Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Không thể dạy người khác rung cảm nếu chính mình không có khả năng rung cảm…

Thứ Năm, 26/07/2018, 11:02
Duyên dáng với nụ cười thường trực nhưng lại quyết liệt và sắc lẹm với mỗi phát ngôn - đó là những ấn tượng rõ nét mà tôi thấy ở tiến sĩ Bùi Trân Phượng, người từng tốt nghiệp ngành lịch sử tại Đại học Paris (Pháp) từ đầu những năm 1970.

Trong bối cảnh mà "đề thi dễ, nhưng điểm sử thấp kỷ lục" - điều đã xảy ra ở kỳ thi THPT năm nay và từng xảy ra ở nhiều kỳ thi trước, tôi đã tìm gặp tiến sĩ Bùi Trân Phượng để lắng nghe những kiến giải của bà.

Cái đẹp không thể... đồng phục được 

- Nhà báo Phan Đăng: Xin chào tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tôi muốn bắt đầu cuộc đối thoại này từ chính một nhận định của tiến sĩ mà cá nhân tôi rất thích: "Nếu người ta biết cảm thụ cái đẹp, người ta sẽ nhận ra cái đẹp, sẽ sống tốt hơn". Tôi tò mò muốn hỏi là với cá nhân bà thì quá trình biết cảm thụ cái đẹp - nhận ra cái đẹp diễn ra như thế nào ạ?

- TS Bùi Trân Phượng: Vì sự “tò mò” của anh khiến tôi phải “khai báo" rất thật rằng hồi nhỏ, tôi bị/được coi là đứa vụng về trong nữ công gia chánh, thua xa hai em gái sống cùng nhà.

Như các em và nhiều bạn bè lúc đó, tôi cũng không được học gì về âm nhạc, hội họa hay các ngành nghệ thuật khác. Học vẽ trong trường, tôi bét lớp. Tôi càng không biết hát, múa gì hết. Học thể dục với một cô giáo người châu Phi, cơ thể săn chắc, đẹp, dẻo. Nhìn những động tác quờ quạng của chúng tôi, cô hét tướng lên: “Ôi, sao mà chúng nó xấu thế, xấu thế!”. Nên tôi luôn hiểu là mình không có năng khiếu, cũng rất ít hiểu biết về cái đẹp.

- Ấy thế mà sau này lại là tác giả của một diễn ngôn về cái đẹp.

- Năm lớp 10, trường tôi học đột ngột phân ban sâu hơn, vì đó là sự thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông của Pháp, tôi học chương trình Pháp ở trường Marie Curie, Sài Gòn. Chúng tôi được xếp vào Ban toán, môn toán đặc biệt khó, với nhiều cái mới, đòi hỏi cao, cả lớp học vất vả. Nhưng thầy giáo tôi giỏi, dạy hay và đam mê toán. 

Có lần thầy cho phương trình khó, cả lớp giải sai nên vẽ đồ thị méo mó, dị hình dị dạng. Thầy giải lại, chặt chẽ và chính xác, giải đến đâu, vẽ đồ thị đến đó, cái parabol hiện ra tuyệt mỹ.

- Khoảnh khắc rung cảm trước cái đẹp là đây!

- Đúng thế! Lúc đó nhiều bạn còn ngơ ngác, chưa hiểu kịp các con toán phức tạp thì thầy lùi lại một bước, ngắm nghía đồ thị trên bảng, rồi quay nhìn chúng tôi, mỉm cười: “Các em thấy nó đẹp không?”. Nhiều bạn lắc đầu hoài nghi, hay bĩu môi chán nản.

Nhưng tôi cảm được lời thầy, tôi chia sẻ cảm xúc khi thấy người ta lập luận chặt chẽ, tính toán chính xác, không rơi vào một số cái “bẫy” (chỗ dễ lầm lẫn nếu nhìn cạn cợt, tính vội vàng), thì kết quả ra chính xác, giản dị, hiển nhiên và quả thật là... đẹp.

