Về làng nghề còn duy nhất một gia đình sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống

Thứ Tư, 20/09/2023, 06:45

Từng được coi là “thủ phủ” sản xuất đồ chơi Trung Thu truyền thống của Thủ đô và các tỉnh lân cận nhưng vì nhiều lý do nên hiện nay, người dân làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã không còn mặn mà với nghề nữa. Làng Hậu Ái hiện chỉ còn gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1964) vẫn cặm cụi, miệt mài làm đồ chơi Trung thu.

Từ nay đến Tết Trung thu không còn dài, vì thế trong căn nhà đối diện đình làng Hậu Ái, bà Tuyến cùng chồng và các con đang tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn con cá, đèn con thỏ, đèn con tôm, ông đánh gậy trông trăng, ông tiến sĩ giấy, trong đó nhiều nhất là đèn ông sao. Đôi tay thoăn thoắt với các động tác dán giấy vào khung nứa, bà Tuyến kể: “Hiện nay công việc đang rất khẩn trương, vì năm nay số lượng các đơn vị đặt hàng khá nhiều, khoảng gần 1.000 sản phẩm. Sản phẩm nhà tôi làm ra không bao giờ bị ế, khách hàng thường là một số đơn vị như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, các cửa hàng trên khu vực phố cổ Hà Nội và các trường học trên địa bàn, số ít thì bán lẻ cho người dân địa phương”.

Về làng nghề còn duy nhất một gia đình sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống -0
Bà Tuyến giới thiệu về sản phẩm thủ công của gia đình.

Chúng tôi quan sát những sản phẩm đồ chơi Trung thu trong nhà bà Tuyến thì thấy chúng không được sặc sỡ, bắt mắt như các sản phẩm đang bày bán trên thị trường. Đó cũng là lý do trong suốt 30 năm qua, sản phẩm của làng Hậu Ái bị cạnh tranh gay gắt khiến người dân đã hầu như phải bỏ đi làm nghề khác. “Để nói chính xác làng Hậu Ái có nghề làm đồ chơi Trung thu từ khi nào thì thật khó, có lẽ phải vài trăm năm rồi. Tôi chỉ biết đến đời tôi là đã 3 đời làm nghề này. Nghề truyền thống được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ như một cách để giữ hồn làng. Còn nhớ cách đây 30 năm, hầu như nhà nào cũng làm đồ chơi Trung thu rồi đem đi bán ở các chợ xa gần. Riêng trong gia đình tôi đã có đến 20 hộ làm nghề, nhưng nay chỉ còn mình gia đình tôi thôi”, bà Tuyến bộc bạch.

Gắn bó với nghề từ hơn nửa thế kỷ, với bà Tuyến việc làm ra những đồ chơi Trung thu không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là giữ nét văn hóa của làng trước “cơn bão” đô thị hóa. Trung bình mỗi chiếc đèn ông sao truyền thống được gia đình bán với giá 40 nghìn đồng/chiếc, trừ nguyên, vật liệu thì lãi được một nửa. Trong khi đó mỗi ngày, bà chỉ làm được từ 6-7 cái, như vậy ngày công chưa đến 150 nghìn đồng. “Nói chung tôi lấy công làm lãi, chứ lợi nhuận không thể sống được. Lý do mà suốt hơn 50 năm qua chưa khi nào tôi bỏ nghề là nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền và nhân dân trong xã, thôn. Gần đây, nhiều trường học ở khu vực nội thành Hà Nội cũng đã tổ chức các đoàn đưa các em nhỏ đến nhà tôi để tham quan, tìm hiểu và trực tiếp học cách làm đèn ông sao. Đặc biệt, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ban quản lý phố đi bộ Hồ Gươm cũng đã mời tôi đến để giới thiệu về cách làm cũng như giá trị của đồ thủ công truyền thống với du khách”, bà Tuyến chia sẻ.

