Thạc sĩ Lê Huy Hoàng: Thời nào cũng có những “ấm sinh”!
Ấy thế mà càng nghe anh nói, tôi càng thấy cuốn hút, để rồi cuối cùng tôi đã quyết định ngồi lại cùng anh, trao đổi quanh một vấn đề mà anh có thời gian nghiên cứu khá kỹ: nghề làm quan trong xã hội phương Đông xưa.
Từ du thuyết đến tiến cử
- Nhà báo Phan Đăng: Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu từ một cái mốc mà ở đó "giai cấp làm quan" - nếu có thể nói như vậy, đã xuất hiện một cách rõ nét trong xã hội phương Đông, đó là thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Anh từng nói rằng, trong giai đoạn này người ta chủ yếu làm quan qua con đường du thuyết. Anh có thể nói chi tiết hơn được không?
- Thạc sĩ Lê Huy Hoàng: Khi một xã hội đủ lớn để đặt ra vấn đề quản lí, hay ta có thể gọi là từ giai đoạn “bầy đàn” sang giai đoạn “siêu bầy đàn” như một lí thuyết rất thú vị của Desmond Morris thì chắc chắn sẽ hình thành một nhóm người làm công tác quản lí.
Thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc tại Trung Hoa là một thời kì văn hóa phát triển rực rỡ, với bộ máy hành chính khá đầy đủ. Đây chính là thời kỳ ra đời khái niệm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (lấy trong sách Lễ Kí).
“Tu thân” là sửa mình; “tề gia” cần hiểu là giúp ích cho nhà của các “khanh đại phu” - tức là một dạng quan lại quý tộc ở một nước chư hầu; “trị quốc” là giúp cai trị được một nước chư hầu; còn “bình thiên hạ” là khiến cả thiên hạ thái bình, thiên hạ ở đây bao gồm tất cả các chư hầu. Những người có lí tưởng “tu tề trị bình” như thế, gọi chung là tầng lớp “sĩ”.
Trên “sĩ” là “khanh đại phu”, tiếp theo là vua chư hầu (quốc quân), trên cùng là người đứng đầu thiên hạ - thiên tử. Những kẻ sĩ đó, muốn được khanh đại phu hay vua chư hầu biết tới thì phải tự tìm cách chứng tỏ bản thân.
Một trong những con đường đó là “du thuyết”, tức là đi khắp các nước chư hầu, đem sở học của mình ra trình bày với các đại phu, tướng quân hoặc vua chư hầu, nếu tầng lớp cai trị đó thấy hợp lí thì có thể “tuyển dụng” trực tiếp. Nếu so sánh, có lẽ hình thức đó khá giống với chuyện nộp hồ sơ xin việc ngày nay.
- Chính ra du thuyết kiểu này lại rất sòng phẳng, công khai, minh bạch?
- Nước nào có chế độ đãi ngộ tốt hơn, có vua biết tiếp thu hơn, nước đó sẽ thu hút được nhiều người tài. Vì thế, con đường tiến thân của kẻ sĩ cũng trở nên rộng mở, không bị bó buộc vào một ông vua nào, mà có thể thoải mái rời bỏ đất nước nào đó nếu thấy vị vua không ổn để sang đất nước khác.
Nó khác với việc “trung quân” tuyệt đối của thời kì sau này, khi tầng lớp “sĩ” đã chuyển sang tầng lớp “thư sinh” và chỉ có con đường tiến thân duy nhất là khoa cử. Tuy nhiên, hệ thống này dựa nhiều vào cảm tính, sở thích của “nhà tuyển dụng”, chưa đưa ra được những quy chuẩn để chọn lựa quan chức.
- Khi nào thì con đường làm quan theo kiểu... du thuyết chấm dứt, thưa anh?
