Xu hướng mới giải trí online, trực tuyến
Có lẽ, đời sống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần có những món ăn tinh thần ấy. Vì thế mà sau 2 năm gần như đóng băng, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã không ngừng tìm hướng đi mới để tiếp cận công chúng. Và nhà hát trực tuyến, hòa nhạc trực tuyến, sân khấu online ra đời như một xu hướng tất yếu ...
Đoạn clip nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thổi kèn saxophone ở một bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt. Âm nhạc- nghệ thuật, ở một góc nào đó đã cứu rỗi con người trong những lúc tuyệt vọng. Và có lẽ, đời sống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần có những món ăn tinh thần ấy. Vì thế mà sau 2 năm gần như đóng băng, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã không ngừng tìm hướng đi mới để tiếp cận công chúng. Và nhà hát trực tuyến, hòa nhạc trực tuyến, sân khấu online ra đời như một xu hướng tất yếu ...
Xây dựng Nhà hát online
Trong những ngày cuối tháng 7, nhiều chương trình trực tuyến do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì đã tổ chức như “Những ngôi sao bất tử” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) thực hiện nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, “Tổ quốc trong tim”, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam diễn ra tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận, và Paris (Pháp).
Tối 1/8, chương trình nghệ thuật “Cháy lên” gồm 5 nhà hát, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được tổ chức trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook.... Các chương trình dù biểu diễn không có khán giả nhưng người xem vẫn cảm nhận được tình cảm, nhiệt huyết của các nghệ sĩ. Họ luôn sẵn sàng “cháy” vì nghệ thuật để cống hiến cho khán giả, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, âm nhạc, nghệ thuật sẽ mang đến sự an ủi tinh thần, giúp mọi người cùng vượt qua đại dịch.
Đây là những chương trình mở đầu cho chuỗi chương trình nhà hát online mà Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo các nhà hát xây dựng biểu diễn nhằm phục vụ nhân dân trong thời điểm dịch bệnh và cả xã hội đang thực hiện giãn cách. Hai năm dịch bệnh kéo dài khiến các hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần như đóng băng. Khán giả nhớ nghệ sĩ, nghệ sĩ nhớ sân khấu. Khó khăn chồng chất khó khăn. Và điều quan trọng là đời sống tinh thần của người dân cũng chịu ảnh hưởng thiệt thòi, bởi ai cũng hiểu, trong những thời điểm khó khăn của cuộc sống, nghệ thuật đôi khi lại có tác dụng cứu rỗi, an ủi tinh thần của con người.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Trần Hướng Dương chia sẻ: “Chuỗi chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến mang ý nghĩa lớn, góp phần động viên kịp thời tinh thần lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch và nhân dân cả nước cùng nhau quyết tâm chiến thắng đại dịch. Các nghệ sĩ nhiệt huyết sẵn sàng tham gia. Đây cũng là hoạt động để không làm gián đoạn dòng chảy nghệ thuật biểu diễn, hỗ trợ kịp thời những người làm nghề yên tâm cống hiến trong bối cảnh dịch bệnh”.
Hướng đi tất yếu không chỉ trong mùa dịch
Thực tế, thời gian gần đây, nhiều chương trình nghệ thuật được các nghệ sĩ thực hiện theo hình thức không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số, từ Youtube, fanpage đến truyền hình. Bên cạnh một số chương trình biểu diễn trực tuyến của các ca sĩ Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Đức Tuấn... những buổi hòa nhạc trực tuyến cũng được thực hiện, thu hút sự chú ý của cộng đồng. Điều đó cho thấy, các nghệ sĩ vẫn luôn tâm huyết và khao khát cống hiến cho khán giả dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ca sĩ Hồng Nhung biến không gian nhà mình thành sân khấu nhỏ và hát các sáng tác của các nhạc sĩ ở nhiều dòng nhạc khác nhau. Chị chia sẻ: “Những lúc khó khăn, nghệ thuật góp phần giúp mọi người có niềm hy vọng. Tôi mong góp chút âm nhạc an ủi tinh thần mọi người, mang lại sự bình an trong mùa giãn cách”.