Đến năm ngoài 50 tuổi, tôi lại đến lớp buổi tối, học một chương trình MBA từ các giáo sư thuộc nhiều quốc tịch. Phần lớn thầy cô đều bắt đọc nhiều sách, khi giảng bài sử dụng nhiều mô hình, phần mềm trên máy tính. Riêng thầy dạy môn kế toán chỉ dùng phấn, bảng. Bảng cân đối kế toán, thầy cũng viết lên bảng, bên "Có" bên "Nợ" cứ chi chít là số viết tay.

Nhưng thầy lập luận rõ ràng, dễ hiểu, chặt chẽ, đâu ra đó và chỉ ra rất hiển nhiên là nếu tất cả các con số đã biết đều được ghi nhận đúng thì số phải tìm cũng hiện ra đương nhiên, không thể khác. Lần này thầy không nói nhưng tôi cũng cảm nhận là nó đẹp và trong suốt, minh bạch. Tất nhiên, khi người ta không cố tình... phù phép con số.

Những mẩu chuyện gây ấn tượng cho tôi cỡ đó, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại. Đối với tôi, cái đẹp đa dạng như vậy. Nhìn cái parabol của thầy toán, bảng cân đối kế toán của thầy lớp MBA, tôi cảm thấy sướng cũng giống như là khi nghe nhạc sư Vĩnh Bảo và môn đệ đờn ca tài tử. Hay giống như lâu lâu mình làm đúng được một tư thế khó và... đẹp của Yoga. (Cười...)

- Bây giờ thì chúng ta sẽ bàn tới một khía cạnh tổng quát hơn, vậy thì rốt cuộc phải làm như thế nào để giúp một con người biết nhận ra cái đẹp? Người ta vẫn nói đôi khi tiêu chuẩn về cái đẹp của mỗi thời đại, mỗi bối cảnh xã hội là rất khác nhau, đấy có phải là một khó khăn bất biến trong việc giáo dục và thức tỉnh khả năng cảm nhận về cái đẹp hay không?

- Trước hết, không thể cho cái mình không có. Người dạy không nhìn ra, hiểu đúng, sao giúp được người học? 

Một đứa cháu của tôi đi học mẫu giáo vào những năm cuối thập niên 1980. Về nhà, cháu bắt mọi người thực hành “ngồi đẹp”, tức là ngồi ngay ngắn, tay xuôi theo thân, không nhúc nhích, tập trung “chiếu ý cô” (là “chú ý”, mà cháu nhớ không ra vì từ đó quá khó với trẻ lên 3).

Thật ra, trẻ em ngồi im như tượng chẳng có gì là đẹp, mà còn sai; vì trẻ tự nhiên phải vận động và học chính qua vận động và cảm thụ từ các giác quan của mình. Nhưng cô giáo “quy chuẩn” tư thế “ngồi đẹp” như vậy, chẳng qua vì nó tiện cho cách “dạy học” của cô là “cô nói, cháu nghe và ngoan ngoãn vâng lời”. Cũng vì cô thiếu hiểu biết và thiếu nhiều thứ khác.

- Người ta thường gọi đấy là những cái đẹp đồng phục, những cái đẹp áp đặt. Mà tôi thì nghĩ, đã "đồng phục", đã "áp đặt" thì xét về bản chất, có lẽ không đẹp nữa.

- Nhưng từ những năm 1980 đến nay, tình hình này có vẻ càng tệ hơn, với những cách dạy như phạt quỳ hàng loạt suốt tiết học, bắt trẻ uống nước giẻ lau hay cô tịnh khẩu trong giờ toán. Vậy mà công chúng, thay vì nhận rõ đúng sai, lại có một bộ phận tiếp tục ủng hộ “tôn sư trọng đạo”, bất kể “đạo” gì và đang được dạy ra sao.

