Thi sáng tác kịch bản phim: Hoạt hình bội thu, tài liệu thất thu
Đây là lần đầu tiên Cục Điện ảnh tổ chức thi sáng tác kịch bản có thời lượng dài 60 phút đối với kịch bản tài liệu và 90 phút đối với kịch bản phim hoạt hình nhưng Ban Tổ chức không tìm được kịch bản phim tài liệu xuất sắc để trao giải. Kịch bản phim hoạt hình lại khá nhiều và "bội thu" giải thưởng.
Sau 7 tháng tổ chức, cuộc thi "Sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút) và kịch bản phim hoạt hình (90 phút) năm 2021" đã khép lại với lễ trao giải vào chiều 28/12. Cuộc thi dành cho các tác giả chuyên nghiệp và người viết không chuyên, là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, không giới hạn về độ tuổi.
Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, theo kế hoạch, thời hạn nhận kịch bản tham dự cuộc thi từ ngày 17/5 đến 31/8. Tuy nhiên, dịch bệnh do COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời để tạo thuận lợi và đáp ứng nguyện vọng của nhiều các tác giả muốn tham dự cuộc thi, Ban Tổ chức đã chủ động, linh hoạt ra thông báo về việc kéo dài thời gian nhận kịch bản đến ngày 10/9, đồng thời chấp nhận các kịch bản dự thi được gửi qua email thay vì gửi trực tiếp và qua bưu điện.
Đến hết ngày 10/9, Ban Tổ chức đã nhận được 57 kịch bản phim hoạt hình, 26 kịch bản phim tài liệu dự thi. Tuy nhiên, có 5 kịch bản phim hoạt hình và 2 kịch bản phim tài liệu chưa đủ điều kiện để đưa vào tham dự cuộc thi do văn bản chưa phải là kịch bản, quá sơ sài, hoặc viết tay một vài trang.
Theo đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương, Trưởng ban Chung khảo kịch bản phim tài liệu và đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí, Trưởng ban Chung khảo kịch bản phim hoạt hình, đối tượng tác giả tham gia cuộc thi khá đa dạng về thành phần và độ tuổi, vùng miền. Về kịch bản phim tài liệu, vấn đề và đề tài của kịch bản tham dự tương đối đa dạng. Có kịch bản về thành tựu khoa học trong thời đại cách mạng công nghệ, về nông nghiệp nông thôn, an ninh quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn phát huy giá trị văn hoá, tín ngưỡng. Có kịch bản viết về chân dung người đã có cống hiến cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, về cách mạng, nhân vật lịch sử, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ Công an nhân dân…
Kịch bản phim hoạt hình khá đa dạng về thể loại, tạo nên sự hấp dẫn riêng của cuộc thi. Đề tài và nhân vật lịch sử, lồng ghép yếu tố huyền sử với lịch sử, truyền thuyết. Có kịch bản dựa trên các truyện cổ tích Việt Nam, đề tài khoa học viễn tưởng, thế giới thiên nhiên, bảo vệ môi trường, có nhiều kịch bản kết hợp giả tưởng, xuyên không và thực tại. Nhiều kịch bản viết về thế giới động vật, những câu chuyện được nhân cách hóa sinh động, về thiếu nhi và cả những câu chuyện về gia đình rất cảm động. Đề tài bảo vệ môi trường được các tác giả quan tâm nhiều, có 13/52 kịch bản viết về vấn đề môi trường với các hình thức khác nhau.
So với cơ cấu giải thưởng, cuộc thi không có kịch bản phim tài liệu được trao Giải Nhất, chỉ có 1 kịch bản Giải Nhì và 1 kịch bản Giải Ba. Về kịch bản phim hoạt hình, Ban Chung khảo cũng đã họp, thảo luận, đánh giá từng kịch bản và thống nhất trao giải cho 5 kịch bản đúng như khung giải thưởng, gồm 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 2 Giải Ba. Ban Giám khảo đã xem xét, trên cơ sở chất lượng của các kịch bản có đề tài lịch sử, viết về các anh hùng dân tộc và cuộc chiến chống ngoại xâm của dân tộc để lựa chọn 1 kịch bản có chất lượng và điểm số cao nhất để đề nghị Ban Tổ chức xem xét, quyết định trao Giải Khuyến khích cho kịch bản phim hoạt hình dài có đề tài lịch sử.
Tại buổi lễ, về hạng mục Phim tài liệu, Ban Tổ chức trao giải Giải Nhì cho kịch bản "Lửa giận" của nhóm tác giả Trần Thanh Hưng, Hồ Nhật Thảo; 1 Giải Ba cho kịch bản "Đồng bằng sông Cửu Long và nông nghiệp thuận thiên" của tác giả Nguyễn Thu Tuyết.
Về hạng mục Phim hoạt hình có 1 Giải Nhất - kịch bản "Dưới bóng cây" của nhóm tác giả Đoàn Trần Tuấn Anh, Phan Gia Nhật Linh, Đồng Thị Tân Khánh. 2 Giải Nhì: Kịch bản "Sống sót" của tác giả Đặng Thị Linh (bút danh Đặng Nhật Anh); kịch bản "Tò he nổi loạn" của tác giả Đàm Thùy Dương. 2 Giải Ba: Kịch bản "Gió thần" của tác giả Nguyễn Anh Quốc; kịch bản "Chuyến du hành tương lai" của tác giả Nhiếp Thị Hải Anh. 1 Giải Khuyến khích dành cho kịch bản về đề tài lịch sử: Kịch bản "Gươm báu Thuận Thiên" của tác giả Lê Ngọc Minh.