- Cho tới khi chế độ phân phong của nhà Chu chấm dứt và chế độ quận, huyện của nhà Tần thay thế, vào năm 221 trước Tây lịch. Lúc này, không còn các nước chư hầu nữa, thay vào đó là quận huyện của một nước duy nhất -nước Tần, vậy thì đi đâu cũng là đất của một ông vua duy nhất, nếu còn du thuyết cho các thế lực địa phương thì tức là làm phản.
Thạc sĩ Lê Huy Hoàng. |
Hai mặt của khoa cử
- Chúng ta biết việc du thuyết chấm dứt thì con đường tiến cử, sát cử xuất hiện. Liệu tiến cử có gắn liền với chủ nghĩa "nhất thân nhì thế" không? Bởi chắc chắn là có những vị quan thanh liêm, tiến cử đúng người đúng việc, nhưng cũng sẽ có ai đó chỉ tiến cử người quen biết, gần gũi với mình, hoặc đem lại bổng lộc cho mình. Anh nghĩ sao?
- Thực tế thì du thuyết cũng là một cách tiến cử nhưng là tự mình tiến cử mình. Ví dụ như câu chuyện Mao Toại đã tự mình tiến cử với Bình Nguyên Quân của nước Triệu. Còn sát cử tức là triều đình cho người đi tìm hiểu trong dân gian xem ai có tài thì tiến cử.
Đỉnh cao của sát cử, theo tôi, là chế độ “cửu phẩm quan nhân pháp” của Trần Quần đặt ra thời Tam Quốc, chia người tài ra làm 9 hạng để xem xét bổ nhiệm. Tất nhiên, khi đã thông qua một bộ máy chọn lọc, rất có thể sẽ nảy sinh tiêu cực. Không ai có thể đảm bảo một vị quan đi sát cử lại không ưu ái cho người quen biết, hay người nào khéo luồn lách hơn.
- Từ đời nhà Đường về sau thì khoa cử chính thức xuất hiện. Có lẽ khoa cử ưu việt hơn hẳn so với du thuyết và tiến cử?
- Không hẳn đâu. Như tôi đã nói, hình thức tiến cử có những sự ưu việt của nó. Vấn đề là, nó có phù hợp với bối cảnh xã hội hay không. Một xã hội như thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc chưa đủ điều kiện để thực hiện khoa cử và cổ vũ cho những hình thức tiến thân trực tiếp, nhanh chóng, để một nước chư hầu có thể dễ dàng đưa người tài vào trong bộ máy hành chính của mình và hoạt động được ngay.
Trong thời kì đó, bất kì sự trì trệ nào cũng có thể dẫn đến việc một quốc gia suy vong, khi nhiều quốc gia ý thức được điều đó, cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài sẽ trở nên mạnh mẽ hết sức có thể, đồng thời, các trào lưu học thuật cũng phát triển mạnh mẽ chưa từng có: Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Nông gia, Binh gia, Âm Dương gia, Tung Hoành gia... trăm nhà đua tiếng.
Còn nói về khoa cử, là thời kì nhà nước đế quốc quân chủ tập quyền đã vững mạnh, cũng là thời kì “độc tôn Nho thuật”, khởi nguồn từ chính sách của Đổng Trọng Thư đời Hán, tức là loại bỏ hết các luồng tư tưởng khác và chỉ giữ lại đạo Nho mà thôi.
Thậm chí đạo Nho lúc này đã tiêu cực hóa nhiều so với đạo Nho nguyên gốc của Khổng Tử. Ví như tư tưởng “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (vua khiến bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung), đưa chữ “trung” lên đến mức vô điều kiện, rất khác với tư tưởng “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con) của Khổng Tử.
Bản thân Khổng Tử cũng là người đi khắp các nước, làm quan ở nhiều nước, cuối đời mới quay trở về nước Lỗ quê nhà, chứ không mù quáng trung thành với một vua. Như vậy, khoa cử so với tiến cử, vừa bị hạn chế bởi một loạt quy trình, vừa bị hạn chế về không, thời gian, lại vừa bị hạn chế cả về mặt tư tưởng.
