Thị trường xuất bản phẩm điện tử: Nhiều tiềm năng chờ khai phá

Thứ Sáu, 30/09/2022, 09:34

Xuất bản điện tử là xu hướng tất yếu. Thị trường xuất bản phẩm điện tử, trong đó có sách điện tử có nhiều triển vọng nhưng đến nay chưa phát triển tương xứng.

Theo ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời đang tạo ra một sự lựa chọn cho bạn đọc trong việc tiếp cận nội dung xuất bản phẩm. Tuy vậy, sách điện tử như đang được xuất bản và phát hành hiện nay chỉ là hình thức sơ khai so với những gì mà chúng ta có thể  nhìn  trước được khi Cách  mạng công nghiệp lần thứ 4  thực  sự ở giai đoạn  phát  triển  cao  trào. 

Khi  đó,  nội dung  đa  phương  tiện  sẽ  vô  cùng  phát  triển,  sách  điện  tử  không chỉ  còn  là  những  dòng  chữ đơn điệu  trên  màn hình đọc mà sẽ có sự xuất hiện của các thành phần đa phương tiện kết hợp công nghệ thực tế ảo và thực tại tăng cường. Nội dung sách sẽ có những video clip mô phỏng, kết hợp các thiết bị như kính 3D thực tế ảo, giúp độc giả  có được  những  trải  nghiệm  tuyệt  vời đối  với  một  số  loại  sách, như  sách  hướng dẫn du lịch, sách kỹ nghệ thực hành...

301772022_434889215300616_5086235297380858167_n.jpg -0
Góc triển lãm xuất bản điện tử dịp kỷ niệm 70 năm ngành Xuất bản Việt Nam.

Thực  tế  cho  thấy,  chuyển đổi  số  trong  lĩnh  vực  xuất bản từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, thể hiện rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết các nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Hiện nay, các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng  nhu  cầu  của  bạn đọc  thông  thường  mà  còn  đáp ứng  nhu  cầu  của nhiều đối  tượng  khách  hàng  đặc  biệt  khác  như học  sinh  các  cấp  học,  người khiếm  thị…

TS Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng nhận định, xuất bản điện tử sẽ giữ vị trí chủ đạo của ngành công nghiệp xuất bản thế giới. Tại Việt Nam, nhiều đơn vị xuất bản đã nhận thức được việc cần tham gia vào thị trường xuất bản điện tử. Tuy nhiên, mặc dù một số nhà xuất bản đã cố gắng chủ động tích lũy, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng với nguồn lực hạn hẹp, rất khó có đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa.

Thực tế, năm 2021, số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử tăng nhưng số đầu xuất bản phẩm chưa tăng tương xứng. So sánh với xu thế thế giới và tốc độ phát triển của một số nước trong khu vực, như Indonesia, Thái Lan, cho thấy Việt Nam còn chậm trong phát triển thị trường sách điện tử khi số nhà xuất bản tham gia tăng nhưng số sách điện tử không tăng tương ứng, hiện chỉ đạt 5,6 - 5,7%.

Một đại diện của Nhà xuất bản Trẻ cũng cho rằng thị trường sách điện tử đã có thời điểm ảm đạm nhưng đang khởi sắc trở lại. Số liệu  sách  điện  tử nộp  lưu  chiểu  theo  thống  kê cho thấy,  năm  2020  là 2.000  xuất  bản phẩm điện tử; năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm. Nguyên nhân là việc cấp phép hoạt động xuất bản điện tử cho các  nhà  xuất  bản đã được  thúc  đẩy  nhanh  hơn. Cục  Xuất  bản, In và Phát hành luôn tạo điều kiện và hỗ trợ để giúp các đơn vị đủ điều kiện theo quy định có thể đầu tư sản xuất - kinh doanh xuất bản phẩm điện tử.

Tính đến đầu  năm  2022  đã  có  12/57  nhà  xuất  bản được  cấp  phép  sách  điện  tử.  Bên  cạnh  các  nhà  xuất  bản  còn  có  một  số  công  ty  cũng được  cấp  phép  phát  hành  sách điện tử. Từ năm 2019, một số ứng  dụng sách nói đã ra đời, như Fonos,  Voiz  FM,  Waka,...  Các  ứng  dụng  này  đã  nhanh  chóng  bắt  kịp  và  đáp ứng đúng nhu cầu của độc giả, đặc biệt trong hai năm đại dịch COVID-19. Đến nay, ebook vẫn đang tồn tại bên cạnh audiobook ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, trong thời kỳ 4.0, khi mọi thứ đều dựa nhiều vào dữ liệu lớn, học máy, học  sâu,...  ngành xuất bản cần tiếp tục đầu tư cho ebook/audio để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Để đẩy mạnh  phát  triển  sách  điện  tử,  chúng ta là nên sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện  tử, đó  là  các  loại  sách  dựa  trên  nền  tảng  công  nghệ  như  ebook,  audiobook, VR book,... Nếu có được chiến lược này, chúng ta sẽ  tránh  được  tình  trạng  phân  mảnh,  trăm  hoa  đua  nở,  khó  quản  lý  như hiện nay. Chiến lược đó sẽ quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng và độ tập trung để tập trung xuất bản và kinh doanh sách điện tử.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để sớm tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử và mạnh tay dẹp bỏ triệt để  các  hành  vi  chia  sẻ lậu,  bất  hợp  pháp  các  ebook,  audiobook  trên mạng và quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản sách điện  tử.  Tiềm  lực  về nền  tảng  công  nghệ của  các  nhà  xuất  bản  và  các  công ty hoạt động  trong  lĩnh vực xuất bản hiện nay còn hạn  chế.

Trong thời kỳ 4.0, nền tảng công nghệ để sản xuất và phát hành sách điện tử rất nhanh lỗi thời, do đó các đơn vị phải cần nguồn vốn  lớn để  liên  tục  cập  nhật,  nâng  cấp.  Có  như  thế mới đáp ứng được  nhu  cầu của bạn đọc, theo kịp được xu hướng của thế giới, và tránh lặp lại những khó khăn mà các công ty ebook thời kỳ đầu ở Việt Nam gặp phải…

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên, trong giai đoạn sắp tới, ngành xuất bản, in và phát hành xác định phát triển ngành xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực. Ngành cũng sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, trong đó có tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số bằng việc tăng số lượng các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành xuất bản phẩm tham gia xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối...; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số trên từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

N.Nguyễn

.
.
.