Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Sẽ còn viết tiếp về lực lượng Công an

Thứ Ba, 19/07/2022, 10:48

Tiến sĩ (TS), nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương cho biết, hơn chục năm trở lại đây, ông đều cho “ra lò” 2 đến 3 kịch bản sân khấu mỗi năm. Một số kịch bản được nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cùng chọn dàn dựng.

Tại Tuần lễ Kịch CAND kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân vào tháng 7/2022, ông là tác giả kịch bản 2 vở diễn, trong đó, vở kịch “Trả giá” là tác phẩm mới nhất của Nhà hát CAND về lực lượng Cảnh sát nhân dân. Dịp này, TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo CAND về hành trình khá dài gắn bó với sân khấu, nhất là sân khấu Kịch trong CAND cũng như các kịch bản của ông về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Trang 30- Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Sẽ còn viết tiếp về lực lượng Công an -0
TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương.

- PV: Chúc mừng ông có thêm tác phẩm đến với công chúng. Ông có nhớ, đến nay mình có bao nhiêu kịch bản viết về lực lượng CAND hoặc do Nhà hát CAND dàn dựng không?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Tôi đã cộng tác với Nhà hát CAND, trước đây là Đoàn Kịch nói CAND gần 20 năm.  Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã có khoảng 6 tác phẩm do Đoàn Kịch CAND dựng, trong đó có “Đường đua trong bóng tối”, “Không phải là vụ án”, “Gặp lại người đã chết” và một số vở dựng đã lâu rồi. Vở mới nhất là “Trả giá”. Vào khoảng hơn 1 tháng trước Tết Nhâm Dần 2022, khi tôi đang viết những trang cuối kịch bản “Không gục ngã” – tác phẩm về lực lượng CAND trên mặt trận phòng, chống ma túy, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị gọi điện, đề nghị viết cho Nhà hát CAND một vở về đề tài chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên. Sau khi trao đổi cùng Ban Giám đốc Nhà hát và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tôi bắt tay vào viết và bàn giao kịch bản cho Nhà hát CAND ngay trước Tết. Tôi cũng đã hoàn thiện kịch bản “Không gục ngã” và được Nhà hát Kịch Hà Nội chọn đưa vào dàn dựng.

- PV: Vì sao ông lại đặt tên kịch bản là “Trả giá”? Ông muốn gửi gắm thông điệp gì qua tác phẩm này?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Tôi lấy tên là “Trả giá” vì theo tôi, cái giá phải trả từ tham nhũng, tiêu cực rất lớn. Tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng nhức nhối xã hội, làm mất niềm tin của nhân dân đối với thể chế. Trong cuộc đấu tranh này, những cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng CAND rất lớn. Trong vở “Trả giá”, tội lỗi do ông Phó Chủ tịch tỉnh nhưng người thân, gia đình đều chịu những hậu quả nhất định. Em trai ông ta là cán bộ trực tiếp điều tra sẽ đối diện với những gì khi người thân của mình vướng vào vòng lao lý?... Vở “Trả giá” do NSND Lê Hùng đạo diễn. Tôi biết, trong thời gian dàn dựng, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát bị nhiễm COVID-19, nhưng vẫn cố gắng khắc phục khó khăn. Sau rất nhiều nỗ lực, vở “Trả giá” mới được hoàn thiện và kịp ra mắt đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND.