Nếu nói ưu việt hơn, thì nó hơn ở chỗ, khoa cử đảm bảo cho nhà nước được hoạt động một cách thống nhất từ trên xuống dưới, toàn bộ hệ thống quan lại sẽ có chung một nền tảng đạo đức để có thể hoạt động. Nếu mỗi người một tư tưởng, hệ thống sẽ trở nên rối loạn.
Còn tại sao thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc áp dụng được cách du thuyết tiến cử, là bởi các nước tương đối nhỏ, bộ máy hành chính rất đơn giản, dễ áp dụng những tư tưởng mới vào việc cai trị hơn so với thời kì tập quyền sau này. Vì vậy, ưu việt hay không, một phần lớn là ở chỗ nó có phù hợp với thời đại đó hay không.
- Bây giờ nhìn lại, anh thấy việc khoa cử qua các triều đại có những khác biệt cơ bản nào hay không? Và theo anh, khoa cử ở triều đại nào phát huy giá trị cao nhất?
- Hệ thống khoa cử nhìn chung là được hoàn thiện dần qua các triều đại. Nhưng để nói khoa cử triều đại nào phát huy giá trị cao nhất thì tôi không dám đưa ra nhận xét. Để phát huy được giá trị của khoa cử thì việc bổ nhiệm và sử dụng sau khoa cử mới quan trọng.
Ta có thể nói khoa cử đời Đường - Tống trở nên quan liêu, quá chú trọng vào thi ca nên nhiều khi tìm được những người giỏi thi ca nghệ thuật chứ không thạo việc hành chính, cuối cùng là hỏng việc. Có thể kể tới thừa tướng Sái Kinh, là người rất giỏi thư pháp, nhưng cũng là gian thần, góp phần trực tiếp làm Bắc Tống mất nước.
Có điều, cũng chính thời Đường - Tống lại là thời kì giao lưu văn hóa kinh tế mạnh mẽ, tạo nên cảnh phồn hoa hiếm có.
Sang đời Thanh, chế độ khoa cử rất chặt chẽ nhưng quan niệm “thanh quan” quá nặng nề, lương bổng ít ỏi nên tình trạng tham nhũng vặt của quan lại rất phổ biến, thậm chí đó là quy tắc ngầm của quan trường, ai không tham nhũng vặt, không hối lộ cấp trên thì bị coi là kẻ lập dị, như trường hợp của Hải Thụy chẳng hạn. Điểm này giáo sư Dịch Trung Thiên trong tác phẩm Nỗi buồn đế quốc có nhắc tới.
Đời Nguyễn ở Việt Nam cũng có tình trạng giống hệt như trên, bộ máy trở nên cồng kềnh, tình trạng tham nhũng vặt xảy ra nhiều, có thể thấy những nghi ngờ về chuyện này ở trong cuốn Quan và lại ở miền bắc Việt Nam của tác giả E. Poison.
Nói chung, hệ thống khoa cử càng lúc càng chặt chẽ và cũng được bổ sung, sửa chữa liên tục, nhưng vấn đề chính sách sử dụng quan lại vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới cả hệ thống.
- Chế độ khoa cử, tìm người tài làm quan của các triều đình phong kiến Việt Nam về cơ bản cũng giống như Trung Quốc. Nói như thế, chắc không sai phải không?
- Về cơ bản, chế độ khoa cử Việt Nam học theo chế độ của Trung Quốc nhưng cũng có một số khác biệt nhất định. Ở Trung Quốc, cuối đời Tùy sang đầu đời Đường đã tổ chức khoa cử, đặt ra tam giáp (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa lang).
Mặc dù khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta đã được tổ chức từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông, tương ứng với đời Tống của Trung Hoa (gọi là khoa thi Minh kinh bác học) nhưng chưa đặt ra “tam khôi” nên người đỗ đầu như là Lê Văn Thịnh thực ra không phải trạng nguyên. Mãi đến đời Trần Thái Tông, người đứng đầu kì thi đình mới gọi là trạng nguyên.
