Tranh mèo - Sự khởi nguồn sáng tạo của danh họa Lê Bá Đảng

Thứ Sáu, 20/01/2023, 07:26

Lê Bá Đảng (1921 - 2015) là một danh họa - nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng thế giới. Ông sinh ra, lớn lên tại làng Bích La, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và thành danh tại nước Pháp. Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, cùng nhiều giải thưởng quốc tế giá trị, nhận về nhiều danh hiệu tài năng…

Để có sự thành công đó, người họa sĩ bước chân ra đi từ một làng quê nghèo xơ xác đã phải vật lộn với một cuộc sống rất khắc nghiệt thuở ban đầu nơi xứ người. Và khởi nghiệp từ những bức vẽ mèo, ông đã cho thế giới biết đến tên tuổi của mình.

8-1.jpg -0

Rời làng Bích La - Đôi tay chưa từng cầm cọ

Năm 1939, Lê Bá Đảng tham gia vào đội ngũ nhân công, rời  làng Bích La lên một con tàu sang Pháp làm việc. Lúc này, tuổi trẻ đầu xanh, ông chỉ có duy nhất ước muốn được thay đổi bản thân, thoát khỏi cuộc sống đói nghèo. Lạ lẫm, bỡ ngỡ nơi xứ người, cuộc sống cho ông hiểu rằng cái gì cũng phải học, học từ cách ăn, cách làm, cách sống, học văn hóa.

Sau hai năm sống tù túng trong cuộc đời của một lính thợ, năm 1942, ông quyết định ghi danh theo học tại Trường Mỹ thuật Toulouse. Với một người cả tuổi thơ chưa biết đến cây cọ vẽ, trong đầu chưa có chút kiến thức mỹ thuật, sao dám theo học tại ngôi trường nghệ thuật này?! Chỉ vì một lý do nghe hết sức giản đơn, đây là trường duy nhất cho phép sinh viên vừa học, vừa làm. Hết giờ làm trong công xưởng, ông lao vào học vẽ, học tiếng Pháp, học văn hóa… Sau này, khi đã thành danh, Lê Bá Đảng đúc kết rằng: “Trường Mỹ thuật Toulouse đào tạo tôi ra người thợ vẽ. Trường đời đào tạo tôi ra con người kiên nhẫn, tháo vát, siêng năng, anh nhà nghề khó tánh, bướng bỉnh, cứng đầu, không chịu làm nô lệ một trường phái nào, không chịu bắt chước ai, không Đông, không Tây, hiện đại hay sơ khai…”.

8-2.jpg -0
Một trong những họa phẩm mèo nổi tiếng làm nên tên tuổi họa sĩ Lê Bá Đảng.

Bên phố La Ruy Du Chat Qui Pêche cùng những bức tranh mèo

Năm 1948, Lê Bá Đảng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Toulouse, loay hoay trong cuộc sống khó khăn ở Paris cùng với người vợ trẻ bằng nghề vẽ quảng cáo. Tại một căn buồng rất hẹp trên phố Montagne Ste Geneviève, cuộc sống của vợ chồng họa sĩ cùng đứa con trai nhỏ luôn lâm vào cảnh thiếu thốn. Cho tới một hôm, Lê Bá Đảng đi ngang con phố nhỏ có cái tên La Ruy Du Chat Qui Pêche (Con mèo câu cá)…

Con phố rộng 1,8m dài 29m này rất nổi tiếng ở Paris. Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 15, tại khu vực này có một vị tu sĩ - thuật sĩ sống cùng với một con mèo đen. Con mèo thường xuyên đến bên bờ sông Seine bắt cá. Nó chỉ ngồi chờ đợi chú cá nào bơi gần bờ rồi khoắng mạnh đôi chân có những chiếc móng vuốt sắc xuống nước là có thể bắt được cá. Hành động lạ lùng của con mèo đã khiến cho nhiều người tin chắc rằng vị tu sĩ đang dùng phép thuật. Những người hiếu kỳ đã giết chết con mèo và ném xác xuống sông. Con mèo chết thì vị tu sĩ cũng biến mất. Nhưng đến một thời gian sau, người ta lại thấy ông cùng con mèo trở về. Con mèo lại ra bờ sông bắt cá như chưa từng… bị giết. Và sau này, con phố nhỏ đó được đặt tên dựa trên sự việc đã diễn ra…