Lấy gì cho học sinh “cảm thụ cái đẹp” hỡi trời? Cách nào để truyền thụ, đánh thức khả năng cảm nhận cái đẹp ư? Thì phải cho người ta trông thấy, nghe thấy, chứng kiến, cảm nhận, thấu hiểu, cảm phục, yêu quý cái đẹp thật, thực chất, đúng nghĩa chứ còn sao nữa.

Như các thầy cô giỏi mà tôi vừa kể chuyện. Người thầy truyền thụ được cái đẹp khi họ giảng bài mà lột tả, biểu thị, truyền cảm hứng được cái đẹp của bài văn, câu thơ, hay cách giải toán và nhiều thứ khác nữa.

Có vẻ trừu tượng hơn nhưng hiệu quả sâu và bền vững hơn, là khi thầy cô truyền được một phong cách tư duy, ứng xử, diễn đạt, hay truyền thụ giá trị sống như trung thực, công bằng, trách nhiệm, yêu thương, đam mê khoa học hay nghệ thuật, trọng nghĩa khinh tài, vị quốc vong thân, tận tâm phục vụ, hay sống an nhiên, ngoài vòng trói buộc của danh lợi. Ông bà mình từ xưa đã biết ngôn giáo không bằng thân giáo.

- Tôi cũng đồng ý với lập luận của bà, rằng muốn giúp người khác biết rung cảm trước cái đẹp thì bản thân các thầy cô giáo phải có cái khả năng rung cảm ấy trước đã. Nhưng còn vế thứ hai của vấn đề: chuẩn mực của cái đẹp lại không ngừng thay đổi theo thời đại thì sao?

- Về sự thay đổi của chuẩn mực và từ đó nảy ra cái khó trong giáo dục cái đẹp, tôi đồng ý. Đây là một trong những khó khăn bất biến khi có sự thay đổi về không gian, không gian địa lý hay văn hóa, sự khác biệt lớn về thời gian. Và thời nay, thay đổi nhanh đến chóng mặt, thì thời gian chưa dài cũng đủ thấy tiêu chuẩn chao đảo, lộn tùng phèo, trầm luân dâu bể.

Chính vì vậy, một trong những điều cần được rèn luyện cho người học - và như một lẽ đương nhiên, người dạy trước hết phải thấm nhuần - là tôn trọng sự khác biệt. Nhưng, “tôn trọng sự khác biệt” hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận các giá trị phổ quát và lâu dài của nhân loại như chân lý, lẽ phải, công bằng, tự do, dân chủ... Càng không có nghĩa lập lờ đánh lận con đen, dối trá và ngụy biện.

Người ta có thể tranh luận - mà không nhất thiết đi đến “nhất trí cao” - thế nào là đúng, là đẹp, là phải; nhưng lẽ thường vẫn hướng thiện, hướng đến cái đúng, cái phải, cái đẹp.

Lịch sử phải là sự thật được truy vấn không ngừng

- Bà là một người nghiên cứu lịch sử lâu năm, vậy chúng ta thử bàn về cái đẹp trong lịch sử đi. Theo bà thì vẻ đẹp của lịch sử thường nằm ở những khía cạnh nào?

- Vẻ đẹp của lịch sử là sự thật (Cười mỉm...).

- Vậy thì có những câu chuyện lịch sử cụ thể nào, kể cả của Việt Nam lẫn thế giới khiến một nhà nghiên cứu như bà thấy rung động ở chiều mĩ học đích thực của nó hay không?

- Lịch sử Việt nhiều cái đẹp. Trong đó, một cái đẹp nhiều người biết - không có nghĩa ai cũng hiểu sâu, thấu đáo - là khát khao độc lập, là ý chí bất khuất để bảo tồn văn hóa, lối sống của một cộng đồng tách biệt với láng giềng phương Bắc. 

Nghĩa từ nguyên của từ “độc lập” trong tiếng Việt - là thuật ngữ cận hiện đại, nhưng tinh thần đã hiển hiện sớm hơn nhiều và kết quả của tinh thần đó là một nước Việt vẫn “đứng riêng” sau hàng ngàn năm kề cận láng giềng lớn mạnh - là “đứng một mình”. Đứng, không phải bò, quỳ, hay co ro cóm róm, len lét run rẩy; đứng thẳng, là nghĩa của “lập”.

