Tu bổ, tôn tạo di tích Văn Miếu ở Cố đô Huế
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu
Di tích Văn Miếu nằm cách chùa Thiên Mụ khoảng 1km, hướng mặt ra sông Hương nay thuộc địa phận phường Hương Hồ, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) từ lâu đã trở thành một điểm dừng chân thăm viếng của du khách trong nước và quốc tế. Văn Miếu cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993. Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu...
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, di tích Văn Miếu là một trong những công trình tiêu biểu trong Quần thể kiến trúc Cố đô Huế, là nơi thờ tự các bậc Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và các bậc hiền tài của đất nước. Di tích Văn Miếu là một biểu tượng độc đáo của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn vương quyền phong kiến. Điện Đại Thành là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Cấu trúc của ngôi đại điện theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Ở hai bên trước điện Đại Thành, dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian. Ra khỏi cổng Đại Thành của Văn Miếu, bên trái có xây Hữu Văn Đường; bên phải xây Dị Lễ Đường. Đây là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở Miếu. Phía trước là hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919)…
Việc lập Văn Miếu và dựng bia Tiến sĩ nhằm nhắc lại cụ thể sự tôn trọng việc học, đề cao nhân tài của đất nước và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để từ đó mọi tầng lớp nhân dân thấy rằng, ai cũng có thể tiến thân bằng con đường học vấn, một nền học vấn không phân biệt giai cấp và đề cao đức hạnh.
Khi còn nguyên vẹn, Văn Miếu có gần 20 công trình lớn như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn đường, Duỵ Lễ đường, nhà Thổ Công, Đại Thành môn, Văn Miếu môn, Quan Đức môn, Linh Tinh môn, La thành, bến vua ngự... Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên lịch sử, vì nhiều lý do khác nhau, công trình đang trong tình trạng tổn thất nặng, nhiều công trình đã bị xóa sổ, trong đó có điện chính là Điện Đại Thành, nơi thờ Khổng Tử đã đổ nát chỉ còn lại nền móng. Hệ thống các cổng chính như Văn Miếu môn, Quan Đức môn và Đại Thành môn cũng đều hư hỏng… Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn di tích này, những tấm bia đã được dựng lại ngay ngắn và làm nhà bia che chắn. Văn Miếu không còn nét hoang tàn đổ nát như trước. Song, những điều làm được vẫn còn quá ít cho một di tích mang nét văn hóa hết sức độc đáo, tôn vinh nền giáo dục và học thuật của đất nước…
Trước nhiều kiến nghị của cử tri, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 mới đây, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi di tích Văn Miếu” giai đoạn 1. Việc đầu tư nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Dự án có tổng mức đầu tư gần 66 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, dự kiến triển khai trong 3 năm; nhằm phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện rộng 830m2; phục hồi hệ tường móng xây gạch và các bậc cấp, cân chỉnh hệ thống chân táng đá Thanh hiện trạng, mặt nền hoàn thiện lát gạch Bát Tràng men... Đồng thời, tu bổ, phục hồi sân miếu, Đại Thành môn, Kim Thanh môn, Ngọc Chấn môn, Văn Miếu môn cùng hạ tầng kỹ thuật liên quan…
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho rằng, là một vùng đất có truyền thống hiếu học, việc đầu tư tu bổ phục hồi di tích Văn Miếu là rất cần thiết, nhằm tưởng nhớ đến những danh nhân đã góp phần xây dựng đất nước dưới triều Nguyễn, đồng thời góp phần tôn vinh, cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Thừa Thiên-Huế nói riêng. Việc tu bổ di tích Văn Miếu đã khiến giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử đồng tình và vui mừng.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ, di tích Văn Miếu gắn kết liền kề với di tích Võ Miếu, đền Khải Thánh, cách không xa chùa Thiên Mụ, nếu các công trình này cùng được tu bổ, gắn với trục đường đi bộ phía Tây chùa Thiên Mụ, với chỉnh trang khu dân cư, tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch thì đây sẽ là bước chuyển động thú vị cho Huế...