Quảng Nam nỗ lực phục hồi ngành Du lịch
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành Du lịch Quảng Nam. Do đó, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển KT-XH, tỉnh xác định lộ trình mở cửa từng bước, theo tiêu chí “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn và phù hợp với chỉ đạo chung”.
Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nằm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam có 2 di sản Văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Quảng Nam có khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Nghệ thuật hô hát Bài Chòi tại đây đã được UNESCO công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Cùng với đó là bờ biển dài 125km với nhiều bãi tắm đẹp đến say lòng du khách; gần 450 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, hàng chục làng nghề truyền thống và lễ hội dân gian độc đáo cùng với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc giáp với tỉnh Sê Kông (Lào) và hệ thống giao thông quốc gia đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đều đi qua tỉnh…
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh cho biết, xuất phát từ tiềm năng du lịch sẵn có, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2015-2019, ngành Du lịch đã đạt tốc độ phát triển khá ấn tượng. Riêng năm 2019, Quảng Nam đón gần 8 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm hơn 60%.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến du lịch rất nặng nề trong 2 năm qua. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách du lịch giảm mạnh, chỉ đạt hơn 300.000 lượt khách, giảm hơn 77% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 95% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu đạt 281 tỷ đồng; thu nhập xã hội từ du lịch đạt 660 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm hơn 93% so với cùng kỳ năm 2019; thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Hiện nay, hơn 90% doanh nghiệp (DN) du lịch tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 DN hoạt động cầm chừng. Có khoảng 14.000 lao động ngành Du lịch mất việc làm; nhiều DN đang khó khăn với các khoản nợ ngân hàng, thuế, bảo hiểm, có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay... và đang đứng trước nguy cơ phải giải thể.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai kịp thời, linh hoạt các biện pháp vừa đảm bảo phòng, chống dịch đồng thời động viên, chia sẻ và bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực và tạo đà để phục hồi dần các hoạt động phát triển KT-XH, trong đó có ngành Du lịch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cộng đồng, trong đó hiện nay đang ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngành Du lịch để chuẩn bị mở cửa đón khách. Để đảm bảo “mục tiêu kép”, tỉnh xác định lộ trình mở cửa từng bước theo tiêu chí: “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn và phù hợp với chỉ đạo chung”.
Thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Nam đã tổ chức nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có, đồng thời xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới để sẵn sàng phục vụ du khách khi đảm bảo các điều kiện cần thiết. Trong đó, đã tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có tại phố cổ Hội An, khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An; tổ chức chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” tại khu đền tháp Mỹ Sơn, Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (huyện Duy Xuyên); địa đạo Kỳ Anh (TP Tam Kỳ); khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia (thị xã Điện Bàn); làng du lịch cộng đồng xã Tam Hải (huyện Núi Thành); khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh (Phú Ninh)...
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh, bền vững để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt phù hợp với thị trường khách, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đang triển khai để đưa vào hoạt động gồm Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, tổ hợp khách sạn và nhà ở CYAN, dự án khu resort & Spa Marriott Hội An - Việt Nam…
Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch miền núi, du lịch cộng đồng, sinh thái như Vườn sâm Tắk Ngo (huyện Nam Trà My), Làng du lịch sinh thái Pơmu (Tây Giang); làng du lịch cộng đồng Cao Sơn (Bắc Trà My), thắng cảnh Khe Cái (Hiệp Đức), khu sinh thái Hố Quờn (Tiên Phước)…
Để phục hồi ngành Du lịch, tỉnh đang xây dựng lộ trình khôi phục ngành Du lịch gồm 4 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (từ cuối tháng 10 và tháng 11/2021) khi tất cả lao động ngành Du lịch được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày. Trước mắt tập trung đón nguồn khách du lịch cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam trong tỉnh là người dân địa phương, người đang sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành phố gần kề gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn nhằm tái khởi động cơ bản được các hoạt động du lịch để chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch dịp Noel, Tết Nguyên đán, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón khách từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Giai đoạn 2 (từ đầu tháng 12/2021) khi tất cả lao động ngành Du lịch được tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày. Thí điểm đón khách du lịch cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước theo mô hình “bong bóng du lịch” - khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.
Giai đoạn 3 (từ đầu tháng 1/2022), mở rộng đón khách cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… Du khách có thể lựa chọn hình thức đi theo tour trọn gói, khép kín của các công ty lữ hành tổ chức hoặc khách đi lẻ tự chọn dịch vụ gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch. Triển khai chương trình tour, hoạt động tham quan, du lịch, vui chơi giải trí dành cho khách nội địa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giai đoạn 4 được khởi động ngay khi Quảng Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép đón khách quốc tế.
Cùng với đó, Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết hành động khôi phục và phát triển du lịch 3 địa phương gồm Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế; tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, các tỉnh, thành phố để tổ chức một số sự kiện, hoạt động du lịch quan trọng nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Nam.