Khi bà Tuyến đang trò chuyện với PV thì chị Nguyễn Thị Yến (người dân làng Hậu Ái) tìm đến để mua ông tiến sĩ giấy và đèn ông sao cho con gái 7 tuổi. Theo chị Yến, ngoài cửa hàng có nhiều đồ chơi đón Tết Trung thu rất đẹp với màu sắc lấp lánh, lại rẻ nhưng chị vẫn thường xuyên mua sản phẩm của bà Tuyến. “Làm theo cách thủ công từ nguyên liệu thân thiện với môi trường nên sản phẩm nhà bà Tuyến không gây hại với sức khỏe của con trẻ. Năm nào tôi cũng mua đồ chơi nhà bà Tuyến vì tôi muốn giáo dục và truyền tình yêu, niềm tự hào về nghề truyền thống quê hương cho con”, chị Yến nói.

Là đơn vị thường xuyên cộng tác với bà Tuyến, TS Vũ Hồng Nhi, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá, bà Tuyến luôn có những sáng tạo trên văn hóa dân gian như làm đèn con công, đèn cá chép, đèn trống… mà gần như trên các gian hàng Trung thu không thấy nữa. “Việc bà Tuyến đến giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu cho du khách đã làm các hoạt động của Bảo tàng thêm phong phú, hấp dẫn. Chính những hoạt động này đã có sức lan tỏa sâu rộng để nhiều người tìm đến Bảo tàng tham quan và được đắm mình trong không gian văn hóa làng nghề truyền thống. Đấy chính là cách làm cho Bảo tàng vừa có tính tĩnh, lại có tính động”, TS Vũ Hồng Nhi nhấn mạnh

Chia sẻ với PV Báo CAND, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Canh Trần Xuân Toàn bày tỏ sự tiếc nuối khi làng Hậu Ái chỉ còn gia đình nhà bà Tuyến giữ nghề. “Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Vân Canh đã có kế hoạch phục hồi làng nghề Hậu Ái và rất mong muốn nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống sẽ là sản phẩm OCOP của địa phương. Tuy nhiên, do thu nhập từ nghề quá thấp, lại làm theo thời vụ nên không thu hút được người dân tham gia. Hiện nay, chúng tôi vẫn động viên, khuyến khích đoàn thanh niên, nhà trường và các hộ gia đình đưa các cháu nhỏ đến học tập, tìm hiểu về nghề làm đồ chơi Trung thu để các em thêm hiểu, tự hào về truyền thống quê hương”, ông Trần Xuân Toàn khẳng định.

Là người dân sinh sống ở làng Hậu Ái hơn 40 năm qua, anh Trần Văn Sơn, Trưởng thôn Hậu Ái vẫn nhớ như in ngày nhỏ anh thường thấy các bà, các cô, các chị cùng nhau ngồi quây quần làm đồ chơi khi Tết Trung thu đến gần. Nay, cuộc sống mới với nhiều công việc mới có thể tạo ra thu nhập cao khiến người dân đã quay lưng với nghề. Điều này luôn khiến anh Sơn trăn trở, đau đáu. “Mặc dù biết việc có được làng nghề lâu đời là công sức, tâm huyết của biết bao thế hệ cha ông và cũng là niềm vinh dự, tự hào cho làng quê nhưng chúng tôi đành “lực bất tòng tâm” khi trong làng càng thưa vắng người làm và đến nay chỉ còn duy nhất bà Tuyến. Mỗi dịp Trung thu, chúng tôi vẫn khuyến khích người dân đến mua hàng cho bà Tuyến, thay vì mua đồ chơi công nghiệp ngoài các cửa hàng. Đặc biệt, trong đêm Trung thu, thôn Hậu Ái vẫn tổ chức phá cỗ trông trăng cho các em thiếu nhi với những sản phẩm của nhà bà Tuyến”, anh Trần Văn Sơn nói.

Ngô Khiêm
.
.
.