Một mình, không có nghĩa đơn độc, mà là đứng riêng, tách biệt, không sáp nhập vào nước lớn, không đồng hóa với Trung Nguyên, dù vẫn tự nhận mình “đồng văn”, dùng chung văn tự, chia sẻ nhiều giá trị văn hóa, văn minh.

Đứng riêng, bảo tồn trong thế yếu, thế khó, thì lắm lúc thiên nan vạn nan, phải thiên biến vạn hóa. Chỉ nhìn thấy ý chí đó trong đấu tranh vũ trang, trong những chiến thắng dù anh hùng, oanh liệt cỡ nào, cũng là chưa đủ, chưa sâu, có khi chưa đúng.

Phải nhận ra nó đa dạng và sâu rộng hơn trong đấu tranh chính trị, ngoại giao, trong nỗ lực thời bình, trong cả giao thương, trao đổi hàng hóa, trong dòng chảy di dân đa dạng, có khi trong một bài thơ, một phong cách ứng xử của sứ thần, trong sáng tạo của nông cụ phù hợp điều kiện đất, nước, thổ nhưỡng, thói quen canh tác, trong sự phát triển của văn học nghệ thuật cả thời thịnh trị và lúc điêu đứng, gian nan, nồi da xáo thịt, tan nhà mất nước. 

Cả trong hào hùng của cọc Bạch Đằng, gò Đống Đa; và cả trong sự bền chí của câu ca dao “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

- Rất nhiều lần tôi nghĩ, lịch sử không chỉ là khoa học, mà còn là mĩ học, nên cách dạy lịch sử tốt nhất là phải đụng chạm tới những góc độ thẩm mĩ của nó, khiến học sinh có thể rung động và thổn thức. Nhưng dường như chúng ta chưa chú ý tới khía cạnh này mà chỉ chú ý tới khía cạnh khoa học của nó, nên đã dạy lịch sử một cách rất khô khan. Tôi nghĩ như vậy có sai không ạ?

- Anh không sai. Thoạt nhìn, người ta tưởng khoa học thuộc phạm trù lý trí, cái đẹp thuộc về cảm xúc nghệ thuật. Nhưng nhìn đi nhìn lại, ranh giới rất mong manh và tương đối. Xưa kia không phân ranh giới. Thời cận đại, tách bạch rạch ròi hơn.

Nay, người ta ngày càng hiểu sức mạnh của nghiên cứu liên ngành và cách tiếp cận, quảng bá tri thức không đóng kín trong khuôn khổ chuyên ngành. Nhưng tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với anh. Hay nói đúng hơn, tôi cảnh báo nguy cơ của một cách diễn đạt có thể gây ngộ nhận. Chúng ta không nên đối lập đến loại trừ 2 phạm trù anh gọi là “khoa học” và “mỹ học”.

Nước đi sau như chúng ta có những mặt còn chưa bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã phải đối diện với 4.0.  Chỉ có giáo dục tốt mới giúp người ta nhận thức, học hỏi và tự chuẩn bị cho mọi đổi thay, giúp nâng cao dân trí để tăng cường nội lực. Ảnh: L.G.

- Không! Tôi không đối lập đến mức loại trừ nó, tôi chỉ đang nhấn mạnh rằng trong việc dạy sử hiện nay, dường như chúng ta nhấn quá nhiều vào khía cạnh "khoa học" mà có phần lãng quên "mĩ học", từ đó người học không thể rung cảm với những cái đẹp của lĩnh vực tưởng rất khô khan này.

- Tôi nhắc lại: giá trị của lịch sử là sự thật; cái đẹp của lịch sử cũng là cái đẹp của sự thật. Dù không có sự thật hoàn toàn, tuyệt đối khách quan, nhưng năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề sử - tôi nhớ đến quyển sách kinh điển của Marc Bloch mà tôi rất mong có ngày sẽ có bản dịch tiếng Việt, Le métier dhistorien, nghề sử - là luôn hướng đến sự thật.

