Ứng dụng công nghệ, tăng trải nghiệm - Xu hướng tất yếu của các bảo tàng

Chủ Nhật, 18/08/2024, 08:42

Cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động phục vụ khách tham quan, phát huy giá trị hiện vật, nhiều bảo tàng không chỉ khai thác công nghệ trong trưng bày, triển lãm mà đã có nhiều nỗ lực số hoá hiện vật, trưng bày trên không gian mạng, thậm chí là xây dựng Bảo tàng ảo để phục vụ công chúng.

Với dự án “Số hoá không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh” được triển khai vào năm 2023, dự kiến sẽ có một bảo tàng ảo vào tháng 9/2024. Theo Điều hành dự án - ông Nguyễn Long Hưng, dự án này nhằm mục tiêu xây dựng một bảo tàng ảo bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như máy scan 3D, máy scan hồng ngoại và công nghệ Photogrammetry để thu thập dữ liệu từ hiện vật và công trình thực tế, từ đó chuyển thành mô hình 3D trong không gian máy tính.

Ứng dụng công nghệ, tăng trải nghiệm - Xu hướng tất yếu của các bảo tàng -0
Ứng dụng công nghệ mang đến nhiều sự mới lạ trong trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Sau khi hoàn thành dự án, công chúng sẽ có một bảo tàng ảo và được cung cấp nhiều trải nghiệm thú vị khi đeo kính VR3D hoặc thông qua các thiết bị di động và màn hình tương tác có kết nối internet. Hình ảnh bảo tàng sẽ được thể hiện trung thực và sống động nhờ vào việc số hóa toàn bộ không gian và hiện vật bằng phương pháp scan 3D. Khách tham quan có thể tương tác vào hiện vật trong không gian ảo để xem hình ảnh phóng lớn và thông tin chi tiết.

Ngoài ra, công nghệ AR (Augmented Reality) sẽ bổ sung các hình ảnh 3D cho các hiện vật, cho phép người dùng xoay quanh và quan sát hiện vật dưới nhiều góc độ. Các phương pháp như Lidar Scan, Photogrammetry và hồng ngoại sẽ được sử dụng để số hóa các hiện vật với độ chi tiết cao. Công nghệ MR (Mixed Reality) sẽ kết hợp các công nghệ trong cùng một môi trường, cho phép can thiệp vào thế giới thực. Dự án còn kết hợp âm nhạc và lời bình để tăng cảm xúc của du khách. Nhạc nền được chọn theo bối cảnh lịch sử của không gian trưng bày hoặc chỉ mô phỏng âm thanh môi trường và lời bình mà không có nhạc giúp khách tham quan như được quay ngược thời gian, đắm chìm trong không gian của những năm tháng xưa cũ.

Trước đó, ông Trần Vũ Bình, người dành nhiều tâm huyết cho chuỗi di tích về Biệt động Sài Gòn cũng cho biết, ông đã cùng một số đối tác triển khai xây dựng và vận hành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn và ứng dụng nhiều công nghệ tân tiến, nhằm phát huy các giá trị hiện vật, đồng thời mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách trong quá trình tham quan. Bảo tàng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Ứng dụng công nghệ, tăng trải nghiệm - Xu hướng tất yếu của các bảo tàng -0
Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phygital Labs.

Không khó để nhận thấy, ứng dụng công nghệ trong phát huy giá trị hiện vật của bảo tàng, hấp dẫn du khách đang là xu hướng được rất nhiều bảo tàng quan tâm đẩy mạnh. Nhiều năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội đã có nhiều nỗ lực triển khai số hoá hiện vật. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có khá nhiều triển lãm trên không gian mạng. Nhiều triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách “choáng ngợp” với các tác phẩm được phóng chiếu trên tường được kết hợp với nghệ thuật sắp đặt. Người xem vừa chiêm ngưỡng tác phẩm, vừa có không gian đẹp để tranh thủ chụp ảnh, lưu lại những kỷ niệm đẹp trong chuyến tham quan.

Chia sẻ quanh xu hướng trên, nhiều chuyên gia, người làm bảo tàng đều cho rằng, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số và số hóa không chỉ là xu hướng mà đã trở thành nhu cầu tất yếu toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều bảo tàng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ với nhiều cấp độ khác nhau, từ việc xây dựng trang web đến số hóa hiện vật dưới dạng 2D và 3D... Đây là bước đi phù hợp với xu thế toàn cầu. Việc số hóa bảo tàng giúp vượt qua các hạn chế về địa lý và vận chuyển, cho phép người dùng từ khắp nơi trên thế giới truy cập mà không cần phải đến trực tiếp. Điều này không chỉ mở rộng đối tượng khán giả mà còn tạo cơ hội cho những người không thể hoặc gặp khó khăn khi tham quan bảo tàng truyền thống, đồng thời góp phần giáo dục, truyền đạt văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đến mọi người, cung cấp môi trường học tập tương tác về các tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hóa và sự kiện lịch sử.

Theo ông Nguyễn Huy, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phygital Labs - đơn vị phối hợp thực hiện nhiều dự án ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa - việc ứng dụng công nghệ để khai thác bản quyền di sản nói chung không chỉ bảo vệ các giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, mở ra cơ hội kinh tế mới và nâng cao vị thế văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc sử dụng công nghệ vật lý số trong các bảo tàng và triển lãm giúp tạo ra những trải nghiệm tham quan tương tác và hấp dẫn hơn. Du khách có thể sử dụng các thiết bị di động để truy cập thông tin chi tiết về các hiện vật, tham gia vào các hoạt động giáo dục và tương tác với môi trường ảo, tạo ra sự hứng thú và thu hút hơn khi tìm hiểu về di sản văn hóa…

N.Hoa
.
.
.