UNESCO khuyến cáo về sự xâm hại của các loài ngoại lai tại Phong Nha-Kẻ Bàng

Thứ Ba, 19/09/2023, 15:10

Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới tại thành phố Riyadh, Vương quốc Saudi Arabia, đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng đối với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (BQL Vườn PNKB).

Ngày 19/9, BQL Vườn PNKB cho biết, tại kỳ họp lần thứ 45 diễn ra tại thành phố Riyadh, Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 10-25/9, Ủy ban Di sản thế giới, cơ quan của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã đưa ra khuyến cáo đối với BQL Vườn PNKB và các đơn vị liên quan của Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra giải pháp để ngăn chặn xâm hại của các loài ngoại lai, đánh giá tác động của các hoạt động du lịch tại di sản, tăng cường bảo vệ nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng của di sản, bảo đảm không xây dựng cơ sở hạ tầng trong phạm vi di sản; chú trọng xây dựng năng lực quản lý di sản.

UNESCO khuyến cáo Phong Nha-Kẻ Bàng về sự xâm hại của các loài ngoại lai -0
Các đại biểu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp của Uỷ ban Di sản thế giới.

Tại kỳ họp, theo Nghị quyết của Ủy ban Di sản thế giới, BQL Vườn PNKB đệ trình báo cáo tình trạng bảo tồn di sản năm 2022 và báo cáo theo khuyến nghị của Trung tâm Di sản thế giới năm 2023. Hiện nay, BQL Vườn PNKB xác định được hàng chục loài sinh vật ngoại lai, từ đó đã xây dựng được bộ tiêu chí về mức độ xâm hại của các loài sinh vật này. Đáng chú ý là xác định được loài Bìm bôi hoa vàng và Trinh nữ thân gỗ có mức độ xâm hại nghiêm trọng lên thảm thực vật. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã nhiều lần tổ chức các đợt diệt trừ các loài thực vật ngoại lai xâm hại đa dạng sinh học nhưng hiệu quả còn hạn chế.

UNESCO khuyến cáo Phong Nha-Kẻ Bàng về sự xâm hại của các loài ngoại lai -0
Phong Nha-Kẻ Bàng chứa đựng lịch sử phát triển địa chất phức tạp, lâu dài từ 400 triệu năm trước. 

Cũng tại kỳ họp lần này, Uỷ ban Di sản thế giới cũng khuyến khích Việt Nam hợp tác với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong việc điều chỉnh ranh giới mở rộng di sản bao gồm cả Vườn quốc gia Hinnamno, tỉnh Khammuoane. Nếu sự hợp tác này thành công, thì đây sẽ là di sản liên quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và là di sản liên biên giới có diện tích Karts liên tục lớn nhất trên thế giới.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 96,2% diện tích được rừng bao phủ; 92,2% là rừng nguyên sinh; 74,7% (110.476 ha) là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao dưới 800 m; 8,5% (12.600 ha) là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao trên 800 m; 1,3% (1.925 ha) là bụi cây và cỏ và cây rải rác trên đá vôi; 2% (2.950 ha) là cỏ, bụi cây và cây rải rác trên núi đất; 180 ha là rừng tre nứa và mây song; thảm cây nông nghiệp 521 ha.

UNESCO khuyến cáo Phong Nha-Kẻ Bàng về sự xâm hại của các loài ngoại lai -0
Phong Nha-Kẻ Bàng đang có nhiều loài thực vật nằm trong Sách đỏ thế giới, và các loài đặc hữu của Việt Nam.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện đang có thực vật có mạch 152 họ, 511 kiểu gen, 876 loài thực vật có mạch, trong đó có 38 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 25 loài nằm trong Sách đỏ thế giới, 13 loài đặc hữu Việt Nam. Mới đây, trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khoa học và Cứu hộ của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phát hiện thêm tại vườn quốc gia này 1.320 loài thực vật mới, trong đó có một số quần thể thực vật lớn được đánh giá là đặc biệt quý hiếm, trong đó có 3 loài lan hài và rừng bách xanh trên núi đá duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Sông Lam
.
.
.