Nhà sử học cũng là người, không bao giờ hoàn toàn thoát ly thân phận, bối cảnh xã hội, cội nguồn văn hóa và cả những xác tín, lợi ích riêng của mình; nhưng họ vẫn phải luôn nỗ lực vì sự thật, hướng tới sự thật, bất chấp mọi vui buồn thương ghét và niềm tin “chủ quan”. 

Không có đầy đủ căn cứ khoa học, chỉ đơn thuần làm người ta “rung động và thổn thức” thì hoặc vô ích về truyền thụ kiến thức, hoặc thậm chí có hại vì quảng bá “huyền thoại” bịa, tệ hại hơn huyền thoại thật.

Chúng ta phần nhiều (không phải tất cả, vì tôi tin đâu đó vẫn luôn có những nhà giáo tài năng, tâm huyết) dạy lịch sử một cách khô khan, thì đúng. Khô khan vì chỉ chú ý khía cạnh khoa học, thì chắc không phải vậy. Ngược lại thì đúng hơn. 

Sách giáo khoa có thể cung cấp số liệu, dữ kiện, ít nhiều đầy đủ, song thường để minh chứng, có khi tệ hơn, chỉ là minh họa cho những kết luận trong đó có một số nội dung giản lược, một chiều, ít sức thuyết phục.

Khi hiện thực lịch sử được nỗ lực tái hiện với đủ sự đa chiều, toàn diện, sâu sắc, với nhiều góc nhìn, cách lý giải bổ sung cho nhau, hoặc trái ngược nhau, nhưng ít nhiều đều có căn cứ, có những luận điểm đáng quan tâm; lúc đó sẽ là cách tiếp cận khoa học hơn, và vì vậy, hấp dẫn hơn, tạo cảm hứng cho cả tư duy và cảm xúc của người dạy và học sử.

Khi học sinh tự mình cùng với thầy cô khám phá, khảo sát, phân tích từ tư liệu trước khi đi đến kết luận theo sức và cách cảm thụ của bản thân thì họ sẽ cảm thấy được thuyết phục hơn.

Trong quá trình học sử, họ học tra cứu, xem xét, đánh giá tư liệu, phân tích sự kiện, nhân vật, tình huống, học suy nghĩ và diễn đạt suy nghĩ, bảo vệ lập luận của mình. May ra họ mới có cảm xúc được.

Và cảm xúc đó khác với sự hào hứng có thể tạo ra từ một số cố gắng “đổi mới” đã bắt đầu xuất hiện ở một số ít trường, như thầy cô - hay vài trường cấp 3 còn cho cả học sinh thực hiện - thuyết trình với phần mềm Power Point, làm video clip hay diễn kịch về nội dung bài học. 

Giá trị một tiết học không chỉ ở công cụ, phương tiện truyền thông, chuyển tải, mà, quan trọng hơn, ở nội dung và cách tiếp cận ít nhiều khoa học mà thầy và trò đã dùng để xây dựng nội dung.

- Tôi vẫn muốn bà cụ thể vấn đề hơn nữa. Hay, bà có thể kể một ví dụ về cách dạy sử và học sử của người Pháp mà chính bà từng là một phần trong đó.

- Lớp 9, tôi có thầy dạy sử rất hay, nội dung, cách trình bày, giọng nói đều cực kỳ cuốn hút. Chúng tôi phục thầy nhưng nhiều bạn, trong đó có tôi, không thích thầy, vì thầy “độc tài”, áp đặt những cách kiểm tra cố tình làm khó học sinh, cứ như là chỉ để chứng minh thầy giỏi hơn học trò gấp nhiều lần. Chúng tôi còn ghét vì cho là thầy “thực dân”.