Ca sĩ Quang Hà cũng thực hiện show nhạc online “Tránh COVID-19” phát trực tiếp trên fanpage của mình, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc khi anh thể hiện một loạt bài hit - những bản tình ca quen thuộc. Còn nhớ, trước Tết, Quang Hà đã lên kế hoạch cho một liveshow lớn ở Hà Nội và anh phải hủy vì dịch bệnh. Nhớ sân khấu, anh biến phòng thu tại nhà thành một sân khấu lung linh, đủ ánh sáng, thiết bị hiện đại... đảm bảo chất lượng cho người nghe.
Ca sĩ Đức Tuấn cũng tổ chức show online “Hát cho những ai ở trong nhà”... Ca sĩ trẻ Bảo Anh vừa ra mắt series Moodshow trên kênh Youtube tạo hiệu ứng tốt với người xem khi hát chuỗi ca khúc thập niên 1990 được làm mới và diễn ngay tại phòng khách nhà cô. Moodshow được xem là mô hình giải trí mới khá hiệu quả thời giãn cách, là một món ăn tinh thần mà ca sĩ trẻ Bảo Anh mang lại cho khán giả để thỏa cơn khát âm nhạc.
Đáng chú ý là concert “xuyên biên giới” “Chia sẻ để gần nhau hơn” được tổ chức với sự tham gia của nhạc trưởng Lê Phi Phi (từ Bắc Macedonia), nhạc trưởng Vương Thạch và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh cùng các nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Thu Minh (từ Singapore)... Viện Goethe Hà Nội cũng tổ chức chuỗi chương trình hòa nhạc “Âm nhạc thế kỷ XX” bằng hình thức online...
Trước đó, năm 2019, chuỗi chương trình Music Home với hình thức “nhà hát internet” đưa “Nhà hát đến phòng khách” đã đón đầu xu thế nghe nhìn của khán giả. Nay đã là mùa thứ 3, Music Home được tổ chức vào thứ 6 cuối cùng hằng tháng tạo ra sự thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc cho công chúng. Thu hút 31 triệu lượt xem trên nền tảng cho Truyền hình FPT ở mùa thứ 2, Music Home đã mang lại món ăn tinh thần mới mẻ, thú vị cho khán giả, với sự đa dạng và phong phú về các loại hình âm nhạc được ê kíp nhạc sĩ Huy Tuấn đầu tư kỹ lưỡng, công phu.
Những sự kiện từ cá nhân nghệ sĩ hay do Cục Nghệ thuật biểu diễn khởi xướng đều thể hiện một xu thế nghe nhìn trong thời đại mới. Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật và đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngay giữa năm 2020, họ đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên Youtube và Facebook, phát trực tuyến các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật...
Đây không chỉ là giải pháp tạm thời mà là một hướng đi tất yếu trong thời gian tới của nghệ thuật biểu diễn. Nhà hát truyền hình và nhà hát online, sân khấu online sẽ tồn tại cùng nhà hát truyền thống, sân khấu truyền thống, mang đến cho khán giả nhiều lựa chọn khi thưởng thức nghệ thuật. Điều đó cũng thể hiện tính chuyên nghiệp và sự bắt kịp thời đại công nghệ số của nghệ thuật giải trí, góp phần lan tỏa hơn nữa những sản phẩm sáng tạo của các nghệ sĩ.
Không chỉ ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật mà nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh cũng có những thay đổi để thích nghi với xu hướng và sự phát triển của thời đại số. Triển lãm tranh online, triển lãm nhiếp ảnh online không còn chỉ là giải pháp tình thế của thời điểm dịch bệnh mà chắc hẳn, đó cũng sẽ là một phương thức của nghệ thuật thị giác để tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng trên các nền tảng số.