Để liên kết xuất bản không chệch “đường ray”

Sôi động hoạt động liên kết xuất bản (Bài 1)

Thứ Ba, 25/07/2023, 06:30

Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế cho thấy hoạt động liên kết xuất bản thời gian qua còn có nhiều mặt hạn chế, yếu kém, sai sót..., đòi hỏi cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa để hoạt động này không đi chệch “đường ray”.

Kể từ khi Luật Xuất bản năm 2004 ra đời, cho phép xã hội hóa trong lĩnh vực xuất bản, mô hình liên kết xuất bản(liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản (NXB) với các công ty, nhà sách, đơn vị tư nhân...) đã giúp thị trường sách ở nước ta phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đặc biệt bạn đọc có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn tri thức từ các ấn phẩm. Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế cho thấy hoạt động liên kết xuất bản thời gian qua còn có nhiều mặt hạn chế, yếu kém, sai sót..., đòi hỏi cần có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa để hoạt động này không đi chệch “đường ray”.

Bên cạnh những cuốn sách hay, có giá trị và sức lan tỏa với xã hội thì hoạt động liên kết xuất bản cũng “tạo ra” những cuốn sách dở bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, bị dư luận xã hội lên án. Thực tế cho thấy việc quản lý mô hình liên kết xuất bản vẫn còn nhiều bất cập đến từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Hay, dở đều cùng một mối

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản, trực thuộc 54 cơ quan chủ quản, trong đó có 15 NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong khi đó, cả nước có 2.050 cơ sở phát hành sách. Như vậy, số công ty làm sách đang phát triển hết sức mạnh mẽ, lấn lướt các NXB, khi gấp khoảng 36 lần. Những năm qua, ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ cả trong các chỉ số năng lực sản xuất, doanh thu, lợi nhuận... trong đó phải kể đến các công ty làm sách, với mô hình liên kết xuất bản.

sach bi thu hoi_jlez.jpg -0
“Miếng ngon Hà Nội” là một trong những cuốn sách điển hình ra đời từ mô hình liên kết xuất bản đã bị tịch thu, tiêu hủy do có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Thời gian qua có nhiều cuốn sách hay được ra đời từ mô hình liên kết đã được giải thưởng lớn, như tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ  5 – năm  2022 có một số cuốn, như: “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (NXB Thế giới liên kết Công ty cổ phần Thái Hà) giành giải A; “FDI - Nhiệm vụ kép trong bối cảnh mới” (NXB Khoa học và Kỹ thuật liên kết Công ty cổ phần Sách Alpha); “Văn minh vật chất của người Việt” (NXB Thế giới liên kết Công ty cổ phần Zenbooks) giành giải B…

Thực tế có tình trạng, một số NXB tự làm sách rất ít và phải sống bằng việc bán giấy phép xuất bản. Khi đó, các công ty sách, cơ sở phát hành sách mới chính là lực lượng chủ lực đang trực tiếp làm sách. Cụ thể, năm 2022, NXB Hội Nhà văn liên kết xuất bản 2.009 cuốn, số sách tự xuất bản là 4 cuốn. NXB Thế giới liên kết xuất bản 1.221 cuốn, tự xuất bản 5 cuốn... Đặc biệt, NXB Tôn giáo lâu nay gần như không tự làm sách, chỉ liên kết xuất bản (năm 2022, NXB Tôn giáo liên kết xuất bản 743 cuốn và không có cuốn nào tự xuất bản). Theo Giám đốc NXB Tôn giáo Nguyễn Hữu Có, NXB luôn làm theo đúng tôn chỉ, mục đích của mình, giữ được vai trò, vị thế của mình trong liên kết, không “vơ bèo vạt tép”, chạy theo lợi nhuận để làm ẩu.

Ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho biết, ngoài một số NXB nhà nước dẫn đầu trong các mảng sách của mình thì các công ty sách tư nhân nhiều năm nay cũng chọn lựa đầu tư vào những mảng sách thế mạnh, qua đó đã dần dần có được vị thế trên thị trường xuất bản, tạo được tín nhiệm đối với bạn đọc. Ví dụ như Alpha books chuyên sách kinh doanh, Firstnews chuyên sách self-help, Thái Hà làm sách thiền, sách tu tập Phật giáo, Đinh Tị làm nhiều sách thiếu nhi, Đông A tập trung làm sách có hình thức đẹp, IPM làm sách manga, light novel Nhật Bản, Comicola chuyên về truyện tranh trong nước... Còn Nhã Nam, mặc dù gần đây đã mở rộng mảng sách văn hóa, lịch sử, triết học nhưng văn học vẫn là mảng cốt lõi. Một điều khá rõ ràng là các đơn vị làm sách tư nhân trong nhiều năm qua cũng đóng góp rất nhiều công sức để thực hiện các chương trình truyền thông, các hoạt động khuyến khích việc đọc sách cũng như góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng hội nhập của thị trường xuất bản Việt Nam.

Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty sách Liên Việt cho rằng, mô hình liên kết xuất bản được quy định trong Luật Xuất bản năm 2004 đã tạo điều kiện cho Liên Việt và hàng loạt công ty, nhà sách ra đời, như: Alpha, Nhã Nam, Bách Việt, Minh Long, Thái Hà... “Các công ty sách ra đời với mong muốn mang đến cho bạn đọc những cuốn sách có giá trị nội dung cao, phản ánh đậm nét văn hóa, con người Việt Nam” - bà Vũ Phương Liên cho biết.

Tuy nhiên, chính mô hình này cũng đã và đang mang lại những hạn chế của ngành khi để “lọt” những cuốn sách có sai sót về chính trị, có hình ảnh phản cảm, nhảm nhí, bạo lực, có nội dung không phù hợp với lứa tuổi, đối tượng bạn đọc... khiến dư luận dậy sóng, như “Miếng ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng (NXB Dân Trí liên kết Công ty văn hóa Minh Tân - Nhà sách Minh Thắng) là một ví dụ điển hình. Đặc biệt từ mô hình này đã khiến việc in thơ quá dễ dàng và cảm tưởng ai bỏ tiền ra cũng có thể trở thành “nhà thơ”.

Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam chua xót cho rằng, người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay, thơ dở đã khiến thơ ca nói riêng, văn học nói chung hỗn loạn, các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thơ ca là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, cần có cách ứng xử khéo léo với thơ ca cũng như những cuốn sách thơ.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, cần có sự kiểm soát đặc biệt, cách quản lý hài hòa, khéo léo để vừa tạo điều kiện cho các nhà thơ không chuyên phát triển, vừa bảo đảm được chất lượng các tác phẩm thơ ca.

Những kiểu “ăn xổi”

Thẳng thắn nhìn vào hoạt động liên kết xuất bản hiện nay, TS Hoàng Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thư ký biên tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật cho rằng, hoạt động này đang được thực hiện một cách lỏng lẻo, chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên tham gia liên kết xuất bản. Dù được thực hiện trên danh nghĩa liên kết xuất bản nhưng phần lớn các khâu từ chọn bản thảo, biên tập đến in ấn, phát hành đều chủ yếu do các đơn vị tư nhân thực hiện, NXB chỉ cấp giấy phép. Do đó, chỉ cần NXB sơ suất trong quản lý là xuất hiện ngay sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng. Nhưng cũng một thực tế là một số NXB đang “cố tình sơ suất”, bán giấy phép xuất bản mà không cần biết xuất bản phẩm có nội dung ra sao, có bản quyền hợp pháp hay không để cốt thu được lợi ích.

Đứng trên góc độ của công ty sách, ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam thừa nhận, một số nhà sách tư nhân ít nhiều vẫn còn tư duy làm ăn chộp giật, chỉ coi sách là loại sản phẩm để buôn bán có lời, sẵn sàng làm ra một số cuốn sách chất lượng không cao, thậm chí coi là sách hạng hai, sách giá trị thấp, miễn là bán được.

Trao đổi với PV Báo CAND, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên khẳng định, thực tế cho thấy liên kết xuất bản phát triển mạnh mẽ thì một bộ phận NXB quá phụ thuộc vào liên kết dẫn đến việc không thực hiện một cách đầy đủ các vai trò của mình. Ban đầu là liên kết dần dần phụ thuộc và sau đó bị đối tác chi phối dẫn đến việc đánh mất vị thế, vai trò của mình. Nếu sự chi phối đó đi đúng định hướng thì dù sao cũng không là xu hướng phát triển lành mạnh. Còn nếu như sự chi phối đó dẫn đến những sai sót về mặt nội dung, tư tưởng, thiếu đi sự lành mạnh của thị trường, kể cả hiện tượng in lậu, nối bản thì lại còn nguy hại hơn.

“Tuy nhiên, không phải sự chi phối nào cũng hỏng. Lâu nay, mọi người cứ mặc định chi phối là có lỗi, thực tế thì không phải sự chi phối nào cũng dẫn đến sự chệch định hướng. Bởi vì bản thân đơn vị tư nhân cũng cần đảm bảo nguồn lực tài sản của mình khi đầu tư để được phát hành an toàn. Nhưng cũng phải thừa nhận một bộ phận tư nhân bất chấp pháp luật, không cần thương hiệu, không cần làm ăn lâu dài”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, hình thức liên kết xuất bản hiện nay được mở rộng đa dạng, nhất là liên kết với nền tảng Logistics, liên kết với nền tảng thương mại điện tử… trong khi quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Xuất bản không theo kịp thực tiễn mà chỉ gói gọn cho mấy mục tiêu chính là liên kết in, liên kết phát hành, liên kết tác giả. Trong liên kết phát hành, việc liên kết tham gia vào tổ chức bản thảo đã làm không gian liên kết theo các quy định vừa chặt chẽ vừa quá cụ thể, tức là “cầm tay chỉ việc” làm ảnh hưởng đến rủi ro trong hoạt động dân sự. “Chính sự “nở rộ” của hoạt động liên kết xuất bản khiến nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh mà chúng ta đang lúng túng trong công tác quản lý”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên thừa nhận. 

(Còn nữa)

Ngô Khiêm
.
.
.