dạy như thế nào, những ai đã tốt nghiệp tại đây. 

Từ đó chúng ta biết được, rất nhiều bộ trưởng khối tư pháp của Hoa Kỳ đã học tại đây ra. Sau khi thẩm định, đánh giá, Bộ trưởng Bộ Công an ủng hộ chủ trương liên kết của Học viện. Từ đó, chúng tôi đã sang Hoa Kỳ bàn bạc kỹ về chương trình hợp tác.

- Xin chân thành cảm ơn Trung tướng!

Phan Đăng – Thu Phương (thực hiện)
.
.
.