Thiếu kịch bản sân khấu về Hà Nội đương đại
Sân khấu Hà Nội cũng “khát” kịch bản hay về đời sống đương đại của Thủ đô. Vì sao có tình trạng này và làm sao để các đơn vị sân khấu có những vở diễn đáp ứng yêu cầu của khán giả, thu hút người xem vẫn đang là bài toán khó dành cho người làm nghề và nhà quản lý.
Trong 13 vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 vừa được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố các vở diễn về đề tài lịch sử chiếm số lượng áp đảo.
Trong đó, vở Chèo “Trung trinh liệt nữ” từng được Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng, được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao giải B cho tác phẩm nghệ thuật xuất sắc năm 2020. Nhà hát Cải lương Việt Nam có vở “Bất tử với Thăng Long” vừa được đầu tư dàn dựng năm 2022. Vở “Trời Nam” của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Vở “Huyền tích Chùa Một Cột” của sân khấu Lệ Ngọc… Có những vở không gắn với Hà Nội như: Án tình, Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường, Mưa đỏ…
Chia sẻ quanh câu chuyện này, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, từ 5-7 năm trở lại đây, đơn vị rất khó khăn trong tìm kiếm kịch bản về Hà Nội đương đại. Có kịch bản tìm được nhưng chưa hay, chưa đạt tiêu chí để chọn dựng. Mỗi năm, Nhà hát đầu tư dựng từ 3-5 vở, trong đó, dựng vở về Hà Nội là ưu tiên hàng đầu. Để đáp ứng yêu cầu về kịch bản, đơn vị phải tính toán tự xoay xở tìm ý tưởng, tìm cách đặt hàng và động viên nội bộ của đơn vị viết. Riêng về đề tài lịch sử, Nhà hát xác định đây là trách nhiệm của đơn vị nghệ thuật, phải dựng kịch lịch sử để các thế hệ hiểu biết nhiều hơn về cha ông nên mỗi năm đều dựng. Tuy nhiên, NSND Trung Hiếu cũng cho rằng, về vấn đề thiếu kịch bản, nhất là kịch bản sân khấu về đề tài Hà Nội hiện đại, cần có những cuộc bàn thảo, tìm ra lý do và giải quyết cho được điểm nghẽn này.
Đồng quan điểm với NSND Trung Hiếu, NSND Lệ Ngọc – “bà bầu” của Sân khấu Lệ Ngọc bày tỏ sự tiếc nuối khi Liên hoan Sân khấu Thủ đô không hoàn toàn là các vở diễn về Hà Nội. Tuy nhiên, NSND Lệ Ngọc cũng cho rằng, các vở diễn về lịch sử hiện nay vẫn được khán giả yêu thích. Như vở “Huyền tích Chùa Một Cột”, khi đơn vị đưa đến biểu diễn tại nhiều trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, các em học sinh rất thích xem. Nhiều học sinh cho biết, khi xem kịch mới biết vì sao lại có Chùa Một Cột…
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Mỹ Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Hà Nội vẫn rất quan tâm đầu tư phát triển văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn về đề tài Hà Nội. Mỗi năm, Hà Nội đều đầu tư kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở đầu tư dựng vở mới, trong đó có các vở diễn về Hà Nội. Riêng Nhà hát Kịch Hà Nội dựng mỗi năm 3 vở. Tuy nhiên, bên cạnh đề tài về Hà Nội được ưu tiên dựng thì còn nhiều vở về đề tài khác nữa.
NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, để thu hút các đơn vị sân khấu trên cả nước dàn dựng các tác phẩm về Hà Nội thì cần có sự đầu tư thêm. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có thể tham gia hỗ trợ Hà Nội về mặt chuyên môn, thu lượm các các kịch bản về đề tài Hà Nội. Sau đó, Hà Nội hỗ trợ các đơn vị dàn dựng, có kế hoạch đầu tư cho các vở diễn về đề tài Hà Nội…