Dịp tết, trường Pháp cho nghỉ ít, chỉ đúng 3 ngày tết; nhưng học sinh vì phong tục, tập quán nên hay nghỉ trước, trở lại học muộn. Thầy luôn cố tình ra đề kiểm tra vào những nội dung đã giảng khi lớp có nhiều bạn nghỉ học. Cho nên, chúng tôi phục kiến thức chuyên môn nhưng không quý trọng tư cách người thầy. Không biết tôn trọng văn hóa khác khi chính mình đang dạy sử, còn tệ hại hơn.

Năm lớp 12, có một thầy dạy sử khác, cũng dạy rất hay. Thầy rất hùng biện, giờ giảng cứ hút hồn học sinh. Giảng về Đức Quốc xã, thầy mô tả Adolf Hitler như một thanh niên yêu nước, uất ức vì nước Đức thua trận trong Thế chiến thứ nhất, bị áp đặt nhiều điều nhục nhã, nên anh ta oán ghét bọn Do Thái chủ ngân hàng giàu sụ, v.v...

Tới giờ tôi vẫn còn nhớ động tác thầy nhại “bọn Do Thái giàu sụ” đếm tiền. Kết quả là khi chấm bài môn triết, cô giáo trẻ, mới đến Việt Nam lần đầu, gọi tôi ra hỏi riêng: “Tôi đến Việt Nam chưa lâu, thấy người Việt nhìn chung hiền lành, nhân hậu. Vì sao các bạn lớp em lại có vẻ sùng bái Hitler đến thế?”.

Tôi giải thích là do “ảnh hưởng” của thầy dạy sử, cô mới hiểu ra. Nhưng nhà trường Pháp là như vậy. Mỗi thầy cô có quan điểm và phong cách giảng dạy riêng. Người ta tin là học sinh đủ tư duy phản biện và đủ sự trưởng thành về nhân cách để tự mình gạn đục khơi trong. Sau này, nhớ đến thầy dạy sử đó, chúng tôi vẫn phục thầy giảng bài hấp dẫn nhưng buồn cười về sự cực đoan tai hại của thầy.

Vong thân là tấn bi kịch lớn

- Theo bà, một dân tộc mà những thế hệ trẻ không biết ông cha mình đã trải qua một quá khứ như thế nào, đã từng đẹp đẽ ra sao thì hậu quả xảy ra sẽ như thế nào? Áp vào dân tộc ta hiện nay, bà có lo lắng gì về điều này không?

- Không hiểu lịch sử dân tộc, không biết ông cha mình đã từng đẹp ra sao, thì trước hết là mất kết nối với chính mình. Không hiểu rõ quá khứ thì chỉ nhìn thấy hiện tại trước mắt và tin bản chất chỉ là như vậy. Cái hiện tại mình (tưởng là) trông thấy, chứng kiến hẳn hoi đó, chỉ trông thấy nó qua lăng kính chủ quan, qua bộ lọc của mỗi người, ai cũng vậy. Cho nên gặp chuyện là tha hồ “chém gió”.

Từ người ngoại đạo đến các hạng chuyên gia đều dễ dàng tùy tiện “phán” người Việt thế này, thế nọ, thế kia. “Một người nói ngang, ba làng nói không lại”. Huống hồ cả làng, cả nước, mạnh ai nấy “nói ngang”, tức nói không cần chứng lý. (Cười...). Nhận thức đâm ra ngày càng rối nhiễu, mù mờ.

Ở nhà trường Pháp, mỗi thầy cô có quan điểm và phong cách giảng dạy riêng. Ảnh: L.G.

- Thực sự là cá nhân tôi rất sợ và thường tìm cách né tránh những hiện tượng "thầy phán" vốn không ngừng được đẩy mạnh trên mạng xã hội hiện nay. 

- Ở hai cực của đám đông mù mờ, rối nhiễu đó, là hai thái độ cực đoan; và đám đông cứ vậy mà lúc nghiêng bên này, lúc ngả bên kia. Cực người ta dễ nghiêng về là cực “chê bai”. Người Việt thua “phương Tây” là đương nhiên rồi, “ở bển” cái gì cũng tốt hơn ở đây.