Chế độ 3 năm thi một khoa cũng vậy, khá muộn mới định chế. Chế độ 3 năm thi một lần bắt đầu được đặt ra từ năm Trị Bình thứ 3 đời Tống (1066), lúc đó gọi là “tam niên nhất cống cử”. Đời Minh học theo, năm Hồng Vũ thứ 17 (1384) gọi là “tam niên nhất đại tỉ”.
Đầu đời Lê ở nước ta, 6 năm thi một lần, sau đó cũng chuyển sang 3 năm thi một lần. Về thời gian chính thức chuyển sang chế độ 3 năm thi một lần, thì các tài liệu ghi chép khá khác nhau nhưng có lẽ ý kiến bắt đầu từ năm Quang Thuận thứ 4 (1463) triều vua Lê Thánh Tông của học giả Trần Văn (Trung Quốc) trong cuốn Nghiên cứu chế độ khoa cử Việt Nam là hợp lí.
Ở chiều ngược lại, ta thấy danh sách trạng nguyên nước ta chỉ kéo dài đến đời Lê Ý Tông, vậy sang đời Nguyễn thì sao? Đời Nguyễn không có trạng nguyên, đứng đầu kì thi đình đều được gọi là đình nguyên.
Cũng phải nói thêm, đời Trần còn có chế độ 2 trạng nguyên, một là “kinh trạng nguyên” dành cho sĩ tử đỗ đầu mà quê từ Ninh Bình trở ra; hai la “trại trạng nguyên”, từ Thanh Hóa trở vào. Có thể coi như đây là một hình thức cộng điểm ưu tiên vùng miền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chăng?
Trường thi thời phong kiến. Ảnh: L.G. |
Học vẹt thì sẽ trượt
- Người ta vẫn nói, chế độ khoa cử với các kỳ thi hương, thi hội, thi đình mang nặng tính tầm chương trích cú, qua đó chỉ chọn được những người giỏi "học vẹt". Nhìn lại một cách toàn diện, một nhận định như thế có phần phiến diện thì phải?
- Đúng là có phần phiến diện. Đầu tiên, “học vẹt” thì gần như sẽ trượt. Bởi vì đề bài thường yêu cầu viết, phân tích, chứ không yêu cầu chép lại sách kinh điển. Việc thuộc lòng chỉ dùng để làm nguyên liệu mà thôi.
Cấu trúc đề thường là cho 2 quan điểm trái ngược nhau, yêu cầu các khảo sinh phải viết luận về 2 quan điểm đó. Thứ hai, tuy phần thi “kinh nghĩa” mang tính sách vở nhưng là để kiểm tra khả năng ở tầm lí luận của khảo sinh, từ đó kiểm tra xem khảo sinh có nắm đủ cơ sở lí luận cho việc làm quan hay không.
Công việc nhỏ ở địa phương có thể không cần nhưng khi đã tính đến chuyện ở những chức vụ cao thì không thể thiếu “trình độ lí luận chính trị” được.
Tôi lại cho rằng quan không có tư duy ở tầm lí luận thì chẳng khác gì anh lính làm việc vặt. Phải chăng nhiều người ở nước ta vẫn có tâm lí “không cần lí thuyết”, luôn chê bai những người “chỉ giỏi lí thuyết” mà không biết đến tầm quan trọng của lí luận nên mới chê bai khoa cử xưa?
Thứ ba, ngoài việc thi “kinh nghĩa”, vẫn còn có những bài thi khác, ví dụ như thi viết các công văn giấy tờ triều đình, gồm chế, chiếu, biểu; hay thi toán pháp - làm tính. Đó đều là những thứ liên quan trực tiếp tới công việc hằng ngày.
Đến cuối đời Nguyễn, khi Pháp đã vào Việt Nam, khảo sinh còn phải biết viết chữ quốc ngữ, biết chữ Pháp. Có thể những người như Tú Xương ra sức phản đối việc này nhưng rõ ràng đề thi lúc đó đã cố gắng bắt kịp hiểu biết của xã hội.
