Xây dựng môi trường văn hóa ngay từ làng xóm, gia đình

Thứ Ba, 19/04/2022, 05:30

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội trong hội nhập và phát triển đã và đang trở nên cấp thiết.

Đó là nhận định được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý, người có kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số đồng thuận tại diễn đàn "Phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hoá" ngày 18/4 tại Làng Văn hoá, Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là diễn đàn do Ban Quản lý Làng Văn hoá, Du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức, hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4.

dien dan 1.jpg -0
Diễn đàn có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt khẳng định, trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ngành VHTTDL đã có nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực xây dựng phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Cùng với đời sống kinh tế được nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày một phong phú hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng chỉ ra rằng, trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã có phần tác động làm cho giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có biểu hiện bị mai một.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức. Một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc mình… Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng môi trường văn hóa nhằm giữ vững nền tảng tinh thần, giá trị đạo đức xã hội trong hội nhập và phát triển đã và đang trở nên cấp thiết.

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Việt Nam là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, các giá trị đạo đức thẩm thấu vào mọi lĩnh vực xã hội, vào lối sống của cộng đồng, tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam hướng tới chân- thiện- mỹ, để văn hoá là động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Trao đổi tại diễn đàn, các đại biểu là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, hoạt động văn hoá tại các cơ quan Trung ương và địa phương cũng nhận định: Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa riêng, tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc mình, nhưng trong đó có nhiều giá trị văn hóa thống nhất, tương đồng, trở thành giá trị văn hóa chung của đất nước.

Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa  thống nhất trong đa dạng. Các đại biểu cũng đã cùng làm rõ vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa, chia sẻ nhiều bài học thực tiễn từ các địa phương trong việc gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở.

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, muốn xây dựng môi trường văn hoá cho con người trước hết phải xuất phát môi trường văn hoá tộc người nơi họ sinh ra và lớn lên, trước khi họ hoà nhập với thế giới lớn hơn là đất nước hay quốc tế.

Đây là môi trường văn hoá đầu tiên và vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi thành viên của cộng đồng. Vì thế, để xây dựng được một môi trường văn hoá lành mạnh trong cuộc sống hôm nay, trước hết cần phải xây dựng được một môi trường văn hoá tộc người với các truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, chắt chiu, vun đắp, chăm sóc nó từ cơ sở nhỏ nhất là gia đình, dòng họ, làng xóm, buôn, sóc…

Khẳng định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTTDL, PGS.TS Trần Hữu Sơn cũng cho biết, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xây dựng môi trường văn hóa cần căn cứ vào các đặc điểm riêng của từng địa phương. Những đặc điểm này đòi hỏi phải có chính sách, nguồn lực và phương thức phù hợp.

Ông cũng đề ra 3 giải pháp cấp bách là trong xây dựng môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số là: Đổi mới cơ chế đầu tư, phân bổ kinh phí cho miền núi, vùng cao; sử dụng mạng xã hội; chú trọng phát huy thể chế quản lý truyền thống với vấn đề xây dựng môi trường văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng nên phát huy tốt hơn nữa vai trò của cộng đồng trong tổ chức các sự kiện văn hoá. Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các sự kiện. Vì thế, việc tổ chức các sự kiện luôn phải lưu ý đến việc huy động sự tham gia của các cộng đồng và việc huy động này phải đặt quyền lợi, lợi ích của cộng đồng lên trên hết.

Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên, chỉ thể hiện sự áp dụng lý thuyết máy móc của các nhà tổ chức sự kiện và không đáp ứng việc tổ chức sự kiện một cách bền vững, tạo được nhiều lợi ích cho cả nhà tổ chức và cộng đồng…

Tiếp thu ý kiến  của các đại biểu, Ban Tổ chức diễn đàn cho biết, sau diễn đàn, các tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên môn và những vấn đề từ thực tiễn của các địa phương sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng hợp nhằm phục vụ thực tốt hơn nữa công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoa Nguyễn
.
.
.