Từ đó cứ “ngóng Mỹ, dòm Nhật, hóng Do Thái” (tiêu đề bài viết của Đặng Hoàng Giang Bức xúc không làm ta vô can, Nhã Nam, 2015, tr.157- 165), rồi Hàn quốc, Thái Lan, cả Lào, Campuchia nữa, hình như các nước đều đang vượt qua và bỏ lại Việt Nam về nhiều mặt, nếu không phải là mọi mặt. Tôi không nói cái nhìn đó không có căn cứ. Có chứ, nhưng khi thổi phồng, tuyệt đối hóa thì lại có gì đó... sai sai.

Cho là chúng ta nghiêm khắc với mình đi, chẳng phải cũng có ích lợi là mình phấn đấu khắc phục cái dở, cái sai để tiến bộ sao? Nhưng không, cái nhìn nghiệt ngã, tự ti đó thường là lý cớ cho nhiều buông thả, kiểu chấp nhận “đất nước mình nó vậy” và có khi chính bản thân người phê phán cũng không ngần ngại đục nước béo cò.

Cực thứ hai là cố bám lấy một sự tự hào huyễn hoặc, hay tự hào về những thứ không đáng để tự hào. Khi vài bạn trẻ - là những người chân thành muốn hiểu cội nguồn - đau đáu hỏi tôi: “Lấy gì để chúng em tự hào về văn hóa Việt, khi người ta có hoa anh đào, trà Nhật, socola Bỉ, vang Pháp hay diễn văn Gettysburg?”, tôi chỉ mong các bạn hiểu thêm những cái đẹp hào hùng và cả những đau thương, gian khổ đã vượt qua - đó cũng là cái đẹp - của lịch sử Việt, để tự tin làm người Việt trong thời hội nhập.

- Phải dạy con người ta biết cảm thụ cái đẹp, đấy có lẽ là một trong những khía cạnh mang tính triết lý vô cùng quan trọng của một nền giáo dục phải không ạ. Còn những khía cạnh nào cần hướng đến để có thể tạo nên những công dân toàn diện trong một xã hội không ngừng toàn cầu hóa và hiện đại hóa như hiện nay?

Hiểu và quý trọng, giữ gìn cái đẹp trong quá khứ là cần thiết. Nhưng cần thiết không kém, là luôn mở lòng, mở trí với cái mới, cái khác lạ với những gì mình từng biết, từng quen thuộc. Không có gì bất biến. Thế giới ngày nay thay đổi với tốc độ nhanh hơn trước nhiều. Không dung nạp được khác biệt, không thích ứng với đổi thay thì sẽ bị gạt ra lề, còn nói gì đến đóng góp và phát triển.

Khoa học, công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng. Nước đi sau như chúng ta có những mặt còn chưa bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã phải đối diện với 4.0. Nếu không dốc lòng cầu học, cầu tiến bộ một cách rất nghiêm túc thay vì chỉ nói suông thì khoảng cách giữa mình và thế giới càng xa.

Vị thế quốc gia và an sinh của người dân càng khó đảm bảo. Tuy nhìn bề mặt của xã hội, nhất là ở bên ngoài hào nhoáng của đô thị, có thể thấy hàng hóa tiêu dùng phong phú nhưng nếu đa số người dân bị biến thành động vật tiêu dùng thụ động, thì đất nước dựa vào đâu mà phát triển?

Chỉ có giáo dục tốt mới giúp người ta nhận thức, học hỏi và tự chuẩn bị cho mọi đổi thay, giúp nâng cao dân trí để tăng cường nội lực. Nhưng giáo dục không “tạo ra” công dân như công nghiệp sản xuất ra vật phẩm; nên xã hội cũng không thể giao khoán việc đó cho nhà trường. 

Giữa các cá nhân và môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa của xã hội; giữa thế hệ trẻ và các thế hệ đi trước, luôn là sự tương tác qua lại không tách rời nhau.

-  Xin chân thành cảm ơn bà!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.