- Nếu tôi nhớ không nhầm, thi thoảng vẫn xuất hiện những đề thi đặc biệt, qua đó có thể chọn được những vị quan tài năng thực sự. Anh có nhớ những đề thi đặc biệt nào không?
- Tôi không dám chắc đề thi đặc biệt có chọn được quan lại tài năng không, có lẽ đề thi chỉ là một phần câu chuyện. Tuy vậy, cũng có những đề thi khá thú vị. Khoảng những năm Minh Mạng, đề thi vẫn mang tính kinh điển Nho giáo, nghe thì tưởng cứ học đủ Tứ thư, Ngũ kinh, Nhị thập tứ sử là làm được, nhưng không phải là “dễ nhằn” đến thế.
Ví như một đề thi trích từ Lịch khoa Hội đình văn tuyển yêu cầu luận về “vô vi” và “hữu vi”, đó là 2 quan điểm ngược nhau mà cùng xuất hiện trong Tứ thư. “Vô vi” tức là nói vua chỉ lo đến đường hướng chung, không can thiệp vào những việc quá chi tiết; “hữu vi” lại nói người làm chính trị phải ngày đêm suy tư mới có được hiệu quả. Cá nhân tôi thấy tầm lí luận đó cao hơn rất nhiều so với mấy câu nghị luận trong đề thi Ngữ văn hiện nay (Cười...).
Đến cuối thời Nguyễn, đề thi còn mở rộng đến phạm vi... thế giới, khi có cả câu hỏi về chuyện lựa chọn giữa dân chủ, quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến. Các khảo sinh phần nhiều chỉ ra cái hay của quân chủ lập hiến nhưng rất tiếc, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, triều đình Huế đã không đi theo con đường như vậy.
Một vị quan với đoàn tùy tùng. Ảnh: L.G. |
Dân số ít nên dễ phát hiện người tài
- Nhiều lúc tôi nghĩ, kiểu thi cử - chọn lựa quan lại thời quân chủ chuyên chế, ở một góc độ nào đấy vẫn tạo cơ hội cho sự vươn lên của những người nghèo. Có nghĩa là dẫu nhà nghèo nhưng học giỏi thì một người vẫn có thể ra làm quan giúp ích cho đời.
Sự chọn lựa ở đây đơn thuần chỉ là "giỏi" - dĩ nhiên là "giỏi" trong tiêu chuẩn của thời đại ấy, chứ không bị chi phối quá nhiều bởi những chuyện như: "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ...". Anh thấy sao?
- Tôi cho rằng điều đó đúng nhưng có lẽ thời kì nào cũng có cả mặt sáng và mặt tối. Nói cho cùng, triều đình quân chủ vẫn không thể làm ngơ trước một hệ thống con em quan lại nên vẫn đặt ra hệ “ấm sinh”, được ưu ái hơn trong học hành thi cử. Hơn nữa, có một vấn đề quyết định đến xã hội nói chung và thi cử nói riêng, đó là dân số.
Thời xưa, dân số ít, sống thưa thớt, số người được đi học còn ít nữa nên triều đình có thể dễ dàng tổ chức các khoa thi trực tiếp tuyển chọn người làm quan. Giả sử thời đó cũng có cả triệu sĩ tử cùng đi thi như hiện nay, tôi e rằng người giỏi cũng không dễ gì thăng tiến nhanh đến thế được.
Dân số ít, việc giáo dục từ địa phương cũng đơn giản hơn. Thời trước vẫn ghi nhận việc thầy nhận nuôi học trò, học trò cày ruộng cho nhà thầy, hoặc cả làng có “học điền” - ruộng dành riêng để lấy kinh phí cho việc học, mời thầy nơi khác về nuôi và cho con em trong làng đi học.
Nếu các thầy là quan lại về hưu thì càng tốt nữa: học trò giỏi có thể được bảo cử, giới thiệu, “gửi gắm”. Học trò làm quan to thì thầy (làm quan nhỏ) cũng được nhờ.