- PV: Có vẻ như COVID-19 khiến nghệ sĩ biểu diễn thất thu nhưng nhà viết kịch như ông lại “bội thu”, có thời gian tập trung để sáng tác hơn?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Cầm bút với Đăng Chương là cái nghiệp. Hơn chục năm nay, tôi tự đặt yêu cầu cho bản thân là mỗi năm viết từ 2 đến 3 kịch bản và may mắn là các kịch bản đều được các đơn vị nghệ thuật đón nhận. Nhiều kịch bản được nhiều đơn vị sân khấu chọn dàn dựng. Kịch bản “Không phải là vụ án” có tới 3 đoàn dựng ở 3 loại hình là kịch nói, chèo, dân ca kịch. Vở “Gặp lại người đã chết” có chèo, kịch nói. Vở “Làm vua” có 5 đoàn dàn dựng. Vở “Điều còn lại” có 6 đoàn dàn dựng. Hiện nay, vở “Đất liền và biển cả” đang có 2 đoàn dàn dựng cải lương và chèo…

- PV: Với Nhà hát CAND, hình như ông luôn đồng hành với các ê kíp sáng tạo trong quá trình dàn dựng các vở diễn mà ông là tác giả kịch bản?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Không chỉ riêng với Nhà hát CAND mà các đơn vị nghệ thuật khác, tôi đều làm việc như thế. Hơn chục năm trước, giới làm nghề vẫn thường coi thế kỷ 21 là thế kỷ của đạo diễn. Chính vì quan niệm như vậy nên hầu hết các tác giả đều giao kịch bản rồi đạo diễn muốn làm gì thì làm. Tôi không nghĩ như vậy. Nếu những điều đạo diễn làm mà tác giả và các thành phần sáng tạo khác cảm thấy không ổn thì phải có sự đóng góp, phản biện đến cùng. Có nghĩa là chúng tôi phải cởi mở, tư duy làm sao để có tiếng nói chung nhất hướng đến xây dựng tác phẩm đạt chất lượng cao nhất. Có vở diễn, tôi và đạo diễn đều nhất định bảo lưu ý kiến của mình nên đơn vị nghệ thuật thống nhất diễn thử để lấy ý kiến khán giả. Kết quả là đạo diễn phải cắt cảnh cuối theo đề nghị của tôi và tôi cũng phải viết lại lời kết. Mới đây, tác phẩm đoạt Huy chương vàng cho vở diễn tại liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc với số điểm cao nhất.

Với Nhà hát CAND, tôi đi xem mộc, sơ duyệt xong góp ý rất thẳng thắn với đạo diễn và ê kíp sáng tạo, tập thể diễn viên. Quan điểm của tôi là nếu muốn tác phẩm đạt kết quả tốt nhất thì chúng ta phải trao đổi với nhau một cách cởi mở, chân thành, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng chứ không có chuyện vỗ về nhau. Gần nhất là vở “Trả giá”. Tôi nhớ là tôi nói khá nặng nhưng sau đó NSND Lê Hùng và các thành viên trong ê kíp đã dành gần 10 ngày điều chỉnh lại trước khi tổng duyệt.

Trang 30- Tiến sĩ, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Sẽ còn viết tiếp về lực lượng Công an -0
Cảnh trong vở “Trả giá” – tác phẩm dàn dựng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân.

- PV: Có vẻ như ông góp ý khá gay gắt nên NSND Lê Hùng đã đề nghị là lần sau tác giả trao đổi với đạo diễn thôi, vì sợ diễn viên hoang mang?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Đa số đạo diễn đều muốn chỉ đóng góp cho đạo diễn vì diễn viên nghe góp ý như thế có thể hoang mang thật, vì tác phẩm của đơn vị mình, nhân vật mình đảm nhận chưa đạt được yêu cầu mong muốn thì sẽ rất lo. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là điều gì chưa được thì diễn viên cũng cần phải biết để điều chỉnh. Trong quá trình sáng tạo, diễn viên cũng có quyền phản biện với đạo diễn chứ không phải đạo diễn cứ nói thế nào là anh làm thế ấy. Diễn viên không phải là một người thợ. Diễn viên phải đóng vai trò là người đồng sáng tạo cùng với tác giả kịch bản và các thành phần sáng tạo khác để hoàn thành vai diễn của mình. Họ hoàn thành vai diễn xuất sắc thì mới tạo nên được vở diễn xuất sắc.

