Tết xưa, Tết nay qua góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hoá

Thứ Sáu, 28/01/2022, 09:57

Vì dịch bệnh COVID-19, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 không tổ chức lễ hội, không bắn pháo hoa đêm giao thừa và nhiều thay đổi khác nữa của đời sống hiện đại đã khiến không ít người có suy nghĩ Tết cổ truyền dân tộc “nhạt” dần. Tuy nhiên, góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu lâu năm cho thấy, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu thì Tết cổ truyền vẫn giữ nguyên hồn cốt vốn có…

Trao đổi với chúng tôi về Tết xưa, Tết nay, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nhận định: Tết xưa và nay thay đổi rất nhiều. Điều này chúng ta đã trải nghiệm, đã nhận thấy. Sự thay đổi đó là bình thường theo sự phát triển kinh tế xã hội, theo nhu cầu của con người, nhưng có những cái vĩnh cửu, không thay đổi được, đó là giá trị của ngày Tết.

Ngày Tết giúp chúng ta nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ. Con cháu nhà nào cũng có bánh chưng bày trên ban thờ, thắp hương tưởng nhớ tiền nhân, những người đã khuất. Đấy là truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt, là giá trị mang tính vĩnh hằng của Tết truyền thống. Chúng ta đón Tết vào mùa xuân, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa. Con người thưởng thức khí trời thiên nhiên, cộng hưởng bằng bàn tay khối óc, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Hoa là thiên nhiên nhưng cũng từ bàn tay sáng tạo của con người. Tết gắn liền với văn hoá người Việt và con người tạo ra Tết.

Tết xưa, Tết nay qua góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hoá -0
Tái hiện phong tục xin chữ ngày xuân tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bây giờ nhiều người ái ngại khi Tết không như xưa, vì thanh niên đi du lịch, không đón Tết như cha ông. Thực ra, điều này không đáng lo ngại. Vì Tết là dịp nghỉ ngơi, sau một năm họ lao động miệt mài. Dù họ không ở nhà thì Tết vẫn là dịp đoàn viên, vợ chồng con cái có dịp ở bên nhau và tấm lòng mỗi người vẫn hướng về tổ tiên, ông bà. Gia đình nào cũng làm lễ thắp hương, cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Đêm Giao thừa, mọi người quây quần trong nhà. Nhiều gia đình không gói, luộc bánh chưng ngày Tết như xưa nhưng chúng ta vẫn có bánh chưng, vẫn luôn tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, người sinh thành ra mình, tri ân các thầy cô… Uống nước nhớ nguồn - giá trị đạo đức xuyên suốt của dân tộc nhưng thể hiện rất rõ trong ngày Tết. “Tôi tin các thế hệ người Việt sẽ biết bỏ cái gì, giữ cái gì và những cái tinh tuý, cơ bản của truyền thống thì vẫn luôn giữ được”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Dịch giả, hoạ sĩ Trịnh Lữ thì cho biết, gia đình ông không phải gia đình truyền thống điển hình. Bố mẹ ông đều là họa sĩ, thuộc lớp họa sĩ Đông Dương, tính cách nghệ sĩ, Tây học cũng nhiều nên gia đình ông không quá câu nệ vào chuyện tập tục hay hình thức. Tuy nhiên, tinh thần của Tết cổ truyền thì gia đình vẫn giữ. Tết xưa nhỏ bé, giản dị hơn. Bây giờ nhịp sống xã hội đã rất khác. Tết có những thay đổi nhưng những giá trị cốt lõi thì vẫn không thay đổi. Gia đình ông quan niệm, con người sống theo nhịp sống của thiên nhiên, nhịp sống của xã hội, hoà hợp với đất trời, với cộng đồng. Tết là mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Con người thanh lọc tâm hồn, thanh lọc cái cũ để đón nhận chu kỳ mới của vũ trụ, trời đất mà mình là một phần trong đó. Các thành viên trong gia đình không mặc áo the khăn xếp, đón Tết rất giản dị, nhưng bao giờ Giao thừa cũng vẫn thắp hương, tưởng nhớ ông bà cha mẹ, cùng quây quần bên nhau, cùng nhìn lại một năm đã qua của mình…

Bày tỏ sự lạc quan về Tết truyền thống của người Việt hiện nay, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, truyền thống không có nghĩa là trở lại cái cũ. Truyền thống cũng vận động phát triển. Chúng ta cần xem và học cách ứng xử của ông cha ta để phát triển chứ không phải làm lại như xưa, mặc dù có những cái chúng ta phục hồi lại. Tết cổ truyền của dân tộc cũng như thế.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, Tết có nhiều ý nghĩa. Vào dịp Tết, tập quán, đạo lý, thói quen, kể cả gia phong của mỗi nhà được lặp lại. Mỗi năm chúng ta lại học bài học tưởng như cũ nhưng luôn luôn mới này. Người trẻ tiếp nhận bài học mỗi năm một cách khác nhau và trưởng thành dần lên. Chưa kể, nếp sống hiện đại cũng đòi hỏi chúng ta thay đổi.

“Chúng ta hội nhập với thế giới. Người nước ngoài đầu tư ở Việt Nam hay người Việt Nam đầu tư ở nước ngoài cũng phải có cái chuẩn chung. Đã có thời gian, chúng ta đã có những ý kiến, tranh cãi quanh việc có nên dẹp Tết cổ truyền để ăn theo Tết Tây hay không? Suy nghĩ này có cái lý của nó và nên được chia sẻ với thiện chí vì cái chung. Nếu chúng ra giải quyết nó không tốt thì sẽ nảy sinh nhiều xung đột về lợi ích. Ví dụ chúng ta ăn Tết, lao động được nghỉ nhưng không thể nhân danh chúng ta ăn Tết mà không hoàn thành hợp đồng. Dịp Tết đi lại chen chúc, đông đúc, dịch bệnh phức tạp thì ứng xử như thế nào? Vấn đề là giải pháp của chúng ta và mỗi người cần điều chỉnh mình vì lợi ích chung nhưng không phải bỏ hẳn Tết cổ truyền. Chúng ta hội nhập với thế giới càng sâu thì càng phải biết gìn giữ bản sắc riêng của mình. Nhu cầu phát triển của thế giới cũng như vậy”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ.

N.Nguyễn
.
.
.