Nói chung mô hình đó vừa tạo điều kiện cho trò nghèo làm quan, vừa tạo ra các nhóm lợi ích. Vậy có lẽ song song với điểm tốt như anh nói, nó cũng sinh ra luôn cả chuyện hậu duệ, quan hệ.
- Nếu quan lại thời xưa là một giai cấp thì sang đến thời hiện đại, quan lại đơn giản chỉ là một nhiệm vụ, một nghề nghiệp. Theo anh, sự chuyển hóa từ "giai cấp" sang "nghề nghiệp" bắt đầu từ khi nào và tạo ra những thay đổi như thế nào?
- Sự chuyển hóa này bắt đầu từ khi người Pháp vào Việt Nam. Khi quan lại là một giai cấp thì các anh học trò nghèo gốc nông dân cố gắng làm quan (một phần) là để leo lên giai cấp cao hơn. Dù sao xã hội cũng chỉ có 2 giai cấp chính, là nông dân và phong kiến. Khi đã lên giai cấp cao hơn rồi, họ dễ có ý tưởng hưởng thụ lợi ích từ “giai cấp” mang lại.
Quan nhỏ thì vòi những thứ tiền vặt vãnh, quan lớn thì đòi hối lộ từ quan nhỏ, nói chung là rất nhiều quan lại có tư tưởng cần phải bóc lột tầng lớp bên dưới. Một trong những hình phạt dành cho quan lại phạm pháp là đẩy họ xuống trở lại giai cấp dưới.
Còn khi trở thành nghề nghiệp - công chức, mọi chuyện không còn quá nặng nề như giai cấp nữa. Không làm nghề công chức thì có thể chuyển qua những nghề khác, không có nhiều sự khác biệt về địa vị xã hội.
Cũng chính vì vậy, nếu thực sự được coi là một nghề bình thường, người làm “quan” sẽ không tự đặt mình ở vị trí cao hơn người khác để bóc lột nữa. Có chăng là lạm dụng chức vụ quyền hạn cá nhân.
- Trong cái nhìn của riêng anh, nghề làm quan trong xã hội hiện đại đòi hỏi những điều kiện, tiêu chí nào?
- Có lẽ ta gọi là “công chức nhà nước” cho nhẹ nhàng! Tôi cho rằng tiêu chí đó không thay đổi quá nhiều so với thời xưa: có trình độ, hiểu biết thực sự, có tinh thần liêm chính, tinh thần phụng sự, biết đấu tranh chống lại cái sai. Đồng thời cần xác định làm “quan” không phải là một giai cấp khác, cần tôn trọng tất cả các nghề nghiệp khác.
- Cá nhân tôi nghĩ, đã nói đến "nghề" là nói đến khả năng kiếm tiền, nuôi sống bản thân. Nhưng với những nghề đặc biệt như "nghề làm quan", nếu mọi thứ chỉ đơn thuần dừng lại ở việc "kiếm tiền" thì bất ổn. Tôi nghĩ rằng cái nghề đặc biệt này đòi hỏi một phẩm chất đặc biệt nữa, đó là lý tưởng, chí hướng và khát vọng phụng sự đất nước. Anh có nghĩ đấy là yêu cầu số 1, yêu cầu quan trọng nhất của nghề làm quan không?
- Tôi cho rằng đó là yêu cầu quan trọng dành cho tất cả các ngành nghề. Nói cách khác, là cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, vừa để mỗi cá nhân có đủ điều kiện đóng góp cho tập thể, vừa để lợi ích tập thể thực sự lớn mạnh và quay lại phục vụ cho từng cá nhân.
Ta không thể yêu cầu người làm “quan” phải hi sinh lợi ích cá nhân và gia đình để phụng sự, và cũng cần tạo điều kiện để họ có thu nhập tốt; nhưng ta cần yêu cầu họ biết làm việc đúng pháp luật để lợi ích tập thể được đảm bảo.
- Xin cảm ơn anh!