Thể thao Việt Nam lép vế ở ASIAD 19: Đã đến lúc thay đổi định hướng?
Nhất toàn đoàn tại SEA Games 32, nhưng đoàn thể thao Việt Nam lại lép vế ở ASIAD 19 so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Đây là điều nghịch lý khiến những người làm thể thao nước nhà cần nhìn nhận kỹ lưỡng và đưa ra phương án cho tương lai. Đã đến lúc Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào các môn thể thao Olympic?
Lép vế ở ASIAD 19
Sau đúng 1 tuần thi đấu chính thức, đoàn thể thao Việt Nam mới giành được 1 huy chương vàng từ môn bắn súng nhờ công Phạm Quang Huy. Giống như nhiều kỳ đại hội thể thao lớn trước đây, bắn súng trở thành “cứu tinh” cho Việt Nam trên bảng tổng sắp.
Trước khi xạ thủ 27 tuổi người Hải Phòng tỏa sáng bất ngờ, đoàn thể thao Việt Nam săn vàng trong vô vọng. Các nội dung được kỳ vọng nhất lần lượt trôi qua với các thất bại vừa đáng tiếc, vừa đáng quên của Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Huy Hoàng, Dương Thúy Vi…
Nguyễn Huy Hoàng thất bại trên đường đua sở trường - bơi 1.500m tự do nam. Cho dù kịp hồi phục và giành cú đúp huy chương đồng ở các nội dung bơi 800m và 400m tự do nam, nhưng rõ ràng kình ngư 23 tuổi này không thể hài lòng. Anh không thể bảo vệ màu huy chương ở ASIAD, trong khi đã có thêm 5 năm thi đấu. Độ tuổi đẹp nhất để bứt phá trong sự nghiệp của Huy Hoàng đang trôi dần đi, và thật khó cho anh tạo ra bất ngờ tại ASIAD 20. Trong khi đó, các kình ngư khác đồng loạt gây thất vọng, với bảng thành tích thậm chí tệ hơn cả ở SEA Games 32.
Trong khi đoàn thể thao Việt Nam chật vật, các quốc gia lớn khác ở Đông Nam Á đang thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc tại ASIAD 19. Thái Lan đang chễm trệ trong Top 6 với 8 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 14 huy chương đồng. Trong đó, có 5 huy chương vàng đến từ các môn thể thao Olympic là Đua thuyền buồm, Taekwondo.
Indonesia và Malaysia cùng có 3 huy chương vàng. Indonesia giành 2 chiến thắng ở môn bắn súng, và 1 chiến thắng ở môn Wushu. Malaysia giành vàng ở môn đua thuyền buồm, Squash và cưỡi ngựa. Hiện tại, Singapore cũng có 2 huy chương vàng - đều đến từ đua thuyền buồm và đang đứng trên Việt Nam trên bảng tổng sắp. Ngoài ra, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore giành nhiều huy chương khác ở các môn Olympic vốn không phải thế mạnh của Việt Nam.
Đây có thể xem là nghịch lý với thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 32 vừa diễn ra hồi tháng 5 tại Campuchia, Việt Nam xuất sắc giành ngôi nhất toàn đoàn với 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 114 huy chương đồng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á khi không làm chủ nhà, và là lần thứ 3 liên tiếp chúng ta đứng trên Thái Lan ở bảng tổng sắp cuối cùng. Tất cả những thông số này đều rất ấn tượng, nhưng tạo ra thực tế đáng buồn: Việt Nam ngày càng mạnh hơn ở khu vực, nhưng đứng yên - thậm chí là thụt lùi khi bước ra sân chơi châu lục và thế giới.
Đây tưởng như là điều chỉ xảy ra ở môn bóng đá, nhưng thực tế lại diễn ra ở tất cả các môn được xem là thế mạnh, là sở trường và có nhiều hy vọng nhất của Việt Nam, từ bơi lội, boxing, bắn súng…
Đã đến lúc thay đổi định hướng?
Không phải đến thời điểm này giới mộ điệu hay các chuyên gia mới nhìn ra vấn đề của thể thao Việt Nam. Nhưng cũng như bóng đá, thể thao chung của Việt Nam cần quyết liệt làm mới nếu muốn theo đuổi những mục tiêu cao hơn.
Ở môn bóng đá nam, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) gần như chấp nhận “đập đi, xây lại” với HLV Troussier. Đáng chú ý, VFF quyết tâm làm mới ngay sau giai đoạn gặt hái thành công vang dội cùng HLV Park Hang-seo. Họ tin rằng sức mạnh của tuyển Việt Nam đã đến điểm giới hạn với HLV người Hàn Quốc và sẽ đi tụt lùi nếu không cải tổ toàn diện.
HLV Troussier thành công hay không là câu chuyện của tương lai. Nhưng ít nhất, VFF đã dám thay đổi để hướng đến mục tiêu cao hơn, tầm vóc lớn hơn. Kể từ khi nhậm chức, HLV người Pháp luôn nhấn mạnh mục tiêu đưa tuyển Việt Nam lên tầm các đại gia châu Á với lối chơi kiểm soát bóng - lối chơi chủ động của các đội bóng có thực lực.
Tương tự như vậy, thể thao Việt Nam cần phải chấp nhận các cơn đau đột ngột nếu muốn hướng đến các sân chơi tầm cỡ hơn như ASIAD hay Olympic. Tất nhiên, SEA Games luôn có một vị trí quan trọng, và Việt Nam không thể bỏ qua các môn thể thao mang tính chất khu vực.
Vấn đề ở đây không phải cắt giảm đầu tư cho các môn thể thao chỉ mạnh ở SEA Games. Thực tế, những môn thể thao này vốn không nhận được sự quan tâm quá lớn từ các ban, ngành và xã hội. Họ vẫn tồn tại và tiến lên theo cách của riêng mình.
Vấn đề của Việt Nam là thay đổi triệt để ở các môn thể thao Olympic, ngay từ khâu tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn. Tất cả cần có một kế hoạch, lộ trình phát triển bài bản, đồng bộ từ cấp thấp nhất. Và khi một tài năng xuất chúng xuất hiện, cả xã hội cần vào cuộc giúp họ nâng tầm với điều kiện tốt nhất.
Tất nhiên, đó là bài toán không đơn giản. Nhưng mọi thứ sẽ không thể bắt đầu nếu thiếu người khởi xướng. Đã đến lúc thể thao Việt Nam cần đánh giá toàn diện và đưa ra giải pháp quyết liệt cho tương lai để tránh cảnh trắng tay toàn tập như ở Olympic Tokyo 2021.
Việt Nam khó vượt ngưỡng ở Paris 2024
Olympic Tokyo 2021 đánh dấu kỳ Thế vận hội đầu tiên mà Việt Nam không thể giành huy chương nào kể từ năm 2004. Tại Nhật Bản, đoàn Việt Nam có tổng cộng 18 vận động viên tranh tài 11 môn thể thao khác nhau. Đây là con số không tệ nhưng các vận động viên của chúng ta không thể gặt hái thành tích như mong đợi.
Đến Paris 2024, điều này rất có thể sẽ lặp lại một lần nữa khi thể thao Việt Nam không xuất hiện “thần đồng” nào trong vòng 2 năm qua. Ở những môn khó nhằn như bơi lội, kình ngư số 1 Việt Nam là Nguyễn Huy Hoàng cũng chỉ dám đặt mục tiêu lọt vào top 8 - tức được thi chung kết. Tương tự như vậy, hầu hết các môn thể thao khác, việc có vé dự Olympic đã là thành công với vận động viên Việt Nam.