Với vở “Trả giá”, sau buổi tổng duyệt, chúng tôi vẫn tiếp tục có ý kiến đóng góp. Đạo diễn cũng đã có những điều chỉnh cho hoàn thiện. Tôi nghĩ đây là vở diễn tương đối tốt, có thể đáp ứng yêu cầu về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật và đáp ứng mong mỏi của khán giả đối với một Nhà hát của lực lượng vũ trang.

- PV: Ông gắn bó với Nhà hát CAND gần 20 năm. Nhiều kịch bản viết theo đơn đặt hàng. Diễn viên cũng rất quen thuộc. Có khi nào ông nghĩ mình viết kiểu “đo ni đóng giày” vai nào cho diễn viên cụ thể không?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Nếu người cầm bút nhắm đến diễn viên sẽ rất khó viết hay được. Khi viết, tôi chỉ tập trung cho vấn đề mình đặt ra. Xây dựng câu chuyện làm sao đảm bảo hấp dẫn. Yếu tố hấp dẫn từ vấn đề đặt ra, cốt truyện kịch, hình tượng nhân vật, các thủ pháp trong nghệ thuật biên kịch. Trách nhiệm của đơn vị nghệ thuật là chọn cho được diễn viên đáp ứng được yêu cầu vai diễn đó.

- PV: Có không ít ý kiến cho là mảng đề tài về lực lượng CAND rất hấp dẫn nhưng khó và hơi ngại yếu tố về nghiệp vụ. Với ông thì sao?

+ TS, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương: Tôi nghĩ lại khác. Với người cầm bút, đề cập đến bất cứ vấn đề gì trong đời sống xã hội cũng đều có cái khó riêng, quan trọng là anh lý giải nó như thế nào. Bình thường, nhắc đến Công an, chúng ta hay nghĩ ngay đến chuyện đánh án, chuyện nghiệp vụ nhưng quan trọng là người viết phải khai thác được những hạt nhân trong đời sống, công việc, sự nghiệp của họ, từ đó xây dựng hình tượng nhân vật của người Công an và xác định qua đó truyền tải được thông điệp gì với khán giả về lực lượng CAND.

Với bấy nhiêu năm cầm bút, tôi rút ra mấy kinh nghiệm. Bên cạnh năng khiếu, nghệ thuật biên kịch, tác giả cần có trải nghiệm cuộc sống, phải lăn lộn với đời sống, lý giải thấu đáo xung đột xã hội, xung đột của con người. Khi tác giả bám sát đời sống, có cách lý giải nó thì câu chuyện kịch, nhân vật, lời thoại của kịch đảm bảo tính chân thật, gần gũi với người xem, thuyết phục khán giả. Nếu chỉ lấy thông tin từ báo chí, nghe người ta kể lại rồi ngồi trong phòng lạnh hư cấu thì khó thành công. Viết về Công an cũng như thế. Đề tài về người chiến sĩ Công an còn rất nhiều điều thú vị, có thể khai thác.

Tôi có bạn bè làm Công an rất nhiều, từ cấp cơ sở đến Công an các tỉnh, đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Các mối quan hệ, các dịp tiếp xúc với họ giúp tôi nhìn nhận về Công an thấu đáo hơn. Cuộc chiến đấu cam go của lực lượng Công an với các loại tội phạm, những vất cả, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Công an không phải người dân lúc nào cũng thấu hiểu. Tôi từng đi trên những chuyến xe khách, nói đến Cảnh sát giao thông, nhiều người nói những điều tiêu cực, không thấy nói những lúc cán bộ chiến sĩ dầm mưa, nắng nóng 40 độ vẫn ở ngoài đường làm nhiệm vụ. Tôi đang ấp ủ viết một vở mới về đề tài này.

PV: Xin cảm ơn ông! Chúc ông có nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa cho khán giả sân khấu nói chung, cán bộ, chiến sĩ Công an nói riêng.

Hoa Nguyễn (thực hiện)
.
.
.