…Đứng dựa chân vào bức tường trên con phố mèo câu cá, người mệt nhoài, bụng đói lả, chàng họa sĩ Lê Bá Đảng nhìn dòng người qua lại tấp nập. Bỗng một con mèo chạy vụt qua trong ý nghĩ của chàng. Nhặt một chiếc lá vàng rơi bên đường, sẵn cây cọ nhỏ trong túi, chàng họa con mèo bằng một nét bút. Những nét mèo vẽ trên lá vàng nho nhỏ đầu tiên, chàng trưng bày ngay trên lề phố. Du khách đi ngang, dừng lại trầm trồ chiêm ngưỡng và mua làm kỷ niệm. Cả đêm đó, người họa sĩ say sưa vẽ mèo, sáng hôm sau mang tới ký gửi tại một cửa hàng bán đồ lưu niệm bên bờ sông  Seine. Ông chủ cửa hàng miễn cưỡng nhận và bày trong tủ kính. Có ai ngờ, chỉ từ sáng tới chiều những bức tranh mèo đó được du khách mua hết. Người chủ cửa hàng yêu cầu họa sĩ vẽ tiếp. Có động lực, chàng họa sĩ lao vào vẽ mèo. Vẽ trên giấy, trên toan, trên lá, trên gốm, in thành đĩa… vẽ bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Tháng đầu tiên, 160 bức tranh mèo đã bán hết. Rồi trong suốt 5 năm sau đó, mặc dù ông có vẽ nhiều đề tài khác nữa nhưng các gallery chỉ yêu cầu, đặt hàng ông vẽ mèo. Cả ngàn bức tranh mèo được bán ra đã đưa gia đình ông thoát khỏi nỗi cơ hàn. Có thể nói rằng đối với họa sư Lê Bá Đảng, những bức tranh mèo không chỉ là động lực, là nguồn sống giúp ông và gia đình vượt qua khó nghèo mà còn là nguồn gốc khởi phát một tài năng, một tên tuổi lớn. Bằng phong cách hội họa Á Đông, nét “Mèo” trong tranh của Lê Bá Đảng vượt qua sự mô tả bình thường, trở thành một ngôn ngữ hội họa đầy tính thư pháp, chuyển tải những suy tư trừu tượng. Sau này, Lê Bá Đảng còn vẽ ngựa, và cũng rất thành công, nhưng những người đã biết đến tên tuổi ông, không ai không nhắc tới mèo.

Từ sau bộ tranh Mèo, Lê Bá Đảng đã có cuộc triển lãm tranh đầu tiên, rồi không lâu sau, là hàng trăm cuộc triển lãm diễn ra ở các galerie trên các thành phố lớn toàn thế giới. Tên tuổi ông được biết đến như một trong những họa sĩ hàng đầu của nghệ thuật thế giới hiện đại.

Nhớ lại những ngày khó nghèo trong căn buồng nhỏ, vợ đói, con thiếu… họa sĩ Lê Bá Đảng đã nói rằng: “Tôi vẽ mèo để nuôi vợ con có một đời sống no ấm. Ai bảo mèo là con vật quanh quẩn  xó nhà? Ai bảo dân quê thì không thể vẽ? Những bức tranh mèo là sự trả lời cho những ý nghĩ áp đặt thường tình đó”.

8-3.jpg -0
Tranh mèo của họa sĩ Lê Bá Đảng vẽ trong thời gian ở Pháp.

Trong không gian Lê Bá Đảng

Rời xa quê hương, thành danh trên xứ người, Lê Bá Đảng vẫn thường đau đáu một nỗi niềm hướng về đất mẹ. Những năm tháng chiến tranh, ông luôn đứng ra kêu gọi quyên góp gửi tiền về quê hương, cùng với các trí thức nổi tiếng trên thế giới lên tiếng mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Đề tài về cuộc kháng chiến của dân tộc đã xuất hiện trong nhiều các tác phẩm nghệ thuật của ông. Ông đã từng xin bằng được mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi tại Việt Nam để làm chất liệu sáng tác, tưởng tượng về một Đường Trường Sơn đầy máu lửa để thể hiện trong tác phẩm của mình… Bên cạnh biết bao giải thưởng, danh hiệu danh giá của thế giới, ông luôn tự hào về “Huy chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” được Nhà nước trao tặng. 

Hiện nay, tại Việt Nam, Lê Bá Đảng là người nghệ sĩ duy nhất có tới hai không gian riêng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Đó là Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (15 Lê Lợi, Huế) và Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng (thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Huế). Ngôi nhà số 15 Lê Lợi, Huế - nhiều năm trước đây là một chốn đi về của họa sĩ Lê Bá Đảng. Nơi đây có xưởng vẽ của ông, trưng bày hơn 400 tác phẩm tiêu biểu trong suốt 70 năm sáng tạo nghệ thuật. Và năm 2019, bốn năm sau ngày ông qua đời, giấc mơ của ông về một “tác phẩm mênh mông, một quang cảnh đầy cảm hứng vũ trụ, sống cùng thiên nhiên, hướng về bất tận” đã trở thành hiện thực. Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng với diện tích 16.000m2, nằm trên một ngọn đồi thuộc huyện Hương Thủy, Huế đã được hoàn thành và trở thành một tác phẩm “Không gian Lê Bá Đảng” theo chiều kích thực.

Trong Không gian Lưu niệm Lê Bá Đảng, bước vào đường hầm dẫn tới khu vực trưng bày dưới lòng đất, ta bỗng rưng rưng khi nghe văng vẳng giọng ông phát ra từ bộ phim “Từ Bích La tới Paris”. Chất giọng Quảng Trị nằng nặng, ấm áp, ông kể về những trường đoạn cuộc đời cùng các tác phẩm của mình. Giữa không gian các tác phẩm nghệ thuật, với hình ảnh ông, giọng nói ông… cho ta nhìn ra một thế giới bên trong vô cùng đẹp đẽ đầy nỗi suy tư của người nghệ sĩ.

Và trong phút chốc, tại con đường hầm này, ta bỗng thấy hiện ra con phố La Ruy Du Chat Qui Pêche, nơi có chàng họa sĩ trẻ đang họa con mèo trên chiếc lá vàng rơi.

Long Hà
.
.
.