Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm chuyển dịch lên không gian số

Chủ Nhật, 24/03/2024, 09:12

Trong khi xuất bản phẩm dạng sách in giảm cả về số lượng đầu sách và bản sách thì xuất bản phẩm điện tử tăng khá cao vào năm 2023 (tăng 19,4% về số xuất bản phẩm so với năm 2022). Thực tế cho thấy, xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên không gian số còn rất nhiều tiềm năng.

Nhiều sách nói đạt trên 1 triệu lượt nghe

Thống kê của 3 doanh nghiệp sách nói gồm Fonos, WeWe và Waka cho thấy, hiện nay, khá nhiều đầu sách có lượt người nghe lên đến trên 1 triệu lượt. Cụ thể, sách “Đắc nhân tâm” có 2,2 triệu lượt với gần 81 triệu phút nghe đọc; “Think and Grow Rich - 13 Nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu” có trên 1,56 triệu lượt với trên 24,4 triệu phút nghe đọc; “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” có trên 1,2 triệu lượt với trên 10 triệu phút nghe đọc. Ngay một số sách được mặc định kén người đọc hơn cũng có lượt nghe cao. Cụ thể, sách “Sapiens: Lược sử loài người” có trên 168 nghìn lượt với gần 673 nghìn phút nghe đọc; “Trí tuệ Do Thái” có gần 132,5 nghìn lượt với 530 nghìn phút; “Tư duy Nhanh và Chậm” có trên 137 nghìn lượt với gần 550 nghìn phút nghe đọc…

xuat ban dien tu.jpg -0
Phát hành sách trên không gian mạng ngày càng phổ biến.

Đại diện của TikTok, ông Nguyễn Lâm Thanh cũng cho hay, năm 2023, doanh thu của ngành sách trên TikTok Shop vượt mốc 500 tỷ, tăng trưởng hàng quý ổn định ở mức 15%; có 48 đơn vị tham gia vào nền tảng, trong đó 3 đơn vị từ khối nhà xuất bản (NXB) và 45 nhà từ khối nhà phát hành tư nhân. Doanh thu của NXB chiếm 65% doanh thu ngành hàng và tăng trưởng hằng quý đạt 14%. Hoạt động livestream diễn ra sôi nổi. Phiên livestream có doanh thu cao nhất năm 2023 đạt gần 300 triệu đồng và đã bán ra hơn 2.000 đơn hàng chỉ trong vòng 3 giờ. Trong khi đó, thông tin từ Tiki cũng cho thấy, hiện nay có hàng trăm đơn vị kinh doanh phát hành xuất bản phẩm trên sàn thương mại Tiki. Năm 2023, Tiki đã bán trên 1,9 triệu xuất bản phẩm.

Liên quan đến câu chuyện này, Giám đốc NXB Trẻ - bà Phan Thị Thu Hà cũng cho biết, năm 2023, sự tăng trưởng của sách điện tử là điểm sáng của ngành Xuất bản. Theo số liệu từ Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản NXB năm 2023, quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của bạn đọc hiện nay.

Theo bà Hà, bạn đọc đã thay đổi thói quen mua sách từ mua từ các kênh truyền thống (cửa hàng sách) chuyển mạnh sang mua online (các nền tảng thương mại trực tuyến). Nhiều bạn đọc, đặc biệt bạn đọc trẻ, cũng thay đổi cách thức đọc - chuyển từ đọc sách giấy (truyền thống) sang đọc sách điện tử (ebook) hoặc nghe sách nói. Các bạn đọc trẻ có xu hướng sống hẳn trong thế giới công nghệ số, và điện thoại di động dường như không thể thiếu. Xu hướng này ở Việt Nam cũng không đi ngược với thế giới khi mà số liệu ngành Xuất bản trên thế giới cũng cho thấy xu hướng gia tăng của sách điện tử và sách nói.

Chuyển đổi số để không bị tụt hậu

Giám đốc NXB Trẻ cũng cho biết, nhiều năm nay, hoạt động của ngành Xuất bản  không nằm ngoài chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ. Cục Xuất bản, In, và Phát hành đã và đang nỗ lực để cấp phép nhiều đơn vị xuất bản và phát hành sách điện tử hơn. Ở Việt Nam, các NXB và các công ty sách đã đầu tư cho nhiều hình thức sách ngoài sách giấy truyền thống.

Xét từ góc độ khách quan, lẫn chủ quan, thì xu hướng phải đa dạng hình thức sách, hình thức đọc, hình thức mua hàng của độc giả là tất yếu. Đó chính là cần phát triển một hệ sinh thái xuất bản tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số. Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái tích hợp như thế, chúng ta cần nhiều nguồn lực - đội ngũ nhân sự, nguồn đề tài, và tài lực để đầu tư cho các nền tảng điện tử. Việc đàm phán bản quyền với các tác giả trong ngoài nước để sách xuất bản trên đa nền tảng, hoặc xuất bản trên nền tảng điện tử trước, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Công nghệ thì nhanh chóng lỗi thời, đòi hỏi phải cập nhật liên tục. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ bản quyền trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn. 

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty cổ phần Sách Thái Hà cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đưa đến những thay đổi ngày càng nhanh trong các lĩnh vực công nghệ, truyền thông, khách hàng và mô hình kinh doanh. Trong hoạt động xuất bản sẽ xuất hiện những mô hình mới mà trọng tâm chỉ còn là bản thân sản phẩm, mà là các quy trình định hướng khách hàng. Các NXB chuyển từ vai trò của người sản xuất, tạo ra sản phẩm sang vai trò cung cấp các dịch vụ nội dung, thông tin để kết nối giữa người đọc với tác giả.

Ngược lại, một số công ty cung cấp dịch vụ thông tin sẽ lấn sân, trở thành “bà đỡ” cho mỗi ấn phẩm. Sẽ có 3 mô hình hoạt động xuất bản song hành tồn tại: Mô hình truyền thống, tập trung vào in ấn, tác phẩm in (dành cho thương hiệu lớn); mô hình giữa các phương tiện truyền thông về việc tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau (dành cho các tập đoàn nắm giữ bigdata (dữ liệu lớn) và mạng lưới phân phối); mô hình tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai - mô hình 4.0).

 Khẳng định sự xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống, ông Hùng còn cho biết, hiện nay, để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, các NXB lớn trên thế giới đều đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng Internet. Đi đầu vẫn là các tập đoàn công nghệ thông tin với sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Google, Yahoo, Facebook,... kết hợp với các nhà sản xuất như Apple, SamSung, Nokia, Sony,... tích hợp sẵn sản phẩm sách điện tử trên điện thoại di động hoặc cho phép tải sách điện tử qua Appstore, Google play,... nhằm gia tăng giá trị ứng dụng của các sản phẩm công nghệ thông tin. Những thói quen mới của độc giả như: Mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và vrbook (sách thực tế tăng cường ảo) buộc các NXB phải tìm ra định hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đến ngày 31/12/2023, đã có 24 NXB được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%. Tuy nhiên, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các NXB nhìn chung còn hạn chế. Mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số NXB khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu. Đến hết năm 2023, đã có 21 đơn vị được cấp Giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp Giấy xác nhận. Dự kiến, năm 2024 có 27 - 28  đơn vị được cấp Giấy chứng nhận hoạt động xuất bản phẩm điện tử. Cục theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, doanh thu sách nói tăng trưởng tốt. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, năm 2022 và năm 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra.

Hoa Nguyễn
.
.
.